Bồn nước Chợ Mới Đàlạt xưa



Nhìn mấy tấm ảnh này khiến mình nhớ đến khi xưa, dạo còn bé, cũng vào tháng chạp, nghe người lớn kêu là mùa cưới nên nhà nào có đám cưới, ra chợ mướn chén bát của bà cụ để đãi tiệc cưới ở nhà. Dạo ấy ít ai làm đám cưới tại nhà hàng như ngày nay. Họ tổ chức đám cưới, có họ hàng bạn bè đến nấu dùm tại nhà. Bà cụ cho mướn 20% giá vốn, sau đó rửa rồi gói lại để bán cho thiên hạ đâu ai biết. Nếu có xức mẻ gì thì người mướn đền tiền. Xong om

Sau đó, cô dâu chú rể bận đi hưởng tuần trăng mật nên không chịu rửa chén bát nên mình và cô em kế phải thầu công việc này. Thông thường, họ đem chén đĩa trả kiểu bỏ trong mấy cái thùng to tướng hay cần xé, để nơi gần bồn nước. Trước nhất là phải lấy đồ ăn bỏ thùng rác, rồi ngâm xà phòng rồi hai anh em rửa mệt thở. Người rửa người tráng nước sạch, để ráo nước rồi lấy giấy báo xếp lên bát đĩa, lấy dây lạt buộc lại để bán Tết và được bà cụ trả công cho 2 đồng, mua kẹo. Họ trả bà cụ khá bộn để rửa nhưng bà cụ chỉ đưa hai anh em 2 đồng. Chán Mớ Đời

Hình #1 chợ mới xây nên dãy phố tiệm hai bên đường chưa được xây cất

Hình này cho thấy hai cầu thang của chợ Mới. Mỗi cầu thang có một bồn nước. Phía tay phải là cạnh hàng của bà cụ mình. Còn cầu thang bên tay trái, ngay khu Chợ Cá nên khá hôi vì người ta rửa cá tôm, cạo vãy cá,... phía bên kia chợ, hình như cũng có một bồn nước, chỗ chợ rau. Mình ít khi ra phía đó nên không nhớ rõ. 55 năm rồi còn gì.

Đặc biệt là bồn nước lúc nào cũng đầy vì vòi nước bị hư từ thời Bảo đại nhưng thành phố không cho ai thay cái mới. Mỗi ngày cả trăm người đến mở vòi rồi tắt thì chỉ trong vòng 1 tháng là mòn. Nước chảy đầy bồn rồi lan ra ngoài nên khu vực này nước va bùn hơi nhiều. Xem hình thì nhớ bồn nước có hình Ellipse với chiều dài độ 3-4 thước và được trang bị hai cái vòi hai bên.

Ta thấy chiếc cầu bằng bê tông do kiến trúc sư thiết kế, nối khu Hoà BÌnh vào lầu 2 Chợ Mới. Dưới cái cầu, có cái đồn cảnh sát, khá đặc thù, hiện đại cho kiến trúc thời đó, treo tòn ten, có cửa sổ kính 4 bề, nối với cái cầu thang nhỏ đi lên.

Trước đồn cảnh sát, có 4 cái nhà dù là quán hàng ăn và bán đồ. Cứ mỗi cái dù như vậy che 4 quán hàng ăn hay quán bán. Căn thứ nhất, cạnh bên bồn nước (cầu thang) thì có cái kho hàng của bà cụ mình vì hàng của bà cụ nằm ngày đó dưới tấm Dalle bê tông, kế bên là hàng hủ tiếu của chú thím Lìn, người Tàu sau này chạy sang mỹ. Quán phía trước, ngay đường là hàng thiết, nơi ông Thạc, thợ thiếc làm mấy bình tưới nước cho nhà vườn Đàlạt.

Mình hay ra ngồi xem ông ta làm mấy cái này. Ông ta có cái kéo to đùng để cắt thiếc. Dạo ấy mình thấy ông ta cứ vẽ méo méo không giống vòng tròn nên thấy lạ. Sau này học hình học mới hiểu. Ông ta có cái lò như cây súng. Mỗi lần sắp gò hàn thì ông ta bật lên nghe lửa xèo xèo, để làm nóng cái đồ hàn. Sau đó ông ta lấy cuộn dây chì rồi cứ để lên chỗ nào muốn hàn thì chạm dây chì xuống rồi châm cái đồ hàn nóng đầu lên thế là chì bị chảy, hàn hai miếng nhôm thiếc lại. Hàn kiểu này khác với những người Hàn đồ sắt, phải đeo cái đồ che mặt để tránh ánh sáng, chói mắt.

Khách hàng của ông thợ hàn là những nhà làm vườn ở Đàlạt, mấy thùng gánh tưới nước bằng nhôm hay thiếc như hình trên. (Minh hoạ)


Hình này thấy cái súng nhưng chắc sau này vì xưa kia cũng chạy bằng ga nhưng khác một tị. Đại khái quang cảnh ngày xưa cũng tương tự như tấm ảnh này. (Minh hoạ)


Hình này chụp chỗ phía sau tiệm chụp hình Hồng Châu, thấy cái cầu mới được xây xong, nối khu Hoà BÌnh và lầu trên của CHợ Mới. Xa xa thấy cái cầu thang chợ đi lên đường Lê Đại HÀnh, lúc này khu vũ trường La Tulipe Rouge và dãy nhà mà mình kể trên chưa được xây cất.


Ảnh này chụp nơi đầu cầu thang từ khu Hoà BÌnh đi xuống chợ Mới. Dãy nhà 2 tầng bên hông chợ mới đã được xây, nhìn bên phải có nhà ông bà Nguyễn Văn Ngạch, bố mẹ của dì Huê, bán hàng cạnh hàng mẹ mình. Hình như họ bán gạo thì phải và chén bát nữa.

Bản thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, rể của ông bà Võ Quang Tiềm, mẹ mình gọi là Dượng Dì. Cho thấy chiếc cầu có một bên được thiết kế xéo. Mình có gặp Dượng Thụ trước khi đi Tây, có lẻ vì vậy học kiến trúc, sau này về có gặp lại dượng ở Sàigòn trước khi dượng qua đời.

Nếu nhìn kỷ thì cầu phía bên phải không thẳng mà có góc độ xéo giúp người ta không bị choáng ngợp khi vào chợ. Âu châu hay làm kiểu này nhất là ở Ý Đại Lợi, khôi nguyên giải La MÃ, Ngô Viết Thụ từng sinh sống tại La MÃ 3 năm sau khi đoạt giải này nên rất bị ảnh hưởng của thiết kế dô thị của Ý Đại Lợi. Cái cầu thang to lớn lên từ chợ dưới, ngay vũ trường La Tulipe, theo mình rất bị ảnh hưởng của cầu thang chỗ công trường Piazza Espagna ở LA MÃ.


HÌnh này chụp ngay cầu thang vào chợ Mới trên lầu, nhìn xuống thấy dãy nhà bên trái do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế và bên phải là những nhà dù che các hàng quán ăn. Tết người ta không cho xe chạy vào khu vực này và để người dân buôn bán Chợ Tết ngoài đường.


Hình này cho thấy CHợ Mới và xung quanh được xây xong. 2 dãy nhà bên hông chợ, vũ trường La Tulipe và khách sạn Mộng Đẹp. Ông chủ của khách sạn xây thêm một tầng quá quy định, khiến mất quang cảnh nhìn từ Khu Hoà Bình xuống hồ Xuân Hương.


hình này chụp chỗ cầu thang trên lầu, bên tay phải là tiệm chụp hình Hồng Châu. Thấy dân tình ngồi bán lậu. Mình về Đàlạt, thấy dân vẫn tiếp tục bán ở , lâu lâu họ ôm đồ bỏ chạy khi công an đi tuần. Hình này theo mình là trước năm 1975, vì mấy bà đi chợ vẫn bận áo dài.


Hình cho thấy hình ảnh chợ Mới vào năm 1963 vì thấy cầu thang lên đường Lê Đại Hành nhưng chưa thấy vũ trường La Tulipe được xây dựng hay khu dãy nhà bên hông chợ mới.


Hình này cho thấy vũ trường La Tulipe được xây và dãy nhà bên hông chợ đã được xây cất. Căn đầu là tiệm Lộc Sơn, căn thứ 2 là tiệm Bình Lợi của cô BA Chỉ, bên cạnh là nhà của ông bà Nguyễn VĂn Ngạch.

Hình này cũng chụp gần gần góc hình #1 trên như sau này vì có dãy nhà 2 tầng thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ bên tay trái. Căn đầu tiên bên tay trái là tiệm Lộc Sơn, nhà của Võ Ngọc Sơn, học chung với mình khi xưa ở Yersin. Hồi nhỏ, mình với nó thân nhau lắm vì gặp nhau hàng ngày ở trường rồi chiều mình ra chợ phụ bà cụ lại gặp hắn. Sau này hắn đánh bi da hay cá độ. Nghe nói qua đời sau 75.

Nếu để ý thì thấy bên hàng thiếc của ông Thạc, có thêm một kiosque đó là hàng thiếc của em hay anh của ông Thạc, cư ngụ ở cư xá Nha địa Dư, đường Hai Bà Trưng. Sau này có thêm hàng có dì chi quên tên, có ông chồng tên Nghĩa, làm cảnh sát, ở trên đường Thi Sách, chỗ giếng ông Ba Tây, bán đồ hộp mỹ và đồ chơi cho con nít. Mình mua cái mũ nhựa của lính La MÃ ma ze Chợ Lớn tại đây, sau khi xem phim “La colère d’Achille” ở rạp Hoà Bình. Hết tiền rửa chén.

Phía bên tay phải chợ là khu hàng hoa, người ta bán hoa nhất là gần tết thấy hoa Anh Đào được bán nhiều ở khúc này. (Còn tiếp)

NHS