Đi Hoà Lan

Đi Hoà Lan

Dạo còn sinh viên mình hay làm hướng dẫn viên cho hội "auberges de la jeunesse" ở Paris vào dịp nghỉ lễ. Bên Âu Châu, có hệ thống "lữ quán trọ thanh niên" tại các tỉnh để giúp giới trẻ đi du lịch rẻ tiền. Chỉ cần làm thẻ hội viên là có thể ngủ lại các quán trọ này. Nhiều khi phải quét nhà, chùi dọn phòng tắm khi ghé lại các nơi này nhưng cái thú là rẻ và gặp nhiều nhóm trẻ khác, để chia sẻ kinh nghiệm du lịch nhiều khi rũ nhau đi chung một chặn đường. Mình gặp nhiều người mà sau 40 năm vẫn còn liên lạc. Công việc của hướng dẫn viên thì không có gì khó khăn, chỉ cần biết ngoại ngữ để hỏi đường, lo giấy tờ, chia phòng cho các nhóm trẻ đi du lịch, trong xe buýt thì kể về lịch sử các thành phố thăm viếng, kể chuyện tếu lâm, làm cho không khí trong xe vui vẽ, giúp mọi người làm quen nhau. Vừa được đi chơi vừa được trả tiền. 

Nhìn lại thì thấy lạ, trong xe buýt thì cả đám Tây đầm lại nghe một tên mít nói chuyện về lịch sử Âu Châu. Thật ra thì dân trí của Tây nói chung thì không khá lắm, ngoại trừ dân tốt nghiệp đại học. Dạo vào dân Tây, mình phải đi trình diện quân dịch 3 ngày để khám sức khoẻ... Vô trại lính thấy chung quanh dân Tây bằng tuổi mình ngố ngố, nói cười khá thô tục khiến mình cảm thấy lạc lõng như vào xứ nào ấy. Lúc đó  mới hiểu mình chỉ quen giới sinh viên nên tưởng lầm dân Tây đều là thông thái. May có một thằng Tây cũng sinh viên, cùng cảnh ngộ nên hai thằng gặp nhau mừng quá nên đi đâu cũng như hình với bóng. Khi vào gặp tên bác sĩ thì mình nói tôi sinh đẻ ở VN trong chiến tranh nên sợ súng đạn nên tên này gạch tên mình khỏi phải đi quân dịch.

Chuyến đi đầu tiên làm hướng dẫn viên là Amsterdam, hải cảng nổi tiếng và là trung tâm tài chánh của Hoà Lan. Thành phố này được xem là thủ đô của nước Hoà Lan nhưng thành phố chính trị, nơi chính phủ, quốc hội họp mặt là Den Haag, nơi có toà án quốc tế để xử các tù nhân, can phạm mang tội ác diệt chủng... Lúc mới đến Hoà Lan thì điều mình cảm nhận đầu tiên là dân bản xứ rất là cao, chắc là nhờ uống sữa và ăn pho mát nhiều. Đối với dân Tây thì mình thuộc loại trung bình nhưng với dân Hoà Lan thì thua cả cái đầu. Sau này mình có một tên bạn thân người Hoà Lan ở thành phố Maestricht thì thấy hắn uống mỗi ngày một lít sữa. Dân ở đây rất cấp tiến, ngày xưa cũng có nhiều thuộc địa nên ngày nay có đủ loại dân từ Surinam, Nam Dương,... đến lập nghiệp. Xứ này lấy màu cam làm màu của đất nước nên đi đâu cũng thấy màu cam. Vào thế kỷ 16 là đất của vua Tây Ban Nha, sau đóng thuế quá nặng và bị bạc đãi đạo tin lành nên dân chúng nổi dậy dành độc lập còn được gọi cuộc chiến 80 năm.

Đi chuyến này chỉ có 7 ngày nên chỉ chạy qua vài địa danh của xứ này nhưng không có thì giờ ngừng lại nhiều. Mình thường nghe dân Tây gọi xứ này là Pays Bas nhưng không hiểu sau này được dân địa phương giải thích là Holland do hai từ Hol Land, nghĩa là thấp và đất vì có nhiều nơi đất thấp hơn mặt biển như Rotterdam dưới 7m. Dạo đó chạy xe trong các hầm xây dưới biển thì thấy vĩ đại sau này Âu Châu xây đường xe lửa dưới eo biển Manche nối liền Anh quốc và Pháp. Nước Hoà Lan bị ảnh hưởng bởi bờ biển nên các đê chấn nước rất nhiều nên kỹ thuật của họ rất cao. Khi xưa thì họ dùng các máy cối xay quạt gió để đóng và mở nên ngày nay vẫn còn thấy các cối xay này nhưng không được sử dụng nửa. Khi đê ở Louisanne, Hoa Kỳ bị vỡ thì kỹ sư Mỹ phải thuê kỹ sư Hoà Lan làm tư vấn để thiết kế lại.

Nhóm ở lại quán trọ thanh niên của Amsterdam. Amsterdam tương tự Bruges của Bỉ mà dân Âu Châu hay gọi Venise của miền Bắc, có nhiều con kênh cho thuyền di chuyễn. Vào mùa Đông thường bị đóng băng nên dân xứ này trượt băng trên các con kênh khiến môn này được xem là môn thể thao mùa Đông của nước này. Phải công nhận dân xứ này giỏi sinh ngữ vì gặp học sinh trung học đều nói Anh ngữ rất chuẩn. Lối dạy sinh ngữ trong trường chuyên về thực hành hơn là chương trình của Tây, nặng về viết, văn phạm nhiều hơn. Mình có tên bạn KTS quen khi làm việc chung ở Thụy Sĩ thì ngoài tiếng Hoà Lan, hắn nói rất thông thạo Đức ngữ, Anh ngữ còn Pháp ngữ thì yếu nhất. Có lần hai thằng đi xe lửa từ Basel đến Lausanne thì hắn nói tiếng Pháp trong khi mình nói tiếng Đức khiến trong toa xe dân Thụy sĩ cứ nghĩ bọn này điên. Hắn muốn thực tập tiếng Pháp còn mình thì tiếng Đức.

Đến Amsterdam thì ai cũng phải đi xem khu phố màu đỏ vì trong cửa hiệu nhà thổ, có mấy cái ghế và các cô ngồi ăn bận rất hở hang, khoe hàng chớ không đứng đường như ở Paris khu Saint Denis. Ai thích thì mở cửa đi vào thương lượng, nếu ok thì lên lầu, đưa nhau lên đỉnh yêu đương. Hôm sau thì xe chở cả đoàn đi thăm một cái đập cao hơn mặt đất rồi đi xem các cánh đồng hoa Tulipe. 

Nước này nổi tiếng về hoa Tulipe được gia nhập vào thế kỷ 18 bởi đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ. Xe chạy qua những cánh đồng mênh mông toàn là hoa Tulipe rồi ghé lại các Trung tâm bán hoa và pho mát, nơi có dân địa phương bận đồ xưa, mang guốc gổ chào mời, múa nhạc cổ truyền. Xứ này hay được nhắc đến Tulipmania vì có dạo dân chúng khắp Âu Châu thích trồng Hoa Tulipe vì bán rất có lời tương tự ở VN có thời chim cút. Thiên Hạ rũ nhau nuôi chim cút để làm giàu và bị sạt nghiệp nhiều về vụ này. Tulipmania là vụ đầu tiên bên Âu Châu. Ngày nay Hoà Lan có kỹ nghệ trồng hoa tulip, hồng,.. , để sản xuất cho toàn thế giới, nghe nói 90% hoa ở Âu châu được mua từ Hoà Lan.

Lần thứ hai mình ghé Hoà Lan thăm tên bạn ở Maestricht, nơi có trụ sở của cộng đồng Âu Châu. Mình lấy xe lửa đến thành phố Liège, nước Bỉ gần biên giới Hoà Lan. Tên bạn từ Hoà Lan sang Bỉ đón mình về thăm gia đình hắn rồi chở đi thăm các thành phố khác. Nhà cửa tương tự như bên Anh quốc, xây bằng gạch nhưng sạch sẽ hơn, có l xứ này chuyên buôn bán nên ít thấy các ống khói kỹ nghệ. Có điều rất lạ là cửa sổ trước nhà rất to nhưng họ không làm màn để che nên ở ngoài đều nhìn thấy các sinh hoạt trong nhà, nói lên tính tình cởi mở, thoáng của dân địa phương. Họ ăn tương tự như dân Bỉ, buổi sáng jambon, xúc xíc, pho mát với bánh mì, trưa thì họ ăn buổi chính vì tối thì ăn nhẹ. Nói chung thì đồ ăn của họ không ngon bằng dân Latinh.

Tên bạn chở mình đi viếng thành phố Delphs nơi hắn tốt nghiệp trường kiến trúc. Thành phố này rất sinh động vì ngoài đường gặp toàn sinh viên, tương tự như khi đến Cambridge hay Oxford. Thành phố này được mệnh danh là Venise du nord vì có nhiều con kênh cho tàu bè di chuyễn. Mùa đông thì dân tình đi trượt thiết hài vì bị đóng băng.

Ở đây vài ngày sau đó thì mình lấy xe lửa về lại Paris,rồi sang Anh quốc làm việc. Tên bạn có ghé thăm khi lên Glasgow học thêm về thiết kế đô thị sau đó thì mình sang Mỹ làm việc rồi dọn nhà nên mất tin tức của hắn. Gần đây, mình dò trên LinkedIn thì tìm ra hắn, mừng hết lớn. Hắn không lập gia đình, ở với chung nhà do bố mẹ hắn để lại với cô em gái đã li dị vì bệnh trầm cảm lâu rồi. Bố mẹ hắn đã qua đời còn hắn thì có một văn phòng kiến trúc nhỏ ở Maestricht. Hi vọng năm tới, mình về thăm Âu châu sẽ ghé lại thăm hắn và vài người bạn ở Đức, Ý, Áo,..

Nhs