Đi Anh Quốc

Đi Anh *

Mình đi Anh quốc lần đầu khi học năm thứ 4. Thấy trong trường có quảng cáo chương trình ăn ở với người địa phương giúp sinh viên trau dồi Anh ngữ nên mình ghi tên đi hai tuần. Mình lấy xe lửa đến Rouen, cảng vùng Normandie rồi đi tàu qua vịnh Manche đến Plymouth rồi được ban tổ chức rước lên xe buýt chở về Luân Đôn. Thật ra là vùng ngoại ô, cách trung tâm thành phố độ 30 km. Xe chạy trên xa lộ thấy hơi lạ vì chạy bên trái nhưng không hiểu lí do còn bên Nhật thì chạy xe bên trái vì khi xưa các kiếm khách luôn đi bên trái để thủ và dễ rút kiếm. 

Có sách nói là ngày xưa khắp Âu Châu ai cũng đi ngựa bên trái vì thuận tay phải nên dễ rút gươm ra nhưng sau này Hoàng đế Napoleon lại thuận tay trái nên ông bắt lính Pháp đi bên phải để dễ nhìn nên từ đó các nước Âu Châu chạy xe ngựa bên phải còn Anh quốc thì vẫn giữa bên trái. Các thuộc địa cũ của Anh quốc đều lái xe bên trái ngoại trừ Hoa Kỳ vì chính phủ cách mạng muốn tẩy hết dấu vết của Anh quốc.

Xe buýt thả mình và các sinh viên khác tại một trung tâm thể thao của thành phố để họ duyệt danh sách rồi cho xe đưa mình về nhà trọ của người địa phương. Ban tổ chức trả tiền cho các người già về hưu, có nhà cửa và muốn kiếm thêm chút đỉnh tiền nên tham gia chương trình. Mỗi ngày gia đình nơi mình trú ngụ sẽ cho ăn ba bữa cơm nhưng thường thì tối mình ăn ngoài với đám sinh viên học chung vì London cách nhà khá xa nên đi về ăn không tiện. Mình được đưa về nhà một bà goá, chồng chết trong thời kỳ Đức quốc xã bỏ bom để lại cái nhà semi-detached trong khu phố, một loại nhà khá bình dân trong khu lao động. 

Phải nói thật là mình chỉ thấy toàn là nhà gạch và gạch và gạch nhiều nhất là gạch màu nâu hay đen khác với các nước latinh như Pháp, Ý, Tây Ban Nha,.. Sau này đi các nước Anglo-saxon như Đức, Hoà Lan,... thì dân địa phương dùng gạch để xây nhà nhiều nhất trong khi các nước la tinh thì dùng đá ong nhiều hơn. Ngoài gạch thì thấy cây cỏ xanh rì do khí hậu mưa quanh năm. Xứ sương mù này là hải đảo nên bị mưa khá nhiều. Ra đường là phải đem theo cái ô.

Nhà bà goá này đại loại có hai tầng, 3 phòng ngũ, hai phòng tắm. Mình chào hỏi xong thì được chỉ định lên lầu, ngoài phòng bà ta ra thì có hai phòng khác. Mình chọn phòng lớn nhất. Hai tiếng sau thì có một cô sinh viên Tây Ban Nha đến lấy phòng còn lại. Cô này tên Teresa từ thành phố Madrid. Phải công nhận cơm ăng lê dỡ thật. Họ chỉ có món Fish & Chip và Shepherd Pie là nổi tiếng ngoài ra thì các tiệm cơm tàu và ấn độ takeaway đầy đường. 

Sau này, khi mình đi làm ở đây, có tên làm chung gốc Hongkong giới thiệu một tiệm bán vịt quay ơ Notting Hill mà nghe hắn bảo là ngon nhất London và ngay Hongkong cũng không bằng nên mình hay đi ăn ở tiệm này. Khu này khi xưa rất nghèo nàn nhưng sau này được tân trang nên khá sang, dân cư thay đổi mà Hugh Grant và Julia Robert có đóng trong phim Notting Hill. 

Sau này sang làm việc ở New York, mình hay đến ăn món vịt quay ở phố Tàu mà ông thị trưởng Koch hay đưa các nguyên thủ trên thế giới đến tiệm này. Nếu ai đi New York thì đừng quên ghé lại tiệm này. Phải leo lên cầu thang nhỏ, họ đem con vịt quay ra rồi khứa cái da vịt ra cho mình cuốn bánh bao, chấm tương tuyệt cú mèo. Hồi mình đi làm ở HongKong thì không non bằng ở đây.  

Dân di cư Ấn rất đông nên các tiệm ăn Ấn độ rất nhiều cho nên dạo mình làm việc ở London thì đi ăn ngoài chỉ có cơm Tàu và Ấn. Nhớ lần đầu tiên ăn cơm Ấn độ với một tên người Pháp ở Monaco. Tên này là bạn thân với hoàng tử Albert, sau này mình có xuống ở nhà hắn ở Monaco vài ngày trên đường qua Ý. Sau này mất liên lạc nghe nói hắn làm cố vấn cho vua Albert khi vua Rainier chết. Nghe mấy người bạn Ấn độ nói là cơm ấn độ ngon nhất là ở Anh quốc tương tự cơm VN là ở Cali. Sau cơm tối thì mình có dịp thực tập Anh ngữ với cô Tây ban nha nên chán mớ đời, hai đứa cứ xổ tiếng Anh bồi ra cho nhau cộng thêm múa tay múa cẳng.

Sáng hôm sau thì đi học chung với Teresa tại trường học gần đó. Đa số sinh viên đến là từ Pháp, Tây ban nha và Ý. Chương trình học từ 9:00-1:00 sau đó thì đi viếng thăm các địa danh của Luân Đôn và viện bảo tàng. Học thì đàm thoại là chính, bà giáo bắt mỗi ngày coi một chương trình truyền hình rồi viết kể sơ lược cho cả lớp nghe rồi bà ta cho một đề tài rồi cả lớp đâu 10 người khua tay múa chân nói cho nên mình nghe giọng Ý, Tây ban nha nhiều hơn là giọng anh chính gốc con Nai vàng.

Nói sang luân đôn để học tiếng anh nhưng không may mình lại ở trọ nhà một bà gốc Tô Cách Lan, nổi tiếng trùm sò nên ăn uống không có gì là đặc sắc lắm. Khổ nhất là không hiểu bà ta nói gì vì giọng Tô cách Lan rất khó nghe tương tự dân ngoại quốc nghe giọng Quảng nôm. Luân Đôn có nhiều loại người sinh sống như Ái nhỉ Lan, Tô Cách Lan, Wales gần Anh Quốc cùng nói anh ngữ nhưng giọng nói rất khác ngoài ra còn tàn dư của thuộc địa cũ như Ấn độ, phi châu, Úc Châu, Á Châu nói chung trong Cộng đồng Commonwealth.

Chiều thì có một sinh viên người anh tên Nigel, dẫn sinh viên đi viếng các viện bảo tàng như British museum, Tate gallery hay Piccaddily circus, trafalgar square có cái tượng của Duke Wellington, người đã đánh bại Hoàng đế Napoleon ở Waterloo rồi bỏ tù ở Sainte Helene. Có lần hắn dẫn mình đi viếng vận động trường Wembley nên cuối tuần đó, mình dù đi coi trận Arsenal đấu với Liverpool có Stapleton và Ian Rush chỏi nhau. Mình không biết nên mua vé đứng phía cổ động viên đội Arsenal mà lại cổ vỏ cho Liverpool có Keegan nên sợ toát mồ hôi vì thấy mấy tên hooligan nhìn mình với cặp mắt như hai viên đạn đồng AK nên không dám reo hò.

 Sau này sinh sống tại đây hai năm thì mình có đến Wembley xem đại hội nhạc Band AIDS của ca sĩ Bono làm hai concert liên tục trong một ngày New York và London. Hát ở Wembley xong là anh chàng bay sang New York bằng máy bay Concorde nên coi anh chàng này hát lại trực tiếp trên màn ảnh lớn của sân khấu. Vận động trường chứa dạo đó khoản 90,000 người, giới trẻ ngồi trên sân cỏ picnic nghe nhạc. Đó là lần đầu tiên mình nghe Bruce Springsteen hát "born in usa "mà dân Âu Châu rất mê. Mình đi xem đá banh khắp Âu Châu nhưng có lẻ hai vận động trường làm mình sợ nhất là Nou camp của đội Barcelona và San Bernabeu của đội Real Madrid. Parc des Princes của đội Paris St Germain thì thường, San Siro của AC Milano cũng bình thường, vận động trường Munich thì rất đẹp dùng làm thế vận hội 1972 mà nhóm Tháng 9 đen, đột nhập vào làng thế vận hội để giết đội tuyển Do Thái.

Sinh viên gồm Ý, Pháp và Tây ban nha thì đám Pháp chơi với nhau trong khi đám Ý và Tây ban Nha đi chơi chung nên sau khi viếng london vào buổi chiều thì mình hay đi chơi với đám ý và Tây ban nha để có dịp đàm thoại anh ngữ vì đám Tây thì nói tiếng Pháp với nhau nên uổng tiền đi xa để nói tiếng Tây. Tối thì tụi này hay vào các pub để ăn uống cho rẽ vì vật giá london đắc nhất Âu Châu rồi kéo nhau đi nghe nhạc trong các pub. Dạo đó Punk bắt đầu thịnh hành nên nghe nhạc khá ồn ào, thấy trai gái nhuộm tóc đủ màu cũng ớn. Trong đám sinh viên ý thì mình thân hai cô còn đám Tây ban nha thì thân với Teresa và hai cô bạn của cô này. Khi mình sang thăm Madrid thì chỉ gặp Maria vì Teresa đã lên xe hoa. Nhờ quen mấy cô này mà mình bắt đầu Giang Hồ đi thăm bạn hiền.

Lần thứ hai sang Anh Quốc với một cô người Mỹ, sinh viên kiến trúc sang ở chơi Paris một năm, học tiếng Tây quen với một gia đình tây. Họ giới thiệu mình để cô nàng tìm hiểu thêm về kiến trúc sinh hoạt của sinh viên Pháp. Cô này rũ mình đi london vì sợ đi một mình nên mình gọi cho bà người tô cách lan mà mình trọ lại nhà khi xưa xem bà tính bao nhiêu rồi đi xe lửa sang. Mình cũng đi lại viếng các viện bảo tàng với cô nàng, đi xem Evita , một show ở West End, nói về cuộc đời của bà Evita Peron, vợ của tổng thống Á Can Đình. Thường thường thì các show này được trình diễn ở london trước nếu đắc khách thì sẽ đem qua New York ở Broadway như Miss Saigon. Sau này mình đi Giang hồ với Alice đến 6 tháng khắp nơi, có dịp sẽ kể.


Mình sang Anh quốc lần thứ 3 theo lời mời một tên đồng nghiệp quen bên Thụy Sĩ. Tên này làm cho hảng GDS, phần mềm vẽ hoạ đồ, được hảng này phái sang Thụy Sĩ huấn luyện cho vài thợ vẽ trong hãng của mình đang làm. Mình không được xếp cho học nhưng buổi chiều sau khi làm, xếp về thì mình nhờ tên này chỉ thêm nên vài tuần sau là vẽ được nên xếp cho mình sử dụng máy vi tính để vẽ luôn nhờ vậy sau này mình đi tới nước nào cũng xin được việc vì dạo đó dân tình ít ai biết vẽ bằng máy vi tính nhất là không gian 3 chiều. Nhà hắn ở Oxford nên rũ mình sang đó chơi vài ngày cho biết một trong những đại học nổi tiếng trên thế giới.


Đi ngoài đường thì nhận ra các sinh viên liền vì ai nấy đều khoác áo đen, hay đi xe đạp. Hình như khi đi thi thì phải bận áo khoác đen mới được vào phòng thi. Sau này mình có đi viếng thành phố Cambridge cũng có đại học nổi tiếng và thường được xem là đối thủ của Oxford. Mình chỉ thấy sự khác biệt giữa hai thành phố là màu gạch; Oxford thì màu vàng còn Cambridge thì màu nâu và đen nhiều. Oxford có vẽ thành thị hơn Cambridge mà trong phim Charriots of Fire có kể mấy sinh viên chạy bộ của trường này đoạt huy chương vàng thế vận hội.  Nói chung thì Oxford thiên về nhân văn còn Cambridge thì về khoa học. Sinh viên nữ hình như mới được  nhận theo học toàn thời gian ở hai trường này sau thế chiến thứ 2 tương tự các Pub ngày xưa chỉ dành cho đàn ông còn đàn bà thì có các câu lạc bộ dành riêng để uống trà nhưng từ khi phụ nữ được xem là bình đẳng thì đàn bà Anh quốc rất mạnh điển hình là bà Maggie Thatcher mà mình có dịp nhìn từ xa khi làm việc ở London. 

Hôm đó mình theo ông xếp đi trình bày đồ án cho các nhân viên chính phủ nên có thấy bà ta từ xa trong phòng nhưng không được bắt tay như ông xếp mình. Có lần mình cũng thấy Hoàng tử Charles khi theo đi theo xếp mình tường trình về đồ án. Ông Hoàng tử này chả có gì làm nên tụi cận thần xúi làm cái hội chống kiến trúc đương đại nên mỗi lần công ty mình vẽ là phải ra cái hội đồng của ông Hoàng tử này để duyệt xét và hôm đó có công nương Diana đi theo, họ ghé đâu có năm phút nói vớ va vớ vẫn gì đó rồi đi nhưng phải công nhận công nương Diana cao lại chơi thêm đôi giày cao gót nhưng phải nói rất đẹp.

Hồi nhỏ mình nghe kể dân Anh uống trà nhưng khi qua đó thì dân tình họ uống cà phê nhiều, ít ai uống trà. Dân london thường hay ghé cửa hàng Harrods, lên tầng cuối ăn cơm hay ghé cửa hàng Fortnum and Mason để uống trà và ăn bánh. Mỗi lần về Paris thăm mấy người em thì mình hay mua quà ở đây vì họ gói miễn phí lại rất đẹp tương tự ở Nhật họ gói quà rất đẹp, nói lên Văn hoá rất cao của họ. Họ kêu dân thuộc địa trồng trà rồi bán khắp thế giới kiếm tiền. Tương tự VN, ai cũng đòi uống cà phê phin của Pháp. Pháp đâu có trồng cà phê, họ mua của Ba Tây hay thuộc địa cũ Bờ biển Ngà rồi pha uống mà đa số dân Tây lại uống cà phê kiểu Ý hay cà phê Thổ Nhỉ Kỳ cho nên hồi ở VN nghe cà phê Tây hay sang Cali thấy các tiệm cà phê quảng cáo cà phê Tây hảo hạng nên mình thấy lạ lạ cái huyền thoại này. Mình có quen mấy tên Ấn độ nên họ căm thù Anh quốc lắm vì dân này bị tiếp thị nên uống trà vì nghĩ là được thành giai cấp dân cai trị, thượng lưu trong vài phút khi uống trà. Sau này họ khám phá ra nước Anh chỉ tạo ra huyền thoại để buôn bán nhất là khám phá là trà đen rất độc cho sức khoẻ.

Mình làm việc hai năm ở Thụy Sĩ thì bắt đầu chán vì xứ này buồn chả có cái gì hấp dẫn cả dù đời sống rất cao thì có tên bạn làm chung người Hoà Lan rũ đi Glasgow học một chương trình gì một năm nhưng mình không thích học nữa dù Lenin có bảo là học , học học mãi thì được tin cô bạn người Mỹ, sinh viên kiến trúc ở Saint Louis rũ sang Mỹ làm việc. Mình đang tính ra toà đai sứ Mỹ xin chiếu khán thì nhận cú điện thoại từ London, mời sang làm việc cho hãng vì một tên bạn quen nay làm ở đó và hãng cần người nên hắn nghĩ đến mình. Hôm sau mình bay sang london để interview và tuần sau bắt đầu làm việc ở London đúng hai năm.

Ở Âu Châu người ta hay nói là thành phố Paris dàng riêng cho phụ nữ còn London là dành cho đàn ông. Sinh sống ở đây thì mới biết là đàn ông nước này ăn diện rất nhiều còn mình thì làm việc ngày 10-12 tiếng nên chả có thì giờ đi đâu. Lâu lâu thì tụi trong hãng rũ đi ăn, đánh golf cho biết. Cũng tại đây mình đánh tennis lần đầu tiên trên sân cỏ và hay đá banh trong công viên Hyde Park với đám trong vùng. Mình có đi xem Wimbledon vài lần vào buổi chiều sau khi tan sở nên vé rẽ hơn nhưng xứ này hay mưa nên các trận đấu hay bị dời lại. Dạo đó có Jimmy Connors, Djon Borg.... Mình rất thích coi Chris Evert đánh với bà người Tiệp khắc Martina...

Mình thích nhất là coi Opera và musical kiểu Broadway ở đây rất rẽ. Mua vé nguyên mùa nên chỉ tốn độ 15 bảng Anh, dạo đó khoảng 20 đô nên tuần nào mình cũng đi xem. ở Anh hình như họ bình dân hoá nghệ thuật nên khá rẽ dân mọi thành phần đều được đi xem, khỏi cần phải ăn bận tuxedo như ở Paris hay Milano. Dân Anh rất thoáng nên họ cho xem Philip Glass,...chớ ở bên Pháp thì toàn tuồng tích cũ nhai đi nhai lại cho nên xứ này xuất khẩu các show về ca vũ nhạc kịch qua Mỹ rồi từ đó truyền bá khắp thế giới. Sau này các chương trình truyền hình như American Idol là cũng nhập khẩu từ Anh Quốc ngoại trừ The Voice là từ Hoà Lan. Các kiến trúc sư Anh quốc như ông chủ mình Norman Foster là tiên phong về kiến trúc High Tech tương tự như Rogers và Piano thiết kế trung tâm văn hoá Pompidou ở Paris. 

Ở London cũng có một trung tâm văn hoá tương tự như Pompidou nhưng dân tham dự có vẻ chọn lọc hơn. Tại đây mình xem các phim của Nam Hàn, Phi luật Tân hay TQ,.. các chương trình không hạn hẹp như ở Paris và là nơi mình học nhân sinh quan của dân Anglo Saxon. Có lẻ triều đình không bị chi phối bởi Công giáo nên tinh thần của người Anh rất thoáng, không bị gò bó trong khuôn khổ đạo đức quản lí bởi Nhà thờ. Mình sống ở đây hai năm nhưng có lẻ mình bị ảnh hưởng nhiều nhất vì khi qua Hoa Kỳ thì nói chung thì xã hội bị quản thúc bởi các Nhà thờ đạo Tin Lành nên xã hội đa dạng nên phát triển khá xa về kinh tế. 

Ở Âu Châu mình nhớ là ra biển, đàn bà toàn là topless có nơi là cứ như Thiên đàng của ông bà Adam và Eva. Mình có lần đi biển ở vùng Camargue của Tây thì vào trại khoả thân thì phải cầm cái khăn nhỏ để lót khi ngồi ghế còn cứ nhộng nhông không có gì đặc biệt. Đàn bà hấp dẫn khi bận trang phục vì mình tò mò chớ khi cởi trần thì nhiều khi không có gì đặc biệt lại dị hòm. Mình nhớ có lần trên bãi biển, một con đầm topless đeo một cái khay trước ngực đi bán cà rem làm mình phải ăn kem mấy lần. Nghe nói mấy cô đầm sinh viên, mùa hè ra biển bán cà rem là giàu. Cô nào có Bộ ngực đẹp là bán Đắc hơn.

Ở london thì có nhiều giống dân tứ xứ như Paris nên khá hổn tạp nhưng mình có thể nhận ra ai có gốc London bằng giọng Cockney của vùng đông của London, giới thợ thuyền ở vùng này khá đông mà dân địa phương thường gọi là East End nên dạo đó có phim bộ soap opera có tựa "Eastenders" được dân Anh coi khá lâu. Dạo đó mình làm cho kts Norman Foster sau này đoạt giải Pritzker tương tự giải Nobel về kiến trúc về Ngân hàng Hongkong Shanghai Bank ở Hongkong và phi trường Stansted ở ngoại ô London. Say này hãng này có vẽ phi trường Bắc Kinh để chuẩn bị cho thế vận hội 2008.

Mình có dự Tết do Cộng đồng VN tại đây tổ chức. Thành phần ở đây có hai loại; gốc miền Nam và gốc miền Bắc. Gốc miền Bắc đa số là người gốc Hoa, năm 1979 bị đuổi về TQ rồi trốn sang HongKong xin tị nạn qua Anh. Dân tị nạn VN đã không thống nhất lắm mà xứ này lại có dân đi từ miền Bắc nên gặp nhau thì không hợp nhau lắm. Dân miền Bắc thì quen vẫn kêu dân miền Nam là bọn ngụy quyền, hát quốc ca của Văn Cao, còn dân đi từ miền Nam thì đòi hát tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước nên gây lộn hoài cuối cùng thì thất trí là không hát quốc ca. Văn nghệ thì dân miền Bắc hát trường Sơn Đông nhớ trường Sơn Tây còn miền Nam hát bình Long Anh Dũng, chán mớ đời. Có lần mình có đi dự một buổi Văn nghệ mà ông Phạm Duy ra mắt tập nhạc Lá Diêu Bông. Cũng nhờ Phạm Duy thuyết minh về bài thơ này mà ông Hoàng Cầm bị đi tù hai năm cho nên sau này mình rất ngại đọc các bài suy diễn về Văn chương.

Lần chót mình ghé London với vợ con năm 2006 trên đường về Pháp dự lể thành hôn 60 năm của một cặp vợ chồng người Pháp mà mình xem như cha mẹ nuôi. Dạo đó các nước đang vận động để được quyền tổ chức thế vận hội nên London và Paris được trang hoàng rất hoành tráng để giới chức của thế vận hội quốc tế đến khảo sát. Điều mình cảm nhận ngay là dân số ở đây đông hơn khi xưa nhất là các sắc tộc. 20 năm trước khi mình sinh sống tại đây thì dân di cư đa số là dân gốc da trắng của Tô cách Lan, Ái Nhỉ Lan nhưng nay thì dân gốc Ấn Độ, Pakistan, Phi Châu hay vùng Trung Mỹ. Sau đệ nhị thế chiến thì các nước Âu Châu được chương trình Marshall bơm tiền vào để phát triển đất nước, chạy đua với nhóm Liên Sô cho nên các nhà máy cần nhân công nên họ cho dân thuộc địa cũ di cư sang. 

Nhóm này sang thì bảo lãnh cha mẹ, họ hàng rồi thời cuộc thay đổi, các công ty tự động hoá nên họ bị thất nghiệp, ăn trợ cấp rồi con cháu của họ lang thang phá xóm phá làng. Đi ngoài đường mình có cảm tưởng như đi vào khu Bronx của New York hay Atlanta. Dẫn vợ con đi coi Miss Saigon và viếng các địa danh nổi tiếng. Trong khách sạn thì dân gốc Ba Lan làm việc rất nhiều. Từ ngày bức màn sắt xụp đổ thì dân Ba Lan chạy qua các nước Tây Âu sinh sống khá đông vì nước này là thành viên của thị trường chung Âu Châu. 

Có một cái thú ở London là mua cái pass xe buýt rồi leo lên tầng hai của xe, ngồi phía trước xem thắng cảnh tới cuối trạm rồi đổi xe. Dạo mình đi làm ở đây thì cuối tuần hay leo lên xe buýt rồi đi lang bang khắp nơi. 

Rời London gia đình mình bay sang Venice thì chiều hôm đó coi TV thấy khủng bố đặt chất nổ trong subway cách khách sạn mà gia đình mình ngụ tối hôm trước có 200m. Hú vía!


Nguyễn Hoàng Sơn