Mưa Cali nhớ mưa Đàlạt

Trời Cali năm nay khác lạ, bắt đầu mưa từ tháng 11 dù có bản nhạc “It never rains in Southern California” của Albert Hammond và Mike Hazelwood mà mình đã kể lịch sử của bản nhạc này khi mình sang Cali lần đầu, đi chơi với Chử Nhị Anh, hắn kể là Nam Cali không bao giờ mưa đến khi dọn sang đây lấy vợ. Mưa năm nay được xem là đủ đô cho nam Cali thường niên, nay vẫn tiếp tục mưa.

Cứ mỗi lần có làn gió từ sa mạc thổi về Quận Cam mà dân Nam Cali gọi là “santa ana wind” thì vài ngày sau là có mưa. Tháng trước có mưa và tuần trước có gió sa mạc thổi về nên hôm nay lại mưa. Từ ngày trở về đời nông dân thì mình lại mê mưa, hơn ông Trượng mê Tiên Bửu. Lý do là mình khỏi phải tưới cây bơ. Cây bơ thì chúng mê uống nước như phụ nữ tín đồ thời trang mê mua sắm. Mỗi ngày trung bình mình trả $150 tiền nước. Cả tháng nay đỡ $4,500 tiền nước. Từ đầu năm đến nay, đở tốn trên 10 ngàn tiền nước.

Nằm trên giường nghe tiếng mưa róc rách và tiếng gió ì xèo khiến mình lại nhớ đến mưa Đàlạt năm xưa. Thay vì nằm nướng thêm bên vợ, bò dậy, kể lại cho đỡ nhớ.
Nhà mình ở Đàlạt thì lợp mái tôn nên cứ nằm trong nhà là nghe tiếng mưa rải đều từng đợt trên mái tôn, lâu lâu có một làn gió thổi ù ù qua gạch thông hơi trên cửa sổ như đa số các nhà ở Đàlạt, để tránh ẩm ướt. Cửa sổ phòng mình hướng về đường Thi Sách nên nhiều khi ngồi học bài nhìn ra cây bơ mà mình và ông Ngoại trồng khi xưa. Cây này cần đến 7 năm mới có trái nên khi ra trái thì mình đã ở phương trời tây. Hàng xóm, đến lấy cây khoèo không được, lấy đá chọi cho rớt. Nhưng cái đám ăn trộm này này ngu dốt như mình khi xưa đi ăn trộm chuối với thằng Khánh Ù ở nhà bà làm vườn. Chúng quăng đá hụt trái bơ lại lọt xuống mái tôn nhà của mình nên cuối cùng nhà cho chặt cây bơ, giúp nhân dân trong xóm bớt đánh phá đạo đức cách mạng. Ai ngờ 45 năm sau mình lại làm nông dân trồng bơ. Chán Mớ Đời 

Lâu lâu lại phải lấy mấy tấm phom, tẩm xăng rồi leo lên mái nhà để trét vào mấy cái lỗ đinh để tránh dột mái nhà. Dạo ấy, nhà lợp có mấy tấm tôn bằng nhựa trong để ánh sáng lọt qua, dễ bể hay nức lại đóng đinh thay vì bắn ốc như bên mỹ, có miếng cao su chấn để tránh bị dột nên trời nắng không sợ teo gỗ, lòi Cây Đinh ra khiến bị dột. Đời không gì khốn nạn khi trời mưa lại bị dột, cứ lấy thùng thiết để dưới cái lỗ để hứng. Những giọt mưa cứ tí tách rơi xuống bỏm bỏm như tra tấn sự tịch lặng. Dạo ấy chỉ đóng đinh, nay ở Hoa Kỳ thì bắt vít nên khó bị bung lắm. Nhà lớp mái tôn nhưng có một hai tấm tôn nhựa để ánh sáng vào trong nhà. Tôn nhựa này dễ bị nứt lắm.

Dạo còn nhỏ, ông cụ mình chưa làm ty công quản nước thì nước máy không có nên phải đi xách nước ở giếng ông Ba Tây trên đường Thi Sách hay giếng ông Ba Đà hay năn nỉ ông Nhị ở dưới đường Hai BÀ Trưng, bố của thằng Bảo. Dạo ấy, mưa là mình mừng, không phải đi xách nước vì có thể hứng nước mưa với 3, 4 cái thùng phuy thêm cởi trần tắm mưa sướng mê tơi đến khi ông bác sĩ Sohier kêu bị phổi nên từ đó hết được tắm ngoài trời. Sau này tập Trạm Trang Công mới hết bị đau, ho hen mùa đông.

Hôm trước mình có kể về ga Đàlạt khi thấy tấm không ảnh của vùng này mới hiểu lý do có lần trời mưa lụt ngập con suối chảy về hồ Xuân Hương, chảy ngang khu trồng rau cải ở khu này và cuốn đi phân bón và thuốc sâu, làm ô nhiễm hồ Xuân Hương khiến cá chết nổi lềnh bềnh. Đi học về, chạy ngang hồ thấy thiên hạ vớt cá chết về ăn.

Mấy ngày nay thấy dân Đà Lạt kêu cá chết nổi lên hồ làm mình nhớ đến vụ này khi xưa. Lại nghe họ kêu không phải thuốc sâu của các vườn mà là nước bị ứ đọng như cống rãnh, hôi thối. Kinh
Mình không hiểu họ xử lý ống cống ở Đà Lạt ra sao. Mình chỉ nhớ, ngoài chợ, khu Hoà Bình, khi xưa nước cống chảy ra chỗ bến xe, xuống suối Cam ly chỗ ấp Ánh Sáng. Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng thì nước cống chảy xuống suối từ Đa Thiện về, rồi đỗ đến thác Cam Ly. Do đó đến thác Cam Ly là thối không thể tả. Mấy cặp tình nhân đến đây, vẽ tên họ với mũi tên xuyên trái tim ngục tù. Nay đông dân cư, phía Chi Lăng, cống rãnh đều đổ về hồ Than Thở và hồ Xuân Hương. Xong om

Mỗi lần mưa là nước suối ở đường Hai Bà Trưng hay đường Phan Đình Phùng chảy về thác Cam Ly làm ngập đường, ngập khu vườn nằm giữa đường Phan Đình Phùng và Hai BÀ Trưng. Lý do chính là dân cư ở ven khu vực này thuộc loại đại nhát, đại lười nên rác thải, thay vì canh me khi xe đổ rác chạy ngang. 

Lấy thí dụ ở xóm Công Chánh của mình. Xóm mình trên cao so với đường Hai Bà Trưng. Nước cống dơ được xã từ nhà bà Tước, qua nhà bà Thường rồi đến nhà ông Mãn rồi đến nhà mình. Từ nhà mình chảy xuống nhà bà Ngần, rồi từ chảy xuống đường Hai Bà Trưng. Tại đây có cống rảnh, chảy xuống mé vườn cua bà Bắc Kỳ, số 49 từ đó chảy qua ống cống xuống con suối chỗ nhà Hải. Suối này chảy về Lò Gạch rồi đến thác Cam Ly.

 Đà Lạt xưa có xe rác, chạy lấy rác. Trước khi xe đến, có người đi cầm cái chuông to, lắc keng keng để báo cho dân trong xóm đem rác ra đổ. Cứ nghe rác là chạy thục mạng, cầm thùng rác chạy xuống đường. Mấy người ở trong hẻm sâu, không nghe tiếng chuông báo động hay lười đem rác ra đường vì cũng cả trăm thước. Họ đem ra đổ xuống suối, nghĩ là dòng suối sẽ cuốn trôi đi nhưng vào mùa khô thì dân làm vườn trên số 6 và số 4 chận suối, giữ nước lại để tưới vườn của họ nên không có nước kéo mấy đống rác đi. Mỗi lần đi ngang qua mấy cái cầu ở đây nhất là cầu Cẩm Đô là thấy núi rác, ruồi bu như lá mùa thu. 

Nhiều tên thất tình ở Đàlạt, muốn nhảy cầu Cẩm Đô tự tử nhưng khi thấy tấm bảng “cấm xã rác” nên bỏ ý định của kẻ yêu điên cuồng, sẵn sàng chết cho tình yêu thay vì vô Núi Voi, đánh Việt Cộng như đại đội Trinh Sát 302, con cưng của dân cư Đàlạt, của tiểu đoàn Địa Phương Quân 214.
Nhắc vụ tự tử, có dạo người ta bắt một tên dân Đàlạt. Hắn và đối tượng yêu nhau nhưng bố mẹ không chấp nhận nên cặp này rủ nhau ra hồ Xuân Hương quyên sinh để thiên thu hoá cuộc tình của họ, dân cư Đàlạt sẽ nhớ đến cuộc tình máu lửa, không môn đăng hộ đối, tiểu tư sản của họ như chuyện tình đồi thông hai mộ. Họ nghĩ gia đình sẽ chôn họ trên đồi cù, để mai sau giới trẻ sẽ đến tặng hoa “forget me not” cho cuộc tình bất tử thuộc dạng quyên sinh của Đàlạt dấu yêu. Hay sẽ làm cái am tình yêu và mướn Sơn đen làm ông từ để nhang khói cho cuộc tình lỡ bị ngu.

Hai người đứng trên cái cầu nổi mà con nít hay tụ lại để nhảy xuống bơi. Họ để lại thư tuyệt mạng cho gia đình và hứa sẽ giúp cho các đôi trẻ khác sẽ không bao giờ xa nhau, không bao giờ phải hát ân tình lại vỡ đôi. Khi nhảy xuống thì cô gái không biết bơi, ngủm, còn tên con trai, bổng nhiên thấy tấm bảng “cấm đổ rác”, bổng nhiên giác ngộ cách mạng là chết vì tình, vì gái là ngu, là dại nên bơi luôn đến bờ chỗ khác, trốn về Sàigòn. Cô gái như căm thù thằng bồ, bội phản lời thề chết chung trên cầu nên điềm chỉ cho cảnh sát bắt hắn ở Sàigòn.

Nếu mình không lầm thì chỉ có một bên hồ, phía Thanh Thuỷ là có mấy chiếc cầu này
Cũng mùa mưa, mình đi chơi với mấy tên bạn, thấy chỗ lữ quán thanh niên của hướng đạo Lâm Viên, thiên hạ tụ lại đông nên tò mò dừng xe lại. Thấy ông Phác Râu sau này làm ông từ ở am Sohier. Ông này làm cho ty công Chánh thì phải và ăn rất khoẻ. Có lần mình bị chó bà Quán cắn nên lên ty công chánh với ông cụ để qua viện Pasteur chính thuốc ngừa chó dại. Thấy thiên hạ cá cược với ông ta ăn hết nồi chè. Hình như bị chó berger cắn nên sau này, Mình hơi điên điên khùng khùng Đến nay. Chán Mớ Đời 

Mình thấy ông Phác cầm chai nước mắm rồi tu cái ực như bợm nhậu rồi nhảy xuống hồ lặn. Lâu lâu lại trồi lên, tu thêm chai nước mắm cho ấm người rồi thấy thiên hạ reo lên. Thấy ông Phác từ từ trồi lên rồi lội vô bờ như Ursula Andress trong phim James Bond. Thấy ông kéo một thằng bé độ 10 tuổi, rồi lên bờ, thấy ông ta lấy hai cái chân quàng qua vai, đầu thằng bé trút xuống đất phía sau lưng, ông ta cõng thằng bé chạy tới chạy lui đến khi nước ọc ra mồm. Nghe nói thằng bé sau đó chết vì bị chết đuối lâu quá. Năm 12 B mình cũng chứng kiến một tên học trường Tân Sanh, ở cạnh Ngọc Hiệp, chết đuối ở Thung Lũng Tình Yêu. Có kể rồi.

Con nít bơi ở đây, chết đuối mấy trự khi mình còn ở Đàlạt 
Cũng khu này, thằng Thịnh học chung với mình ở trường Thanh Ngọc, nhà đường Hàm Nghi. Nhà nó bán gạo ở đường Hàm Nghi, đối diện tiệm phở Bằng còn mẹ mình thì kiếm gạo ở đâu, do đại đội trưởng địa phương quân, đánh bài thua nên đem bán gạo của lính cho bà cụ rẻ. Hay mấy ông cha nhà dòng cứu thế, hay bà sơ được mỹ viện trợ đem bán cho bà cụ. Rồi bà cụ bỏ mối cho mấy tiệm bán gạo Đàlạt có môn bài bán gạo như tiệm Sơn Hà,….

Bố mẹ thằng Thịnh quen bà cụ mình nên hai thằng chơi thân, mình hay đến nhà nó ở đường Hàm Nghi chơi. Một hôm không thấy nó đi học, thiên hạ kể là bố nó dạy mẹ nó lái xe, chở nó theo, chạy xuống đường Võ Tánh, Nguyễn Thái Học rồi xuống bờ hồ ngay bùng binh đây, thay vì quẹo cua thì mẹ nó đạp lút ga bay xuống hồ ban đêm nên ít ai đi qua khi vực này. Bà cụ mình rên vì mới giao cho mẹ thằng Thịnh 5 tấn gạo chưa lấy tiền, thường thiên hạ bán xong mới đưa tiền lại cho bà cụ. Chán Mớ Đời 

Có lẻ trận mưa cuối cùng ở Đàlạt khiến mình nhớ cả đời là ngày cuối cùng học trung học. Học sinh lớp 12 được nghỉ sớm để học luyện thi tú tài IBM. Mình và thằng Nguyên, nổi hứng đi bộ dưới mưa, như để đánh dấu ngày cuối cùng của đời học sinh. Hai thằng lang thang ra khu Hoà Bình rồi lội về Hàm Nghi. Nó rẽ lên Võ Tánh về đường Tăng Văn Danh còn mình thì đi xuống Phan ĐÌnh pHùng, băng qua vườn ông 3 Đà về nhà ở Hai Bà Trưng.

Ảnh chụp từ rạp xi nê Hoà Bình nhìn về đường Duy Tân
Sau trận đi mưa ngu xuẩn đó, mình bị đau một trận hơn một tháng, chả học thi gì cả. Sau đó Chán Mớ Đời mình mới bò lại nhà thằng Nguyên, rủ vào đập Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu bơi. Hai thằng nhảy xuống bơi và như phép lạ Thần Tình Yêu ở thung lũng này ra tay cứu độ. Hai thằng hết đau ngày hôm sau nên ngày nào cũng bò ra đây bơi 2 tiếng. Khi đi thi tú tài, mình thấy mấy tên trong lớp mặt xanh lè như đít nhái còn mình thì như cột nhà cháy. Mình thì học cực ngu nhưng thi cái gì cũng đậu. Chắc khi xưa, bà cụ mình bán vía mình cho Cậu Mười ở Am bà Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, ấp Hà Đông nên trời hay ị trúng đầu mình.

Nhớ mưa Đàlạt thì Chán Mớ Đời vì xứ nhỏ bé, cứ mưa và mưa. Mình hay sang nhà ông Tước, hàng xóm sau khi ăn tối, ngồi đấu láo nơi mái hiên với Cu Bi, học Văn Học trên mình đâu 2 năm. Trời mưa nên chẳng biết làm gì, lâu lâu có tiền thì hai thằng rủ nhau ra đường Minh Mạng, đến hàng bà 7 Quốc bán sữa đậu nành, ngay tiệm vàng Hùng Thanh của ông Bùi Duy Chước. Ngồi nơi bậc thang, nước mưa từ mái nhà hắc vào ước áo quần nhưng mồm vẫn thổi ly sữa đậu nành nóng hổi, uống nhấp nhi nhấp nha. Lâu lâu có tiền thì hai thằng chia nhau cái bánh da lợn. Mình mới tìm lại chị và 2 cô em của hắn trên Facebook. Không biết hắn còn nhớ đến mình hay không. Có em một bạn học cũ, kể là có hỏi hắn nhớ Sơn Đen thì hắn nhớ nhưng dặn đừng nói lại. Hôm nào rảnh mình kể lại tài chửi giọng Huế của tên này. Khi xưa đi học, không tên nào dám đánh nó cả. Tên này bé tí ti mà cái mồm to hơn bà Cả Đọi, chửi mấy tên nào ăn hiếp nó.

Mình nhớ mưa năm học lớp 12 B, hay đi chung đường với đối tượng một thời. Nghĩ lại mình sang hơn ông Phạm Thiên Thư. Ông thi sĩ này chỉ đi theo Hoàng Thị Ngọ, còn mình thì sánh vai “Ngày Xưa Fan Thị” đi dưới mưa trên đường Hai Bà Trưng từ cầu Cẩm Đô đến trường. Đến trường thì mấy tên như Nguyễn Mơ 12C la hét ỏm cù tỏi nhưng Sơn đen vẫn hiên ngang đi bên đối tượng lên cầu thang. 

Chả nhớ nói gì với đối tượng nhưng dạo ấy có bài hát, được phổ từ thơ của ông Nguyễn Tất Nhiên “đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa,…” chỉ có điều mình không có tiền để vào quán. He he he
Thời bé, mưa Đà Lạt làm thiên hạ rất buồn. Cứ rú rú trong nhà khiến mình chi muốn thoát khỏi cái không gian ấy. Cái dung dịch khiến mình buồn não, chả biết làm gì. May thay bò đi tây được. Mình như con chim xổ lồng, đi tứ xứ. Như ai nói thế giới là một cuốn sách, nếu bạn không đi đây đó thì như bạn chưa bao giờ lật các trang sách.

Theo thời tiết cho biết là tuần này mưa mệt thở, đỡ tốn tiền tưới nước đến tuần sau. Xem như 3 tuần nữa không cần tưới. Chỉ tưới chút phân lõng cho cây đậu trái vì đang là mua hoa nở. Rồi đi Seattle và Oregon chơi với đồng chí gái 10 ngày. Khi về sẽ bắt đầu hái bơ. Hái xộn thì đi chơi nữa. Ông nuôi ong đã đem ong vào vườn chuẩn bị cho mùa nở hoa. Hoa cam, quýt và bưởi bắt đầu ra trái.

Hôm qua, lên vườn mình chích Botox. Có  ông nuôi ong mới thay thế ông kia về hưu. Mình đâu biết ông ta ở trên vườn nên đi lòng vòng, ngang mấy tổ ong, mới được ông ta chăm sóc, bị một con bay lại chích nơi trán. Bị sưng chù vù một chỗ, xem như chích Botox, giúp có được kháng sinh cho cơ thể.


Chán Mớ Đời 
Nhs