Tết 2018

Tết 2018

Năm nay, ngày tình nhân và Tết cách nhau có 1 ngày, đồng chí gái phải đi công tác ở gần thủ phủ Cali nên cả nhà ăn Tết sớm hơn, trước khi đồng chí gái bay lên miền bắc. Đêm 30, thằng con từ San Diego về, hai cha con cúng giao thừa, con gái thì đang theo học ở Hương Cảng cho tới tháng 6, có lẻ sẽ đi thực tập ở Thái Lan hè này.

Sợ vợ buồn nên mình bay lên Bắc Cali thăm, rồi cuối tuần đi thăm bạn bè và bà con. Có hai người bạn Yersin lại chạy xuống miền nam Cali nên mình để mật ong và trái cây của vườn trước nhà cho người bạn đến lấy còn họ lại cho mình chai nước mắm Lăng Cô, Madze in Hoa Kỳ. Từ 2 năm nay, mình chỉ ăn nước mắm Lăng Cô này, có chất đạm, protein (cá) vì nước mắm mua ở tiệm Việt Nam chỉ có toàn là Sodium, muối (coi nhãn hiệu). Ngon cực. Nhiều khi cứ nhớ thời xưa, nấu nồi cơm rồi chan nước mắm Lăng Cô ăn ngon như thời sinh viên đói rách. 

Anh chàng làm nước mắm Lăng Cô theo công thức gia truyền kể khi xưa, các người chài lưới, trước khi ra khơi đến tiệm của Mệ Ngoại anh ta, mua chén nước mắm của Mệ Ngoại làm rồi nuốt cái ực, cho ấm vì có sodium. Người Việt mình ăn cơm chan với nước mắm vẫn khoẻ vì trong nước mắm có chất đạm do cá bị huỹ, còn ngày nay người ta làm nước mắm bằng muối và hoá học, tạo mùi thơm của nước mắm. Đọc công thức của nước mắm chỉ thấy sodium, không thấy amino acid (chất đạm). Nghe nói phòng thứ nghiệm của đại học Davis, khám nghiệm là có đến 63% amino acid trong nước mắm của anh ta.

Cuối tuần, nhắn tin Em là Con Gái Trời bắt Chảnh, xem cô nàng có rảnh thì ghé thăm nhưng cô nàng kêu bận gặp mấy người bác sĩ mới quen nên hai vợ chồng chạy lòng vòng chơi trước khi đến nhà Tóc Gió Thôi Bay. Anh chàng này nhân tiện lễ tình nhân và Tết, tổ chức ăn Tết văn gừng ở nhà, trang trí nhà cửa rất là Tết và yêu thương. Anh chàng thì yêu văn nghệ, còn cô vợ thì tính chuyện làm giàu.

Lâu lắm rồi mới thấy lại món chả thủ, dưa hành vì lấy vợ gốc Huế. Khách mang đồ ăn đến, đa số là mua ở tiệm nên không ngon như Em là Con Gái Trời bắt Chảnh, tự làm. Quán ăn miền bắc Cali, đắt hơn miền nam nhưng không ngon bằng. Ngồi chơi một tị thì Tóc Gió Thôi Bay kêu các cựu học sinh Văn Học lên sân khấu hát bản nhạc “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của TCS, để gửi cho Em là Con Gái Trời bắt Chảnh.

Đồng chí gái kêu buồn ngủ quá nên không dám theo chủ nhân tiệm Ô Mai đi chơi. Hai vợ chồng lái xe về khách sạn ở Fremont xa lắc, xa lơ. Theo dự định sẽ gặp bạn của đồng chí gái tối chủ nhật ở Fremont, nên mình đặt khách sạn ở Fremont để tối về cho gần. Nhưng đã có vợ thì phải hiểu phụ nữ họ thay đổi nhanh chóng, giờ chót đổi thay nên lái xe mệt thở.

Hôm sau, ra phố Việt ở San Jose, phải chạy xuống lại, gặp bạn đồng chí gái, ăn phở Hà Nội. Mình chạy qua khu siêu thị Wal-Mart đậu xe rồi đi bộ qua phố Việt dù biết vợ mang giày cao gót, vào khu phố Việt đậu xe thì chắc đợi lâu. Ăn phở xong, hai vợ chồng người bạn rũ đi chùa Tâm Từ ở miền nam Cali, gần vùng trồng tỏi. Nghe nói kỹ nghệ trồng tỏi của mỹ tại đây bị tỏi madze in Trung Quốc, đánh xập tiệm vì giá quá rẻ. Vào chợ lại phải kiếm tỏi nào có râu thì mua vì tỏi Trung Quốc đã lột sẵn và được tẩy trắng. Kinh hoàng.

Chùa này được toạ vị trên 2 mẫu đất, khi xưa được dùng làm nơi trông cây bán, dấu tích mấy cây olive còn trơ trọi, đào và cherry thì trỗ bông báo hiệu mùa xuân đang về. Khung viên chùa được trang bị cây cối, và những dấu tích của Việt Nam ngày xưa trong ba ngày Tết, như các cầu khỉ, thuyền ghe trên sông lục tỉnh, các quán bán dưa hấu, các bếp núc nấu mấy nồi bánh tét giả, họ lấy ống nước, cưa ngắn rồi lấy lá chuối gói lại như bánh tét thường, các lồng để úp mấy con gà mái, mấy cái lò đất với những cái tộ để kho cá hay thịt kho.

Tạo dựng lại những hình ảnh xưa cũ để giải thích cho con cháu sinh tại Hoa Kỳ, có chút gì khái niệm về thế kỷ trước bên kia bờ đại dương. Đồng chí gái và cô bạn leo lên ghe để nhớ lại thời vượt biển, bắt mình đạp xích lô để chụp hình trong khi một cô đi chùa tự hỏi, khi xưa mình đi xích lô, không có ai chụp hình. Đồng chí gái mang giày cao gót cũng lăng xăng, vác đòn gánh, gánh sen khiến mình nhớ đến thời xưa, đi gánh nước mệt bỏ mạng.

Điều mình ngạc nhiên nhất là có phong trào bận áo dài, ngay cả thanh niên cũng bận áo dài, thêu đủ trò, madze in Việt Nam, bận bú xua la mua. Đồng chí gái có mua cho mình một cái, bắt bận chụp hình rồi cất ở đâu rồi. Ngày xưa mình mê áo dài, lấy vợ tưởng vợ bận áo dài nhưng cô nàng nhất quyết không. Ngày nay thì lại đi mua bận, trong tủ áo ngày nay có cả tá khiến mình tá lả. Chụp hình nư rồi thì lại đi gặp mấy người bà con của đồng chí gái.

Áo dài ngày nay rực rỡ nên người ta chỉ thấy áo, không thấy khuôn mặt của chủ nhân, đánh mất cái dáng “tay ôm tập vỡ, áo dài tà bay”. Ngày xưa, áo là cây lá xanh để tạo thêm nét đẹp, hình ảnh của đoá hoa khuôn mặt còn nay thì ngược lại. Nghe nói học sinh gốc Việt, thích bận áo dài, tự hào về truyền thống của người Việt nên đáng mừng.

Đồng chí gái hẹn với mấy người bà con tại khu Đại Thế Kỷ. Trước khu thương mại này, họ đốt pháo như điên, mình chưa bao giờ thấy xác pháo ngập lối như vậy. Mỗi lần anh nào đốt bánh pháo xong thì bảo vệ đem nước đến dập tắt ngay, sợ cháy xác pháo. Trước cửa vào Đại Thế Kỷ thì mấy bàn bầu cua, tài xỉu đầy. Lang thang vào khu này, đi ngang tiệm Ô Mai của cựu học sinh Văn Học, không thấy cô chủ nên vào tiệm Sàigòn Kitchen ăn tối. Cô chủ nhắn tin, mời đi ăn tối với cô nàng nhưng xin hẹn lần sau. Ăn xong lại phải chạy về Fremont. Chán mớ đời.

Hôm sau, mình ghé thăm người dì, em của bà cụ rồi đi thăm gia đình chú Phấn, chủ tiệm thuốc tây Minh Tâm, ở đường Duy Tân khi xưa. Vợ chồng chú Phấn, là bạn tù cũ với bà cụ mình khi xưa, thời con gái. Cô Phấn và bà cụ mình ra tù cùng ngày. Cô Chú về Việt Nam, lặn lội lên Đàlạt, thăm bà cụ mình. Hôm trước có vợ anh bạn cũ Yersin, gửi hình chụp với bà cụ mình. Từ Sàigòn lên, họ ghé ra chợ để hỏi địa chỉ nhà mình để tới thăm bà cụ. Lâu lâu có bạn học của đồng chí gái, ghé Đàlạt cũng ghé thăm, thắp hương cho ông cụ mình khiến mình ấm lòng.

Dạo gia đình chú Phấn, vượt biển, đến Pháp thì mình được ông chủ nhà hàng Cẩm Đô, bác của Hùng Con Cua, báo tin, có ghé thăm gia đình chú ở trại tỵ nạn, nay 40 năm sau mới gặp lại ở Hoa Kỳ. Năm ngoái, hội ngộ Yersin thì có gặp hai người con gái của cô chú. Một cô cắc cớ hỏi lý do biết được tên cúng cơm của cô nàng. Mình chỉ mại mại nhớ là khi xưa tết có đến nhà với ông bà cụ, nghe gia đình kêu tên cúng cơm. Cô chú kể, gặp bà cụ mình thì cô Phấn hỏi, khi xưa ai khai chị ra để bị bắt thì bà cụ kêu “em chứ ai”. Vào bót, Tây nó đánh đau quá thì phải khai. Chú Phấn nói dạo ấy, xếp bút nghiên đi kháng chiến vì không theo họ thì được xem là Việt gian, sẽ bị họ giết như trường hợp ông cụ mình, bị du kích ở làng, bao vây nhà ông bà nội mình ban đêm để giết. Đi theo kháng chiến, bị tù rồi chú bị đưa ra Hà Nội, ở Hoả Lò thêm 2 năm mới được thả về năm 1953 rồi đất nước bị cưa đôi.


Chú kể là đang ở tù Hoả Lò, nghe đài báo tin đội tuyển túc cầu Cao Nguyên Trung Phần thắng đội tuyển Hà Nội 2-0, do trung phong Bửu Ngự, cháu ông Ưng Quyền, hàng xóm nhà mình khi xưa đá vào. Mình nhớ chú Ngự, khi xưa đá cho đội lão tướng Đàlạt, đá phạt góc, gió thổi lọt vào gôn luôn. Từ năm 2000 đến nay, mình không gặp lại từ khi gia đình chú sang lại tiệm Thanh Nhàn ở Bolsa.

Chú Phấn kể về Bót Catinat, ở Sàigòn, nơi mà các người tình nghi chống tây bị bắt, đều được đem vô đây tra khảo. Hai căn phố này khi xưa là kho bạc và kho thuế, nằm ngay vương cung thánh đường ở đường Catinat cũ nên thiên hạ hay kêu, bên cạnh thiên đường là địa ngục (bót cảnh sát Catinat). Sau này một căn được sử dụng làm bộ nội vụ của VNCH. Mình có vào đây, mất 6 tiếng đồng hồ, không ăn uống để làm sổ thông hành đi Tây. Con cháu cô chú đều ăn nên làm ra nên cũng mừng cho cô chú. Bà cụ mình bà con với bà Võ Quang Tiềm còn cô Phấn là cháu của ông Võ Quang Tiềm nên có chút tình thông gia thêm đi tù thời xưa với nhau. Bà cụ kể là khúc đường Duy Tân và Minh Mạng, bị bắt khá đông.

Vợ chồng Chú, khi xưa còn trẻ đi tù rồi sau này lấy nhau. Chú dạo ấy có làm thơ một bài về Mẹ khiến Thiếm cảm động nên chấp nhận cho chú đăng ký quản lý, nói như ngày nay là biểu thị một tình yêu giai cấp tù nhân. Có lẻ chú là người sinh trưởng tại Đàlạt mà mình biết ở thế hệ bố mẹ mình, đa số là từ các nơi về lập nghiệp. Đường vào khu nhà của gia đình chú, thấy đầy hoa đào đang nở rộ, làm nhớ Đàlạt ngày xưa. Xem lại thì vùng bắc Cali, người ta trồng nhiều cây đào, miền nam thì thấy cây dừa nhiều.

Hai vợ chồng chạy lên thung lũng Napa, nổi tiếng trồng nho làm rượu của Cali. Chạy vào một trang trại trồng nho, họ đòi $60 để ăn phô mát nếm rượu nên hai vợ chồng chạy dài vì muốn đi viếng cách làm chớ không uống rượu. 

Ăn sáng xong, đồng chí gái đi làm còn mình vác xe chạy viếng Công ty nấu bia Budweiser rồi chạy vào Grizzly Island, vùng giao thoa giữa sông và vịnh San Francisco. Phong cảnh làm mình nhớ vùng Camargue, Pháp. Xa xa thấy mấy 100 cái quạt gió tạo năng lượng xanh, dài mấy chục dặm, cảm tưởng mình Don Quichotte, thay vì cởi lừa thì lái xe. He he he.

Về khách sạn xem đá banh thì nhận email của cô bạn đầm khi xưa mà trên 30 năm không gặp. Nay đã là bà ngoại, bà nội. Chóng thật. Để xem năm nay đi Âu châu, có gặp lại cô này được không. Nếu không thì năm sau cô nàng sang cali.

Xong om
Nhs