Thăm Quê Nội

Thăm Quê Nội 

Ông cụ mình quê quán ở Sơn Tây, vào Nam năm 1949 và 43 năm sau mới trở lại thăm quê. Hồi nhỏ mình được ông cụ kể cho nghe những sinh hoạt ở quê, như khi đê bị vỡ thì dân trong làng, đốt đuốc chạy ra đắp đê, những rêu rao của thằng mõ. Các tiệc lễ trong làng, những ngày Tết vui xuân,.... Những câu chuyện của ông cụ đã giúp trí tưởng tượng của mình tô điểm một hình ảnh khá đẹp về quê hay nói chung miền Bắc.

Nghe Hoài Bắc, Hoài trung hát "đôi mắt người Sơn Tây" hay đọc thơ Hoàng Cầm, Quang Dũng..., những người cùng quê với ông cụ khiến con tim mình thổn thức ước ao một ngày nào được đặt chân về quê đất Kinh Bắc. Lớn lên, đọc "tù binh và Hoà Bình " của Phan Nhật Nam, với cầu Tam Biên, phi trường Gia Lâm càng giúp trí óc mình tò mò thêm nhưng rồi đi Tây, cộng thêm biến cố 75 nên chẳng bao giờ nghĩ đến có ngày mình sẽ thấy đất Thăng Long, quê cha đất tổ của mình.

Đầu thập niên 90, bổng nhiên mình được một tổ chức Quốc tế mời tham dự một hội thảo về phát triển kinh tế cho Việt Nam tại Hà Nội sau khi có chương trình Đổi Mới. Họ trả vé máy bay, bao ăn ở nên mình đi, nghĩ luôn dịp về thăm quê ông cụ, sau đó vô Nam, thăm gia đình. Họ cho mình ở nhà khách ở đường Hùng Vương, nghe nói các đại biểu Quốc hội, khi nào về Hà nội là ở đây. Không biết nay ra sao chớ khi mình về, 30 năm trước thì te tua lắm. Tối ngủ thấy chuột chạy. Sau này về thăm quê với vợ con thì ở khách sạn của nước ngoài làm chủ nên tương đối khá hơn.
Chùa Thầy, quê nội của mình. Khi viếng Chùa Thầy lần đầu tiên, mình rất cảm động, trời mưa lất phất, thấy trong sương mù, hiểu rằng quê nội là gì.

Trên đường về Hà Nội, mình ghé lại Hong Kông thăm một tên bạn đồng nghiệp, quen khi làm chung với hãng I.M. Pei ở New York. Tên này gốc Đài Loan, bố rất giàu nên về Đài Loan, tiếp nối ông bố, đầu tư vào Trung Hoa Lục Địa, có nhà ở Bắc Kinh nhưng công ty của hắn có văn phòng ở Hương Cảng. Hắn rủ mình làm chung với hắn ở Trung Cộng nhưng vợ mình không chịu đành bỏ mộng làm giàu. Sau này hắn muốn vào thị trường Việt Nam, bán máy móc của Tàu Cộng mua từ Đài Loan nhưng mình không ham về Việt Nam.

Từ máy bay nhìn ra thì phong cảnh cây cối, màu sắc khác hẳn với Sàigòn. Màu đệm nhiều màu nâu. Sau này mới hiểu mái ngói làm bằng đất nâu đen, không như trong Nam bằng đất đỏ. Nhìn phi trường Nội Bài thì phải công nhận te tua, thua xa gấp 100 lần phi trường địa phương của quận Cam, Cali. Đi taxi về nhà khách thì thấy Hà nội nghèo nàn hơn miền Nam. Vào Hà nội thì chạy ngang chợ Đông Xuân, 36 phố phường thì khá thất vọng. Nghe nói chợ Đông Xuân sau này bị cháy. Dạo đó không bằng một góc của chợ Đà Lạt. Thật ra, đối với một người từ Cao Bằng hay quê ông cụ mình ra Hà Nội thì đất Thăng Long là niềm ước mơ trong đời còn mình thì từ Mỹ về thì như đi thục lùi về vài thế kỷ.

Từ ngữ mới đầu tiên là chữ Lễ Tân. Mình chả hiểu gì cả. Lễ mới? New ceremony? Thay đồ xong thì mình kêu taxi, đi đến nhà cậu ruột của đồng chí gái. Ông cậu này, gốc các Mệ mà thoát ly, đi theo cách mạng. Nay về hưu ăn lương tướng, có thời làm sĩ quan tuỳ viên cho người hùng Điện Biên. Đến nơi, ông cậu vắng nhà, nên mình để lại quà của mẹ vợ và các bà dì rồi kêu xe taxi, chạy vòng vòng Hà Nội thì thấy thành phố cũng không lớn lắm nhất là trung tâm thành phố. Về lại nhà khách thì gặp một người trong đoàn, từ bên Mỹ về mà mình có gặp năm ngoái ở New York ở đại học Vassar. Bà này đi với một cô gốc Việt. Nghe kể cô này năm 75, bà mẹ tống lên máy bay đi Mỹ, sang bên kia đâu 14 tuổi, làm con nuôi cho gia đình Mỹ nào.

Hai người rủ mình đi ăn cơm cạnh nhà khách rồi về ngủ. Vào quán, bà chủ săn đón tận tình, mình chỉ gọi rau muống xào khiến bà chủ quán chửi thề, Việt Kiều ba lô. Phải công nhận rau muống ở Việt Nam ăn rất ngon, mềm không như ở Cali, dai. Ăn xong thì mình tản bộ về nhà khách còn mấy người kia, về trước mấy ngày nên hết bị jet lag, đi đâu chơi. Đi qua lễ Tân thì họ bảo có người nhắn. Ông cậu vợ gọi. Mình ngạc nhiên là ông ta biết chỗ mình ngủ lại. Sau này mới biết, con rể của ông cậu là trung tá công an phi trường nên khi nghe mình mới đến chiều nay nên hắn kiểm tra lại thì thấy đơn xin nhập cảnh của mình.

Mấy phút sau thì ông cậu và người con trai đến thăm. Tội ông cậu tuy lần đầu gặp cháu rể nhưng rất chân tình. Có lẻ mình là người đầu tiên trong gia đình mà ông ta gặp sau khi cả dòng họ vượt biên. Sau 75, ông có vào Huế, Sàigòn thăm gia đình của mấy người chị và khuyên các cháu nên đi vượt biên. Dạo đó thì chưa có ai bên vợ, về thăm Việt Nam, mình là người đầu trở về.

Mình nói muốn về thăm quê. Sau hội thảo, con rể của cậu đèo Honda, đưa mình về thăm quê. Trời mưa nên xe chạy chậm vì sình lầy, suýt té mấy lần trên bờ đê mà mình từng nghe ông cụ kể; thả diều. Mình ngồi phía sau nhưng hồn cứ bay chập chờn theo những ký ức của ông cụ. Cuối cùng sau khi hỏi thăm nhiều lần thì xe vào làng, theo lối cuối làng. Xe ngừng ở cái quán đầu tiên. Nói quán nhưng rất nhỏ như cái "shed", kho đựng độ làm vườn của đồng chí gái ở nhà, độ 1m x 2m. Mình thấy một con bé, đứng quán thì hỏi nhà ông chú họ thì con bé kêu to lên" Mẹ ơi! Anh Sơn , anh Sơn về mẹ!" Mình ngạc nhiên vì không có thông báo cho mấy ông chú họ hay hai bà cô ruột là sẽ về. Từ trong nhà, ùa ra bà mợ rồi bà ấy réo mấy đứa con, chạy đi kêu mấy người em họ của ông cụ, con của chú ruột và mấy bà cô ruột của mình.

Sang Mỹ thì bán anh em xa, mua láng giềng Mỹ gần nhưng về Việt Nam thì họ hàng rất quan trọng, rất gần khiến mình chưa quen vì xa nhà cũng trên 20 năm nhất là những người ở quê thì mình không biết ai ngoài mấy tên mà ông cụ viết trong thư. Khoảng đâu 10 phút sau thì cả họ kéo lại thăm mình. Mình vào nhà ông bà nội lạy bàn thờ ông bà thì khám phá ra nhà không có cửa sổ.  Có khung cửa nhưng không có kiếng. Mình hỏi tối ngủ thì sao, họ trả lời là đóng cái phênh, đan bằng rơm lại. Khung bằng tre, không có bản lề. Cửa vào nhà cũng vậy.

Mình hỏi có thể ra mộ ông bà thắp hương thì mọi người bảo mộ ở ngoài đồng, trời mưa đi không được. Trong làng ngoài Bắc, hình như có tục lệ người chết được chôn ở ruộng, trâu bò dẫm lên. Ai chết thì chôn ở ruộng của mình, ở miền nam mình cũng thấy tương tự. Chắc chỉ những ai không có ruộng mới chôn ở các nghĩa địa chung. Ai biết về vấn đề này thì cho mình xin. Mình nghe kể bà cụ mình có người em họ, rành về địa lí nên có xem đất đai gì đó cho ông bà nội. Ông cậu này nghe nói lo mồ mã cho những TBT đã chết. Có người phải đem cần trục đến đào sâu lắm nhưng hậu duệ vẫn không khá từ ngày ông ta xuống. Nói chuyện với người lớn dù không tin nhưng phải gật đầu nếu không lại bị chửi.

Căn nhà làm bằng đất, mái lợp bằng rơm khoảng 4m x 9m. Nên mình không hiểu tại sao ông bà nội mình bị liệt vào thành phần tiểu tư sản, giai cấp địa chủ, có nợ máu với nhân dân trong vụ cải cách ruộng đất. May là họ chưa bắn vì có lệnh thu hồi, sửa sai. Chu vi miếng đất khoảng 1000m2. Có cái ao nhỏ để nuôi cá. Mình đi vòng để xem, cố tìm cái chổ ông cụ mình trốn khi du kích, ban đêm đến bao vây nhà để bắt ông cụ mình như bài hát "người anh Vĩnh Bình" của Nguyễn Đức Quang. May đêm đó, mã tấu không vung lên lấy đầu của ông cụ mình nên ngày nay, mình mới dịp về thăm quê.

Ông cụ là con trai đầu, có hai người em trai, một bà chị và một em gái. Người em trai kế, nghe nói học giỏi, bị Tây bắn chết khi đi học về. Người em trai út thì chết trên đường vào nam, bị B52 dập trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người chị và cô em gái thì còn sống. Dạo mình về thì ông nội mình mất năm 78 còn bà nội thì qua đời vài năm trước khi mình về sau mấy năm bị tai biến mạch máu, nằm liệt giường. Dạo đó, ông cụ mình ra tù nên may mắn có về quê thăm và chăm sóc bà nội được vài tháng trước khi bà nội ra đi.

Sau này mình gửi tiền về cho bà cụ mình để xây lại căn nhà của ông bà nội, xây tường xung quanh miếng đất, cả họ hàng chiếm đất, xây cầu tiêu, nhà bếp, tân trang lại. Lần thứ hai về với vợ con thì mình có lại nhà trưởng họ để lạy bàn thờ tổ. Mình có đưa tiền cho bà cụ để xây lại cái cổng làng. Vợ mình và mấy đứa con thấy mấy ụ rơm với đàn ruồi bu đen khịt bên Đống phân bò nên không dám ngồi ăn. Mình chỉ uống nước trà trong khi dòng họ ăn uống vui vẻ với đàn ruồi.

Nhìn họ hàng bên nội, ngồi xung quanh, mình rất cảm động. Mình khám phá ra lần đầu tiên về thăm Đà Lạt, mình có đem cái video đám cưới của mình cho ông bà cụ xem. Ông bà cụ ra Bắc nên có đem cuốn video ra chiếu cho làng xem vì thế khi vào làng con bé Quỳnh, con ông chú họ nhận ra mình ngay. Sau này cô em đi lao động bên Nga nên khi nghe bài Chiều MẠc Tư Khoa của Phú Quang, khiến mình hay nhớ đến cô em. Nay lạnh quá, về quê, chăm sóc căn nhà của ông bà nội, để người em kế thế sang Nga lao động, gửi tiền về nuôi gia đình.

Ngồi chơi, ông chú bảo bà mợ đi bắt gà làm cơm thì mình xin kiếu, phải về Hà Nội với người em rể họ. Mình thấy dòng họ đông quá nên chả biết đưa tiền ra sao. Lần trước về thì mình đưa cho bà cụ để bà cụ cho ai thì cho còn đây mình phải trực tiếp nên thôi đưa mấy "vé" rồi nói mọi người chia nhau. Về đến Hà nội thì mình đang bâng khuân, muốn về nằm nhưng thằng em rể nói phải đi ăn. Ở Mỹ thì mình chán ăn còn ở Việt Nam thì họ tìm đủ cách để ăn nên ghé vào Chả Cá Lã Vọng, nghe nói nổi tiếng. 

Leo lên gác, ngồi nóng, ruồi đánh hơi Cá nên bay vòng vòng. Họ bê ra cái lò than, để trên bàn rồi quạt lửa than rồi cá, thì là. Thật ra mình quen khẩu vị, đồ ăn Việt Nam ở Mỹ nên thấy không ngon bằng ở Bolsa. Bên cạnh có một đám Bộ đội ăn cá, uống rượu đỏ may mà không có thằng Tây con đầm nào ngồi trong quán nếu không chắc sẽ bắt chước Talleyrand kêu: " c'est pire qu'un crime, c'est une faute".

Vừa về đến nhà khách thì mình thấy phòng bên cạnh, có bà cụ đứng khócđập cửa phòng; "mợ cựa cho mạ thăm con". Bà này từ Huế vào thăm đứa con mà bà ta cho đi di tản hay vượt biên, nay học xong lại về. Cô này như bị khủng hoảng tinh thần, cô ta căm thù bà mẹ, đã bỏ cô ta lên thuyền. Lâu quá mình không nhớ rõ chi tiết. Cô này nói tiếng việt không rành. 

Nay thấy con về bà mẹ lật đật từ Huế ra Hà Nội thăm con nhưng cô con gái thì cứ ngơ ngơ ngác ngác vì không hiểu tiếng Việt, làm bà mẹ khóc như mưa ngâu. Cô ta chạy qua phòng mình hỏi phải làm gì, thì mình bảo ôm bà ta, hôn bà ta nhưng cô nàng bảo còn căm thù. Mình bảo bà mẹ muốn cô nàng có một tương lai khá hơn nên phải hy sinh chớ ai làm mẹ mà không thương con. Cuối cùng cô ta trở lại phòng, sau đó đi đâu với bà mẹ. Hai mẹ con khóc bù loa còn bà ta thì cứ kêu mình bằng Ôn, cạm ơn ôn. Xứ mình sao có đủ chuyện thương tâm, hệ luỵ từ chiến tranh và nghèo hèn.

Sau hội thảo thì mình bay về Sàigòn vì không có chuyến bay thẳng đến Đà Lạt như ngày nay, rồi đi xe đò lên Đà Lạt, thăm gia đình. Ông cụ có vẻ vui lắm vì mình có đưa tiền cho cả họ. Nhớ cho tiền ở Việt Nam làm mình nhớ lần về quê bên vợ ở An Cựu, Huế. Đồng chí gái thấy chú mợ rồi em út họ hàng đến thăm nên hứng nói cho mỗi hộ $100, đếm ra có đến 18 hộ, mà có hộ ở Mỹ hay Gia Nã đại cũng được bà mợ lấy dùm. Lần sau, về tính trốn nhưng khi ở trong "Làng Hành Hương", một khách sạn cạnh Nam Giao, nơi các vua triều Nguyễn hàng năm, làm lễ cầu mưa nắng như vua tầu thì đồng chí gái gặp một người làm vườn rồi hỏi chuyện, té ra là cháu nội của ông chú nên phải đi thăm nhưng kỳ này khôn, chỉ cho hộ nào có mặt thôi. Vợ mình kể hồi nhỏ, mỗi lần đến nhà ông nội là thấy vườn rộng lớn lắm nhưng nay con cháu xẻ đất ra làm nhà nên vườn cây chả còn.

Về quê thì thích nhất buổi chiều hôm đó, trời mưa nên người em rể, trung tá Hải quan dừng chân ở Chùa Thầy. Mình đứng xem ngôi chùa nhỏ trên cái ao lớn khiến mình có cảm tưởng như tổ tiên lãng vãng đâu đây. Ngôi chùa quá đẹp. Sau này về với vợ con thì mình có đưa lại thăm thì vợ mình chả hiểu gì cả khi tên bán nhang, hương đèn nói giọng Hà Tây thé thé, bị moi tiền một cách trắng trợn. Các dịch vụ cúng kiến quốc doanh để moi tiền của thập phương bá tánh, đã đánh mất cái đẹp mà mình may mắn làm chứng nhân khi về lần đầu, thời bao cấp chưa định hướng kinh tế thị trường.

NHS