Đi Tây Ban Nha

Đi Tây ban Nha *

Năm thứ 3 thì mình được lớp cử lo tổ chức đi Barcelona một tuần như hàng năm nên phải lo tìm nhà trọ, vé xe lửa,... Cả lớp quyết định đi Barcelona vì gần biên giới Pháp nhất là kiến trúc, nghệ thuật của vùng này rất nổi tiếng. Sau này khi làm cho hãng kiến trúc I. M. Pei ở New York thì mình được giao thiết kế một công trình cho thế vận hội được tổ chức ở Barcelona năm 1992. 
Barcelona được coi như thủ phủ của vùng Catalunya của Tây ban Nha rất mạnh về kinh tế nhờ hải cảng quốc tế và liên hệ với nước Pháp và âu châu dễ dàng trong khi thủ đô Madrid thì ở trung tâm của đất nước không có gì để phát triển kinh tế nên dân vùng Catalunya này muốn tự trị. Họ nói thổ ngữ riêng của họ và coi thường dân Madrid như dân miền Bắc Ý khinh miệt dân miền Nam cho nên khi đội đá banh Barcelona đấu với Real Madrid là rất sôi động thường được gọi là El classico. Mình dẫn vài đàn em đi thăm Văn phòng kiến trúc của nhóm Taller de Ảrquitectura do ông Ricardo Bofill cầm đầu, dạo ấy khá nổi tiếng, xong có đi xem dãy nhà Xanadu, ở Calpe gần Barcelona nhưng khu này bị bỏ hoang, dột nát tuy mới xây cất vài năm trước đó.

Có đi Tây Ban Nha mình mới hiểu lí do dân đất nước này phải đi xứ khác làm ăn vì khí hậu khắc nghiệt, thêm nền độc tài cai trị của Franco, sau khi loại bỏ nhóm thiên tả trong cuộc nội chiến. Khi một đất nước được cai trị bởi đám quân chiến thắng thì số còn lại được xem sống bên lề lịch sử, không đóng góp gì được cho đất nước nên một số bỏ làng mạc đi làm công ở Pháp hay Đức,…kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Không khác gì kiểu Việt Nam, kẻ thua cuộc chả được gì. Chỉ được cái là không bị đi cải tạo.

Vào thời đế quốc La Mã thì vùng Iberia này được xem là trù phú nhất đế quốc vì họ trồng được dầu Olive, và được bán khắp đế quốc để ăn, làm sà bông,…nên sau này hoàng đế Adriano sinh trưởng vùng này làm bá chủ đế quốc.

Thế kỷ 16, họ coi như bá chủ của Âu Châu, có nhiều thuộc địa, nghèo quá nên ai cũng xin đi Châu Mỹ, kiếm vàng như các Conquistador. Sau này vì sự ngu dốt của đám cai trị nên đế quốc này xuống dù chiếm gần hết miền Trung Nam Châu Mỹ ngoại trừ Ba Tây của Bồ Đào Nha đều nói tiếng Tây Ban Nha. Các ông cố đạo gốc Tây ban Nha đã lập nên các giáo xứ ở tiểu bang Cali.

Như các quốc gia khác ở Âu Châu, nước Tây Ban Nha được thành lập bởi các vùng nói thổ ngữ khác nhau được nhà độc tài Francisco Franco thường được gọi El Caudillo, cai trị trong suốt mấy chục năm sau khi thắng cuộc nội chiến mà hoạ sĩ Pablo Picasso vẽ bức tranh Guernica, hoạ lại vụ bỏ bom của đồng minh của ông Franco giết chết khá nhiều người trong cái làng này mà mình có ghé qua nhưng không gì là đặc biệt cả. Sau khi ông Franco chết thì cháu ông ta được lên làm vua Juan Carlos muốn dân chủ hoá đất nước vì Tây Ban Nha rất nghèo và lạc hậu so với các nước miền Bắc Âu Châu.

Quân đội không muốn dân chủ hoá, bám lấy cái lợi cá nhân nên chiếm đóng quốc hội nhưng ông vua Juan Carlos đã đọc một bài diễn văn lịch sử kêu gọi các quân nhân trở về trại lính và Tây Ban Nha từ từ phát triển từ những năm 80 theo chế độ quân chủ nhưng do nội các được dân bầu lãnh đạo. 

Sau này mình đi Giang Hồ ở khắp nước này thì có gặp khá đông người lớn tuổi còn tiếc nuối thời đại Franco. Hiện nay các vùng như Catalunya và Basque, gần biên giới Pháp muốn tự trị, nhóm Basque thì đấu tranh, khủng bố mấy chục năm nay nhưng nay giới trẻ không còn ủng hộ. Tây Ban Nha là thành viên của Cộng đồng Âu Châu, giới trẻ học tiếng Anh thay vì thổ ngữ cho nên văn hoá giới trẻ ngày nay được quốc tế hoá theo Văn hoá Fast Food.

Barcelona có một kiến trúc sư tên Antonio Gaudi, thiết kế các toà nhà rất khác lạ dị thường, nổi tiếng nhất là thánh đường Sagrada Famiglia được thiết kế trên 100 năm nhưng chưa xong nay con cháu ông ta vẫn tiếp tục vận động các nhà hảo tâm vùng này để hoàn thành. Mình thích nhất là Las Ramblas, vĩa hè nằm ở giữa hai đường xe chạy, được trồng cây, có mấy kiosk nên dân địa phương đi dạo phố xuống tới hải cảng có tượng của ông Kha Luân Bố chỉ tay về hướng Mỹ châu. Gần đó thì có chiếc tàu nhái theo chiếc tàu mà ông Kha Luân Bố đã dùng khi đi khám phá Châu Mỹ để du khách lên viếng. Cái tàu này rất nhỏ hơn so với các tàu mà thời đô đốc Dương Hạ của Trung Hoa đóng trước đó mấy trăm năm. Ông này sau bị vua tước quyền, đóng các xưởng đóng tàu, tự cô lập nước Trung Hoa.

Mình có xem một chương trình truyền hình Nhật nói về sự thiệt hại của hơn 100.000 người của hải quân Mông cổ trên đường chinh phạt xứ Phù tang. Họ khám phá ra cái cột buồm của các tàu Mông cổ do người Hán bị cai trị, đóng đã cố ý làm sai để gặp bảo thì không thể xử dụng được nếu không thì có lẻ lịch sử Á châu đã thay đổi. Mình không biết khi ông Kha Luân Bố đem theo những thực phẩm gì trên đường khám phá ra Châu Mỹ nhưng các tàu của dân Anh quốc đưa di dân sau này như con tàu Mayflower đem theo lương thực chính là bia hơi. Thuyền nhỏ cần dự trữ nước và thức ăn nên họ đem theo các thùng bia hơi vì có nước uống và bia có chất dinh dưỡng. Lí do chính mà con tàu này đổi hướng vì hết bia và chuyện lí thú nhất là nếu ông John Rowlands mà bị chết đuối dạo ấy thì nước Mỹ đã không có ba ông tổng thống Roosevelt và hai cha con ông Bush. Có dịp mình sẽ kể lí do bia và rượu đã xây dựng nước Mỹ.

Mình thích nhất các món ăn gọi là Tapas tương tự như mồi cho các bợm nhậu. Vào quán uống bia thì thấy nơi quầy có các món nhậu này, cứ kêu đủ món ăn khỏi mất công ăn tiệm. Ngoài ra thì thích uống Horchate, loại quế rất ngon và mát. Vùng miền Nam họ hay ăn Gazpacho, một loại súp cà chua rất tốt về mùa nóng. Đồ ăn của xứ này thì không có gì đặc biệt ngoài món Paella, cơm nấu với hải sản và bột nghệ. Sau này mình có đi một vòng Tây Ban Nha thì thấy các tỉnh nhỏ có rất nhiều quán rượu. Trước khi ăn cơm chiều thì đàn ông có lệ là đi uống bia, rượu đấu láo với bạn bè. Trên một con đường nhỏ ở Murcia dài độ 100 thước mà mình đếm đến có tới 28 quán rượu. Khi mình đi quá giang xe người ta thì họ đổ mình xuống thành phố này. 

Trong cuốn hướng dẫn du lịch thì không có youth hostel nên mình hỏi một ông già bên đường có biết một quán trọ rẻ tiền thì ông này kêu mình về nhà ông ta ngủ qua đêm không phải trả tiền. Ông này thuộc thành phần ủng hộ Nhà độc tài Franco nên chửi bới Cộng sản nên thích mình. Trong cái đường nhỏ này, ông ta dẫn mình vào đến 28 quán rượu, mỗi nơi uống một ly bia nhỏ rồi Khệnh khạng về nhà ăn cơm. 

Hay ở thành phố San Sebastian, vùng đòi tự trị Basque thì cô bạn mình dẫn mình đi một con đường có trên 45 tiệm rượu. Lúc đó mình mới hiểu lí do xứ này nghèo. Ông bà mình hay nói "nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng", cứ bỏ tiền ra uống bia rượu thì không bao giờ giàu cả. Có lẻ nhờ nhân dân nát về rượu mà ông độc tài Franco đã cầm quyền quá lâu năm hay có thể đó là lối chính trị cầm quyền của nhà độc tài này như thực dân Pháp khi xưa đã bán thuốc phiện cho dân mình và rượu bia để ru ngũ lòng yêu nước. Như ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hoàng Chương,... nghiện tiên nâu thì làm sao mà đánh pháp? Các vùng đòi tự trị mà dân địa phương cứ uống rượu thì làm gì mà bàn thảo dành độc lập.

Mình mê Barcelona nên hè năm đó mình đi Giang Hồ một mình xứ đấu bò này. Từ Paris mình ghé lại Montpellier để thăm một tên bạn học y khoa ở Paris nay về làm nội trú bệnh viện đầu tiên được thành lập ở Pháp. Anh này quen biết với một khách sạn nên họ mua số tranh của mình nên khá dư tiền để viếng Tây Ban Nha 3 tháng hè. Mình có ghé Carcassone gần đó để xem cái thành cổ nổi tiếng này sau đó thì vượt núi Pyrénées ngăn đôi nước Pháp và Tây Ban Nha, đến tỉnh Gerona. Tây Ban Nha nổi tiếng là xứ đấu bò, miền Nam của Pháp cũng hay xem đấu bò như ở Nîmes nhưng ở Tây Ban Nha thì thành phố nào cũng có. 

Chiều đó mình đi xem đấu bò "la corrida" lần đầu tiên, bắt chước du khách kêu Ole ná thở khi thấy el matador, tên đấu bò múa may trước khi giết con bò rừng thì thấy có ban nhạc trẻ kèn đồng cũng thổi sau đó mới biết là một ban nhạc kèn đồng của một trường Trung học ở thành phố Linz, Áo quốc mà mình có lần thăm viếng, lại ở cùng youth hóstel (lữ quán thanh niên) với mình vì hồi chiều khi ngồi vẽ ở đầu phố thì có vài người đến xem mình vẽ lại xổ tiếng Đức. Tối đó sau khi ăn cơm thì mình hỏi thăm thì dân địa phương chỉ tới một quán nhạc Flamenco nên bò vào uống nước, nghe mấy tên Tây Ban Nha đánh guita và hát rồi có người hứng lên thì múa Flamenco. Mình ngồi sớ rớ cũng bị một cô Tây ban nha kéo ra nhảy, đang nhảy thì đám người Áo đi vào, sau đó thì có vài cô người Áo hỏi chuyện với mình sau này mình vẫn liên lạc và có một cô viếng thăm mình khi đi làm ở Zủich, Thuỵ Sĩ.

Rời Gerona thì đi viếng Barcelona lại, có đi xem Paco De Lucia, tay đánh guita số một của Tây Ban Nha chơi với ban nhạc Santana mà hồi nhỏ có nghe Oye como va. Xong rồi có một cô người Ái Nhỉ Lan ở chung Youth Hóstel rũ đi xem đội Văn nghệ của Liên Xô, mình thích nhất bài Valencia rồi xuống Tảrragona xem các di tích của thời La Mã rồi đi xe lửa đến Madrid. 

Madrid là Trung tâm hành chánh của xứ này rất khác với Barcelona, dân tình lè phè hơn tương tự miền Nam nước Ý. Đàn bà con gái đẹp nức nở. Ở đây mình gặp lại các cô bạn quen ở Luân Đôn nên được dẫn đi xem dân tình sinh sống, hộp đêm. Có một cô mua tặng mình bích chương đấu bò có Matador tên Nguyễn Hoàng Sơn, đem về treo trong phòng hách sì sằn lắm. Có người xem hỏi mình sang Tây Ban Nha đi đấu bò để kiếm tiền ăn học khiến ai cũng tin. Họ lấy tên mình rồi bỏ vô cái khuôn, xong chấm mực rồi in lên cái bích chương có sẵn.

Ngoài vùng ngoại ô của Madrid có thung lũng chiến sĩ trận vong (Valle de los Caidos) đền tưởng niệm các chiến sĩ chết trong cuộc nội chiến nhằm để hàn gắn lại những đổ vở sau cuộc chiến khi anh em trong gia đình theo phe khác nhau. Dạo đó đã 35 năm sau nội chiến mà hai bên vẫn còn gờm nhau. Nghe kể lính cộng hoà (cộng sản) bắt con trai của một ông đại tá franquist rồi gọi cho ông ta kêu đầu hàng nếu không sẽ giết. Ông đại tá này nói với con trai, hãy chết oai hùng như một người con chiên ngoan. Nay mình mới hiểu VN sau 40 năm mà kẻ thắng trận và kẻ thua trận vẫn chưa thật sự nhìn nhau. Sau này ông Francisco Franco được chôn ở đây trong nhà thờ, ngôi mộ rất bình thường đề tên của ông ta và dấu thập tự. Nghe nói ngày nay người ta muốn dời mộ ông này đi đâu. Đã giết nhiều người nên chết không yên. Mình có bắt chước Thung lũng trận vong này và vẽ một Đài tưởng niệm chiến tranh VN ở mũi Cà Mau, dài 12 km trên biển được hội đồng giám khảo khen tặng.

Sau đó thì có đi viếng nhiều chổ khác nhưng không có ấn tượng nhiều. Vùng Andalusia để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm, hy vọng có ngày đưa vợ đến đó. Ông nhạc sĩ Bizet, người  Pháp đã soạn vở kịch opera Carmen để đời ở đây. Vùng này bị ảnh hưởng của sự đô hộ của dân Á rập hồi giáo 400 năm nhưng có cái điểm hay là khi người công giáo đánh đuổi người cai trị Á rập về lại Phi Châu thì họ không tàn phá các nhà thờ truyền đạo của hồi giáo hay Do Thái giáo và các toà Nhà có nền kiến trúc Á rập khác nên ngày nay những di tích ấy để lại cái đẹp của một thời Thịnh vượng của Văn hoá Á rập. Vùng Andalusia có hai thành phố chính là Sevilla và Granada, là nôi của nhạc Flamenco. Mỗi tối đi vào các quán nghe hát nhạc Flamenco mà dân xứ này gọi là Las Sevillanas hay nghe những tình ca fado tương tự của Bồ Đào Nha mà mình có đi thăm sau này. Ở Sevilla thì mình ở trọ một nhà của hai mẹ con sau này cô con gái dạy mình hát hai bài Sevillanas mà sau này khi đi chơi với nhóm bạn ở Algerciras được dịp dùng đến, sẽ kể sau. 

Xứ này nóng cho nên trong Nhà, tường đều lót gạch men, có bể nước làm con người mát diệu xuống. Granada có toà Nhà của vua chúa Á Rập khi xưa có tên là Alhambra, đẹp không thể tả, trên ngọn đồi. Mình dừng lại đây cả tuần vẽ mà vẫn không đã nhưng sau phải đi vì cô bạn  ở Paris hẹn gặp ở đây rồi đi chung về Pháp. Ai ngờ cô nàng lại đến với một cô bạn nữa nên khi quá giang xe rất khó vì đông người. Con gái thì dễ đón xe nhưng nếu đứng sớ rớ với tên con trai là không xe nào ngừng. Mình thử núp trong bụi để hai cô này ngoác xe thì xe ngừng lại mà thấy mình nhảy trong bụi ra thì họ rú ga chạy mất nên mình nói hai cô nàng ra đứng đường ngoác xe đi trước mình sẽ hẹn gặp ở tỉnh Burgos. 
Mình đang đứng sớ rớ, có chiếc xe hơi với bảng số Pháp đậu lại, nhảy lên thì gặp hai Chị em Tây đi xuống miền Nam, rũ mình đi chung cho vui nên đồng ý, khiến về Paris bị cô bạn dũa nhừ tử. Cô Chị là sinh viên ở Toulouse, có một tên sinh viên học chung người gốc ở Algeciras tên Juan rũ xuống chơi Nhà hắn. Mình đi theo vì tò mò muốn biết thành phố này tương tự như mũi Cà Mau của VN. Tàu bè đi Phi Châu là khởi hành từ đây, cạnh eo biển Gilbratar của Anh quốc hình như đâu 20, 30 km cách bờ biển Phi Châu. Có dịp sẽ kể chuyến đi Phi Châu, maroc của mình.

Xe đến Algerciras gần nữa đêm mà tên bạn học Juan của cô Chị không có nhà nên chạy vòng vòng hỏi cuối cùng đâu hai giờ sáng thì gặp hắn trong tiệm ăn rồi hắn rũ đi nhảy Flamenco đến 3,4 giờ sáng mới được cho về Nhà hắn ngủ. Sáng ra mình chào hắn để đi Giang Hồ tiếp thì hắn không cho bảo ở lại chơi thêm vài ngày rồi hắn dẫn đi tắm biển, đi thăm vùng này, qua Gilbratar của Anh quốc chơi. 

Tối lại thì đi nghe nhạc thì gặp hai cô Tây ban nha hỏi chuyện, nhảy Flamenco. Cuối cùng thì hai cô xin về thì mình mới quỳ xuống  hát bài Sevillana đại khái là "tâm hồn lặng chết khi một người bạn ra đi, xin đừng đi vì cây đàn của tôi khóc mỗi khi có người nói lời từ biệt..." bài này hợp tình hợp thời gian, không gian làm hai Chị em cho quá Giang xe và tên Juan cười quá cở. Hai cô Tây ban nha hẹn gặp lại ngày mai ở quán nào, quên mất nhưng hôm sau gặp lại trong ngày thì mình không thấy đẹp như tối hôm trước nên uống nước rồi chia tay dù cây đàn có rơi lệ.

Mình đứng ở Hải cảng nhìn sang bờ đại Dương là Phi Châu, chỉ cách có 20 km nên muốn lên Tàu đi như Marius của Nhà Văn Marcel Pagnol hàng ngày xem các con tàu ra khơi từ bến Marseille nhưng chiều đó tên Juan rũ qua nhà một người bạn chơi. Tên này con đại gia ở Madrid, gia đình có biệt thự ngoài biển để hè ra chơi. Hắn sắp sửa đi du học ở mỹ nên dẫn cô bạn gái ra chơi cùng cô bạn. Ngồi nói chuyện vớ va vớ vẫn thì cô bạn hỏi mình có muốn đi tắm với cô không, mình ngơ ngác như bò đội nón thì tên Juan đẫy mình đi. 

Cô này là giáo viên nên có cách dạy tiếng Tây Ban Nha rất tuyệt vời, cô lấy tay mình chỉ từng Bộ phận trên người rồi phát âm chậm chậm xong rồi bắt mình lập lại. Đầu óc mình trở nên minh mẫn vì học tiếng tây ban nha rất nhanh, cả tuần sau đó không đi vẽ ngoài, cứ vẽ khoả thân cho cô nàng rồi hát bài Capri c'est fini từ giả cả đám tiếp tục đi viếng các nơi khác như vùng La Mancha mà ông Cervantes đã viết cuốn Don Quixote, Burgos, Santiago di Compostela,.. nhưng không hiểu sao mình không thấy quyến rũ nữa cứ ngơ ngơ như người mất hồn rồi về lại Paris bị hai cô bạn dũa như chó dại vì đi chơi ra sao suýt bị mấy tên địa phương làm hổn.

Hai Chị em ở Toulouse có viết thư mời mình xuống thăm nên hè năm sau trên đường đi xuống thì gặp một tên cho quá giang, hắn bảo mình đi Aix En Provence, quê hương của hoạ sĩ Paul Cezanne và n văn và đạo diễn Marcel Pagnol mà mình ưu thích nên bỏ í định đi Toulouse, xuống vẽ núi Sainte Victoire của Cezanne, rồi viếng thành phố Arles mà hoạ sĩ Van Gogh, nổi điên cắt tai mình rồi lên tàu đi Maroc, sẽ kể sau.
Đi chơi ở Âu Châu dạo đó có một hệ thống quán trọ cho giới trẻ, có thể gọi là lữ quán thanh niên, rẽ tiền nên buổi sáng hay tối ăn chung thì gặp nhiều giới trẻ khắp nước, trao đổi kinh nghiệm những nơi đã đi qua và hỏi những nơi sắp đến nhiều khi mình quen nhiều người như vậy đến nay vẫn còn liên lạc. 

Có lần mình đi xe đạp vùng dòng sông Loire của Pháp để viếng mấy château, gặp hai chị em người Thụy Điển rũ đi chung hai tuần, sau này mình có sang dự đám cưới hai chị em cô ta. Cuộc đời vui lắm , đi chơi quen vài người rồi đi chung một đoạn đường rồi chia tay. 

Sau này mình đi chơi với bạn gái thì không còn gặp gở những người bạn đột suất nữa. Chưa mở miệng là đã bị lườm. Chán mớ đời!  Dạo còn sinh viên thì mình ở trọ một cái phòng không có phòng tắm, lò sưởi nên mùa Đông thì lạnh còn mùa hè thì nóng cho nên sau khi ăn cơm ở trường thì mình đi học thêm các lớp sinh ngữ về đêm ở trong thành phố của mình, học phí rẽ lắm nên về tới nhà là leo lên giường ngủ. Năm thì học tiếng Ý, năm thì học tiếng Tây Ban Nha, rồi Đức. Nay mình đang tự học chữ Nôm nhưng sao thấy khó khăn quá. 

Sơn đen