Hôm trước có anh bạn gửi hai bài viết của thầy An từ Việt Nam khiến mình cảm động. Trên 60 tuổi đời mà lâu lâu vẫn còn nhận được bài viết của thầy dạy Việt Văn khi xưa, như một lời huấn dụ, hỏi han, thăm hỏi của người thầy năm xưa ở Văn Học, dù mình chỉ học thầy có một năm.
Từ ngày trang nhà của các cựu học sinh Văn Học và Văn Khoa tại Đà Lạt ra đời thì lâu lâu có thầy cô đã từng dạy tại hai trường này, viết bài cho học trò cũ đọc như tiếp nối những giây phút dạy trong lớp ngày xưa. Mình chuyên hóng các bài viết này như mong đợi quà khi xưa.
Trong bài thầy có nhắc đến nhân vật Anh Cu Đen khiến mình nhớ đến Anh Cu Đen trong xóm mình, cư xá của ty Công Chánh, ở Hai Bà Trưng Đà Lạt. Có thể nói đường Hai Bà Trưng dạo ấy toàn là cư xá dành cho công chức được xây dựng thời Tây; cư xá của nha Địa Dư, ty Công Chánh, Ty Kiến Thiết, ty Bưu Điện và viện Pasteur.
Dạo ấy cư xá Công Chánh gồm những căn nhà hai tầng hình chữ A, được chia làm hai căn hộ, bắt đầu từ số 43, 44, dọc đường Hai Bà Trưng, và có 7 nhà được xây nối liền với nhau như các cư xá của Nhà Địa Dư hay ty Bưu Điện nhưng đâu lưng với đường Thi Sách, nối liền với một con hẻm từ đường Hai Bà Trưng đi lên đường Calmette do đó con nít xóm mình chơi với đám con nít ở đường Thi Sách nhiều hơn như ĐGL học Yersin.
7 căn nhà được xây dính liền nhưng lại không có cầu tiêu, nhà tắm trong nhà như mấy căn nhà hình chữ A, ngược lại thì có một khu nhà vệ sinh tập thể chung, nếu dùng từ vựng hậu 75 thì gọi là hợp tác xã định hướng ỉa đái tập thể. Mình đoán là xóm này dành cho những người làm lon ton trong sở còn những căn nhà hai tầng, hình chữ A là dành cho các xếp lớn trong ty công chánh. Ngoài ra có một căn nhà một tầng nhưng rất rộng với cái vườn và nhà đậu xe dành cho trưởng ty ở. Nếu mình không lầm thì ông Sâm Bắc cầy, kỹ sư công chánh làm trưởng ty, có thằng con tên Chiến, học Trần Hưng Đạo hơn mình một tuổi thì phải. Mỗi lần mình ghé nhà chơi với thằng Chiến, bố mẹ tên này cứ dáo dác nhìn mình như canh chừng xem mình có ăn cắp gì không nên sau này mình không chơi với nó nữa.
Trung tâm vệ sinh của xóm nằm ở cuối xóm, nhà mình thì nằm ngày căn đầu tiên nên khi trời mưa, xách thùng nước đi cầu là một vấn đề, sẽ kể sau. Trung tâm gồm 3 nhà cầu, 2 nhà tắm đứng và 3 cái bể để giặt quần áo, có mái nhà được lợp ngói nhưng với thời gian, con nít trong xóm quăn đá nên mái ngói bị bể nên khi trời mưa, ai đi cầu là phải đội nón lá hay che dù để nước mưa dột không bị ướt đầu. Khổ nhất là ban đêm không có đèn, trời mưa là một vấn đề vì vừa thắp nến vừa che dù, nghe tiếng mưa dột trên cái nón lá độp độp.
Trung tâm vệ sinh có mấy vòi nước nhưng lâu ngày bị nghẹt, ống nước làm bằng gan nên bị rét rỉ thêm trên dốc cao nên nước không lên tới nên mỗi lần đi cầu thìmỗi người đều xách theo tờ báo và thùng nước. Thùng nước được làm bằng thùng dầu ăn của mỹ, người ta cắt cái phần trên rồi đóng miếng gỗ làm cái quai để xách nước. Tờ báo để đọc rồi vò cho mềm để chùi bớt đau. Ngày nay con mình la mỗi khi mình mua giấy đi cầu rẻ tiền. Chán mớ đời!
Ống nước bị rét rỉ nên không có nước do đó khu để giặt đồ hay tắm không còn được sử dụng được. Dân trong xóm phải đi gánh nước giếng ở đường Thi Sách hay ở vườn ông Ba Đà, mùa mưa thì hứng nước mưa để dùng do đó dân xóm mình rất quý nước. Nay nghĩ lại thì dân trong xóm có thể cùng nhau sửa chửa khu vệ sinh chung nhưng không ai hô hào việc đó rồi từ từ mỗi nhà lấn đất phía sau nhà, xây thêm nhà và cầu tiêu vì trung bình mỗi hộ có 10 đứa con trở lên. Xem ra 70 người sử dụng trung tâm định hướng ỉa đái tập thể. Kinh.
Căn nhà thứ 5 là nhà anh Cụ Đen, hơn mình đâu 5, 6 tuổi chi đó, học trường Trần Hưng Đạo. Trong xóm cứ kêu anh ta là Cu đen, anh ta không mắc cở chi cả cứ cười hì hì. Có lần mình hỏi lý do người ta gọi anh là Cu Đen thì anh ta cười bảo vì cu tao đen chớ răng nên từ dạo ấy mình cố tìm cách để bồi dưỡng văn hoá, kiểm kê xem cu anh ta đen ra răng. Mỗi lần gặp anh ta đang vạch chim đái ở vườn của nhà anh là mình cũng chạy lại đứng cạnh tè nhưng cốt là để xem con chim hoành tráng của anh ta. Sau này qua Tây mới học được từ Voyeur. He he he.
Một hôm anh ta thấy mình tướng mắt, liếc sang cố để xem chim đen của anh, anh hỏi mi nhìn cái chi rứa, muốn xem cu tao đen chừng mô thì về lấy cho tao điếu thuốc. Mình chạy về nhà lén lấy điếu thuốc của ông cụ mang ra. U chầu lần đầu tiên xem chim của anh ta như củ khoai lang nướng bị cháy. Dị òm! Ngoài ra mình có thấy tóc quăn như Tây đen trên con chim hoành tráng của anh. Về nhà cứ nhìn cu mình hỏi sao không có râu đen.
Chiều chiều sau ăn cơm chiều thì con nít trong xóm hay tụ tập trước nhà thì bắt đầu cuộc duyệt binh của dân trong xóm, thay phiên nhau đi viếng trung tâm định hướng ỉa đái tập thể của nhân dân trong xóm. Trời tối thì đem theo cây nến vìtrong nhà vệ sinh không có đèn, có người thì đem theo cái đèn hột vịt.
Nhà cầu là để cho người lớn còn con nít từ 1-5 tuổi chưa đi học thì vào cầu tiêu là một cực hình, Lạng quạng té xuống hầm xí thì khốn nên thông thường con nít cứ ngồi xuống đất với cái quần xẻ đáy, làm một bãi rồi kêu con Kiki tới thu dọn chiến trường. Xong om!
Bên này mình thấy mấy ông anh vợ lo cho mấy con chó của mấy đứa con hay bồ của chúng đem về là sợ. Mấy đứa cháu học hỏi tinh thần thương dân khóc chócủa người Mỹ nên hay tìm mua chó đem về nuôi hay tặng bồ vào sinh nhật. Khi chúng giận và bỏ nhau thì trả chó lại đem về nhà quăn đó, bắt mấy ông anh vợ nuôi, đưa đi trung tâm chăm sóc sắc đẹp chó, cắt móng chân, tắm rữa mất Cả $100 mỗi lần. Mỗi ngày phải dẫn chó đi chơi, nuôi ăn nếu không bị mấy đứa con la, kêu kém văn minh.
Con nít trong xóm ra đứng trước sân chơi sau khi ăn tối thì mình để ý là mỗi khi chị B, chị của thằng Huân, học Bùi Thị Xuân, vác thùng đội nón cầm báo đi về phía trung tâm vệ sinh tập thể là anh Cụ Đen cũng đau bụng rồi chạy về nhà xách nước, đội mũ đi.
Một hôm thằng Huân kêu mình đi theo anh Cu Đen thì khám phá ra anh chàng này đang leo lên cái thùng nước trong cầu số 2 để xem chị B đang oanh tạc trong cầu số 3. Không gian rất chậm chạp, lâu lâu có tiếng lật lật rẹt rẹt tờ báo của chị B rồi bổng nhiên thằng Huân kêu to “{Cu đen nhìn chị B” thì anh Cu đen bị trợt chân té vào hầm xí còn chị B hét to rồi bỏ chạy ra khỏi cầu.
Mình và thằng Huân bỏ chạy và từ đó mỗi lần bắt gặp mình là chị B tránh chỗ khác, chắc nhớ cảnh bị anh Cu Đen rình xem trong khi chị đang đọc bà Tùng Long. Anh Cu đen sau này đi lính và mình không gặp lại.
Mình đi Tây đến 20 năm sau mới trở lại thăm quê xưa. Mấy gia đình khi xưa dọn đi đâu mất chỉ còn lại vài nhà trong xóm. Mỗi lần về thì mình chỉ ở Đà Lạt cóhai ngày rồi đưa cả gia đình đi chơi ở Nha Trang nên cũng không ghé thăm hàng xóm khi xưa. Trung tâm định hướng ỉa đái thì có ai, ngoài Bắc vào, cưỡng chế, đập phá xây nhà mấy tầng.
Lần trước về có một mình, thăm ông cụ nên ở lâu, có ghé nhà anh Cu Đen thăm. Mình thấy anh ta ngồi trước cửa, nơi khi xưa con nít hàng xóm hay tụ tập vào buổi chiều. Anh dạo này tóc bạc già nua, mình không nhận ra. Con cháu anh ta nói là có anh Sơn con ông Đoài sang chơi. Anh nhìn mình rồi kêu to như người bị điếc, con ai rồi nói bị chừ tra rồi khôn nhớ ai, rồi nhìn ra cửa về một nơi xa vắng.
Nhs