Thánh Assisi của Song Pha *
"tui mệt mỏi lắm Anh ơi! 18 năm ni cứ lo ăn, lo mặc, tắm rữa cho con người ta mệt lắm! Nhiều đêm tui trách Chúa răng mà đày tui như ri thì hôm sau có người đem gạo đến cho..." đó là những lời than thở của anh Châu khi gia đình mình ghé thăm trung tâm bảo trợ xã hội do anh đảm nhiệm ở xóm La Vang, Song Pha, tỉnh Ninh Thuận. Anh kể năm 1972 khi dân chúng bỏ chạy dưới sự pháo kích của VC trên "đại lộ kinh hoàng" thì anh có gặp một em nhỏ bú người mẹ chết bên đường. Mình có thấy bức ảnh này. Quá oan nghiệt.Hình ảnh mà anh Châu kể cho mình trên đại lộ Kinh Hoàng, khi người dân bồng bế nhau chạy trốn khi Việt Cộng đánh chiếm Quảng Trị. Việt Cộng đi đến đâu là người dân chạy đến đó cho nên họ tức và pháo kích theo đám dân chạy theo “Mỹ nguỵ” khiến dân chết như rạ.
Hình ảnh đó đã ám ảnh suốt cuộc đời anh đến khi anh thấy mấy đứa bé tàn tật hay bị bệnh thần kinh, cha mẹ đem bỏ ngoài đường, trước bệnh viện hay chùa, nhà thờ thì anh đem về nuôi. Anh có mảnh đất ở xóm La Vang nên làm nhà nuôi mấy đứa trẻ sau này lại có thêm những người già neo đơn không có con chăm sóc thì người ta đem đến bỏ trước nhà anh để anh nuôi. Lo ăn, lo áo quần cho trên 87 người là sự đấu tranh thường nhật của Anh và người vợ. Anh kể nhiều đêm anh nằm trách Chúa tại sao lại hành vợ chồng anh đến thế thì phép lạ xẩy đến, sáng hôm sau thì có người hảo tâm đem gạo, thức ăn đến. Trên đường từ Đà Lạt xuống đèo Ngoạn Mục thì xe có ghé lại các nhà làm vườn để lấy rau cải đem xuống cho trung tâm do anh cai quản.
Dạo mình đi làm ở New York thì có quen một số thanh niên, gồm sinh viên và học sinh và những người đi làm. Nhóm này họp mặt sinh hoạt làm báo, tổ chức văn nghệ, cắm trại và các công tác xã hội, giúp đỡ người tị nạn mới sang,... Có chương trình "chén gạo tình thân" được đỡ đầu bởi linh mục Nguyễn Hoài Chương tổ chức các tiệc gây quỹ để giúp người còn kẹt ở các trại tỵ nạn ở các nước Á Châu. Sau này làn sóng vượt biển ngưng thì nhóm này chuyển hướng về vấn đề xã hội ở bên Mỹ và VN.
Sau này lập gia đình, không có thì giờ giúp các Anh Chị trong nhóm nên mình chỉ giúp bằng hiện kim. Hôm đám cưới của mình thì các Anh Chị của nhóm từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về để cưới vợ cho mình vì gia đình còn ở VN khiến mình rất cảm động về những tâm tình của nhóm dành cho mình.
Hè năm ngoái trước khi về thăm VN thì mình có hỏi cha Chương có chương trình nào để mình cho mấy đứa con đi theo nhưng thời điểm của phái đoàn của nhóm gửi về VN thì các cháu vẫn còn đi học nên tụi này nhờ chị KT, đại diện của nhóm ở VN lên chương trình dùm, đi viếng các nơi mà nhóm có giúp đỡ gần lộ trình đi chơi của gia đình mình. Mình có rủ vài người bạn hẹn gặp ở VN đi chung nhưng họ bảo về VN chơi mà đi viếng mấy chỗ này làm bị khủng hoảng tinh thần thêm.
Chị KT đón gia đình mình ở khách sạn với chiếc xe 7 chổ. Lúc đầu chị tính cho gia đình mình đi chung với chiếc xe đò bao đem một người già neo đơn, ngồi xe lăn và thức ăn, rau cải, gạo muối,.. xuống cho trung tâm xã hội ở xóm La Vang nhưng vào giờ chót thì có người khuyên nên cho gia đình mình đi xe riêng. Sau này mới hiểu và cám ơn sự chu đáo của chị KT. Ông tài xế kể là đường xấu không ai dám chạy cả, dù được trả tiền nhưng "nhất chúa nhì cha thứ ba Ngô tổng thống" nên cha bảo đành phải đi. Con đường chạy từ Đà Lạt xuống Song Pha mà Tết 74, nhóm bạn mình rủ nhau đi Ninh Chữ chơi qua đèo Ngoạn Mục để lại mình nhiều kỷ niệm đẹp, nay trở thành con đường như bị đánh bom.
Hàng xóm mình có một anh đi Biệt Cách Dù, về phép với ông bạn rồi hai người chạy về Phan Rang bằng xe gắn máy. Người ngồi sau, thủ súng, Việt Cộng chận là bắn như xi nê ngay. May bình yên qua đèo Ngoạn Mục.
Có chương trình làm con đường này, họ đem xe máy cày đến, bốc nhựa đường cũ lên, rồi vì hết ngân sách nên bỏ đó. Mình thấy các xe ủi đất, đào đường bỏ bên lề đường, cỏ mọc hoang trên mui. Trớ trêu là các khúc đường mà làm trước 75, thậm chí thời tây, thì vẫn tốt, chạy vẫn êm. May mà hôm đó trời không mưa nếu không thì cũng không biết bao giờ về lại Đàlạt, có thể phải chạy ra Nha Trang rồi đi đường cao tốc về. Dạo này có đường cao tốc đi thẳng từ Đà Lạt xuống Nha Trang không phải đi qua đèo Ngoạn Mục, Phan Rang như xưa. Đường này không làm lại thì kinh tế của thành phố Phan Rang sẽ không phát triển được. Nghe nói con đường này hết ngân sách vì chia chác quá nhiều.
Mình nhớ có dạo trước 75, ty công chánh làm lại đường Hai Bà Trưng thì xe ben đổ đá bên đường để chuẩn bị làm đường thì đêm đêm dân trong xóm chạy xuống đường mạnh ai nấy xúc đá đem về nhà lót sân nên đường hai bà trưng bị ổ gà muôn đời.
Trạm đầu tiên là Đức Trọng, mình ghé lại một giáo xứ có Nhà thờ khá lớn để thăm hai cha xứ ở đây. Hè nhưng thấy các em học sinh vẫn sinh hoạt, coi phim từ máy truyền hình. Đa số các em thuộc người dân tộc Chú-Ru, ở trong buông, làng của họ. Ban ngày thì đi bộ ra huyện trung 10-15 cây số, nghe các cha kể là gia đình nghèo nên đi học không có gì trong bụng. Các cha muốn giúp đỡ các học sinh người thiểu số vì hy vọng trong mấy chục học sinh sẽ có một hay hai sẽ học xong đại học và sẽ trở về buông, giúp đở thôn xóm nghèo. Các cháu nói giọng Bắc dù sinh ở cao nguyên vì các cha người bắc và các thầy cô ở trường toàn từ bắc vào. Ở nhà thì nói tiếng Chu Ru với gia đình. Mấy đứa con mình đem chia kẹo sô cô la m&m cho các cháu. Mình thấy các cháu ăn từ từ như mình ngày xưa được ăn những thỏi kẹo Mỹ, uống lon coca cola, nước cam vàng, xá xị của hảng BGI. Các cha dẫn mình đi xem phòng bệnh xá cho các đồng bào nghèo, ghé lại xin thuốc.
Chị KT đại diện nhóm tặng một số hiện kim để mua xe đạp và đồ phụ tùng. Mỗi năm các em ký giấy tờ mượn xe đạp cho năm học nhưng cuối năm thì cha phó phải bỏ công ra bảo trì lại cho niên học tới. Gia đình mình cũng tặng riêng thêm một ít tiền để các cha lo cho các em. Các cha đang cố gắng xin thêm tiền để trả tiền ăn trưa cho các em, mỗi suất là 2.000 đồng (10 Cents bên mỹ), lý do cha mẹ đi làm công, chăn bò nên lương bổng ít nên các em đến trường với bụng đói thì làm sao học vô chữ, nhiều em không đem cơm trưa thêm cuốc bộ 6-15 km nên nhiều em bỏ học đi chăn bò phụ gia đình.
Anh tài xế kể là các cha xứ bị làm khó dễ rất nhiều, bỏ công dạy các em học hay giúp đở xe đạp. Có lần cha xin đâu được một tấn gạo nên kêu gọi ca đoàn lên giúp cha bỏ vào bao nylon để đem lên Buôn tặng các gia đình nghèo. Mỗi gia đình trong giáo xứ, tự nguyện đem bao nylon lên rồi các nam nữ giúp lại bỏ gạo vào bao rồi chở lên Buông thì bị các công an và các đại diện mặt trận tổ quốc chận lại không cho đi, bảo công việc giúp đỡ là trách nhiệm của mặt trận nên phải lái xe về rồi cha phải lên đồn hứa là sẽ không làm nữa trong tương lai nếu không có phép của mặt trận. Cuối cùng thì dân chia nhau đem vài bao lên tặng cho người trong Buông. Xong xuôi thì cha cố hỏi nếu nhờ mặt trận đứng ra phân phát dùm cho giáo xứ thì phí tổn là bao nhiêu. Mặt trận tính toán tiền bao nylon, bỏ vào bao, chuyên chở ,...tổng cộng đâu 50% giá một tấn gạo. Nếu để các em thánh thể làm thì các gia đình nghèo được thêm gạo. Ngoài ra lâu lâu họ gọi để đến nhà thờ kiểm tra, lại phải tốn tiền cho họ ăn rồi tăng 2, tăng 3 cũng khổ. Mình phải cảm phục các cha không phiền hà trong công việc của người thừa sai để giúp đỡ các cháu.
Trạm thứ 2 mình đến thăm là trạm y tế do các sơ đảm trách. Mình thấy các người dân trong làng hay buông, đau ốm đến để được chữa bệnh bằng châm cứu hay xin thuốc. Họ sống trong rừng nên xài nước suối không có đun sôi, lọc nhất là môi trường ngày nay bị ô nhiễm với thuốc sâu, phân bón hoá học ở xa đổ về tương tự có lần cá Hồ Xuân hương chết hết khi mưa kéo thuốc ddt từ Chi Lăng về. Mấy sơ có một nhà nguyện và vài phòng để sinh sống rất đạm bạc. Mình có tặng riêng cho tủ thuốc của trạm y tế này để mua thuốc cho 3 tháng. Các sơ chỉ cho mình cái vườn họ trồng rau và các thứ khác để sinh sống. Mình rời trạm thuốc này trong khi một sơ sẽ đi theo xe đò lớn chở rau cải, gạo do đồng bào tặng và một bác lớn tuổi đi xe lăn xin vào ở trại xã hội theo xe.
Trạm thứ 3 ở Song pha nên đi khá lâu vì đường quá xấu còn hơn là con đường mình đi một lần ở Guatemala. Dạo ấy xứ này có chiến tranh như VN mình khi xưa, quân kháng chiến mát xít phá đường đáp mô mà đường vẫn khá hơn con đường xuống đèo ngoạn mục. Khuông viên của trung tâm xã hội rộng khoản 2.000 m2, có 4 căn nhà và một khu sinh hoạt có mái tôn. Trời Phan Rang nóng mà thấy mọi người ngồi dưới đất sinh hoạt, ruồi bay khắp nơi thấy thương họ. Ngày xưa khi còn ở VN thì có lẻ mình xem tự nhiên nhưng nay thì thấy khác lạ. Trong khi mình và đồng chí gái nói chuyện với anh Châu thì mấy đứa con mình đi phát kẹo sô cô la m&m vì nghe nói đem kẹo này về không bị chảy. Về đó mới tiếc là lúc đi mình thấy nặng quá nên để lại một số kẹo đã mua ở Costco vì nếu quá tải thì hảng hàng không bắt đóng cước phí hơn tiền mua kẹo. Mình nghĩ về VN chắc có sẽ mua nhưng về đó thì dân VN nói có thể là đồ dỏm. VN ngày nay cái chi cũng có nhưng lại sợ đồ dỏm. Hiệu Louis Vuitton mà còn bán hàng dỏm, vào chợ Bến Thành tha hồ mà mua đồ hiệu LV, giống y chang giá đâu có $100 nên mới hiểu mổi lần đi chợ khu Bolsa là thấy dân VN chơi toàn đồ hiệu.
Nghe anh Châu than nên mình nói vài câu động viên như Chúa thử thách anh, đưa cho anh cái thánh giá rất nặng để gánh vác trên thập tự đạo thì anh lại trách Chúa nên mình an ủi là cái nghiệp của anh kiếp trước để lại thì anh kể vợ anh bảo kiếp trước anh ăn ở ra răng mà nay lại làm khổ lây đến vợ con. Anh kể mỗi ngày phải đi tắm cho các em vì các em bị bệnh tâm thần, thiểu năng. Anh dẫn mình đi xem mấy căn hộ thì thấy nhiều em không biết gì, lại có em bị tật nữa, ngồi trong nôi. Có căn thì các cụ già bị lẫn ngồi co ro đợi ngày về đất chúa. Anh kể có lần chịu không nổi, có ai cho $5,000 nên anh đem ra phường giao tiền và trung tâm để nhà nước quản lý nhưng các cán bộ không chịu viện lý do là việc tư nên mặt trận tổ quốc không can dự vào. Ngược lại anh có nhận được những hạnh phúc như có một em do anh chị nuôi nay đổ vào Đại học Đà Nẵng rồi có mấy em lớn lên lại phải gã vợ lấy chồng.
Có các nhà hảo tâm cho tiền để xây một căn hộ đề tên công ty của họ như các đại gia khác xây chùa hay đình rồi thôi. Chỉ cần cái bảng to đùng làm PR. Cái chính là bảo trì trung tâm và làm cách nào để nuôi trung tâm lâu dài. Mình có nhờ một anh bạn ở Saigon nếu có dịp ra Phan Rang thì ghé lại đây xem xét cách nào để có thể giúp trung tâm này có nguồn tài chánh hàng tháng để trang trải chi phí. Mình nhớ thời bao cấp khi nhận thư nhà là gia đình xin tiền làm cái này cái nọ mà gửi tiền về thì thư sau lại xin thêm số tiền to hơn. Sau này về năm VN mình hiểu tình hình hơn nên đưa tiền cho mẹ mình một số tiền để mua sập cho mấy cô lo buôn bán, sinh sống nên không phải gửi tiền hàng tháng như xưa. Một cô em ăn học ở Saigon thì mình cho người quen vay tiền rồi mỗi tháng cô em lấy tiền lời mà ăn học. Sau này mình có mua một căn nhà ở Sai Gòn cho mấy đứa cháu xuống Saigon học đại học ở thì sáu tháng sau bị giải tỏa may là họ trả tiền lại chớ không cũng bù trớt. Trạm y tế cần $500 cho 3 tháng để mua thuốc thì nếu mình có cái gì làm ra số tiền tương đương hàng tháng thì trung tâm có thể hoạt động lâu dài.
Trên đường về thì cả gia đình không ai nói với nhau gì cả, mỗi người theo dòng suy nghĩ riêng của mình. Qua chuyến đi mình mới hiểu lý do nhà Nguyễn đàn áp, giết khá nhiều các ông cha truyền đạo và các người theo đạo thiên chúa giáo. Lúc trước mình nghĩ trong chế độ quân chủ thì vua được coi là con của trời có quyền sinh sát dân chúng nhưng khi các ông cha ngoại quốc đến đưa một chân lý khác là chúa Giê Su là con của thượng đế, xuống trần gian để giúp họ thì người dân so sánh nho giáo và Thiên chúa giáo thì sẽ tin các ông cố đạo hơn. Một tấn gạo cha nhận được thì dân chúng lãnh được hết trong khi nếu vào tay các quan nhà Nguyễn thì mất đi phân nữa. Xem là quá may mắn.
Sống gần dân nên các cha xứ hiểu rõ như cần xe đạp để các em đi học vì cuốc bộ 10 km với bụng đói thì không bao giờ trở thành học trò giỏi nên mình mới hiểu câu "nhất chúa nhì cha thứ ba Ngô tổng thống". Mình nhớ đến mấy sơ, sống nơi thiếu đủ tiện nghi để giúp đở các người nghèo, các cha xứ lo cho các cháu học hành để hy vọng đổi đời các em và các thế hệ sau nhưng anh Châu làm mình nhớ đến dạo sang Ý có đi thăm vùng Assisi, nơi thánh Francisco xuất thân từ một gia đình giàu có nhưng sống một cuộc đời thanh bạch để hướng dẫn các dân cư trong vùng sau này được được giáo hội phong thánh.
Anh Châu xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng lại bỏ tâm sức để lo lắng cho những người không may mắn, neo đơn. Mình nguyện cầu Thiên Chúa ban cho anh hồng ân để tiếp tục làm kẻ thừa sai như thánh Francisco của Assisi đã làm khi xưa.
Có lần mình hỏi cha Hải Đăng, lý do nào cha đi tu thì cha cũng kể, gặp hình ảnh các sơ ở trong các trại phong cùi, khiến cha động lọng, và khi qua Hoa Kỳ thì được tiếng gọi của CHúa.
Trên đường đi, anh tài xế kể chuyện thời ngăn sông cấm chợ, thời bao cấp xe chạy được nâng cấp chạy bằng than thay vì xăng như xưa. Đi chơi hay đi ăn cưới là phải mượn cái quần của tên A, đôi dép tên B,... Vào lớp ai bận đồ gì là biết mượn của ai nhưng có một câu chuyện làm mình nhớ đến giờ là một anh cán bộ vào Nam để tiếp thu các cơ quan, không biết ai dạy anh ta lái xe Honda thì anh lái được, sau đó anh chạy một mình và khi hết xăng thì anh chạy lại đổ xăng bán lẻ bên đường. Anh ta kêu đổ xăng Honda sau đó không biết làm sao anh ta rú máy làm xe bay hổng bánh trước lên nên té. Anh ta lồm cồm ngồi dậy chửi cô bán xăng lẻ "tao bảo đổ xăng Honda chớ có bảo đổ xăng máy bay đâu. Thế này thì sao chạy được!".
Sơn đen