Có anh bạn mê túc cầu, hay thức đêm để xem đội tuyển Việt Nam đá, đúng hơn là dậy sớm vì khác múi giờ. Mình thích xem các đội âu châu như Anh quốc, Pháp quốc, Ý Đại Lợi và Đức quốc đá còn thì xem tóm lược trên kênh. Ba Tây hay Á Căn Đình thì cũng không xem nữa vì đa số cầu thủ nổi tiếng của các xứ này đều đá cho các câu lạc bộ âu châu. Mình xem tóm lược cuối tuần nên không cần xem ngoại trừ khi có giải vô địch thế giới.
Hôm qua, xem trận chung kết vô địch Âu châu. Có một điểm đáng nhớ là đội cầu Liverpool thua, đã lãnh huy chương, vẫn đứng lại để xem đội tuyển Real MAdrid, nhận cúp, vổ tay mừng đổi tuyển đá bại mình xong mới rời sân cỏ khiến mình cảm phục họ hơn. Trong khi đội tuyển Chelsea thua trận chung kết giải FA qua màn đá luân lưu, đã bỏ về từ lâu trong khi đội tuyển Liverpool nhận cúp. Dạo ở Anh quốc, mình đi xem đội Liverpool ở Wembley được 2 lần. Dạo ấy có Keegan và Daglish đá cho Liverpool.
Thấy các cầu thủ áo đỏ đứng nấn ná, vổ tay kẻ đã đá bại mình khiến mình cảm phục. Mình đều thích 2 đội này nên chả buồn. Khi mình ở Ý Đại Lợi thì thích Juve và Roma. Khi ở Anh quốc thì mê Liverpool và Nottingham Forest, ở tây thì đi xem Bayern Munich khiến mấy thằng bạn Tây chửi khi xem đá banh với chúng, ở Tây Ban Nha thì mê Real Madrid. Mình thấy Barcelona đẹp hơn Madrid nhưng không hiểu tại sao lại thích Real Madrid. Có lẻ khi xưa, đọc báo họ hay nói đến Di Stéfano, trung phòng Huyền thoại của đội tuyển này. Nói chung, mình có đi xem mấy cầu trường nổi tiếng của âu châu như Wembley, San Bernarbeu, Parc Des Princes,…Hình như cầu thủ tên Nguyễn văn Mộng, cầu thủ của đội tuyển Việt Nam đoạt giải Merdeka. Nghe nói đa số các cầu thủ này sau 75 te tua lắm. Mình chỉ nhớ thủ môn Lâm Hồng Châu có đi theo phải đoàn Virginia về Cali tranh giải đá banh người Việt ở Hoa Kỳ.
Thấy hai đội tuyển Việt Nam vừa nam vừa nữ đoạt chức vô địch Đông Nam Á, người dân đi bão kêu gào Thái Lan thua xa Việt Nam đến 15 năm khiến mình thất kinh. Lý do là các công ty bảo trợ cho tổ chức năm nay đều là các công ty ở Việt Nam nhưng thực tế cho biết chủ là người Thái.
Sơ đồ các công ty sở hữu của người Thái Lan tại Việt Nam. Mình có anh bạn Đà Lạt, chuyên sản xuất hàng len Đà Lạt cho cả nước, kể là mất mối của công ty Big C, khi họ bán lại cho người Thái. Hoá ra người giàu có ở Việt Nam nhờ buôn bán nhà đất chớ không sản xuất, làm gì ra tiền. Thực tế thương mại nay là người Tàu hay người Thái chiếm trọn. Người Tàu và người Thaí theo chủ nghĩa Phi Thương Bất Phú, còn người Việt thì Phi điền Trạch bất thành đại gia.
Đi Peru, mình thấy Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Cộng xâm nhập thị trường ở đây rất nhiều. Xe hơi và các đồ điện tử,…
Báo chí việt ngữ kêu gào tên huấn luyện viên tây của đội Thái Lan xất xược, bắt tay người ta vừa chống nạnh, đủ trò, bất lịch sự. Nói chung thì các đội tuyển quốc gia á châu hay phi châu, đều mướn huấn luyện viên ngoại quốc cả. Xứ giàu có thì mướn những người nổi tiếng còn không thì các huấn luyện viên tây, đói, không ai mướn, phải xa xứ kiếm ăn. Nghe nói, nhờ ông thần Kim-chi họ Phác mà đội tuyển Việt Nam U23 mới khá lên được. Nếu huấn luyện viên là người Việt thì chắc không xong.
Hình như ông ta ngưng làm huấn luyện viên tại Việt Nam, các tay chuyên gia, tiến sĩ túc cầu Việt Nam, nhảy vào chê ông ta đủ trò. Nào là lối chơi quá cổ điển này nọ. Bảo đảm đưa họ làm Huấn luyện viên thì đội Việt Nam sẽ ôm đầu máu ngay.
Nhớ thời Việt Nam Cộng Hoà, đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà đá hay, đoạt chức Merdeka, giải độc lập của xứ MÃ Lai Á. Hồi đó đâu có truyền hình như ngày nay, chỉ nghe ông Huyền Vũ, hình như người Bình Thuận, tường trình trực tiếp qua đài phát thanh Sàigòn. Khi trung phong Nguyễn Văn Chiêu đá lọt bàn, phá lũng lưới đội tuyển Miến Điện, mình và anh Bình, bố của thằng Đắc, hàng xóm nhảy hét om sòm. Mình nhớ ông Huyền Vũ, lập đi lập lại, sau đó đọc báo nghe trung phong Nguyễn Văn Chiêu, đưa ngực hứng quả banh, xoay người sút chân trái, thủ môn số 1 á châu Tin Tin gì đó ngáp ruồi.
Xóm mình có anh Bình, lớn tuổi, dạy mấy đứa nhỏ trong xóm, hay bàn chuyện đá banh, chém gió với mình. Mình hơn con anh ta, thằng Đắc có 1 tuổi nhưng gặp mình ở đâu là bàn đá banh như bạn kinh niên, cả buổi. Hồi nhỏ mình có thấy anh Bình đá banh ngoài sân vận động, hình như em trai của anh Bình tên Hành cũng có đá cho trường Trần Hưng Đạo.
Có lần ông cụ dẫn mình đi xem đá banh giữa hai đội tuyển Việt Nam A và B. Có Đổ Thới Vinh, Đực 1 và Đực 2 thủ môn. Hai ông thần này cứ đá banh cho mạnh để biểu diễn xem ai đá banh dài nhất thay vì đá để giao banh cho cầu thủ. Hồi nhỏ nên không nhớ Đổ Thới Vinh đá ra sao, chỉ nghe thiên hạ kêu Đổ Thới Vinh lừa rất hay, mà sau này ông Duyên Anh đặt tên Bồn Lừa theo ông này.
Sân vận động Đà Lạt, bên tay phải là cổng vào, có hai chỗ bán vé. Sau này, hết có màn bán vé. Hình của ông Bill Robie từng tham chiến tại Việt Nam.Thao trườngMình nghe kể đội tuyển Việt Nam đá thua hoài vì Lý do không biết có thiệt hay không. Tối tối ở khách sạn, nữa đêm có tiếng gõ cửa, mấy cô gái Thái xinh đẹp đi lộn phòng, nắn gân nên qua hôm sau các cầu thủ Việt Nam xụm bà chè, ra sân hết chạy nổi. Khỏi cần bán độ.
Năm 1966, Việt Nam Cộng Hoà thắng giải này lần đầu tiên, khi có sự tham dự đến 12 đội tuyển á châu, không cộng sản. Năm đó, đội tuyển Bắc Hàn đại diện khu vực Á châu dự giải túc cầu thế giới đã đá bại đội tuyển Ý Đại Lợi và trong trận đấu với Bồ Đào Nhà, họ dẫn trước 3 không ở hiệp đầu. Sau đó, Eusebio con báo đen của Phi Châu xuất thần, đã loại đội tuyển Bắc hàn. Mình có xem phim này tại rạp Ngọc Lan.
Hình như dạo ấy có giải túc cầu các nước trung lập và cộng sản tại Đông Nam Á, có sự tham dự của Hà Nội, Cao Miên, Lào, Bắc Hàn, Trung Cộng,…
Việt Nam đoạt giải là nhờ ông tây người đức, làm huấn luyện viên. Đặc biệt ông này, không phải là huấn luyện viên thật thụ, ông làm nghề gì đó. Ông ta không có bằng cấp gì cả về thể dục. Ông ta sang Việt Nam để dạy nghề ở trường Cao Thắng. Mình đoán thay vì đi quân dịch, ông ta tình nguyện sang Việt Nam dạy học như các sinh viên pháp tốt nghiệp đi các nước khác làm việc cho chính phủ Pháp theo chương trình “cooperation” mà mình có nộp đơn nhưng cuối cùng đi khám sức khoẻ thì họ cho mình miễn dịch vì kêu đã sống 18 năm trong chiến tranh.
Ông ta mê đá banh nên hay đi vòng vòng ở nơi cầu thủ Việt Nam tập. Rồi ngứa mồm, chỉ chỏ, nói sao khiến cầu thủ Việt Nam nghe, tập theo cách của ông ta. Cuối cùng tổng cục túc cầu Việt Nam, chấp nhận cho ông ta dẫn dắt đội tuyển Việt Nam Cộng Hoà. Lý do là không phải trả tiền lương cho ông ta.
Hình phái đoàn Việt Nam và ông huấn luyện viên người đức. Không biết ở đâu mà thấy các cầu thủ mang dép nhựa, ngoại trừ hai ông bận đồ vét. Chắc là nhà dìu dắt đội tuyển.Ông huấn luyện viên bất đắc dĩ Wiegand này đã giúp thống nhất các cầu thủ đội tuyển Việt Nam, nghĩ đến quyền lợi chung của đội tuyển thay vì quyền lợi cá nhân. Các cầu thủ đã cho các câu lạc bộ Việt Nam Cộng Hoà nên không ưa nhau. Họ chèn chân nhau gãy để đoạt giải vô địch. Vụ này thì đội tuyển nào trên thế giới cũng bị. Vì quyền lợi cá nhân, không đoàn kết nên thua. Các đội tuyển có nhiều cầu thủ nổi tiếng chừng nào thì càng không đoạt giải gì cả. Chỉ có huấn luyện viên nào giỏi về tâm lý, cải thiện tinh thần đồng đội thì mới có thể thắng. Có thể ông ta thấy cầu thủ Việt Nam thể lực nhỏ con, nên luân phiên thay người, dưỡng sức vì thường khó có ai mà chạy nổi 90 phút, cho nên độ 60 phút là huấn luyện viên thay người ngay.
Nghe kể ông này trẻ lắm, lớn hơn 2,3 tuổi các cầu thủ Việt Nam, không có bằng huấn luyện viên khiến cầu thủ không phục lắm. Dần dần ông ta đã cải thiện được tinh thần đồng đội của đội tuyển đưa đến chiến thắng. Người Đức rất kỷ luật, có lẻ nhờ vậy đã giúp tinh thần kỷ luật cho đội tuyển Việt Nam, kết quả đưa đến thắng giải năm 1966. Hình như năm đó ở vòng loại Việt Nam bị thua Ấn Độ 0-1.
Các nước nghèo, thuộc địa cũ của người tây phương thường có vấn đề này; tinh thần của kẻ bị trị. Gặp tây thì sợ nhưng gặp người cùng xứ thì cứ lên-lên cái mặt. Không phục tùng người đồng chủng, hỏi mày là cái thớ gì mà tao phải nghe hay mày biết bố mày là ai không.
Muốn lãnh đạo, phải qua thời gian dài được huấn luyện. Mình nhớ ở hội Lions International. Mới đầu vào, họ giao cho nhiệm vụ, rót cà phê cho mọi người đang ăn. Sau đó lên chức thư ký, rồi lên từ từ. Mấy năm sau mới được bầu làm phó rồi chủ tịch. Có 2 ông thẩm phán và 1 ông thị trưởng đều phải đi qua mấy giai đoạn này cả trước khi được bầu làm chủ tịch hội. Không ai sinh ra là biết lãnh đạo, phải qua một thời gian dài, được tập luyện để biết cư xử ra sao đối nội, đối ngoại.
Cứ 2 năm, Cao Nguyên Trung Phần có tổ chức đại hội thể thao 1 lần để tuyển lựa các cầu thủ để thi đấu ở Sàigòn trong giải vô địch quốc gia. Mình nhớ năm 1971, có đại hội thể thao vùng II, được tổ chức tại Đà Lạt. Lần trước, nghe nói được tổ chức tại Phan Thiết. Phái đoàn Phan Thiết được xem là mạnh nhất vùng II.
Đội banh của họ có các nhà mạnh thường quân, giàu có, chắc bán nước mắm, cho tiền nên họ rất mạnh, mướn các cầu thủ như Đổ Thới Vinh từ Sàigòn ra đá. Về quần vợt, nhớ có hai anh em Đinh Quốc Tuấn, Đinh Quốc hÙng, uống nước mắm đánh như điên. Hình như Đinh Quốc Tuấn là vô địch thiếu niên Việt Nam. Mình nhớ có xem Đinh Quốc HÙng, đánh độ với ông Châu, đánh hay nhất Đà Lạt dạo ấy. Đinh Quốc Hùng chấp chỉ đánh, không được đánh giao banh nhưng vẫn ăn độ. Nếu mình không lầm thì dáng người khá cao. Khi giao banh là Ace không.
Sau khi thấy hai anh em Đinh Quốc Tuần và Đinh Quốc Hùng đánh quần vợt, được xem là tương lai sẽ thay thế các tay vợt lão tướng Võ Văn Bảy và Võ Văn Thành, khiến mấy đại gia Đà Lạt, cho con đi học đánh quần vợt như điên. Cứ thấy mấy ông thần này ra sân tập với ông Châu, tiệm giày Bata thì phải. Dạo ấy, thằng Bi, con đại uý Hải, anh Toàn, con ông Tô hàng xóm hay rủ mình lên ty công chánh, có cái sân quần vợt không lưới để tập đánh. Nói chung mình không có khiếu lắm. Qua Tây có đánh với bạn bè cho vui, không có đam mê.
Đinh Quốc Tuấn từng là vô địch Việt Nam môn quần vợt năm 16 tuổi. Nghe cô em kể là đi vượt biển mất tích. (Thứ 2 từ bên trái)
Mình nhớ trận chung kết vô địch túc cầu Cao Nguyên Trung Phần giữa đội tuyển Đà Lạt và Phan Thiết. Cả thị xã ra đứng xem chật vận động trường. Trời mưa mưa nhưng dân Đà Lạt chấp, không sợ mưa rơi. Có người kể ở Pleiku, đá banh thì họ đem thiết giáp ra để mấy góc sân, bắn chỉ thiên khiến cầu thủ đội tuyển bạn rét quá, đá thua cho chắc ăn.
Đội tuyển Phan Thiết đá rất hay. Mấy ông thần cầu thủ to con, chạy như điên trong khi đội tuyển Đà Lạt thì nhỏ con, gầy. Hình như chỉ có anh Xuân, ở ấp Cô Giang là to to một tí nhưng thấp hơn mình. Mình quên tên anh của anh Xuân, người bé tí ti, gầy. À tên Liêm, hình như ở cư xá Địa Dư gần Grand Lycee, hay ấp Cô Giang hay chạy bộ vòng bờ hồ. Thủ môn là anh Lực, hay có trò chạy ra chụp banh xong lộn một vòng đưa đôi giày Đinh vào mặt đối phương. Đội Cảnh Sát Quốc Gia có ông thần tên Rớt thì phải làm thủ môn. Sau 75, mình có nhận thư của anh ta, lưu lạc đâu tới xứ Ấn Độ thì phải.
Việt Nam dạo đó có 4 quân khu thì phải. Phải thắng quân khu của mình trước mới được đi đấu đại hội thể thao toàn quốc với các quân khu khác. Phan Thiết đá hay, vô địch quân khu 2, thi đấu với các đội tuyển của Quảng Ngãi, Pleiku, Kon-Tum, Darlac, BÌnh Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Lầm Đồng, Tuyên Đức. Đà Lạt lúc nào cũng đụng trước Bình Thuận nên rớt đài.
Nếu không lầm thì người ta nghe tiếng Bình Thuận từ khi đội tuyển này đoạt giải vô địch toàn quốc, khi đá bại đội tuyển Mỹ Tho năm 1971. Ra sân, xem đá banh thì cứ nghe khán giả chém gió này nọ, mình chỉ biết nghe như lời dạy của thánh túc cầu.
Nghe kể đội này được mạnh thường quân giúp đỡ tài chánh như nhà sách Vui Vui, nước mắm Vĩnh Hương,… mình nhớ Vĩnh Hương vì bà cụ hay mua của họ khi xe hàng về. Cho thấy tạo dựng một đội banh, cần tiền bạc để giúp cầu thủ về tài chánh, chỉ lo tập luyện, không lo cơm áo. Ngược lại bầu đội tuyển được quảng cáo về thương hiệu của mình.
Thủ quân đội tuyển Đà Lạt là anh Bôn hay Paul, nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần Cẩm Đổ. Khi nào tiền đạo đối phương lừa qua được anh Bôn là xem có màn lọt lưới. Anh ta bé bé nhưng chạy bám theo địch thủ như sam. Sau đó anh Bôn bị Việt Cộng đặt chất nổ, hay cài lựu đạn nơi, xe chết trước nhà hàng Nam Sơn với ông Thanh, bầu của đội tuyển. Mình đoán họ làm việc trong chiến dịch Phượng Hoàng. Dạo đó, Đà Lạt bị đặt chất nổ nhiều, hình như để trả thù cho đồng bọn bị bắt, hay bị tình nghi là nằm vùng, để đánh lạc hướng nhà chức trách.
Sau vụ này, đội tuyển Đà Lạt, kêu ông cụ mình làm bầu cho đội tuyển, nghĩa là sau khi đá thì ông bầu trả tiền đi tắm ở tiệm nước nóng Minh Tâm, trước rạp Ngọc Hiệp và đi ăn phở bên hông rạp Ngọc Hiệp hay tiệm ăn Kim Linh để lấy sức lại. Mình sợ Việt Cộng đặt chất nổ công xa của ông cụ nên sáng nào cũng phải rà xét xung quanh trước khi mở cửa. Có lần, nghe tiếng tích tắc của đồng hồ nhưng không biết ở đâu. Đùng một cái, có tên nào bò lại, thò tay sau tấm vãi mui trần phía trong xe, lấy ra một cái đồng hồ rồi bỏ đi một mạch lên Số 4. Mấy cha con đứng nhìn theo như Từ Hải. Đến ngày nay, mình cũng không giải đáp được sự vụ. Nằm vùng đặt chất nổ trong xe ông cụ, rồi thấy mấy đứa con đứng sớ rớ nên nghĩ sao đó, bò lại lấy chất nổ và đồng hồ đi. Xe để dưới đường Hai Bà Trưng, đêm khoá lại.
Nghe con gái của tiệm Hủ Tiếu Nam Vang ở đường Minh Mạng kể; có ông nào nằm vùng kể với mẹ cô ta sau 75 là có lần được lệnh đặt chất nổ trong tiệm vào cuối tuần vì sinh viên Võ Bị ra ăn đầy quán. Ông ta đem gà mên đến, có đặt chất nổ ở trong nhưng thấy mấy đứa nhỏ chơi ngoài cửa nên thôi, vác gà mên về.
Hôm đó bà rá sao đội tuyển Đà Lạt đá lọt lưới trong khi đội Phan Thiết Bình Thuận, tấn công như điên, vây hãm khung thành nhưng thần Đà Lạt hay ai đó cúng vái cả đêm nên thủ môn Lực bắt dính như Chương Còm, đoạt chức vô địch. Hôm đó trời mưa Đà Lạt khiến sân banh như vũng xình. Mình có đá tại đó hai năm học Văn Học nên nhớ. Đá banh trúng vũng nước thì chỉ có cách đá như vịt thì banh mới chạy. Hình như Phạm bá Đà có đá tại đây với nhóm KHo Bạc. Đó là lần đầu tiên mình chứng kiến một đội banh trên chân nhưng đá thua. Cũng có thể Đà Lạt trên cao, mấy cầu thủ Phan Thiết, không quen nên thở không nổi nhưng chắc chắn là vì sân đầy vũng nước. Ngựa về ngược. Chán Mớ Đời
Hình như anh Xuân, chạy cánh biên phía trái, chạy vào thì ai đó, câu banh vào vùng cấm địa. Bên Phan Thiết đá phá ra nhưng banh không đi vì trúng vũng nước… thế là anh Xuân cứ lấy chân lùa lùa banh như vịt bơi vào khung thành, kiểu đá chỉ có dân Đà Lạt mới tu luyện được. Dân thị xã hoan hô. Kinh
Cả thị xã vỗ tay bú xua la mua, dưới cơn mưa trên đường về thấy thiên hạ cười, không đi bão như ngày nay. Nhớ bố tên Thành học 11A, nhà ở đường Phan Đình Phùng, gần cái giếng trước khách sạn Mimosa, quơ tay chào mình. Ông này làm cho ty cảnh sát. Khi xưa, có đá banh nên còn giữ máy áo quần đá banh màu xanh của đội Cảnh Sát Quốc Gia. Sau này tên Thành, người cao cao, hiền lành, đem ra cho mỗi đứa một cái áo, mình mang số 6. Sướng rên! Sau này nghỉ đá, lo học thi tú tài, tên Nguyễn Mơ có xin mình. Khi tham dự giải quốc gia tại Sàigòn thì đội Phan Thiết kêu để họ đi, chỉ cho một hay 2 cầu thủ đội tuyển Đà Lạt đi theo để cho làm vui lòng thôi.
Có lần, mình có xem một trận không nhớ đội tuyển nào, đá với mấy ông lính đại hàn. Đó là trận banh quốc tế đầu tiên mình được xem. Mấy ông đại hàn đá dỡ nhưng hay bay đá song phi như Thái Cực Đạo khiến mấy cầu thủ mít né như mèo, cuối cùng hoà cả làng. Đứng xem thì nghe thiên hạ rỉ tai, kêu là ở BÌnh Định, lính đại hàn đấu võ thua người Việt rồi ra tay sát hại ông võ sư nào đó. Chắc là Việt Cộng tuyên truyền nhưng dạo ấy tin như sấm.
Dân Đà Lạt dạo ấy thích xem đội của trường Võ Bị Quốc Gia đá. Họ có đòn, quỳ xuống đội đầu, ông nào ông nấy đầu hớt cua như trọc. Cứ kêu tự thắng để chỉ huy. Đang chạy bổng nhiên thấy mấy ông thần này, quỳ xuống đội đầu các ực. Có lần cũng đập lộn khi giao đấu với đội tuyển trường chiến tranh chính trị. Hình như mấy xe GMC chở sinh viên võ bị ra xem đầy sân. Có một anh tên Đức thì phải, cao cao đá rất hay, đá trung phong. Hình như ra trường nhưng được giữ lại trường để đá banh hay dạy Tân sinh viên.
Có lần, có anh Đa, cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo, được xếp vào đội tuyển quốc gia hạng B, lên Đà Lạt vì công vụ. Cuối tuần hay thấy anh ta đá, rồi lừa bóng. Dân con nít như mình học nghề, đá lừa lừa, kéo tới kéo lui như anh ta. Nói chung thì trường Trần Hưng Đạo thường là vô địch hoc sinh, trừ một năm đội tuyển của trường Văn Học vô địch. Hôm sau, đám học sinh Trần Hưng Đạo, bò lại, quăn lựu đạn cay vào trường đủ trò. Mình có kể vụ này rồi.
Có lần đội lão tướng Đà Lạt đá với đội nào không nhớ. Mình chỉ nhớ bác Bửu Ngự, hàng xóm, từng là trung phong thời trẻ, đá cho đội lão tướng. Nghe chú Phấn, tiệm thuốc Minh Tâm, kể ở tù ngoài Bắc, nghe đài phát thanh, kêu trung phong Bửu Ngự đá lọt lưới, khiến cả nhà tù reo vang. Hôm đó mình cứ vênh mặt lên, kêu tụi bạn, hàng xóm tao đó. Oai như tây đen.
Hôm đá trời gió, khi đá phạt góc, chú Ngự đá vào khung thành rồi gió thổi bay vào lưới luôn. Thủ môn đứng đực ra như Từ Hải. Nói cho ngay, người Việt mình nhỏ bé, đứng ở khung thành thì khó mà nhảy lên với banh được. Đá cao hay đá góc là ngọng.
Hôm qua, thủ môn Real Madrid cao lêu nghêu mới đỡ mấy quả sút của tiền đạo Liverpool.
Dạo đó Đà Lạt không có gì để tiêu khiển nên cuối tuần mà có đá banh là thiên hạ đến xem, chật sân. Hồi mình còn nhỏ thời đó đi xem đá banh, phải mua vé. Trước khi vào sân banh, có cái cổng và hai phòng bán vé hình tròn, có mấy cái cột cờ. Xung quanh là cái tường dài. Sau này thiên hạ leo lên tường ngồi, xem cọp. Họ đập dẹp mấy mảnh chai bỏ trên tường để tránh thiên hạ trèo lên. Cuối cùng thì họ cho xem líp ba ga, không vé không gì cả.
Có vài người rất ấn tượng trên sân cỏ Đà Lạt là cậu Châu, con bà Cai Thỏ, có tiệm giặt ủi ở đường Minh Mạng, ngay góc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm chè và hủ tiếu Nam Vang. Cậu hay làm trọng tài. Cậu người thấp thấp, chạy thấy vui lắm, thiên hạ chê đủ trò. Sau này thì ông Năm Ngựa, người Nam thì phải, nuôi ngựa đâu cạnh Domaine de Marie, hay cửi ngựa, đi ngang nhà mình. Ông Năm Ngựa, trên sân không chạy như người ta, cứ đi từ từ như người đang Chánh niệm, rồi thổi từ xa. Khán giả hét kêu chạy chạy, đồ lười. Nghe kể sau 75, ông ta vẫn làm trọng tài nhưng hay bán độ nên thiên hạ thua chửi ông ta tùm lum. Ngoài ra còn có Cò Giao, hay đậu xe Harley để coi trật tự khi có đá banh.
Khi mình qua Văn Học thì Huỳnh Kim Sang và Nguyễn Anh Tuấn rủ đi đá banh mỗi chiều tại sân vận động với đám mê đá banh như học sinh việt Anh, xóm Kho Bạc, Trần Hưng Đạo. Chỉ nhớ xóm Kho Bạc có tên nhỏ con đá khá hay, tên Cường thì phải. Ở đường Phan đình Phùng có anh thằng Lộc, nhà làm nệm ghế, cạnh tiệm giò chả An Lộc, đá hay. Mình đi chân không đá mà ông thần này mang giày đinh nên sợ bị hắn đá gãy giò nên cứ để hắn lừa qua cho chắc ăn. Có hai anh em Nguyễn Ước, Nguyễn Mơ ở ấp Cô Giang hay đến đá.
Hình như mình có kể mấy vụ đá banh thời học sinh này rồi. Ai có tin tức gì thêm thì cho mình xin.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Mình vừa viết xong, bỏ lên bờ lốc, chưa kịp đọc lại vì khi viết trên blogger thì chữ bé lắm nên phải tải lên để dễ đọc và biên tập. Khi nào mình đọc lại thì mới tải lên Facebook. Có người ở Gia-nã-đại đọc trước, gốc Phan Thiết nhắn tin cho mình như sau:
Hello Anh Sơn:
Tôi là Đinh Thị Hoà, dân Phan Thiết (Tú tài IBM 1974 cùng năm với anh). Tôi thường theo dõi những bài viết của anh vì thích bơi lội, leo núi, đi bộ…Bài mới nhất của anh có viết về Tennis Phan Thiết nói về 2 Anh trai của tôi Đinh Quốc Hùng & Đinh Quốc Tuấn. Có 1 vài điểm tôi muốn đính chánh. Anh Hùng là vô địch miền trung giải Đà Nẵng và Đà Lạt. Anh Tuấn là vô địch VN từ 1971-1974 đánh hạ Võ Văn Bảy & Võ Văn Thành. Anh Tuấn vượt biên năm 1978, tàu chìm, mất tích. Anh Hùng ở tù CS từ 75 đến 80, ra tù thì 2 tháng sau vượt biên chung chuyến với tôi, nay anh Hùng định cư ở San Jose, CA. Phan Thiết là 1 tỉnh giầu có và những nhà có con chơi tennis không nhận bảo trợ từ những nhà hàm hộ làm nước mắm. Có thể anh đúng khi nói về đội đá banh PT, có người bà con của tôi nổi tiếng là 1 mạnh thường quân cho đội đá banh PT, đã ủng hộ tiền của rất nhiều cho đội PT.
Cảm ơn anh cho những bài viết…Tôi đã đi The Wainwright C2C in England 200miles in 12 days năm 2010. Nếu anh chị thích đi bộ thì nên nghĩ 1 ngày nào đó nên thử đi cái đường này.
Tôi rất thích sẽ có dịp được đi El Camino de Santiago full trail 500miles from France to Spain. Nếu anh chị có tổ chức đi, pls kindly LMK!
Có 1 bài viết nào của anh có mentioned đến Võ Thị Đông Phong. Đông Phong học Khoa Học trước tôi 1 năm, cùng tốt nghiệp khoa hoá học, Đại Học Khoa Học SG.
Sẵn dịp xin được làm quen với anh chị. Nếu có dịp anh chị đi Canada, mời anh chị ghé qua. Tôi & chồng
ở Edmonton, Alberta. Rocky Mountains ở AB cũng đẹp lắm!
Đinh Thị Hoà