Lima, thủ đô của Peru

 Rời Cuzco bay đến Lima, thủ đô của xứ Peru. Thay vì đổi chuyến bay thẳng về Hoa Kỳ. Anh bạn đề nghị ở lại Lima một ngày để ăn đồ Peru. Anh ta cho biết ở Lima, ăn ngon lắm. Anh ta có đi với vợ theo tour 8 năm về trước nên có kinh nghiệm.

Đến phi trường thì kêu Uber chở về về khách sạn ở khu Miraflores. Khá xa, tốn 50 Soles đâu 15 đô. Từ phi trường ra thì chạy qua các khu vực nghèo như các bidonville, favelas ở Nam Mỹ. Như đa số các nước nghèo, người dân có tiền xây căn nhà 1 tầng rồi để mấy cây sắt bê tông trên trời. Đến khi con trai cưới vợ thì xây thêm 1 tầng,…

Xe chạy đến thành phố thì chạy xuống xa lộ gần biển thì khám phá ra thủ đô Lima, nằm trên đồi, mặt đất bằng nhưng cao hơn biển độ 100 mét. Ai đã đến Normandie của Pháp quốc thì thấy các ghềnh đá như Etreta. Đây cũng vậy. Rất lạ.

Dựa vào địa điểm như vậy nên dân ở đây chơi Paragliding rất nhiều. Họ chỉ cầm dù rồi đứng trên công viên, chạy ra cái ghềnh rồi tà tà lượn gió khắp vờ biển, ở Hoa Kỳ phải leo lên đến các đỉnh núi để chơi môn này.

Xe chạy trên xa lộ, bên phải là biển, sóng rất to. Nghe nói nước biển lạnh nên không ai tắm cả. Lèo tèo vài tiệm ăn trên bãi biển.

Đây tiệm ăn La Mar của đầu bếp nổi tiếng Gaston Acurio, nghe nói ông ta có tiệm chi nhánh ở Hoa Kỳ. Ở Lima, ông ta có tiệm ăn sang trọng nổi tiếng, phải giữ chỗ trước 3, 4 tháng. Tiệm này là khởi đầu, bình dân nhưng khá đắt. Thấy cái trần nhà làm bằng tre. Xứ này quanh năm suốt tháng không bao giờ mưa. Muốn thấy mưa thì phải đi vào đất liền độ 40 cây số. Rất lạ.

Về khách sạn xong thì hai thằng bò đi ăn đồ biển. Anh bạn kêu nước lạnh nên cá rất ngon. Nói chung ăn đồ biển rất tươi và ngon. Có món như sashimi của Nhật Bản nhưng họ trộn với sauce ăn cực đỉnh.

Món cá tươi có sauce trái bơ. Có 3 loại sauce 
Món cá thu Steak  nấu với tiêu. Mình chỉ ăn cá còn khoai tây chiên thì chịu. Anh bạn thích nên xơi hết
Món mực ăn với bắp luộc rất đỉnh
Món pizza với tôm tươi

Thức ăn của người Peru bị ảnh hưởng bởi với các người di dân từ âu châu, phi châu và á châu. Các người di dân không có các gia vị của quê hương nên họ biến đổi với các gia vị địa phương nên rất lạ. Mình thấy mấy tiệm ăn đề Chifa là vừa tàu vừa Peru. Các tiệm ăn có món Cerviche, đồ biển sống trộn với sauce ăn tuyệt đỉnh.

Ngày đầu tiên ở Peru mình có ăn món nổi tiéng của xứ này là Lomo Saltado, món bò xào với cần tây, cà chua, hành,..tương tự món của người Tàu. Họ ăn tinh bột rất nhiều. Hai món khoai tây và bắp rất nhiều. Nghe nói họ có đến hơn 1,000 loại khoai tây đủ màu. Bắp cũng tương tự.

Người Tây Ban Nha chiếm đóng xứ này, đem Ngô và khoai tây về âu châu trồng, giúp các nước âu châu thoát cảnh đói khi thất mùa. Nói chung là khi ông tây tên Parmentier làm món ăn với khoai tây khiến tây khoái ấu nên từ đó sự tiêu thụ của khoai tây mới lên đỉnh.

Đây là cái thành được xây bằng gạch đất mấy trăm năm trước
Nhìn từ xa trước khi đi đến, trong nắng cách bờ biển độ 1 cây số
Bảo tàng viện, xây bằng xi-măng kiến trúc rất brutalist 
Nhìn đường xa mà ớn lạnh nhưng phải đi vì không biết đi đâu để giết thì giờ vì máy bay là 1 giờ sáng.
Tưởng tượng đi bộ mấy tiếng đồng hồ để xem các di tích lịch sử mà họ mới khai quật được của một thủ đô khi xưa.

Ngày hôm sau, hai thằng rủ nhau đi xem viện bảo tàng. Tới nơi thì đóng cửa, kêu đã dời về chỗ nào ở xa thành phố. Kêu Uber đi tiếp. Ai ngờ trúng mánh. Hoá ra là nơi họ mới tìm thấy một thành cổ của nền văn mình trước Inca, sau này Inca có lấy luôn. Khác với đường mòn Inca, đây họ chỉ xây bằng đất gạch. Không thấy ảnh hưởng của Inca ở Machu Picchu mà loại như ở nền văn minh Sumer. Các đền thờ rất to. Đi bộ cũng mất mấy dậm.

Thành phố trên cao độ 100 mét, cách mặt biển. Dọc bờ biển là xa lộ
Thiên hạ chơi Paraglyding với cái dù . Chỉ cần chạy xuống vực sâu trên biển là có thể đu tòn ten trên biển, chán thì quay về đáp xuống bãi đáp.

Ăn xong đi bộ dọc bờ biển để tiêu cơm. Anh bạn định bụng trước khi ra phi trường làm thêm một màn thịt gà nướng ở chuỗi tiệm Pardo như Pollo Loco ở Hoa Kỳ. Mình thì no ứ nhưng đành chìu anh bạn. Mình ăn một cái đùi gà cho biết mùi. Ăn xong về khách sạn lấy va li, ngồi xem email, trên mạng có gì rồi kêu Uber ra phi trường. Đồ ăn trên máy bay cực dỡ nên ngủ luôn. Định bụng về nhà, sẽ ghé Bolsa ăn tô phở. Chán Mớ Đời

Một ngày 1 đêm ở Lima thì chưa có cái nhìn xác thực về thủ đô này nhưng khá ấn tượng về thức ăn ở đây. Mình thì không đòi hỏi về ăn lắm. Anh bạn thì thuộc loại thích ăn đồ ngon nên mình đi theo. 10 ngày ở Peru, ăn đồ ăn bình dân thì cũng xoàng thôi nhưng vào các tiệm sang sang một tí thì phải công nhận ăn ngon. Hợp khẩu với mình.

Nghe nói người Mỹ sang Peru khi về già nhiều lắm. Rẻ và thức ăn ngon. Mỗi tháng nhà thuê, ăn uống tốn độ 1,500 đô. Mình đi dọc bờ biển, thấy mấy căn hộ rao bản bán khá nhiều. Nghe nói một căn hộ thường thường ở Lima độ $100,000. Vấn đề là bảo hiểm y tế, nhà thương ở đây thì te tua, đứng hạnh 169 trên thế giới. Qua đó ở 6 tháng cũng đủ chán. Rồi bò đến nước khác bên cạnh. 

Thấy họ bán thuốc lá ở phi trường mà đề bản gây ung thư bú xua la mua to đùng. Kinh

Đến phi trường, còn dư tiền của nước sở tại, mình mua cái áo lụa cho đồng chí gái. Bà bán hàng kêu 950 Solas, mình móc túi ra còn độ 700 kêu tôi chỉ còn chừng này. Đưa cho bà ta rồi bà ta gói đồ cho mình. Đi xứ này phải trả giá. Xong om

Một độc giả cho hay:

Em tiện  thể lợi dụng xin góp một vài chi tiết khá thú vị em nhớ ra  khi thăm Peru ,có lẽ anh cũng thấy đâu đó trên đường phố là các chi nhánh bán đồ ăn Tàu ( franchise ) có tên CHIFA . Không bàn về món ăn mà nói về nguồn cái tên ,là do cách đọc trại hai chữ "Xực Phàn " tiếng Quảng Đông mà người Peru  không phát âm được. Dân Trung Hoa tới Peru làm công trong các hầm mỏ và đường sắt từ rất lâu đời rồi ,trước cả khi người Nhật bị đày đến Peru vào thời gian WW 2 nên họ  cũng góp phần ít nhiều lịch sử và văn hoá cho đất nước này . Em biết điều này là do hỏi người địa phương ở Lima ,cũng như em hỏi họ vì sao nhà cửa vùng ven đô thị ở đấy xây dựng xong đã ở lâu năm ,đã sử dụng có khi vài thế hệ nhưng  sao vẫn để lộ các bức tường làm bằng gạch đỏ mà không tô trát cho đẹp mắt ,thì ra họ ...né đóng thuế  vì các căn nhà này thuộc diện " chưa hoàn thiện ". Cả hằng nhiều triệu căn nhà thế này trên khắp nước nên chính phủ rầu lắm ...

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn