Sự thâm nhập của Nestlé vào thị trường cà phê Nhật Bản
Mình không uống cà phê, lâu lâu đi với người quen thì uống cho vui chớ không như con gái mình, uống mỗi ngày. Hôm trước có hai chị và một anh quen trên mạng mời ăn cơm rồi đi uống cà phê muối lần đầu khiến mình thất kinh. Nghe nói đến $12 một ly nên lần sau hết dám uống. Nông dân như mình ngu lâu dốt bền nên chả thấy nó ngon chỗ nào. Cà phê nên vào Home depot buổi sáng hay mấy chỗ bán vật liệu xây cất, miễn phí. Thậm chí ngân hàng credit union cũng có sẵn cà phê Starbucks. Sau Covid, Chase Bank họ không làm cà phê nữa nhưng họ để máy làm cà phê. Rồi bỏ chút muối vào khoẻ đời. Khỏi tốn tiền.

Vợ mình và thằng con cũng không uống cà phê nhưng đi chơi xứ nào đều thấy thiên hạ uống cà phê. Mình đoán là văn hoá ăn uống toàn thế giới ngày nay. Do đó nên mua cổ phiếu cà phê. Lâu lâu, có ông thợ quen gốc Guatemala, gia đình có trồng cà phê, nên khi nào nhận được cà phê từ quê hương, ông ta cho một hộp nhỏ, cho con gái. Ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thì tò mò uống, vì nơi đây là khởi đầu cho cà phê, sau đó lan tràn khắp thế giới như ngày nay. Họ cho uống trong cái tách có chút xíu. Khi xưa còn bé mình nghe nói trong sách báo là người Anh quốc uống trà này nọ đến khi qua Anh quốc làm việc thì trong hãng toàn là cà phê chớ uống trà chỉ thấy khi lên tiệm trà của Harrods’ mới thấy mấy bà già người anh uống trà ăn scones. Họ gọi là “tea room” dịch qua tiếng Việt là “phòng trà” nhưng lại có ý nghĩa khác. Tây gọi “chambre de thé” nhưng biến qua người Việt thì thành chỗ nhảy đầm, uống rượu chi đó. Chán Mớ Đời.
Trong khi nghe nói ở Nhật Bản có trà đạo, trà xanh này nọ đến khi qua xứ này chơi thì khám phá ra họ uống toàn là cà phê. Cho thấy những gì chúng ta đọc trong sách báo khá xa vời thực tế. Em dạo này thích uống nước vối. Có anh bạn lâu lâu gặp, pha một bình thuỷ nước vối ngồi uống kể chuyện đời xưa. Đang nhờ anh ta mua dùm một cây vối để trồng ở nhà. Có anh bạn cho trà Thái Nguyên nhưng hết rồi, nay hái lá bơ, lá lổ quất và lá ổi để nấu uống thay trà. Không tốn tiền mua. Về Việt Nam mình cũng thấy thiên hạ uống cà phê không, đâu thấy trà gì đâu. Chỉ khác là uống cà phê, rồi họ bỏ bình trà bên cạnh để uống kèm súc miệng cà phê. Trà nhớ ở ngoài Bắc, uống trà rất đậm, uống vào là giật bắn người vì quá đậm. Mình có hai cô em, Hà Nội không cho học đại học, ở nhà đan len, nay mở tiệm cà phê Chez Nous tại Đà Lạt, đường Phan Đình Phùng. Cà phê Đà Lạt nguyên chất không pha. Mình có uống một lần. Phê cà luôn.
Tương tự cà phê được người Pháp đem vào Việt Nam dù họ không trồng được ở Pháp quốc nhưng đã thay đổi văn hoá ăn uống của người Việt từ thế kỷ trước. Mình rất ngạc nhiên khi nghe người Việt kêu thích cà phê pháp nên ngọng. Khi xưa, người Pháp có các thuộc địa nên họ trồng cà phê đem về Tây bán cho Tây đầm, chớ họ có trồng đâu, cho nên kêu cà phê pháp làm thì đúng thay vì trồng, tương tự cà phê Thụy sĩ Nestle bán khắp nơi. Có quen một anh chàng người Việt ở Bolsa, mua cà phê Nestle về rồi pha ra bán ở các chợ Việt Nam. Không nhớ tên, siêu thị Việt Nam đầy cà phê từ Việt Nam đem qua. Rẻ lắm mà nghe nói không có cà phê toàn hoá chất. Nay về Việt Nam thấy đâu đâu cũng có quán cà phê. Ngay xóm mình có đến 4 cái quán cà phê.
Mình có kể xuất xứ của cà phê tại đế chế Ottoman, và là nơi xuất phát các cuộc nổi dậy chống nhà cầm quyền. Ai viếng thành Wien, đều đến tiệm cà phê Central, nơi các tên đồ tể danh tiếng Âu châu từng họp mặt tại đó để mưu mơ lật đổ chính quyền như Hitler, Stalin, LÊNIN,… và giết người.
Trên thực tế thì trước đệ nhị thế chiến, người Nhật uống trà như đa số người á đông bị ảnh hưởng của văn hoá tàu là có thật đến khi họ bị người Mỹ chiếm đóng thì các công ty tư bản bắt đầu xâm nhập vào xứ này. Quảng cáo bán sản phẩm cũng như văn hoá của người Tây phương mà sau này chúng ta thấy họ nườm nượp du lịch ở Tây phương, đua nhau mua đồ thời trang của Tây phương tương tự du khách tàu ngày nay. Hôm nay mình kể vụ người Mỹ đã thay đổi văn hoá uống trà của người Nhật qua công ty Nestle của Thuỵ Sĩ.
Đó là cách người Tây phương tiếp thị văn hoá của họ để ngày nay dân da vàng cứ đổ xô đi mua thời trang của Tây phương. Họ tuyên truyền rất nhẹ nhàng biến chúng ta thành những tín đồ thời trang của họ để giúp họ làm giàu. Gần đây mấy ông ba tàu lên mạng kêu thời trang của Tây phương làm tại xứ bánh bao rồi bán cho dân chúng madze in Âu châu. Cho thấy đồ giả đồ thật không ai biết được. Có lần về Việt Nam, bạn đồng chí gái dẫn đi chợ Bến Thành mua cái ví LV rồi gặp cô bạn bên Tây sang, có cái ví LV y chang. Vấn đề là không ai biết cái nào thật hay giả. Bên giá $1,500 1 bên thì $100.
Sự thành công của Nestlé trong việc thâm nhập thị trường cà phê Nhật Bản là một bài học về chiến lược tiếp thị, quảng cáo sự thích nghi văn hóa và tầm nhìn dài hạn. Chỉ có những công ty đa quốc gia, giàu có mới có thể thực hiện được và khi khách tiêu dùng theo họ thì cả đời. Đã giúp các công ty đa quốc gia tìm cách xâm nhập vào các quốc gia á đông. Cách Nestlé đã biến Nhật Bản, một quốc gia có văn hoá uống trà trở thành một trong những thị trường cà phê lớn nhất thế giới, tập trung vào các chiến lược, thách thức, đổi mới và kết quả của họ. Mình có nghe một ông Mỹ dạy về tiếp thị, kêu họ xịt một loại thuốc trong rạp xi-nê thêm POP-corn để thiên hạ ghiền đi xi-nê.
Khi Nestlé khởi đầu giới thiệu thương hiệu cà phê hòa tan Nescafé tại Nhật Bản sau Thế chiến II, thị trường gần như không có triển vọng. Văn hóa đồ uống của Nhật Bản bị chi phối bởi trà xanh, vốn gắn bó sâu sắc với các nghi thức xã hội, đời sống gia đình và bản sắc dân tộc. Cái vui là ngày nay thiên hạ như ở Hoa Kỳ, đua nhau đi mua trà xanh Nhật Bản để uống vì nghe nói có antioxidant trong khi qua Nhật Bản thì thấy dân họ uống cà phê. Hình như Nestle đã mua hiệu sữa Guigoz khi mình đi làm ở Thuỵ Sĩ. Mình chỉ nhớ ở Tokyo, Kyoto,…người Nhật vẫn uống mấy chai trà xanh. Thấy bán khắp nơi.
Cà phê hầu như không được biết đến ngoài một số nhóm nhỏ ở thành thị chịu ảnh hưởng của xu hướng phương Tây. Mặc dù Nhật Bản đang phát triển kinh tế nhanh chóng và ngày càng cởi mở với các sản phẩm phương Tây, Nestlé vẫn đối mặt với những rào cản lớn: Cà phê thiếu sự cộng hưởng cảm xúc. Không giống như trà, vốn gắn liền với ký ức tuổi thơ, các buổi tụ họp gia đình và truyền thống văn hóa, cà phê là một khái niệm xa lạ, không có sự gắn bó về mặt cảm xúc hay xã hội.
Các thử nghiệm thị trường ban đầu cho thấy người tiêu dùng Nhật Bản chấp nhận được hương vị của Nescafé và giá cả hợp lý, nhưng họ không có lý do thuyết phục để đưa cà phê vào cuộc sống thường nhật. Cà phê được xem là một thứ mới lạ, không phải là nhu cầu thiết yếu. Ở Việt Nam mình thấy thiên hạ uống cà phê phin nên khi qua pháp tưởng người Pháp cũng uống loại này. Ai ngờ vào tiệm cà phê, thấy Tây đầm uống toàn bằng máy. Bây giờ thì có thấy ở Việt Nam sử dụng máy cà phê rồi.
Các chiến dịch quảng cáo ban đầu của Nestlé, nhấn mạnh vào sự tiện lợi và hương vị, đã không giải quyết được các rào cản văn hóa sâu sắc hơn. Những quảng cáo kiểu phương Tây tiêu chuẩn không gây được tiếng vang với người tiêu dùng Nhật Bản, những người coi trọng truyền thống và kết nối cảm xúc.
Đến giữa thập niên 1970, doanh số Nescafé gần như không đáng kể, và Nestlé đứng trước nguy cơ rút khỏi thị trường Nhật Bản. Mình không uống cà phê nên không nhớ ở Việt Nam có cà phê Nestle hay không. Chỉ nhớ là bà cụ lâu lâu mua Ovaltine về cho mấy anh em uống pha với sữa ông Thọ. Qua Pháp thì thấy Tây uống cà phê Nestle mệt thở. Chả thấy cà phê pháp chỗ nào cả.
Năm 1975, Nestlé thuê nhà phân tâm học và chuyên gia tiếp thị người Pháp Clotaire Rapaille để chẩn đoán vấn đề và đưa ra giải pháp. Phương pháp của Rapaille dựa trên việc hiểu “mã văn hóa” – những liên kết vô thức mà mọi người có với sản phẩm. Nghiên cứu của ông tại Nhật Bản đã tiết lộ một phát hiện quan trọng: người Nhật không có “dấu ấn” về cà phê từ thời thơ ấu, không giống như trà, vốn gắn liền với gia đình, sự thoải mái và truyền thống. Ngược lại, cà phê là một thức uống xa lạ, chỉ dành cho người lớn, không có sức hút cảm xúc.
Người phù thuỷ về tiếp thị Clotaire RapailleKhi xưa, ông cụ mình uống trà, không uống cà phê nên sáng nào mình cũng thức sớm, đem lò than ra ngoài sân, mồi ngo để đốt than sau đó đem vào nhà nấu nước sôi châm trà cho ông cụ và bỏ nước sôi lọc với bông gòn qua cái phễu vào bình thuỷ để khi mấy người em dậy, có nước sôi pha sữa đặc uống ăn bánh mì bơ và đường trước khi đi học. Khi nào sang thì có thêm muỗng Ovaltine. Mình quen uống trà từ bé đến khi qua Pháp thì hết vì không có tiền còn cà phê cũng vậy.
Đà Lạt mình uống được cà phê đâu 1 lần, trước khi đi Tây. Cạnh hàng bà cụ có quán vợ chồng chú Lìn bán mì hủ tiếu Triều Châu. Sáng có bán điểm tâm cà phê. Chú Lìn lấy cái vợt để làm cà phê. Trước khi đi Tây, chú Lìn kêu mình lại, kéo ghế. Chú làm cho một miếng beefsteak, bánh mì bơ, thêm ly cà phê sữa. Nói để mày làm quen khi qua Tây ăn xem có ngon bằng beefsteak của tao. Đó là lần đầu tiên mình uống cà phê tại Đà Lạt. Sau này về Đà Lạt, có anh bạn mời uống Pạc Sỉu. Dạo ấy đi chơi với đám học chung trường cao đẳng quốc gia Mỹ thuật thì mình uống sữa nóng. Có lẻ nhớ thời bé uống sữa trước khi đi học.
Ông Tây Rapaille đề xuất một chiến lược táo bạo và dài hạn: tạo ra một sự liên kết cảm xúc tích cực với cà phê bằng cách nhắm đến trẻ em. Sau này các công ty lớn muốn xâm nhập một thị trường mới đều sử dụng phương thức này. Ông lập luận rằng việc giới thiệu hương vị cà phê cho người tiêu dùng trẻ trong một hình thức quen thuộc, không gây đe dọa sẽ gieo mầm cho nhu cầu trong tương lai. Cách tiếp cận này đòi hỏi sự kiên nhẫn, vì phải mất nhiều năm để những đứa trẻ này trở thành người lớn uống cà phê, nhưng nó phù hợp với chiến lược toàn cầu của Nestlé trong việc xây dựng lòng trung thành với thương hiệu theo thời gian. Mình nhớ khi xưa, con mình còn nhỏ hay có thấy kẹo cà phê khi đi xin kẹo ở lễ cô hồn.
Nestlé tận dụng chuyên môn của mình trong lĩnh vực bánh kẹo để thực hiện tầm nhìn của Rapaille. Công ty giới thiệu một loạt kẹo, sô-cô-la và món tráng miệng mang hương vị cà phê như Moka được thiết kế để thu hút trẻ em và dần làm quen chúng với hương vị cà phê. Các yếu tố chính của chiến lược này bao gồm:
Các loại kẹo này ngọt, dễ gần gũi và được đóng gói trong những hình thức vui nhộn, nhiều màu sắc, gây được sự thích thú với người tiêu dùng trẻ. Không giống như cà phê pha, vốn có thể quá đắng hoặc phức tạp, các sản phẩm này sử dụng hương vị cà phê một cách nhẹ nhàng, khiến chúng dễ chịu đối với trẻ em.
Nestlé tận dụng tình yêu của Nhật Bản đối với bánh kẹo, nơi các loại đồ ngọt là một phần phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và văn hóa tặng quà. Bằng cách đưa hương vị cà phê vào các định dạng quen thuộc, Nestlé tránh làm người tiêu dùng xa cách. Đi Nhật Bản thì phải công nhận mấy bánh kẹo của họ được gói ghém hay trưng bày rất bắt mắt.
Chiến dịch này tận dụng danh mục bánh kẹo hiện có của Nestlé, bao gồm các sản phẩm như KitKat, thứ sau này trở thành một hiện tượng văn hóa tại Nhật Bản. Các loại KitKat mang hương vị cà phê và các món tương tự là tiền thân cho sự đổi mới hương vị của thương hiệu.
Việc giới thiệu các sản phẩm này đã thành công lớn. Trẻ em yêu thích các loại kẹo này, và các bậc phụ huynh, tò mò về sự phổ biến của chúng, cũng bắt đầu nếm thử. Sự tiếp xúc đa thế hệ này dần dần bình thường hóa hương vị cà phê, tạo ra một sự quen thuộc tiềm thức mà Nestlé sau này khai thác.
Chiến lược của Nestlé không tập trung vào doanh số tức thì mà nhằm đặt nền móng cho một sự thay đổi văn hóa. Trong suốt cuối thập niên 1970 và 1980, nhiều yếu tố đã kết hợp để khuếch đại nỗ lực của họ:
Những đứa trẻ lớn lên với kẹo mang hương vị cà phê vào thập niên 1970 đã trưởng thành vào thập niên 1980. Là những chuyên gia trẻ, họ bước vào văn hóa làm việc áp lực cao của Nhật Bản, nơi những giờ làm việc dài và lịch trình đòi hỏi tạo ra nhu cầu tự nhiên về caffeine.
Sự đô thị hóa, phát triển nhanh chóng của Nhật Bản và sự tiếp xúc với lối sống phương Tây khiến cà phê trở thành biểu tượng của sự hiện đại và tinh tế. Các quán cà phê bắt đầu xuất hiện tại các thành phố như Tokyo và Osaka, càng làm bình thường hóa thức uống này.
Mình đi nhiều nơi thì thấy dân địa phương rất yêu thích cà phê Mỹ Starbucks. Cho dù tại các nước danh tiếng về cà phê như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Áo, Ý Đại Lợi,… nhưng giới trẻ vẫn thích vào Starbucks . Có bác nào hiểu lý do hay không cho em xin. Mấy tiệm ăn, Pizza, MacDonalds ở Hoa Kỳ xem bình thường nhưng khi đi các nước khác thì rất sang trọng.
Nestlé tái giới thiệu Nescafé với trọng tâm là sự tiện lợi, nhắm đến số lượng ngày càng tăng của nhân viên văn phòng và hộ gia đình đô thị. Họ ra mắt máy pha cà phê hòa tan Nescafé cho gia đình và văn phòng, cho phép người dùng tạo ra các loại đồ uống kiểu quán cà phê một cách nhanh chóng. Những chiếc máy này nhỏ gọn, dễ sử dụng và phù hợp với sự đánh giá cao của Nhật Bản đối với công nghệ và hiệu quả. Ngày nay chúng ta thấy họ bán máy làm cà phê rất rẻ để bán cà phê trong mấy cái hộp nhỏ.
Năm 2012, Nestlé nâng chiến lược của mình lên một tầm cao mới với chương trình Đại sứ Nescafé, một ví dụ xuất sắc về tiếp thị dựa vào cộng đồng. Chương trình nhắm đến các nơi làm việc, nơi các giờ nghỉ uống cà phê đang trở thành một nghi thức xã hội.
Nestlé cung cấp máy pha cà phê Nescafé miễn phí cho các văn phòng, với các “đại sứ” (thường là nhân viên) chịu trách nhiệm quản lý đơn hàng và bảo trì. Vấn đề là để bán cà phê giá trên trời. Mình thấy họ bán máy pha cà phê rất rẻ có mấy chục mà mua mấy hộp làm cà phê giá khủng. Nhớ dạo mình theo học chương trình cao học về phát triển đệ tam thế giới ở Thuỵ Sĩ. Họ kể người Nhật đem xe tải qua Phi Châu, tặng không mấy xứ này miễn phí. Dân tình khoái quá, chạy mệt thở đến khi máy móc bị hư thì phải mua đồ phụ tùng giá khủng.
Chương trình biến giờ nghỉ uống cà phê thành cơ hội để gắn kết nơi làm việc, phản ánh vai trò truyền thống của trà trong việc thúc đẩy sự kết nối. Các đại sứ trở thành những người ủng hộ không chính thức cho Nescafé, đưa thương hiệu này vào cuộc sống hàng ngày.
Đến năm 2020, chương trình đã tặng máy cà phê miễn phí hơn 600.000 nơi làm việc, từ các doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn, khiến Nescafé trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa chuyên nghiệp của Nhật Bản. Chương trình Đại sứ không chỉ thúc đẩy doanh số mà còn củng cố hình ảnh của Nescafé như một thương hiệu hiểu các giá trị Nhật Bản như cộng đồng và sự hợp tác.
Sự thích nghi của Nestlé giúp họ luôn dẫn đầu các đối thủ cạnh tranh. Công ty giới thiệu các sản phẩm được thiết kế riêng cho sở thích của người Nhật, chẳng hạn như:
• Nescafé Dolce Gusto: Hệ thống cà phê viên nén ra mắt năm 2006, cung cấp các loại đồ uống kiểu barista tại nhà. Thiết kế đẹp mắt và sự đa dạng về hương vị (bao gồm các lựa chọn độc quyền tại Nhật Bản như latte matcha) thu hút người tiêu dùng đô thị.
• Hương vị cà phê KitKat: Tận dụng sự phổ biến của KitKat, Nestlé phát hành các hương vị lấy cảm hứng từ cà phê như café au lait và espresso, củng cố văn hóa cà phê đồng thời khai thác tình yêu của Nhật Bản đối với các sản phẩm phiên bản giới hạn.
• Cà phê lạnh và đồ uống RTD: Nhận thấy sở thích tiện lợi của Nhật Bản, Nestlé mở rộng sang cà phê sẵn sàng uống (RTD) trong lon và chai, được bán tại các máy bán hàng tự động và cửa hàng tiện lợi.
Những đổi mới này giúp Nestlé chiếm khoảng 70% thị phần cà phê hòa tan tại Nhật Bản vào thập niên 2020. Mức tiêu thụ cà phê của Nhật Bản tăng lên gần 480.000–500.000 tấn mỗi năm, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu cà phê hàng đầu toàn cầu.
Thành công của Nestlé tại Nhật Bản đã định hình lại cảnh quan đồ uống của đất nước. Các quán cà phê như Starbucks (vào Nhật Bản năm 1996) và các chuỗi tiệm cà phê địa phương như Doutor phát triển mạnh, nhưng những nỗ lực ban đầu của Nestlé đã đặt nền móng văn hóa. Sự tập trung của công ty vào tiếp thị cảm xúc, sự kiên nhẫn và sự nhạy bén văn hóa mang lại những bài học quý giá:
• Tầm nhìn dài hạn: Sự sẵn lòng của Nestlé trong việc đầu tư hàng thập kỷ để xây dựng nhu cầu trái ngược với các cách tiếp cận hướng đến lợi nhuận ngắn hạn. Chiến lược kẹo mất hơn một thập kỷ để tạo ra doanh số cà phê đáng kể, nhưng nó đã tạo ra một thị trường bền vững. Mình nghe kể là khi CoCa cola vào Việt Nam, họ cho người Việt uống miễn phí để người Việt làm quen với nước uống này trước rồi khi quen thì họ mới bắt đầu lấy tiền. Trước khi quân đội Mỹ vào Việt Nam Cộng Hoà, thì chỉ thấy có nước ngọt là nước cam vàng BGI và nước xá xị. Sau lính Mỹ vào thì nước ngọt như CoCa có là, Fanta,…rất rẻ so với xá xị nước cam vàng nên thiên hạ uống đồ Mỹ nhiều hơn. Mình nhớ dạo đó Tết là bà cụ mua một két bia Hamms, Fanta và Cola thay vì khi xưa, nước cam vàng hay bia con cọp.
• Thích nghi văn hóa: Bằng cách tôn trọng di sản trà của Nhật Bản và tìm ra một điểm tiếp cận không gây xáo trộn (bánh kẹo), Nestlé tránh làm người tiêu dùng xa cách.
• Kết nối cảm xúc: Phát hiện của Rapaille về việc ghi dấu hương vị cà phê trong tuổi thơ nhấn mạnh sức mạnh của các liên kết cảm xúc trong tiếp thị.
người Nhật chỉ độ 100 triệu dân mà tiêu thụ cà phê mua mang đi nhiều hơn cả người Mỹ đông gấp 3. Nescafé chiếm ~70% thị trường cà phê hòa tan của Nhật Bản (theo ước tính gần đây). Nhật Bản nhập khẩu ~480.000–500.000 tấn cà phê mỗi năm, với mức tiêu thụ bình quân đầu người tăng từ không đáng kể vào thập niên 1970 lên ~3,4 kg mỗi người vào năm 2020.
Sự thâm nhập của Nestlé vào thị trường cà phê Nhật Bản là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, sự đồng cảm văn hóa và sự đổi mới không ngừng. Bằng cách bắt đầu với kẹo cho trẻ em, thích nghi với văn hóa nơi làm việc và giới thiệu các sản phẩm phù hợp, Nestlé đã biến một quốc gia yêu trà thành một quốc gia yêu cà phê. Thương hiệu Nescafé, từng là một thất bại tại Nhật Bản, giờ đây tượng trưng cho sức mạnh của sự kiên nhẫn và hiểu biết trong tiếp thị toàn cầu.
Mình nghe kể khi công ty CoCa cola vào Việt Nam. Lúc đầu họ cho thiên hạ uống miễn phí đến sau này dân tình bắt đầu thích CoCa mới bắt đầu bán.
Đi du lịch chúng ta thấy thức ăn nhanh của người Mỹ cũng như cà phê Starbucks đầy khắp phố cũng như CoCa cola. Năm kia mình đi Uzbekistan, một xứ liên Xô cũ, đã thấy dân tình uống CoCa từng chai 2 lít. Kinh hoàng.
Qua vụ cà phê Nestle thâm nhập vào Nhật Bản đã thay đổi văn hoá ăn uống của người Nhật. Đó là khi xưa, còn ngày nay chúng ta phải đối chọi với kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Các công ty thu nhặt tất cả các dữ kiện về chúng ta như sách đọc, thích làm gì mỗi ngày, mua sắm loại gì để họ bắn quảng cáo mời mọc chúng ta mua sắm qua mạng. Chưa kể đến chính phủ sẽ sử dụng các dữ kiện này để kiểm soát chúng ta về mặt tư tưởng, chính trị hay xã hội. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn