Đường Cầu Quẹo Đàlạt

Khi xưa, hóng chuyện người lớn, họ hay nói đường Cầu Quẹo thay vì đường Phan Đình Phùng như giới trẻ mình gọi, nên ngạc nhiên nhưng không dám hỏi. Tương tự ngày nay, mình nói đường Mình Mạng thay vì Trương Công Định,.. Lý do không dám hỏi vì sợ bị ăn tát khi hỏi kèm theo câu : “mày ăn cơm hớt à?”. Khi hỏi, người lớn không trả lời được câu hỏi, thì mình bị ăn tát, rồi kêu “ sao mày dốt thế”. Mình sợ từ nhỏ hỏi chuyện, đặt câu hỏi người lớn, thầy cô vì sợ gọi: ‘sao mày dốt thế?”. 

Phải chi người lớn giải thích cho mình thì ngày nay, mình không bị lùng bùng trong đầu về những thắc mắc ngày xưa. Người lớn hiểu chuyện thì đã tây phương cực lạc, nay hỏi ai đây. Người sống Đàlạt thì nhìn mình như bò đội nón vì họ gọi mấy đường này khác tên,  khiến mình đực ra như ngỗng ị, điển hình họ gọi đường 3 tháng 2, thay vì Duy Tân. Hình như ngày kỷ niệm ông Trần Phú thành lập đảng cộng sản Đông Dương.

Mẹ mình có nói đường Cầu Quẹo vì quẹo quanh quẹo quất nhưng cái cầu nào nhưng không giải thích được. Cầu Cẩm Đô, trước kia, người Đàlạt gọi cầu ông Cửu Huần, cầu Lò-rèn, xa hơn là cầu La Sơn Phu Tử. Theo mình thì cầu La Sơn Phu Tử thì quá xa cho thời đó, ít ai ở. Chỉ có hai cầu “Cẩm Đô (Cửu Huần) và Lò Rèn”.

Thời tây mới thành lập khu người Việt thì đường Maréchal Foch (Duy Tân), chạy một chiều từ Phan Đình Phùng lên Chợ Cũ (Chợ Cây), khu Hoà Bình rồi chạy xung quanh chợ, đi xuống đường Mình Mạng, rồi quẹo con đường Phan Đình Phùng, để chạy đến cuối đường để quẹo lên đường Duy Tân. Vì lẻ đó mà người lớn khi xưa, gọi đường Cầu Quẹo vì có 2 chiếc cầu “Cẩm Đô” để quẹo qua đường Pasteur mà sau này người ta gọi sau này đường Hai Bà Trưng, và chiếc cầu Lò Rèn, cạnh trường Việt Anh. Bác nào có giải thích nào khác thì cho em xin, hay hỏi dùm người lớn tuổi quen, còn sống.

Mình hiểu lý do người Đàlạt xưa gọi “quẹo” vì con đường có hai cái quẹo để lên và xuống phố. Còn “cầu” thì chưa tìm ra được.

Đây là hình ảnh của đường Minh Mạng, quẹo xuống đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng). Mình thấy căn nhà 2 tầng bằng gỗ của gia đình Đinh Anh Quốc, xưa là tiệm hớt tóc Như Ý, cạnh tiệm giày Hồ Út, người Quảng. Mình có xem một video phỏng vấn ông Hồ Út ngày nay. Theo hình này thì mình đoán là chưa có cầu Cẩm Đô vì nhìn phía sau nhà Đinh Anh Quốc thì chỉ thấy đồi thông và một phần nhà thương Đàlạt xưa, chưa thấy đường Hai Bà Trưng, được thành lập.

Nếu vậy là cầu Lò-rèn vì cầu ông Cửu Huần chưa được xây cất.

Có người cho biết lý do gọi là đường Cầu Quẹo vì ngay dốc Minh Mạng đi xuống có con suối nhỏ, nước từ trên đường Hàm Nghi chảy xuống cũng như dọc đường Phan đình Phùng, vì lẻ đó người Đàlạt xưa gọi là đường Cầu Quẹo.

Thấy con đường hẻm đi từ chỗ phòng mạch ông Sohier, tiệm thuốc tây Nguyễn duy Quang, lên đường Tăng Bạt Hổ, chỗ nhà bác Tám, bán ngoài chợ, mẹ của 2 anh em Phước và Hải, hồi nhỏ chơi với mình, sau này mở tiệm chè Mây Hồng. Nghe nói hai tên này đã qua đời sau 75.

Nay mình mới hiểu vì sao họ xây cái talus cao ở đường Phan Đình Phùng vì mấy căn phố tiệm Hồng Ngọc, nhà nghỉ Le Saigonnais, văn phòng bác sỹ Đào Huy Hách. Thật ra họ có thể xây tầng trên đâm ra đường Mình Mạng, tầng dưới đâm ra đường Phan Đình Phùng, khỏi mất công xây tường tốn tiền, lại mất mặt bằng ở đường Phan Đình Phùng.

Mình thấy rõ trường Thăng Long (Hiếu Học) nơi ông cụ mình đi học đêm để thi bằng tiểu học ở đường Hai Bà Trưng nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng con đường Hai Bà Trưng (Pasteur thời Tây) từ góc Cẩm Đô. Đoán là chưa làm. Phía sau là đường Lò Gạch (Hoàng Diệu). Cuối đường này có cái lò nung gạch cho Đàlạt. Mình không biết đường Pasteur (Hai bà Trưng) đã được thành lập chưa vì thấy toàn là cây thông và đồi phía Nhà Thương.

Xa hơn thì thấy trường Couvent des Oiseaux trước núi Cam Ly. Chắc phải đeo kính loupe để xem cho rõ hơn. Chán Mớ Đời 

Đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng) chỉ có mấy nhà đơn sơ, đoán là của người làm vườn phía sau, đa số là đất của gia đình Võ Đình Dung. Ông này khi xưa, nhà thầu khoán cho Tây, có chân trong hội đồng thị xã, tranh đấu để khu đất dành cho người Việt có đất rộng hơn thay vì 3 mét x 10 mét như kế hoạch. 

Nếu kể về công thì mình nghĩ Đàlạt phải nhớ ơn ông này vì ông ta có rất nhiều ảnh hưởng như cúng dường đất trên đồi cạnh ấp Mỹ Lộc để xây chùa Linh Sơn, và trên số 4, thành lập chùa Linh Quang. Ông ta mua đất hết các khu vực dành cho người Việt như giữa đường Hai Bà Trưng và đường Phan Đình Phùng. Sau này cho trường Việt Anh thuê, ông Ba Đà thuê,….

Nghe kể vợ ông ta là người đàn bà đầy bản lĩnh. Không có bà ta thì chắc ông Võ Đình Dung không thành công như xưa. Có dịp mình kể chuyện vợ chồng ông ta do người lớn như ông bà Võ Quang Tiềm kể lại.
Đây là góc quẹo từ đường Phan Đình Phùng lên Duy Tân khi xưa, thời đường một chiều. Chỗ cây thông khi xưa, có một quán nhỏ, tên Xuân Lan thì phải, nơi dạy đánh máy và ấn loát giấy tờ. Ông cụ mình sau khi giải ngủ, có đến đây học đánh máy, thi vào ty công chánh. 

Ông Đượm đậu đầu, còn ông cụ mình thì được ông Võ Quang Tiềm, kêu ra nhà ông bà ngủ, để học thi vì sợ ông cụ ở nhà buồn đời, lại kêu mẹ mình thức dậy “anh chưa thi đỗ thì chưa, thì chưa..”. Ông Tiềm có hỏi ông trưởng ty công chánh đề bài thi, giúp ông cụ mình đậu thứ nhì. Ông Tiềm không thích ông cụ mình vì bắc kỳ nhưng rất thương mẹ mình. Chính ông đi nhờ thị trưởng Đàlạt, Cao Minh Hiệu, bảo lãnh bà cụ tham gia kháng chiến, năm 17 tuổi bị mật thám bắt nhốt ở Nhà Lao, nếu không thì bị tra tấn, trấn nước nhiều nữa. Thậm chí có thể bị bắn trên Cam Ly như 21 người khác, có một bà tên Lan, trên Số 4 sống sót vụ xử tử các người theo Việt MInh khi xưa. Kinh
Nếu mình không lầm, đường này có cầu Lò Gạch, chạy vào đường Lò Gạch, đường Hoàng Diệu cũ., 

Mình kể lại đây để nhớ ơn mấy người bà con khi xưa đã giúp bố mẹ mình lập nghiệp tại Đàlạt như ông bà Nguyễn Văn Phúng (tiệm Hiệp Thạnh) và ông bà Võ Quang Tiềm (tiệm Vĩnh Hưng), bà con bên mẹ mình. Nghe kể lại ông Tiềm và ông Phúng, làm thợ may khi vào Đàlạt lập nghiệp. Hai ông may áo quần, rồi gánh 3 ngày 3 đêm, đi xuống Đơn Dương, để bán áo quần cho phu thợ đi làm đường rày xe lửa cho Tây. Chịu cực chịu khó nên sau này giàu có tiếng tại Đàlạt.

Xem như đường pHan Đình Phùng có hai cái quẹo, một xuống phố từ đường MInh Mạng và một từ đường Duy Tân (maréchal Foch)  chạy lên phố.

Thấy hai căn nhà nhỏ chỗ rạp xi nê Ngọc Hiệp sau này.
Đây tấm ảnh giúp mình hiểu được tấm ảnh đầu trên. Đường Minh Mạng quẹo xuống Phan Đình Phùng, có mấy bậc thang ngay bến xe taxi , có trạm biến điện, vẫn thấy nhà Đinh Anh Quốc, rạp Ngọc Hiệp đã được xây cất. Phía đường Minh Mạng là mấy nhà ngủ khách sạn. Một của ông Chà Và , chủ tiệm Saigonnais trên khu Hoà Bình làm chủ.

Phía sau thì thấy con đường nhỏ đi từ cầu Cẩm Đô lên nhà thương, và dãy nhà trên đồi thông, chỗ Hạnh ù, học lycee mà mình có gặp lại một lần ở Đàlạt. Cây thông rất nhiều so với thời phôi thai như hình trên, cho thấy người Pháp đã cho trồng thêm cây thông trên đồi.

Mình đọc ở đâu, họ kể là bố mẹ của tên Phước học Yersin, dưới mình một lớp, mua lại rạp xi-nê Ngọc Hiệp của ông tây nào về xứ. Mình có hỏi hắn thì hắn bê ngày bài mình viết về mấy rạp xi-nê Đàlạt xưa về cho mình. Chán Mớ Đời 

Bác nào có ý kiến hay tin tức khác thì cho em xin. Thấy hình dáng Đàlạt thủa ban đầu khiến em thấy bồi hồi và theo những gì nghe thấy để mò xem có đúng Đàlạt ngày xưa.

Có độc giả gửi :’ Đây là góc   nhìn rạp Ngọc  Hiệp  từ  lan can nhà tôi,  Nhà ở phía  số  chẵn trên đường  Cầu  Quẹo..phía sau nhà có 1 ngọn đồi , hình như trên đồi có  một  rạp hát khác không  phải  là  rạp  Ngọc  Hiệp...cám ơn  bạn đã  Post tài  liệu  này.....

Nguyễn Hoàng Sơn 
Có người giải thích như sau:

Sony NguyenUsa 
Mình sống ở  ĐALAT từ năm 1953 năm đó mình 10 tuổi, và nhà mình ngay tại đường HÀM NGHI, cũng gần ngã ba chùa LINH SƠN. Và thấy toàn thể mọi người đêu gọi là NGÃ BA CẦU QUẸO. Chứ chẳng ai nói đường cầu quẹo bao giờ.
Ngã ba cầu quẹo đây có hàm ý là:
Cầu đây không phải là chiếc cầu bắc qua sông. Mà cầu đây mang ý nối nhịp...
Bởi rõ ràng đây là ngã ba nhưng lại chỉ có 2 con đường, đó là đường PHAN Đ PHÙNG và HÀM NGHI mà lại là.... ngã ba, nối nhịp nhau bởi một ngã ba. Vì đây là ngã ba với địa hình tam giác.
Từ HÀM NGHI thì có 2 ngã, một ngã xuống PĐP, một ngã từ PĐP rẽ lên HN.
Còn từ PĐP thì chỉ có một ngã rẽ lên HN thôi. Cũng vì nét  đặc thù khá thú vị ấy nên dân địa phương mới gọi đó là:
NGÃ BA CẦU QUẸO. (Gãy khúc, ý nghĩa của chữ quẹo)
Và sau này có thêm tên NGÃ BA CHÙA nghe thanh tao hơn.
Đó là những gì mình biết về gốc gác ngã ba này từ ngày sống ở ĐL .đến giờ.
Còn cụm từ:
Đường cầu quẹo như bạn nói thì có thể sau này người bắc 1975 họ gọi lầm là đường cầu quẹo, thì mình không rõ. Chứ dân ĐALAT chẳng ai gọi 
"Đường cầu quẹo" bao giờ.