Cuộc giải cứu Bat 21 Bravo với Biệt Hải Việt Nam

 Lâu lắm rồi, mình có xem phim giải cứu Bat 21, một trung tá phi công mỹ Hambleton tại chiến trường Việt Nam, có nói đến một ông mỹ thuộc lực lượng đặc biệt và một người biệt hải của Việt Nam Cộng Hoà, chèo xuồng đi cứu thoát ông phi công mỹ bị bắn rơi, lẫn trốn trong vùng địch tạm chiến. Cuộc giải cứu phi công mỹ này được xem là cuộc giải cứu lâu nhất và đắt giá nhất vì họ phải hy sinh 11 người mỹ chết, 5 chiếc máy bay khác bị bắn rơi, chưa kể lính Việt Nam Cộng Hoà bị chết và bị thương vì họ ra lệnh vùng cấm khai hoả (no fire zone) trong vòng 27 cây số, để họ có thể tìm kiếm để giải cứu phi công của họ trong khi quân của Hà Nội , vượt vỹ tuyến 17 với 30,000 bộ đội chính quy.

Nay tình cờ đọc được bài của một biệt hải, có mặt trong cuộc tiếp cứu này nhưng không được nhắc đến trong phim nên kể lại đây.

Trong cuộc tiếp cứu hai phi công mỹ trong phi vụ Bat 21 này, Hoa Kỳ ra lệnh không được khai hoả trong chu vi 27 cây số, để họ đi tìm 2 phi công bị bắn rơi, vẫn còn liên lạc với cấp chỉ huy khiến quân đội Việt Nam Cộng Hoà bị Việt Cộng tấn công gây tổn thất khá nhiều trong 2 tuần lễ vì không được khai hỏa, yểm trợ của không lực, chống sự xâm nhập của 30,000 bộ đội tràn sang vĩ tuyến 17 nhưng không thấy người Mỹ nói đến. Chán Mớ Đời 

Phi công Hambleton, người được cứu sống sau khi nhảy dù ra khỏi máy bay bị phòng không Việt Cộng bắn hạ, trốn trong rừng đến 11 ngày, bị săn đuổi bởi cán binh Việt Cộng. Cuộc giải cứu này được dựng thành phim do tài tử Gene Hackman đóng vai Hambleton.
Bản đồ, địa điểm của hai viên phi công mỹ được giải cứu, ông Clark thì ngay bờ sông còn ông Hambleton thì cách bờ sông Miếu giang độ gần 1 cây số. Hai người lính Biệt Hải, 1 Mỹ và 1 việt, chèo ghe lên và đi tìm ông Hambleton, bỏ lên ghe, chèo xuống lại, cải trang là nông dân Việt Nam. Điều hay là ông Norris người Mỹ rất cao mà qua mặt được Cộng quân. Lâu quá không nhớ rõ chi tiết.

Theo người Mỹ thì cuộc tìm cứu ông phi công Iceal Gene Hambleton, bị bắn rớt khi lái chiếc EB-66 trong vùng tạm chiếm của Việt Cộng dài nhất trong chiến tranh Việt Nam. 5 máy bay khác bị bắn hạ trong cuộc tìm cứu ông Hambleton, khiến gây tử thương thêm 11 người mỹ, 2 người bị bắt tù binh và một phi công khác, đi tìm cứu chiến hữu bị bắn hạ.

Máy bay EB-66, có 6 phi hành đoàn, loại này được sử dụng để phá rối hệ thống phòng không SA của Liên Xô, nhưng mãi lo phá rồi hệ thống phòng không để phòng bị các pháo đài B 52, họ không kịp tránh đạn hoả tiễn của Việt Cộng. 5 người chết khi máy bay nổ tung khi lãnh quả hoả tiễn thứ 2, ông Hambleton kịp nhấn nút ghế bung ra sau khi máy bay trúng đạn thứ 1, được giải cứu sau 11 ngày.

Ngày 2 tháng 4 năm 1972, 2 chiếc phi cơ của không lực Hoa Kỳ EB-66 do hai phi công Robert Singletary, BAT 20 và Hambleton BAT 21, hộ tống 3 chiếc B-52 bay thả bom. Hai chiếc EB-66 này có nhiệm vụ phá rối hệ thống phòng không của bắc Việt. Chiếc BAT 21 bị hỏa tiễn SA-2 bắn rơi trên vùng đóng quân của Bắc việt. Ông Hambleton là người sống sót duy nhất trong số 6 người của phi hành đoàn, nhảy dù xuống vùng địch. Sau đó một ông phi công khác, tên Mark Clark đi kiếm ông Hambleton bị bắn hạ và được giải cứu bởi toán biệt nhái người Việt và ông Norris, cố vấn lực lượng đặc biệt. Dạo ấy, quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu rút lui, chỉ còn độ 10 người cố vấn lực lượng đặc biệt mỹ.

Máy bay B 52 bay trên cao còn EB-66 bay thấp hơn để phá rối hệ thống hoả tiễn SA

Ông Hambleton, 53 tuổi sắp về hưu, chuyên gia về chống hoả tiễn SAM, và biết về hệ thống vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ (USAF ICBM). Nếu ông ta bị bắt, dịp may cho Liên Xô. Theo ông này, nếu bị bắt thì chắc chắn sẽ không được đưa đến Hoả Lò mà đưa thẳng sang Liên Xô. Do đó bằng mọi cách không lực Hoa Kỳ phải giải cứu ông này. Để khỏi bị bắn nhầm, họ ra lệnh không được bắn trong chu vi 27 cây số, (No Fire Zone) trong thời gian tìm kiếm hai phi công còn sống sót, chưa bị Việt Cộng bắt làm tù binh; Ông Hambleton và một phi công khác tên Mark Clark, bị bắn rơi khi thi hành nhiệm vụ tìm kiếm ông Hambleton.

Trên nguyên tắc ông này không nên tham dự phi vụ này vì biết nhiều tin tức về quốc phòng Hoa Kỳ nhưng vì thiếu người, dạo ấy quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam nên ông ta phải tự lái. Xin nhắc lại là sau hiệp định Paris thì Việt Cộng xua quân qua vỹ tuyến 17 để đánh Việt Nam Cộng Hoà.

Đọc tài liệu mới hiểu hệ thống phòng không của Liên Xô trang bị cho bắc Việt khá chính xác nên họ mới bắn rơi rất nhiều phi cơ của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Bù lại Việt Nam Cộng Hoà bắn hạ khá nhiều chiến xa của Liên Xô nhưng máy bay đắt tiền hơn. Nếu mình không lầm thì Hà Nội cho người sang Iraq để giúp quân đội Sadam Hussein, sử dụng súng phòng không để đối phó với không lực Hoa Kỳ, khi cuộc tấn công của Hoa Kỳ.

Trong cuộc giải cứu thành công hai phi công này, ông Thomas R. Norris của Navy SEAL được nhận huy chương Medal of Honor của Hoa Kỳ và người biệt nhái Nguyễn Văn Kiệt được tặng huy chương Navy Cross, người Việt duy nhất được tặng huy chương này trong chiến tranh Việt Nam. Có nhiều người Mỹ xem phim tài liệu về cuộc giải cứu này, thắc mắc lý do nào ông Nguyễn Văn Kiệt có công ngang như ông Norris, sao không được nhận Medal ờ Honor , có người giải thích là có luật chỉ có quốc tịch mỹ mới được nhận huy chương này. Nếu mình là con cháu của ông Kiệt thì sẽ làm đơn xin, vì ông ta đã đến bờ tự do, vào quốc tịch mỹ năm 1984. Có huy chương này thì con cháu sẽ nhờ đó mà vào các trường lớn và học bổng vì có công lớn cho Hoa Kỳ.

Theo mình được biết thì thiếu tá Phong của đại đội 302 Đàlạt xưa, khi sang định cư tại Hoa Kỳ, có mấy người đồng ngủ mỹ khi xưa ở đại đội 302, làm giấy tờ lại và được cấp lại 3 huy chương của quân lực Hoa Kỳ đã trao tặng trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Thật ra trong cuộc giải cứu hai phi công mỹ, phim diễn lại chỉ có hai người, 1 mỹ và một Việt, không nói đến một toán biệt nhái của Việt Nam, gồm 5 người khác ngoài ông Kiệt, đi cùng toán ông Norris. Chắc để tiết kiệm tiền.

Trong cuộc Việt nam hoá chiến tranh của chính quyền Nixon, các cuộc tham chiến của quân đội Hoa Kỳ giảm rất nhiều tại Việt Nam. Bắc Việt ra lệnh tổng tấn công quân đội Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30 tháng 3 năm 1972, khởi đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ của Hà Nội, Việt Nam Cộng Hoà gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, tràn qua sông Bến Hải, tiến chiếm Đông Hà với 30,000 lực lượng chính quy. Họ đem theo 2 tiểu đoàn thiết vận xa T 54 và PT-76, 75 chiến xa với hoả tiễn phòng không, 47 đại bác 130mm cộng với hoả tiễn SAM.

Khoảng thời gian này, đài Sàigòn phát thanh cứ mở những bài hùng ca như Cờ Bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu,… những địa danh lạ tai như Đông Hà, Cam lộ được người Sàigòn tiếp thu.

Thiếu phi công để tháp tùng các pháo đài B-52 nên ông Hambleton, sĩ quan cao cấp phải bay để phá rối hệ thống phòng không của Bắc Việt khi B-52 bỏ bom đèo Mụ Già. Vì lo phá rối hệ thống phòng không nên máy bay của ông Hambleton, không kịp thấy hoả tiễn SAM, bị SAM bắn hạ. Ông ta ra lệnh mọi người nhấn nút ghế thoát nhưng chỉ có mình ông ta là thoát còn 5 người kia tử nạn trên không.

Cuộc tìm kiếm ông Hambleton bắt đầu và sau 10 ngày thì không quân Hoa Kỳ bị tổn thất rất nhiều nên có một tướng quên tên, hình như Abrams ra lệnh ngưng cuộc giải cứu và một ông tá khác, đề nghị cho lực lượng đặc biệt, theo đường bộ vào khu địch chiếm đóng để giải cứu. 

Dạo ấy lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ đã rút về gần hết, còn độ 10 người cố vấn nên họ liên lạc với quân đội Việt Nam Cộng Hoà, xin giúp sức. Họ gửi 2 người: 1 thiếu tá Andy Anderson, và thiếu uý Tom Norris, Việt Nam Cộng Hoà có 5 người, ông Phong Trần, ông Tất, ông Châu, ông Nguyễn Văn Kiệt và ông Thọ, toán trưởng.

Theo ông Phong Trần, thuộc lực lượng BIệt Nhái của Việt Nam Cộng Hoà, tham gia cuộc tìm kiếm hai phi công mỹ này kể lại:

Mình đoán là hình của ông Phong Trần, tác giả bài viết kể lại sự tham gia của biệt nhái người Việt trong vụ giải cứu ông Hambleton và Clark. Ai có tin tức thì cho mình biết. Cảm ơn

Trưa ngày chủ nhật 8 tháng 4 năm 1972, ông ta đang ngồi ăn uống tại nhà người bạn tại Đà Nẵng thì một xe Jeep chạy đến và cho biết ông và ông Châu được lệnh trình diện bộ chỉ huy gấp. Khi đến bộ chỉ huy thì được biết là ngày mai, có công tác xâm nhập vào vùng địch để giải thoát hai phi công mỹ, bị bắn rơi tại vùng Quảng Trị, sông Cam Lộ. Máy bay Cessna để thả đồ tiếp tế và liên lạc với hai phi công còn sống.

Trưởng toán Thọ cho biết là tránh xa các thùng C-ration vì có gài chất nổ, chỉ có Cessna mới biết thùng nào với ám số để phòng bị khi bộ đội Hà Nội phát hiện. Trước khi đi họ nhận quần áo bộ đội, súng AK-47 để cải trang và lương khô cho 4 ngày…. Theo người Mỹ thuật lại thì họ thả bom bi, xung quanh khu vực ông Hambleton lẫn trốn. 

Ông ta liên lạc với phi cơ Cessna mỗi tiếng đồng hồ. Ông ta núp trong ruộng của người dân, ăn đậu bắp ngô của người dân để sống. Sau 11 ngày, ông ta mất 45 cân Anh.

4 giờ sáng ngày 9-4-1972, lúc 4:30 sáng có hai trực thăng do phi hành đoàn mỹ lái, bay từ đâu đến, để bốc toán Biệt Nhái người Việt , trong số người Mỹ có trung tá Andy Anderson và đại uý Tom Norris cố vấn cho nhóm Biệt Hải. Sau mấy giờ bay, trực thăng đáp xuống bộ chỉ huy tiền phương, 2 người mỹ và đại uý Thọ đi vào bộ chỉ huy, trong khi 4 biệt nhái người Việt ngồi đợi ở ngoài. Có một chuẩn tướng Việt Nam đi ngang cho biết sẽ có một chiếc M113 đến đón họ đưa đến vùng gần phi công mỹ bị bắn rơi. Trực thăng sẽ không được dùng vì phòng không của địch. Ông tướng này được lệnh giúp đỡ cuộc giải cứu nhưng không tin là hai phi công còn sống hay chưa bị bắt. Ông ta nói đang lo cả sư đoàn 3 bộ binh của ông ta, đang bị Việt Cộng đánh trong khi người Mỹ chỉ lo có 2 người của họ. Hình như ông tướng này tên Vũ Văn Giai, ông Phong chỉ nói tương chỉ huy của sư đoàn 3, nhưng người Mỹ nói tướng Vũ Văn Giai.

Không biết là hình ảnh chụp vào lúc ấy hay trong phim, thấy ông đại uý Norris., có biệt nhái người Việt bên cạnh. Chắc là phim vì dạo ấy không có phóng viên chiến trường tại đây.

 Độ 11:30 sáng; có chiếc xe thiết giáp M113 đến, họ cho lên xe tất cả ba lô, súng đạn rồi xe đưa đến điểm hẹn. Đại uý Norris muốn cho toán xuất phát vào 5 giờ chiều trong khi trưởng toán Thọ đề nghị xuất phát vào ban đêm thì tốt hơn. 7:00 tối thì toán gồm 6 người bắt đầu lên đường, di hành mỗi người cách nhau 3 mét. Ông Phong và Tất đi tiền sát, cách 15 thước thì đại uý Thọ, Norris sau đó thì đến Châu và Kiệt đi sau hậu vệ. Xem như toán chỉ có 6 người. Ông Anderson ở lại để liên lạc với máy bay Cessna và toán.

Họ lần mò đến Miếu Giang, độ 12:30 sáng thì toán đã đến mục tiêu và đợi. Được cho biết là tối nay sẽ có một trong 2 phi công sẽ thả trôi theo sông, khoảng từ 12 đêm đến 3:00 sáng. Việt Cộng nghe truyền tin của người Mỹ nên họ phải dùng ngôn ngữ để báo tin cho hai phi công bị bắn rơi. Như Shake (con rắn) là con sông, Esther Williams Go to Boston (đi về Boston là đi về hướng Đông) giúp phi công hiểu là bơi theo con sông về hướng Đông. Esther Williams là một nữ vận động viên bơi lội nổi tiếng Hoa Kỳ khi xưa, sau này có đóng phim đình đám. Các người truyền tin của Hà Nội, chắc không hiểu khi nghe họ dùng những nhân vật tại Hoa Kỳ nếu không thì họ đã cho người lục soát ven sông.

Bổng họ thấy giữa dòng sông có một chấm đen trôi nhanh đến chỗ họ núp, nghe cả tiếng thở. Ông cho Tất báo cho trưởng toán Thọ và ít lâu sau, ông Norris đeo chân nhái, bơi theo, độ 20 phút sau thì ông ta trở lại. Có lẽ dòng nước mạnh nên ông ta không bơi theo vật nổi kia nên quay lại. Lúc này ông Norris và ông Anderson nói chuyện qua điện đàm về sự việc này, trưởng toán Thọ ra lệnh rút lui.

Bổng nhiên họ thấy cách đó 8-10 thước có thân cây và mặt nước dao động nên theo dõi độ 10 phút sau đó ông Phong bò lại để xem xét tình hình thì nghe tiếng “no, no’ bằng anh ngữ. Ông thấy phi công mỹ đang ôm gốc cây và trông thấy hai người bận đồ bộ đội nên chới với. Ông ngồi đợi vì không biết anh ngữ, lại sợ ông mỹ rút súng ra bắn thì lại mệt, báo động cho bộ đội trong vùng và cho Tất về báo cho trưởng toán Thọ. Sau đó thì ông Norris và trưởng toán Thọ đến, ông ta chỉ vào bụi cây, ông Norris đi lại phía bụi cây, ông phi công và ông Norris ôm lấy nhau mừng rỡ. Sau 10 ngày bị truy lùng, ông này mừng như điên. 

7:00 sáng thì họ đưa ông phi công mỹ này đến vùng lính Việt Nam Cộng Hoà đóng, cho uống cà phê,… 10 giờ sáng thì M113 đến đón ông ta về hậu cứ. Mọi người kiếm thức ăn rồi ngủ để chuẩn bị cho đêm hôm sau đi tìm tiếp viên phi công mất tích còn lại.

Bổng nhiên Việt Cộng pháo kích thì họ thấy trung tá Anderson và đại uý Thọ từ ngoài chạy vào hầm, bị thương. Sau đó thì M113 đến chở hai người này và Châu về đơn vị. Theo các lính bộ binh cho hay, hồi chiều, thấy 2 người đứng trước hầm, xem ống nhòm, có thể đề-lô của Việt Cộng thấy nên pháo kích. Xem như toán mất đi 3 người, chỉ còn lại 4 người. Ông Phong, ông Tất, ông Kiệt và ông Norris.

Đại uý Norris thay thế đại uý Thọ làm trưởng toán khiến mấy người Việt lo ngại vì không biết tiếng anh, trong đêm khuya, không hiểu nhau, có thể bị lộn xộn khi di chuyển khiến ông Norris hiểu lầm, cho rằng họ không muốn đi giải cứu viên phi công mỹ còn lại. 4 người lên đường và theo lời Kiệt, ông Norris nói là phi công kia kiệt sức sau 11 ngày nên chắc họ phải đi lên phía trên chỗ hôm qua để tìm kiếm. Mình đoán là ông Kiệt hiểu anh ngữ hơn.

Họ đi lại con đường hôm qua nhưng cách xa độ 50 mét vì ngại địch quân theo dõi hôm qua, và gài mìn. Theo lời Kiệt thì ông Norris bảo tối này ông Hambleton sẽ thả trôi theo dòng nước như ông Clark hôm qua. Họ đến điểm đợi và chú ý hơn hôm qua.

Ngồi đợi, đến 4 giờ sáng không thấy gì cả nên đại uý Norris bảo qua lời của Kiệt, ông Phong và ông Tất trở về tiền đồn đợi lệnh, còn ông ta và Kiệt, đi tìm ghe để chèo ngược dòng sông lên tìm kiếm ông Hambleton.

Ông Phong và ông Tất về đến tiền đồn bộ binh vào lúc 7 giờ sáng. Ngày hôm sau, 13/4/72, độ 9 giờ sáng, thấy Kiệt đi vào hầm, kêu xuống đỡ ông Hambleton vào vì bị thương và kiệt sức. Ông Norris và Kiệt, kiếm được ghe, chèo ngược lên dòng Miếu Giang, cuối cùng tìm được ông Hambleton và đem về như kể trong phim. Nếu mình không lầm thì ông Hambleton bị thương, yếu lã người nên không di chuyển được, khiến hai người đi cứu phải dấu thuyền rồi đi tìm ông ta, đưa đến ghe, hình như có cộng quân đuổi theo bắn.

Theo mình hiểu thì ông Hambleton được hướng dẫn thoát khỏi sự truy lùng của cộng quân bằng cách đi theo lộ trình đánh cù trên sân Golf, được hướng dẫn qua vô tuyến. Ông này có chơi đánh cù nên hiểu được cách đi lòng vòng 18 lỗ sân golf tại quê nhà của  ông. Để tránh truyền tin của hắn nghe và biết địa điểm của ông Hambleton, họ hỏi ông này thích môn thể thao nào, ông này nói đánh cù và từ đó họ liên lạc với nhau qua ngôn ngữ chơi cù. Nhờ vậy ông ta mới thoát vòng vây của Việt Cộng.

Có điều mình không rõ là người Mỹ nêu tên Kiệt, người đi chung với ông Norris trong khi ông Phong kể, chỉ viết đến K. Không biết có phải ông Kiệt còn sống tại Việt Nam lúc ông này viết, để tránh Việt Cộng tìm kiếm ông Kiệt hay vì một lý do nào đó. Theo bài mình đọc trên trang của Nha Kỹ Thuật thì ông Phong Trần viết đăng ngày 23 tháng 6 năm 2009.  Mình lại đọc trên mạng của người Mỹ thì ông Kiệt đã đến Hoa Kỳ, vào dân mỹ năm 1984.

Đâu 1 tháng sau cuộc giải cứu này, ông Phong và toán của ông ta, trên 30 người được gửi sang Phi luật Tân, tại Subic Bay để được huấn luyện thêm mấy tháng.

Theo lời ông Phong kể khi xưa, lúc ông ta được lệnh đi giải cứu hai phi công Hoa Kỳ, chỉ đi vì nhiệm vụ được giao. Chỉ khi sang Hoa Kỳ sau bao nhiêu năm ở tù cộng sản, xem được phim Bat-21, nên kể lại những gì ông ta và người Việt chứng kiến trong vụ đi giải cứu phi công, như một chứng nhân của cuộc giải cứu tốn kiếm nhất của không lực Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hoà. Thường thì đại uý Thọ dẫn đường, biết anh ngữ, khi ông ta bị thương thì ông mỹ Norris làm trưởng toán nên lo ngại vì anh ngữ chớ không phải vì lo ngại mà không muốn đi tiếp cứu.

Khi Hoa Kỳ cấm không được yểm trở pháo binh cũng như không kích trong vòng 27 cây số, thì xe tăng của địch di chuyển thoải mái, và họ pháo kích các tiền đồn, cũng các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà trong vòng 2 tuần lễ mà chúng ta không được trả đũa, khiến lính Việt Nam Cộng Hoà bị thương và chết khá nhiều để cứu hai người Mỹ. Người Mỹ chỉ quan tâm đến sinh mạng của lính họ, không để ý đến sự tổn thất của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Làm phim họ nêu cao tinh thần của đại uý Norris, còn 7 người lính biệt nhái Việt Nam Cộng Hoà, không được nhắc đến ngoài trừ Kiệt, xem như tên chèo đò.

Ông ta chỉ viết để cho người Việt biết về cuộc giải cứu đó thành công, nhờ sự hy sinh của người lính Việt Nam Cộng Hoà. Mình đọc trên mạng là ông Nguyễn Văn Kiệt này được vào công dân mỹ năm 1984. Làm cho Boeing ở Seattle, và về hưu năm 2015.

Theo trung tá Hambleton kể lại thì khi ông Norris và Kiệt đưa ông ta lên xuồng, chèo về phía Việt Nam Cộng Hoà đóng quân thì ông cho biết Kiệt có đôi mắt nhậy bén nhất. Ông Kiệt ra lệnh ngưng vì thấy súng ông của Việt Cộng núp bên sông chờ đợi. Ông Norris mới cho máy bay mỹ thả bom và đạn khói để  che phủ cả vùng để họ chèo xuồng trốn về về phía Việt Nam Cộng Hoà. Không có ông Kiệt hôm đó thì cũng chết hết.

Cuộc giải cứu ông Hambleton, đã làm thiệt mạng 11 người mỹ khác, vài người Mỹ bị bắt làm tù binh, 1 người Mỹ bị thương ông Anderson và 1 người Việt là đại uý Thọ và Hoa Kỳ mất thêm 5 phi cơ khác trong cuộc giải cứu 1 phi công Hoa Kỳ. Còn lính Việt Nam Cộng Hoà bị hỏa lực Việt Cộng pháo kích chết vô số nhưng không được nhắc đến. Cho thấy người Mỹ bằng mọi cách để giải cứu người của họ, khi ra trận người Mỹ đều tin tưởng là nếu có vấn đề, họ biết là cấp chỉ huy sẽ không bao giờ bỏ rơi họ.

Hiện đang có một chương trình truyền hình Hawai 5-0 đang được yêu chuộng tại Hoa Kỳ, các diên viên gốc á châu tuyên bố ngừng đóng phim vì họ được trả lương thấp hơn các diễn viên da trắng. Có một anh diễn Gốc Việt, lên truyền hình kêu không muốn xem phim chiến tranh về Việt Nam. Lý do là cứ thấy cả đám người việt nằm chết la liệt, rồi chiếu mặt Tom Cruise buồn rầu.

Mình sẽ dịch ra anh ngữ để các cựu chiến binh mỹ tại Việt Nam đọc để hiểu thêm về người lính Việt Nam Cộng Hoà.

Xem link kể về vụ giải cứu này của người Mỹ

https://youtu.be/VehjTmZDUHA

Nguyễn Hoàng Sơn