Học Viện Giáo Hoàng Pio X Đàlạt xưa

 Mình không phải công giáo nhưng lại hay dính dáng với mấy linh mục và mục sư. Khi xưa, ở Đàlạt có quen ông cha Louis Leahy, người Gia-nã-đại, giáo sư tại Giáo Hoàng Học Viện Đàlạt. Mỗi thứ tư, đều gặp cha để tập đàm thoại anh ngữ và pháp ngữ, ngược lại cha tập đàm thoại việt-ngữ với một tên không rành tiếng Việt. Nhiều khi cha hỏi về văn phạm tiếng Việt là mình ngọng, đứng đực ra như bò đội nón. Chán Mớ Đời  

Qua cha Leahy, mình học rất nhiều điều, không ngờ sau này lại đi lại con đường của cha. Dạo ấy mình phục cha lắm, sống tại nhiều quốc gia, nói được nhiều ngoại ngữ. Sau này ra hải ngoại lại quen nhiều vị linh mục bên Châu Âu, mục sư ở Hoa Kỳ nên mon men kiếm kinh thánh đọc.

 

Vào giáo hoàng học viện hàng tuần, mình thấy không gian rất độc đáo. Nghe kể sau 75, Việt Cộng đuổi cổ mấy cha ra, không biết giờ họ làm cái gì.


Gần đây, có cháu gái ở Việt Nam, sinh viên kiến trúc, gửi cho mấy tấm ảnh cháu chụp với bạn về trường của dòng tu Franciscaine tại Đàlạt, bị bỏ hoang phế. Việt Cộng đuổi các người của dòng tu đi sau khi vào Đàlạt. Nay nghe nói họ có chương trình phá bỏ hay sửa chửa lại làm khu nghỉ dưỡng hay chi đó. Bác nào có tài liệu xưa về chỗ này thì cho em xin. Xin cảm ơn trước.

 


Đọc tài liệu về Đàlạt thì khám phá ra Giáo Hoàng Học Viện Đàlạt được thành lập ngày 13 tháng 9 năm 1958, được mang tên “Giáo Hoàng Chủng viện Mẫu Tâm Vô nhiễm (Seminarium Pontificale Immaculati Cordis B.M.V)”, sau đến năm 1959 mới đổi tên ông giáo hoàng Pio X (Santus Pius P.P.X). Do đó mới gọi là học viện “Giáo Hoàng” nhưng không hiểu sao cứ nghe thiên hạ kêu “giáo hoàng học viện”. Mình nghe người ta gọi trường Trần Hưng Đạo thay vì Trần Hưng Đạo trường, ai biết cho em xin. Cảm ơn trước.

 


Lúc đầu, học viện hoạt động trong khuôn viên đại học Công giáo Đàlạt, gần hồ Vạn Kiếp. Đến năm 1964, học viện mới dời đến cơ sở mới ở số 13 Đinh Tiên Hoàng, trong khuôn viên 8 mẫu tây, do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế. Ngày 1-8-1961, khởi đầu xây và hoàn tất ngày 23/4/1964. Xem như sử dụng được 11 năm thì Việt Cộng vào lấy mất.


Đây là một trong những công trình được xây cất dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, mình có kể rồi với chợ Đàlạt, trung tâm nguyên tử lực, trường Võ Bị Quốc Gia,...

 

Đọc chương trình học của mấy chủng sinh khiến mình thất kinh vì họ được đào tạo suốt 8 năm trời. Mỗi khoá chỉ nhận từ 20-30 chủng sinh. Khi xưa, mình tưởng đi tu là dễ, ai ngờ họ phải học đến 8 năm. Kinh

 

Họ phải qua một năm dự bị, 3 năm triết học và 4 năm thần học. Xem ra là sau khi tốt nghiệp, thụ phong linh mục, họ có bằng tiến sĩ. Cho thấy trình độ, các cha linh mục của giáo hội rất giỏi. Bên Phật Giáo, có rất ít thầy giỏi như thầy Thích Quảng Độ, Tuệ Sĩ,.. dù người Việt theo Phật giáo rất đông.

 

Năm đầu tiên, họ phải học cổ ngữ, chắc là tiếng la-tinh, sinh ngữ, khoa học, văn chương, và cách đọc kinh thánh. Cái này mới với mình, tưởng đọc kinh thánh là chỉ mở ra rồi đọc, ai ngờ phải theo lớp học cách đọc. Kinh

 

Nghe nói các môn khoa học, văn chương,..thì các chủng sinh theo học tại viện đại học Đàlạt và phải bận quần áo thường vì nếu bận áo nhà tu thì sợ thiên hạ kêu trường đại học toàn là thầy tu. Dạo ấy viện Đàlạt mới được thành lập, chưa có nhiều sinh viên như bây giờ.

 

3 năm triết học thì phải nhai Luận lý học, Tâm lý hỌc, Thuần Lý học, Hữu Thể hỌc, Đạo Đức hỌc, Thần lý hỌc, Vũ Trụ Học, thêm lịch sư về triết học Đông Phương và tây phương. Mình học năm 12 B, môn Luận lÝ HỌc với thầy Nguyễn Minh Diễm và Đạo Đức học với thầy Tuyến đã thấy khó nuốt, nay nghe chương trình của học phải nuốt thêm mấy môn khác.

 

4 năm thần học có Thần học cơ bản, Thần Học tin lý, Kinh Thánh, Thần hỌc luân lý, Giáo Luật, Phụng vụ, thêm vài môn khác. Cái này đào tạo một ông linh mục khá tốn tiền, và thời gian. Mình thấy bên Phật giáo, mới thấy ông chú tiểu, rồi lên đại đức rồi thượng tọa nhưng không biết có học hành gì không ngoài tụng kinh. Mình có dịp nói chuyện với nhiều tu sĩ Phật giáo nhưng thấy họ chỉ lẩn quẩn ở mấy cuốn kinh Pháp Hoa,… ít người muốn nói về Bát Chính Đạo hay Tứ Diệu Đế.


Nhớ có dạo mình vẽ chùa ở Connecticut, hỏi thầy trù trì về hai vấn đề trên để hiểu rõ hơn nhưng thầy ngọng, nên đành kiếm sách ngoại quốc đọc để vẽ. Sau đó thầy bỏ chùa ra đi vì “lỗi với đạo” chi đó. Chán Mớ Đời 

 

Cái mình mê là thư viện của học viện. Có lần cha Leahy dẫn mình vô đây xem. Chưa bao giờ mình thấy sách nhiều như vậy khiến mình mê mẫn, mượn sách do cha đứng tên mượn dùm, đến khi sang tây, vào thư viện quốc gia hay trung tâm văn hoá Pompidou. Sau 75, chắc Việt Cộng cho đốt hết 50,000 cuốn sách của thư viện. Chán Mớ Đời 

 


Học viện có chủng sinh nội trú nhưng cũng nhận thêm các chủng sinh ngoại trú của các dòng tu khác. Từ năm 1958 đến khi tan hàng thì học viện có trên 60 cha dòng Tên, giảng dạy. Khi xưa, mình chỉ biết linh mục là công giáo nhưng không biết là công giáo có nhiều dòng tu với nhiều thiên chức như dòng tên, hay Lasan là về dạy học, giáo dục,…

 

Cận cảnh của học viện Giáo Hoàng, xa xa thấy viện đại học Đàlạt hình chụp của ông Bill Robie của nhóm Đàlạt Historic.


Không ảnh này chụp từ máy bay trực thăng bởi cựu phi công mỹ Bill Robie 

Thấy học viện Giáo Hoàng tọa lạc trên 8 mẫu tây, cạnh bên trường Bùi Thị Xuân, số 13 Đinh Tiên Hoàng

Hình này chụp từ hồ Xuân Hương bay về, thấy đường Đinh Tiên Hoàng. Chỗ đậu xe là dưới hầm bên tay trái.


Trong mấy cha dạo đó mình biết cha Leahy và có gặp vài cha khác nhưng không nhớ tên. Có một cha nổi tiếng với người Việt tỵ nạn sau này là cha Gildo Dominici đi vào các đảo tỵ nạn để giúp đỡ người Việt vượt biển, thoát khỏi thiên đường mù. Cha đã qua đời năm 2003.

 

Theo tài liệu mình được thì cha Leahy có diễn thuyết về cái nhìn của một linh mục người Pháp tên Teillard de Chardin, cho thấy ông ta khá cấp tiến với cái nhìn về thế giới ở thế kỷ 20. Khi xưa, người ta lên án, phê bình ông linh mục dòng tên tây này nhưng gần đây, các đức giáo hoàng đều khen tư tưởng của ông ta, đi nhanh hơn thời đại của mình.

 

Mình tìm ra địa chỉ và email của cha Leahy ở Nam Dương. Có viết thư nhưng không biết sẽ có hồi âm hay không. Nếu cha còn sống chắc phải trên 100 tuổi. Gia đình mình khi xưa, có mời cha đến nhà dùng cơm.


Chú thích: mình quên vụ năm Mậu Thân, khi Việt Cộng đánh vào Đàlạt thì dân tình bỏ chạy tá lả thay vì ủng hộ họ, đánh đổ chính phủ miền Nam. Giáo HOàng Học Viện có cho trên 1,500 người tỵ nạn.


 Nói đến giáo hoàng chủng viện,tôi có một kỷ niệm không thể nào quên :Tết Mậu thân,nhà tôi cùng dãy với tiệm hình Hồng Châu,dãy nhà này ở giữa hai thế lực của trận chiến,trước khi đụng độ bên VN CH muốn cho dân trong dãy nhà này ra khỏi trận chiến,ngược lại VC lại muốn giữ dân ở lại...Sau đó dân chúng nhẹ nhàn tụt xuống bờ ta luy ( có sự yểm trợ của VNCH)xuống chợ...và chạy qua trú tạm mấy ngày bên GHCV ,được các Cha cho ăn ở...bởi vì sau đụng độ dãy nhà này bốc cháy ,xác chết ngồn ngan...không về được...nhắc lại nhớ ...hải hùng .”



 

Nguyễn Hoàng Sơn