Có ông thần kia, cuối tuần ngồi gãi háng, viết một stt, gắn cho mình cái nhãn hiệu “hoàng tử bé Đàlạt” khiến mình thất kinh. Ngày xưa, học ông tây bà đầm về “le petit prince” của nhà văn Antoine Saint-Exupéry nhưng chả hiểu gì cả nay lại được ông thần này gắn cho tước hiệu này càng khiến mình, thuộc dạng ngu lâu dốt sớm lại càng không thể giác ngộ cách mạng được.
Tiếng Việt mình không rành lắm, chỉ lớ quớ ở trình độ nói chuyện vớ vẩn, nay lại được phán là viết văn, viết véo. Chán Mớ Đời. Cứ hỏi cô giáo dạy mình việt văn khi xưa ở Grand Lycée Yersin Đàlạt, hiện vẫn theo dõi mình trên Facebook. Giờ việt văn, chưa bao giờ mình được cô chấm hơn điểm trung bình.
6, 7 năm về trước, nhận được i-meo của 1 cô bạn học khi xưa, Chử Nhất Anh, kêu mới tìm ra một bạn học cũ, có nhớ tên Phi-Liên-sô. Nghe đến tên cô này thì mình nhớ đến những kỷ niệm một thời lêu bêu ở tuổi học trò, với những mối tình toả nắng, rũ nhau đi picnic ở Thung Lũng Tình Yêu, Ninh Chữ,… nên viết kể những kỷ niệm thời học sinh về cô này và nhóm bạn ngày xưa. Qua cô này, tìm lại một tên học chung khi xưa, đối tượng của cô nàng. Từ tên này lòi ra đám Yersin cũ mà mình tưởng đã chôn vùi trong dĩ vàng từ 50 năm qua. Cô nàng, hỏi còn nhớ cái gì thì kể tiếp. Mình kể tiếp chuyện thời trẻ trâu, như dòng suối ký ức được khơi lại sau bao năm bị lắp đá, không ngờ mình kể đến ngày nay mà vẫn không hết chuyện.
Ngọn suối ký ức càng ngày càng trào dâng thêm những nổi nhớ vô tận, những hình ảnh của trường phái ấn tượng thấy thoáng sương mù Đàlạt, khiến mình càng hăng lên viết tiếp. Càng viết thì càng nhớ, nhất là những ai đọc, kể thêm, nhắc thêm về những điểm nhớ nào đó, tạo dựng thêm những mảnh quên khác của nổi nhớ trên dòng sông ký ức.
Ngày nay, mấy người từng sống tại Đàlạt hay còn ở Đàlạt, cứ hỏi mình về Đàlạt xưa nên phải tiếp tục kể. Nay lại quen một nhóm người Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam, đóng quân ở Đàlạt, Phan Rang, lại hỏi chuyện về Đàlạt nên phải tiếp tục trả lời. Có ông tò mò muốn biết mình kể cái gì khi xem các tấm ảnh do ông ta chụp khi lái trực thăng lên Đàlạt, lại phải tóm tắt bằng anh-ngữ.
Điều mình ngạc nhiên là nhóm cựu chiến binh mỹ này, đi quân dịch ở Việt Nam có 1 năm mà họ yêu mến Đàlạt, nghiên cứu về Đàlạt, viết về Đàlạt. Họ ghé thăm Đàlạt 3 lần sau thời chiến. Nay chắc lớn tuổi nên không về thăm Đàlạt nữa. Đàlạt vẫn là cái nôi ký ức của thời họ còn trẻ, xông pha vào tên đạn, có những kỷ niệm về tuổi thanh xuân của họ. Qua ký ức của họ, nhất là hình ảnh do họ chụp, giúp mình có một cái nhìn rõ hơn về Đàlạt khi xưa, cũng như họ có cái nhìn của người Việt tại Đàlạt trong thời gian họ tham chiến.
Có lẻ không khí Đàlạt gợi nhớ cho họ về quê hương xa tít mù khơi như người âu châu khi xưa. Họ yêu mến Đàlạt, tránh được cái nóng oai bức của miền nhiệt đới, của chiến tranh khói lửa.
Chúng ta là những gì chúng ta nhớ vì một mai khi trả nhớ về không, chúng ta chỉ là cái thân xác vô tri, vô giác ở bãi đợi lên đường về thăm ông bà. Nhớ là một hạnh phúc, cảm nhận mình còn hiện hữu, nhìn rõ những kỷ niệm một thời. Do đó chúng ta tô điểm, nổ về quá khứ của chúng ta hay người thân, sẽ không thấy lại hình ảnh trung thực của ngày xưa. Như thể một bức tranh thuỷ-mạc xưa, chúng ta đem sơn dầu để vẽ lên những dấu ấn nào đó của quá khứ, sẽ phá hỏng bức ảnh dòng sông ký ức.
Chúng ta lội ngược dòng thời gian, trở về miền quá khứ, mà phải đeo những lăng kính màu mè thì khó mà nhận diện được quá khứ. Chúng ta sẽ thấy mình quê mùa, nghèo hèn. Có lẻ vì vậy mà mình nhớ nhiều vì không đeo một lăng kính của một ông này, bà nọ của ngày nay. Mình như cánh diều, theo gió về miền tuổi thơ nên nhìn rất rõ những ai đã có lần quen, gặp gỡ vì nói chung Đàlạt quá nhỏ bé.
Trên đường đời đã đi qua, gặp nhiều người, có thể trong một thời gian ngắn nhưng cuộc gặp gỡ đó có thể tạo nên nhiều ảnh hưởng cuộc đời của chúng ta. Họ cho mình mượn cuốn sách, hay tờ báo. Nói một điều khuyên nhủ nào đó, mời mình một bữa cơm,... chúng ta phải nhớ ơn của họ, không thể nào tự nhận mình là Phù Đổng, tự nhiên là biết đọc sách này, có ý kiến thế nọ,... những gì mình kể là do ai đó kể hay mình đọc đâu đó chớ mình không tự chế ra.
Có một cô bạn hỏi mình; sao lại biết tên cúng cơm của cô ta. Mình chỉ nhớ bố mẹ cô ta, bị mật thám tây bắt ở tù chung với mẹ mình nên có lần đi theo mẹ vào nhà chúc tết hay chi đó. Người nhà gọi tên cúng cơm của cô ta nên nhớ vậy thôi. Mình chỉ nhớ ba cái vớ vẩn, chả đem lại tiền bạc gì cả. Học thì dốt, cứ hóng chuyện người lớn, nhớ ba chuyện ruồi bu.
Hôm trước, tình cờ thấy hình ảnh của bố một cô bạn chụp chung với ca sĩ Dalida nên mình gửi cho cô nàng. Hy vọng cô ta xem hình của bố đã qua đời, một chút niềm vui, hãnh diện về bố mình. Có thể cô ta đã có ảnh này rồi, nếu chưa thì món quà tinh thần cho cô ta hôm ấy. Mình rất cảm ơn ai gửi cho mình hình ảnh hay i-meo một bài viết hay tài liệu về vấn đề.
Có lần nói chuyện với cô hàng xóm khi xưa, hỏi thăm về ông anh của cô nàng mà khi xưa mình hay đi đánh bi-da. Mình nhớ anh chàng có kéo mình đi theo vào nhà một đối tượng, ở ngay góc Cẩm Đô, miếng đất to đùng. Nghe nói sau 75, anh chàng lấy cô này. Không may, đất nước đang xây dựng xã hội chủ nghĩa, ăn bo-bo ngày chưa đủ tranh thủ ăn đêm nên giả từ cuộc sống. Mình nhớ cô nàng tên Ánh và cô em học Bùi Thị Xuân cùng tuổi với mình tên Vân. Cô hàng xóm kêu sao nhớ dai vậy ta. Mình chỉ có gặp vài cô gái ở Đàlạt thì phải nhớ những khoảng khắc đó.
Nói như con nhà Phật là sống có chánh niệm nên mới nhớ, còn quên vì chưa thật sự sống tại Đàlạt trước 75. Người Việt mình có cái bệnh “thánh Gióng”, cứ mơ ăn nồi cơm to đùng rồi trong tích tắc lớn lên như gió thổi, trở thành anh hùng Phù Đổng.
Khi đọc hồi ký của thiên hạ về Việt Nam, mình thấy toàn là những anh hùng, tài đức nhưng không gặp thời nên tiếc, phải chi họ được làm tổng thống thì có lẻ miền nam đã thắng.
Ông thần này kêu mình quá thành thật khi kể về gia đình, không thêm mắm muối. Có sao kể vậy, để con cháu, em út sau này, hiểu về gốc gác của chúng. Em mình, chúng lớn lên khi ông cụ ở tù cải tạo của Việt Cộng nên lờ mờ về gốc gác bên nội.
Những kỷ niệm một thời, tưởng đã chôn sâu vào dĩ vãng như giếng nước của gia đình Manon des sources mà nhà văn Marcel Pagnol kể về thời thơ ấu của ông ta, vùng Aix-en-Provence. Từ từ mình kể chuyện thời ở tây, ở Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh Quốc, Đức quốc rồi Hoa Kỳ,…
18 năm sinh sống tại Việt Nam, mình không biết chỗ nào khác ngoài Đàlạt, ngoại trừ Ninh Chữ, Nha Trang và Sàigòn, được đi viếng mấy chỗ này trước khi đi tây. Không gian của Đàlạt quá bé tí để có thể quên, không nhớ.
Ông thần kêu mình là hoàng tử nhí, có đặt hàng, kể cách mình đọc sách. Mình đọc mấy cuốn sách “Học Làm Người” của ông hàng xóm khi xưa cho mượn do ông Hoàng Xuân Việt và Nguyễn Hiến Lê viết nên quen cách từ đó nhất là sau này, công ty gửi đi học chương trình 7 thói quen của người thành đạt của Stephen Covey và sử dụng cuốn sổ ghi tay từ 20 năm qua.
Đọc cái gì thấy hay là lạ thì mình ghi vào sổ tay. Lâu lâu ngồi đợi vợ làm đỏm hay đi mua sắm ở các trung tâm mua sắm, lấy ra đọc ôn sổ ghi tay, cho qua thời gian chờ đợi. Xong om
Mình ngạc nhiên là có người thích những gì mình kể. Cứ có gì lùng bùng trong đầu mình viết xuống. Lâu lâu Facebook kêu nhắc lại hay có ai chia sẻ bài của mình thì tò mò nhấn đọc lại. Lại càng thất kinh vì đã viết được như vậy. Không biết từ đâu lại xuất hiện những cụm từ lê-phê như vậy.
Đối tượng một thời cho biết những i-meo mình kể, cô nàng đều lưu giữ lại. Kinh
Hôm nào, kể chuyện tình toả nắng trong sương mù Đàlạt ngày xưa, để xem có khác những mối tình hữu nghị của thời A-còng. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn