Đàlạt xưa qua hình cũ #7

 Tuần này, mình tải một số hình ảnh khu Hoà Bình Đàlạt xưa. Khi mình thấy mấy tấm ảnh xưa, thời Tây, lúc khu Hoà BÌnh chưa được xây cất thì rất ngạc nhiên vì không biết từ đâu. May sau này đọc được tài liệu về Đàlạt và sự hình thành của Đàlạt nên mới bắt đầu hiểu về sự thay đổi của Đàlạt xưa.

Muốn định vị được những tấm ảnh này thì cần có bản đồ của khu Hoà BÌnh khi xưa, lúc chưa được xây cất. Chỗ này được xem là chợ Đàlạt, khi khu phố chỗ Ấp Ánh Sáng, bị bão lụt cuốn trôi. Sẽ tải sau này trong bài khác.

Tấm bản đồ vẽ này do mình đề ô để nhớ. Khu Hoà BÌnh (chợ cũ Đàlạt xưa, trước khi họ xây Chợ Mới ). Khu được tô màu đỏ là dãy nhà ông Sáu Còm, dãy nhà tiệm Bùi Thị Hiếu đến cà-phê Tùng,... và khu tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, do ông Võ Đình Dung xây sau này. Khu được tô màu vàng là khu Đức Xương Long đến nhà hàng Mekong. 

Bản vẽ này cho thấy hoạ đồ của chợ Cây (khu Hoà Bình). Thấy trường Đoàn Thị Điểm, dãy phố Chic Shanghai chưa được ông Võ Đình Dung xây cất sau này. Khu chụp hình Hồng Châu.

Chợ Đàlạt xưa, lúc chưa xây khu Hoà Bình. Chợ kiểu bán hàng rong, tụ họp như ở đường Phan Đình Phùng. Lúc này, dãy phố lò bánh mì Vĩnh Chấn, Chic Shanghai chưa được xây cất. Những mũi tên màu xanh là được được chụp từ góc cà phê Tùng, còn màu đỏ thì ngược lại chợ nhỏ Đàlạt .

Khúc này nhìn hình mũi tên màu đỏ. Mình thì nhận ra nhưng khó mà giải thích cho mọi người, phải cần làm video tùm lùm nhưng không có thì giờ. Chán Mớ Đời 

Chỗ này chụp từ khu dãy nhà của ông Sáu Còm, như bản đồ trên cho thấy chỉ có khu nhà dãy Bùi Thị Hiếu là đã được xây bằng gạch. Khu dãy nhà hàng Mekong còn làm bằng gỗ, lợp tôn. Sau bị cháy nên họ cho xây lại chợ, được gọi là Chợ Cây vì làm bằng gỗ, đến khi xây Chợ Mới thì gọi là chợ Cũ.

Hình này, xem theo mũi tên màu đỏ, thấy khu dãy nhà Bùi Thị Hiếu, còn tiệm Mekong vẫn còn làm bằng gỗ lúc chưa bị cháy. Phía sau chợ có lợp mái là dãy nhà ông Sáu Có. Đàlạt có hồ Đội Có, không biết là một người hay không. Ai biết chơi em xin. Thấy đường nhỏ chia cách dãy Bùi Thị Hiếu bà Mekong, sau này là đường Tăng Bạt Hổ.


Một góc nhìn khác từ khu nhà ông Sáu Có, nhìn về dãy Bùi Thị Hiếu, tiệm hớt tóc (coiffure), Mekong, xa xa là dãy nhà Vĩnh Chấn, có trạm biến điện, sẽ giai thích sau hay trong bài khác. Giải thích nhiều quá thì các bác chới với lộn tùm lùm.

Hình này thấy rõ dãy nhà Bùi Thị Hiếu, lúc chưa được xây bằng gạch, chỉ có mấy căn, khúc cà phê Tùng, nhà in Lâm Viên chưa được xây cất, có thấy dãy nóc nhà của dãy nhà ông Sáu Có nhưng có lẻ chưa được xây bằng gạch. Mình mất khá lâu mới định vị được tấm ảnh này vì hình ảnh vào những năm 1930-1940.

Bản đồ định vị những ảnh chụp trên

Chợ Gỗ do kiến trúc sư tây Louis George Pineau thiết kế, nhà thầu SIDEC xây cất. Đặc điểm là có cái tháp cao như tháp chuông nhà thờ. Ở Âu châu thường trung tâm thành phố đều có cái chợ và nhà thờ. Cái chuông để giúp người ta làm cái điểm nhấn mà đi lại. Sau này được sử dụng để báo động khi máy bay bỏ bom.

Hình này chụp trước khi xây chợ Hoà Bình. Lính Tây đi chơi .

Để lần sau mình tải tiếp hình ảnh khu Hoà Bình, Chợ Cũ vì tải nhiều quá, thiên hạ lộn. Lần sau sẽ tải ảnh khi chợ cũ đã xây cất (rạp xi-nê Hoà bình sau này)
(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn