Thể thao thay thế tín ngưỡng ở thế kỷ 21

 Nhớ mấy năm trước, mình về âu châu chơi, thăm em và bạn bè. Có ghé qua xứ Hoà-Lan thăm anh bạn đồng nghiệp cũ. Anh ta dẫn mình vào một ngôi nhà thờ cổ xưa, không thấy tượng Chúa đâu hết, chỉ thấy dân chúng đi đông như quân Nguyên, mua sắm. Hoá ra họ biến ngôi nhà thờ thành một trung tâm thương mại, có một tiệm sách lớn, cà phê,...

Hỏi ra thì được biết nhà thờ ngày nay ở Âu châu, te tua vì các tín đồ bớt đi lễ nên giáo hội không đủ tiền để trang trải các chi tiêu, bảo hành các nhà thờ nên đành cho mướn hay bán cho con buôn.

Vào những thế kỷ trước, Thiên Chúa Giáo đã hùng mạnh, đưa các giáo sĩ, không ngại gian nan, thậm chí bị giết, đi reo lời giảng, thình thương của Chúa tại khắp thế giới. Ngày nay, giáo hội quá yếu ở âu châu, đến nổi phải bầu một đức giáo hoàng ở Nam-Mỹ, để tìm cách lèo lái các con chiên trở về đạo lại.

Khi mình sang Hoa Kỳ làm việc, điểm đầu tiên mình chú ý là thiên chúa giáo rất mạnh, hàng ngày, các chính trị gia, truyền thông cứ rêu rao Chúa, thậm chí mỗi lần có họp mặt hay trường học đều có Plege of Allegiance. Các đài truyền hình phát hình các buổi giảng nhà thờ cho những ai, làm đêm không đi nhà thờ được. người Mỹ rất bảo thủ. Ra biển tắm, chỉ thấy phụ nữ bận áo tắm một mảnh thay vì hai mảnh, khác hẳn với âu châu, các cô các bà  topless ngắm đã con mắt.

Một mặt, mình thấy đồng nghiệp theo dõi các nhà truyền thông như Larry King, mới chết, gia tài không để tên bà vợ mới. Hay bà Oprah,.... Những nhà truyền thông này nổi tiếng và được theo dõi bởi khán giả mỹ nên họ ngưng hợp tác với các đài truyền hình, mở một kênh riêng của họ, để buôn bán các quảng cáo, trở thành tỷ phú.

Những tiếng nói của các nhà truyền thông này rất mạnh và uy tín, khiến thiên hạ nghe theo. Các ứng cử viên, đóng tiền để được mời phỏng vấn trước các kỳ bầu cử. Mình gọi những nhà truyền thông này là các cố đạo đương đại.


Khi xưa, ít người được đi học nên các kiến thức, hiểu biết của họ được khai trí bởi các ông cố đạo hay nhà sư. Người ta đi nhà thờ hàng tuần, để nghe lời giảng khai sáng trí tuệ họ. Những thắc mắc của họ được các ông cố đạo chỉ dẫn giải thích qua thánh kinh. Ai nói khác với những gì được nêu trong thánh kinh, được xem là phản động, ma quỷ nhập, chống đối nhà thờ và bị hành quyết như ông Galileo.

Rồi khi khoa học được thành lập và sự tiến bộ của khoa học trong 200 năm qua, đã thay đổi trí tuệ của con người. Con người bắt đầu đưa ra những thuyết tiến hoá; cho rằng được tiến hoá từ vượn thay vì do thượng đế tạo ra từ ông bà Adam và Eva.

Nhớ có lần, thằng con mình hỏi mẹ nó là con người từ đâu đến. Mẹ nói nói là từ ông Adam và bà Eva do thượng đế nắn tạo ra. Nó lại dỡ chứng kêu bố nói là con người đến từ vượn khỉ. Đồng chí gái kêu đó là bố mày nói về xuất xứ của gia đình bố còn mẹ nói về gia đình của mẹ. Chán Mớ Đời 

Khoa học tiến triển quá nhanh đến nổi các triết gia như Friedrich Nietzsche, Karl Marx, Sigmund Freud, cho rằng thượng đế đã chết. Ngay cả ông nhạc sĩ John Lennon của ban nhạc The Beatles, dám tuyên bố họ nổi tiếng hơn Chúa. 


Xem thống kê về sự tăng trưởng của những người Mỹ không đi lễ, hay thuộc vào 1 nhà thờ cho thấy sự thay đổi rất rõ vào những năm của thập niên 90 của thế kỷ 20. Sự biến đổi sau khi khối Liên-Xô sụp đổ.

Các nhà xã-hội-học cho rằng, hiện tượng này là hệ quả của 3 điểm chính: thiên chúa giáo quyền được đảng Cộng Hoà sử dụng để kết nạp thêm đảng viên và cử tri. Vào những thập niên 70 của thế kỷ 20, các luật phá thai, ly dị được ban hành khiến các nhà tôn giáo lên tiếng và sử dụng các điều này để làm ảnh hưởng chính trị.

Chủ nghĩa vô-thần càng ngày càng bành trướng trên thế giới ở thế kỷ 21, chúng ta có thể thấy rõ. Các vùng phi châu, xem như chủ nghĩa vô-thần không hiện hữu, chiếm 1%. Niềm tin vào thượng đế giảm tại các nước giàu có phát triển như âu châu, Thụy Điển có đến 64% dân số không tin vào thượng đế, Đan Mạch (48%), Pháp (44%), Đức quốc (42%),...

Các nhà nhân chủng học nghiên cứu về tôn giáo để tiên đoán tương lai của con người khi gặp những bất trắc trong cuộc sống. Họ nhận thấy là có sự tương đồng giữa chủ nghĩa vô-thần và sự thông minh. Các nước phát triển, có trình độ học vấn cao thì chỉ số vô-thần càng gia tăng.

Những người vô-thần thường là những người tốt nghiệp đại học, sống trong thành thị, như tại các nước xã-hội dân-chủ âu châu. Chủ nghĩa vô-thần sinh sôi nảy nở nhiều tại các nước giàu có, người dân cảm thấy yên tâm về kinh tế.

Trong nghiên cứu “Educational and ecological correlates of IQ: A cross-national investigation.”Nigel Barber cho rằng IQ tại các nước giàu có cao hơn các nước nghèo khổ, đại khái càng nghèo thì càng tin vào tín ngưỡng hơn.



Theo mình thì không hẳn vì ông Isaac Newton là một người sùng đạo nhưng đã viết cuốn sách về khoa học đã giúp thế giới thay đổi trong 200 năm qua.

Con người hướng về tín ngưỡng như một cứu cánh để giải quyết các khó khăn và không chắc chắn của cuộc sống. Điển hình một nông dân như mình, cứ phải cầu trời mưa để tưới vườn bơ của mình. Một ngày tưới nước là tốn độ $200. Mưa một trận là đỡ được $1,200. 

Từ khi có cái vườn, mình phải xem tin tức khí tượng hàng ngày. Sáng thức dậy, việc đầu tiên là xem tin tức khí tượng rồi mới đến kinh tế, còn chính trị là sau cùng. Do đó, mới hiểu khi xưa, mỗi năm nhà vua phải đến Nam Giao để hành lễ cúng trời đất để mưa thuận gió hoà cho nông dân sinh sống.

Tuần rồi thấy trên mạng, đăng hình tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đầu năm, vén quần đi chân không, ra ruộng gieo mạ, tương phản với các cán bộ nhớn Việt Cộng, đứng trên bờ, đưa mạ cho dân cắm. Chán Mớ Đời 

Trong các xã hội âu châu ngày nay, người ta ít lo sợ về tương lai nhờ hệ thống an sinh xã hội và y-tế cao. Khi đau ốm thì có nhà thương lo, thất nghiệp thì có tiền thất nghiệp. Con người có thể sống lâu nhờ vào y-tế. Chúng ta được bảo vệ trước các tai ương bất ngờ, cảm thấy có thể tự chủ về đời sống của mình nên ít cần nhờ đến tôn giáo.

Có lẻ, trong vụ đại dịch này, con người bổng thấy cuộc sống bấp bênh nên kêu réo thượng đế cứu rỗi nhiều hơn trước đây. Chúng ta chỉ nhớ đến Chúa, Phật hay Allah khi lâm cảnh lo sợ, không biết kết thúc ra sao.

Tôn giáo khuyến khích sinh sản qua cưới hỏi vì “thêm người thêm của”. Trong các xã hội canh nông xưa, người ta ưa chuộng con cái nhiều để có thêm đơn vị sản xuất, nhất là con trai vì có thể cày cấy, lao động. Do đó họ mới chuộng con trai, chớ không phải vì truyền giống nòi. Truyền giống nòi là phải chính người phụ nữ thì mới chắc chắn. Do đó ông Karl Marx có phán một câu bất hủ khiến nhà thờ chửi bới: “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”.

Ngày nay, về mặt tâm lý, khi con người gặp phải những khó khăn tâm lý thì họ hướng về các bác sĩ tâm lý nhiều hơn là các cố đạo. Họ muốn được lành bệnh bởi cách trị liệu bằng thuốc an thần do các bác sĩ cho toa thay vì các cuộc cầu nguyện, thuốc vớ vẩn của các nhà sư, cố đạo. 

Mình nhớ khi xưa, thằng em mình bị đau. Mẹ mình lên am Mệ Cai xin bùa gì về cúng, rồi đốt lá bùa, bỏ vào nước lạnh, khuấy rồi cho thằng em uống, rồi mấy ngày sau, đưa đám. Chán Mớ Đời 

Người dân có thể nhận được các lợi ích về xã-hội, tinh thần khi tham gia các môn thể thao, dã ngoại như tham gia các hội họp nhà thờ, chùa chiềng. Tôn giáo cạnh tranh với các môn thể thao, nhạc, phim qua các cuộc truyền giáo trên đài truyền hình, hay hát hò của ca đoàn tại nhà thờ...

Các nhà tâm lý học cho rằng thể thao đem lại những hệ quả cho khán giả như tôn giáo. Các ngữ vựng tương đồng: niềm tin, hy sinh, cầu nguyện, khải hoàn,...

Các lễ tôn giáo được xem như một màn trình diễn như thánh ca, áo quần,... lâu lâu có đám cưới, đám ma, mình đi nhà thờ hay chùa thì thấy các lễ đều có một quy trình. Áo quần của ông cha, ông sư và mấy người phụ tá. Lúc họ nói cũng khác bình thường như “đó là lời Chúa,..” giọng ông cha nói khác với bình thường, để tạo một âm hưởng huyền bí, để giúp các con chiên không chìm đắm trong giấc ngủ.

Thể thao được xem là một tôn giáo đa thần sơ khai (Primitive polytheism), khán giả tôn thờ một con người khác như Maradona, Messi, Ronaldo, Kobe Bryant,... về những thành tích của họ, tham gia các hội fan cuồng. Các vận động trường như các toà thánh, giáo đường, nơi các khán giả đến cổ vỏ, xem các thần của họ giao đấu. Cũng treo cờ xí, màu mè cảu các đội quân, cũng những thánh ca, ca tụng các thượng đế của họ,...

Các nghiên cứu cho thấy các fan cuồng của thể thao, ngoan đạo. Điểm lạ cho thấy là số người đi lễ nhà thờ đã giảm nhiều từ mấy thập kỷ qua, ngược lại sự tham dự các cuộc tranh đấu thể thao lại gia tăng mạnh. Nhớ dạo mình đi làm ở Ý Đại Lợi, các trận đá banh đều được diễn ra chiều chủ nhật, sau khi thiên hạ đi nhà thờ, ăn trưa họp mặt gia đình. Ngày nay, mình thấy họ cho đá sáng chủ nhật, thứ 7,... lý do là truyền hình cho các fan ở khắp thế giới. Nếu công ty có quảng cáo ở Trung Cộng thì phải đá vào giờ mà người Tàu thức để xem mới thấy các bảng quảng cáo tiếng tàu, về cá độ,...

Các fan thể thao rất trung thành với đội tuyển và các ngôi sao của họ như đem lại cho họ  thêm một ý nghĩa về cuộc đời. Xem thể thao như giúp các khán giả thoát khỏi cuộc sống hàng ngày, như các trải nghiệm tôn giáo, giúp họ tiến bước trong cuộc sống thường nhật.

Xem các trận đấu, chúng ta thường thấy các cầu thủ đều làm dấu thánh giá trước khi giao đấu hay ra sân. Họ có thể sơn trên mặt, nhuộm tóc, bận áo quần của độ bóng, như trốn thoát khỏi cuộc sống thường nhật với nhiều lo toan, buồn lo, tạo dựng một cộng đồng của các fan hâm mộ. Hay đúng hơn là tạo nên một văn hoá vô cảm, một cách thủ dâm tinh thần để chạy trốn các vấn đề xã hội, thúc bách của đời hàng ngày.

Thể thao là tín ngưỡng, có từ thời xa xưa, ở âu châu, xuất hiện thời Hy-Lạp hay La-mã với các cuộc đấu giữa các dũng sĩ hay thú vật. Một loại gánh xiếc những to lớn hơn. Ngày nay, một cuộc tranh tài thể thao có thể có cả tỷ người trên thế giới xem trực tiếp cũng một lúc.

Dạo này, mình cắt dây cáp, để không xem đá banh nữa. Tốn 2 tiếng đồng hồ, chỉ xem tóm lược trận đấu trong vòng 12 phút trên YouTube cho khoẻ đời. Xem 2 tiếng đá banh, xong rồi phải đọc báo tường thuật, phỏng vấn cho đả cơm thèm, tinh thần phấn chấn hồ hởi nên thấy mệt quá. Ngưng.

Nguyễn Hoàng Sơn