Cha con làm vườn

 Mấy tuần nay, mình thay lại hệ thống ống nước của vườn. Cuối tuần kêu hai đứa con lên vườn, trai gái gì cũng bắt cuốc đất hết. Đồng chí gái than bạn anh, họ kêu con gái là “công chúa” còn anh thì bắt nó cuốc đất. Có hôm chúng hái bơ bán thì cho hết tiền. Cứ hái được bao nhiêu thì mấy người bán ở chợ nông dân (farmers markets) đến mua để bán lại, trả tiền, cho chúng hết.

 

Hệ thống cũ sử dụng các ống nước đường kính 1/2 inch, mỗi cây có 1 đầu tưới. Vấn đề là vườn mình ở cạnh một khu vườn thiên nhiên của tiểu bang nên có coyote, mèo rừng. Thêm nữa có loại sóc và các thú khác lai vãng khá nhiều trong vườn nên chúng cũng cắn các vòi nhỏ để uống nước nhưng ít hư hại hơn. Nước vẫn chảy xung quanh cây trong khi các con coyote cắn phá thì nước chảy khơi khơi cả ngày cả đêm, đến khi mình lên vườn, kiểm tra để thay hay sửa chửa.



Khi xưa, mưa nhiều nên có dòng suối trong công viên tiểu bang để chúng uống nước, nay hạn hán, đói nên chúng kéo nhau đến vườn mình, cắn phá các vòi nước để uống nước. Mình có mua mấy thùng nước để rãi rác trong vườn để chúng uống nhưng chịu. Không huấn luyện chúng uống trong thùng nước được.

 

Sát cạnh vườn mình là một chung cư, có nhiều người già ở, họ thương thú vật nên hay đem thức ăn còn dư đến trước vườn mình để cho thú hoang ăn. Khi mình mua cái vườn, lần đầu tiên đến vườn vào buổi sáng thì thấy 12 con coyote , ngồi đợi thiên hạ đem thức ăn đến. Mình phải làm hàng rào, cổng để thiên hạ không đem thức ăn đến bỏ trước cổng vườn.

 

Tiểu bang cho mình năm ngoái tiền để làm lại hệ thống nước chính. Năm nay, mình đang xin làm lại hệ thống nước tưới. Chưa có tin tức gì cả nhưng cứ làm trước. Nếu được chấp thuận thì tốt còn không thì cũng phải làm.

 

Một khi thay xong hệ thống tưới mới thì không sợ bị thú hoang cắn phá, hao nước, sẽ tiết kiệm rất nhiều tiền. Hệ thống mới sẽ dùng loại ống nước PVC, schedule 40, được chôn dưới đất, chỉ có cái đầu tưới lòi ra ngoài nên khó cắn phá dù là răng coyote.

 

Mình có anh thợ phụ mình ngày chủ nhật. Trong tuần anh ta làm cho hãng, cuối tuần nghỉ thì đến làm thêm cho mình. Mình phải chuẩn bị hết trong tuần, thứ 7 thì kêu hai đứa con lên phụ để chủ nhật, anh thợ đến chỉ có việc đào đất để chôn ống nước cho nhanh và gắn các ống nước với nhau. Còn hai tuần nữa thì xong. Làm việc trong tuần thì trung bình mình đi bộ mỗi ngày 5 dậm.

 

Được cái lên vườn thì cha con có cơ hội nói chuyện với nhau, như thời chở chúng đi học. Con gái mình hôm qua, nhận xét thấy bạn mỹ, chúng hay chia sẻ thức ăn của họ, dù họ bỏ tiền ra mua, kêu mình ăn thử nên nó cảm thấy, cần phải chia sẻ hơn.

 

Nó nói người á châu mình thì tích luỹ (hoarding) còn người ngoại quốc thì họ cho, chia sẻ hơn. Mình kể con gái là người Việt mình lạ lắm. Bố mẹ mời bạn bè lên vườn chơi, hái lộc. Người Mỹ, chỉ hái độ 1 bị nhỏ, độ 5-10 trái là xong, trong khi người Việt, dù lợi tức họ cao như bác sĩ, dược sĩ,…không thiếu thốn nhưng họ hái như điên. Họ đem mấy túi lớn lên, rồi mượn thêm mấy thùng của bố để hái, dù nhà có hai vợ chồng, con cái ở xa. Có bà ở một mình mà hái đâu 12 bị, nói để cho con, đồng nghiệp và hàng xóm. Chỉ có một cặp vợ chồng bác sĩ người Việt, chỉ hái độ một bị, kêu đủ cho họ. Người Việt thích làm việc nghĩa, không tốn tiền, bằng cách dùng của người khác để tặng bạn bè, của chùa để có tiếng. :)

 

Nghe con gái nhận xét khiến mình nhớ đến một stt của ông Vương Trí Nhàn, nói về tâm lý của người Việt, đói khổ khi xưa trong thời bao cấp, nay giàu có lên thì cái đói khổ xưa, vẫn đeo đuổi họ đến nay mà thậm chí, di truyền.

 

Trích “

KHI ĐÃ BIẾN DẠNG , 

TÂM LÝ TÍNH CÁCH CON NGƯỜI 

KHÓ LÒNG TRỞ LẠI BÌNH THƯỜNG 

 

  Nghĩ về tác động của  nghèo đói tới tính cách con người,  ta hay  cho rằng khi con người đã khá giả lên cụ thể là  không còn đói kém nữa  thì họ sẽ trở lại con người bình thường và mọi thói xấu nảy sinh do đói kém sẽ tiêu biến. 

Nhưng không phải vậy.

Nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa  khi nghiên cứu về nạn đói kém ở Bắc Bộ trước 1945  từng nhận xét rằng đói kém không phải chỉ là 

chuyện đứt bữa, do đó qua nhanh mà -- do chỗ nó kéo dài trong thời gian dài qua nhiều thế hệ -- nên về sau, khi đã đủ miếng ăn rồi, con người và cộng đồng  vẫn bị tâm lý đói kém chi phối. 

Kết luận đó cũng  có thể áp dụng cho con người thời nay. 

Nhiều người nghèo khó hôm qua, nay do luồn lọt do xoay sở giỏi đã giàu lên và tỏ ra rất hoang phí. 

Nhưng đó chỉ là một phần mặt trái của tâm lý hôm qua.

  Còn đại thể  nhiều người trong họ vẫn tầm thường hèn hạ, dửng dưng trước nỗi đau khổ của người khác và không bao giờ đặt quyền lợi của xã hội lên trên quyền lợi của mình.

Tóm lại biến dạng một lần là biến dạng mãi mãi. (Hết trích)

 

Vợ chồng anh bác sĩ chỉ hái có 1 bị nhỏ, bố mẹ sang đây năm 75, gia đình rất giàu ở Việt Nam khi xưa, còn cô vợ thì gia đình sang Hoa Kỳ trước 75, cũng khá giả nên họ không bị cái đói của thời bao cấp dày vò hay cái nghèo trước 75.


Có lần mấy ông bạn tiến sĩ lên vườn chơi với vợ thì họ ngõ ý mua bơ của mình đem về.

 

Trong khi mấy người bác sĩ khác thì đi tỵ nạn, có trải qua thời bao cấp, như ông Vương Trí Nhàn giải thích, tâm lý cái đói, cái nghèo vẫn đeo đuổi nhiều thế hệ.

 

Mình vẫn còn bị căn bệnh này. Khi xưa, đi học, bạn bè tây đầm xài bút chì có phân nữa rồi quăn, mình lượm để xài tiếp, đỡ tốn tiền mua. Ấp quần thì các nhà thờ phát chẩn để bận. Ngày nay, mình vẫn giữ thói quen ấy dù đã ở hải ngoại gần 47 năm. 

 

Con mình sống với mình từ bé, thấy bố mẹ hà tiện, ăn uống không bỏ mứa, ít chia sẻ nên chúng cũng bị uốn nắn từ bé theo thói quen này với câu nói “khi xưa, bố mẹ ở Việt Nam....” nên ngày nay, hệ quả là giúp con mình tích luỹ thay vì chia sẻ như người Mỹ. Nếu không có sự chia sẻ của người Mỹ thì người Việt tỵ nạn, không bao giờ đến xứ này được.

 

Mình kể; khi gia nhập các hội từ thiện như Lions International, hay Toastmasters,… sinh hoạt với người Mỹ, thấy họ dấn thân, quyên tiền, để giúp đỡ các người nghèo nên dần dần bố bắt chước họ, cũng đóng góp, tham gia vào các chương trình xã hội. Mình có tặng cho hội một chiếc xe van, để chở học sinh nghèo lên núi nghỉ hè ở câu lạc bộ của hội. Tuy xe cũ nhưng mình cảm thấy sung sướng, hạnh phúc đã làm gì đó tốt đẹp cho đời.

 

Năm ngoái, đại dịch xẩy ra, bạn bè rũ mình tham gia chương trình Mask Save Lives, con mình theo dõi, thấy nhấn “like” hay chương trình giúp đỡ vụ bão lụt miền trung. Những gì mình làm thì con cháu sẽ bắt chước. Mình chụp hình để bỏ lên Facebook để câu Like thì con cháu cũng sẽ bắt chước câu like. 


Mình để ý người quen, lên đồ chụp ảnh câu like thì con của họ của tương tự, tải vớ vẫn hình ảnh để câu like như bố mẹ chúng. Trong thời bao cấp, chúng ta đói, nay chúng ta cũng khát về danh vọng, đẳng cấp nên cứ lên đồ, bà già 60 bận đồ như tuổi choai choai, tạo dáng, photoshop để câu like. Chán Mớ Đời 

 

Mình hơi tiếc là không giác ngộ cách mạng sớm vụ này, để có thể dạy dỗ con mình sớm hơn. Cũng không muộn. Nay mình được mời lên đài truyền hình, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, đầu tư. Một cách cho đi, sẽ giúp con mình hiểu thêm là cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận từ người ta.

 

Mình nhận ra khi “cho đi” thì hạnh phúc nhiều, còn khi ”nhận“ thì có gì khó khó, ấm ức, đau đau trong lòng. Thấy bạn bè, đem con cháu lên vườn chơi, hái trái, tạo cho gia đình họ một ngày vui, lòng thấy vui hẳn. Trong vườn có cả triệu trái nên họ hái nhiều cũng chẳng mất mát gì cả. Họ vui là mình vui. 

 

Tuần rồi, có một gia đình quen, cả 3 thế hệ, ông bà con cháu lên vườn mình chơi, hái lộc đầu xuân. Hai ông bà vui lắm, cứ cảm ơn rối rích, đã cho họ một ngày vui. Các cháu được hái trái, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên, thay vì cứ ôm máy điện toán để chơi game điện tử.

 

Con gái kêu đại dịch đã thay đổi cách sống rất nhiều. Nó làm việc ở nhà, chưa bao giờ đối mặt các đồng nghiệp, chỉ nói chuyện qua Zoom. Ai cũng làm việc ở nhà, có người đang ở Mễ Tây Cơ. Có thể làm việc bất cứ nơi nào trên thế giới.

 

Thằng cháu và cô Bồ sắp sửa làm đám cưới, đến nhà hỏi mình cách mua nhà. Cả hai đều làm việc tại nhà, kêu công ty đã vĩnh viễn đóng cửa, ai nấy đều làm việc tại nhà. Chúng đòi mua nhà 1 triệu, hai người mà đòi mua 5 phòng. Lý do làm việc ở nhà, mỗi người cần một phòng riêng. Kinh

 

Nguyễn Hoàng Sơn