Sự thành lập thị xã Đàlạt, Tuyên Đức

 Hồi nhỏ, nghe thiên hạ nói thị-xã Đàlạt thuộc tỉnh Tuyên Đức nên thắc mắc. Sau được giải thích tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận: Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương và thị-xã Đàlạt, được xem là thủ-phủ của tỉnh Tuyên Đức. Có lẻ Đàlạt rộng lớn hơn mấy quận kia nên họ gọi Thị-xã. 

Tỉnh trưởng Tuyên Đức có trách nhiệm hết thị xã và 3 quận kia. Dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Trần Văn Phước, thị trưởng Đàlạt, đứng ra xây chợ Đàlạt và các công trình khác. Có lẻ sau này, chiến tranh lan rộng nên họ để mấy ông sĩ quan cấp tá làm tỉnh trưởng kiêm luôn chức thị trưởng. Tương tự các quận trưởng đều là quân nhân, chỉ có phó quận trưởng là dân sự, đa số tốt nghiệp viện quốc gia hành chánh. Vị tỉnh trưởng cuối cùng của tỉnh Tuyên Đức là đại tá Nguyễn Hợp Đoàn.

 

Mình đọc trên facebook của Phóng Viên Chiến Trường, thấy có phần này nên ghi lại:

Theo tài liệu; tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký sắc-lệnh số 261-NV  ngày 19/5/1958, thành lập tỉnh Tuyên Đức gồm 3 quận, 11 tổng, 28 xã (theo Nghị định số 592-BNV/NC7/NĐ ngày 30/10/1958 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa).

 

Ngoài thị-xã Đàlạt tỉnh Tuyên Đức còn có:

1 - Quận Đơn Dương (Dran cũ) có 4 tổng: Lạc Mỹ, Linh Nhân, Tu Trang, Xuân Lạc. Đơn Dương thì mình có chạy ngang, có hai tên học chung khi xưa.

2 - Quận Đức Trọng có 4 tổng: Dinh Tân, Mỹ Lệ, Ninh Thanh, Sơn Binh. Quận Đức Trọng, Tùng Nghĩa thì hay đi, nhất là ngày Tết vì có người bà con hay cùng làng với ông cụ, tên Đệ. Sau này, có tên học chung lớp hay rũ về đây chơi.

3 - Quận Lạc Dương có 3 tổng: Đa Tân, Nhân Lạc, Phước Thọ. Chỗ này thì mình có đi hồi nhỏ để leo lên Núi Bà, sau này có chạy lại đây với ông cha Leahy của giáo hoàng học viện.

 

Tài liệu lại nói “tổng”, theo mình nhớ thì khi xưa họ kêu ấp hay phường, chưa bao giờ nghe từ Tổng. Có lẻ người viết là của chính quyền sau 75. Ai biết rõ thì cho mình hay. 

 

Tên Đàlạt khá đặc thù vì có 2 giả thiết:

 

Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch, tên gọi của con suối Cam Ly. Khởi nguồn từ huyện Lạc Dương, dòng suối Cam Ly chảy qua khu vực Đà Lạt theo hướng Bắc – Nam, trong đó đoạn từ khoảng Hồ Than Thở tới thác Cam Ly ngày nay được gọi là Đạ Lạch. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Da hay Dak có nghĩa là nước, tên gọi Đà Lạt có nghĩa nước của người Lát, hay suối của người Lát (người Cơ Ho). 

Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Revue Indochine tháng 4 năm 1944, công sứ Cunhac, một trong những người tham gia xây dựng thành phố từ ngày đầu, đã nói: "Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ của cái hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lát đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà Lạt".


Những người có công kiến thiết thành phố còn sáng tạo một câu cách ngôn khéo léo bằng tiếng La Tinh: Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem, có nghĩa “Cho người này nguồn vui, cho kẻ khác sức khỏe”. Ông André Morval đã viết câu cách ngôn chiết tự này ở đầu một bài báo nhan đề Dalat: Cité de la Jeunesse với nội dung: "Những người khai sinh ra nơi nghỉ mát trên miền núi danh tiếng của chúng ta đã xác định một cách rất hợp lý những nét hấp dẫn và những đặc tính tốt bằng một câu cách ngôn ghép chữ đầu rất khéo léo để liền theo huy hiệu thành phố".

 

Chợ Cũ Đàlạt, phía trước, họ có làm bản hình tròn ghi Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem (DALAT), sau này bị cháy, họ tháo bỏ di tích của người Pháp. Xem hình dưới

Khu Hoà Bình được sửa lại sau 1962, biến chợ thành rạp xi-nê phía trong, xung quanh là các tiệm nhỏ.

Năm 1937, khi xây dựng chợ Đà Lạt mới, khu Hoà BÌnh, thay cho ngôi chợ cũ bằng gỗ bị cháy, người ta đã đề dòng chữ Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem trên tường đầu hồi của công trình, phía trên là huy hiệu thành phố hình tròn, tạc hình một đôi thanh niên nam nữ người dân tộc. 

 

Vùng cao nguyên Lâm Viên từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho. 

 


Cuối thế kỷ 19, nhiều nhà thám hiểm người Pháp đã thực hiện những chuyến đi xuyên sâu vào vùng đất này. Tiên phong trong số họ là bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans với chuyến thám hiểm thực hiện đầu năm 1881. 

 

Năm 1893, nhận nhiệm vụ từ Toàn quyền Jean-Marie de Lanessan, bác sĩ Alexandre Yersin đã tiến hành khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên qua vùng đất của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm trên bờ biển Trung Kỳ. 

 

Ngày 21 tháng 6 năm 1893, trên hành trình thám hiểm, Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên. Xem hình dưới



 Năm 1897, trong khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng (station balnéaire d'altitude) cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer gửi thư hỏi ý kiến Alexandre Yersin. Khi nhận được thư của Paul Doumer, Alexandre Yersin gợi ý chọn cao nguyên Lâm Viên, một vùng đất lý tưởng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện: độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước bảo đảm, khí hậu ôn hòa và có thể thiết lập đường giao thông. 

 

Cuối tháng 3 năm 1899, Paul Doumer cùng với Alexandre Yersin đích thân đến khảo sát thực tế tại cao nguyên Lâm Viên.



Dự án xây dựng Đà Lạt bị gián đoạn khi Toàn quyền Paul Doumer trở về Pháp vào năm 1902 và Toàn quyền Paul Beau, người kế vị, thì không sốt sắng gì về việc xây dựng thị trấn miền núi. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian tiếp theo, nhiều đoàn khảo sát vẫn được gửi đến cao nguyên Lâm Viên để nghiên cứu và các tuyến đường giao thông tới Đà Lạt cũng dần hình thành. 

 

Giữa thập niên 1910, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ khiến nhiều người Pháp không thể về quê hương trong những kỳ nghỉ, Đà Lạt dần trở thành nơi họ tìm đến để tìm chút gì của nước Pháp miền ôn đới. 

 

Ngày 20 tháng 4 năm 1916, Hội Đồng Phụ Chính của vua Duy Tân thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Toàn quyền Maurice Long đi thêm bước nữa khi bổ nhiệm Ernest Hébrard làm kiến trúc sư quy hoạch thị trấn Đà Lạt. Hébrard là người chủ trương dùng mẫu kiến trúc cổ điển Âu châu nhưng thêm vào đó một số trang trí thuộc mỹ thuật Việt Nam để tạo ra phong cách riêng mà ông gọi là une architecture indochinoise. Hébrard đã thực hiện lối kiến trúc này trong những công trình khác như tòa nhà của Viện Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội. Nay lối kiến trúc này được áp dụng quy mô hơn ở Đà Lạt. 



Dụ thành lập thị tứ Đàlạt dưới thời vua Duy Tân


 Đặc biệt là Hébrard vẽ đồ án có vườn hoa, trường sở, sân vận động, biệt thự nhưng hoàn toàn không có công xưởng sản xuất để giữ y nguyên không gian trong lành và yên tĩnh của thị trấn này. Ông này thiết kế tương tự theo tình Banguio ở Phi Luật Tân, do người Mỹ thiết kế.

Trong vòng ba mươi năm, từ một địa điểm hoang vu, một thành phố đã hình thành với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng, các trường học, bệnh viện, khách sạn, công sở và dinh thự. Trên diện tích tổng cộng là 1760 ha, thì 500 ha được chính quyền quy hoạch cho các cơ sở công chánh, 185 ha thuộc nhà binh, 173 ha cho công chức và 206 cho dân bản xứ. Phần còn lại còn lại (non 700 ha) thì bán cho người Pháp.


Tới thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh của thời kỳ Pháp thuộc, "thủ đô mùa hè" của toàn Liên bang Đông Dương. Trong những năm chiến tranh, thành phố vẫn giữ vai trò một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và khoa học giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. 

 

Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều trường học, trung tâm văn hóa và các công trình kiến trúc tiếp tục ra đời như CHợ Mới Đàlạt, viện đại học Đàlạt, trường Võ Bị quốc gia, giáo hoàng chủng viện, trung tâm nguyên tử lực. Đà Lạt cũng là nơi định cư của nhiều người di cư từ miền Bắc năm 1954. Trong thừoi gian chiến tranh, người Trung, chạy loạn vào Đàlạt rất nhiều, có lẻ vì vậy âm hưởng giọng nói của người sinh tại Đàlạt có giọng hơi Quảng Nam lai giọng Huế.

 



Ngày nay, về Đàlạt thì người bắc di cư vào nam lập nghiệp sau 75 rất đông, chiếm 50% dân số Đàlạt. Đi taxi, nghe mấy anh tài xế kể là vào nam, ở nhà ông chú, bà cô,… đi đâu cũng nghe giọng bắc hậu 75, giọng người Hà Nội sơ tán. Mình nghe kể, trong thời chiến tranh, Hà Nội cho sơ tán (tản cư) người Hà Nội lên các vùng cao để tránh bom của Mỹ. Tại đây, trẻ em Hà Nội tiếp xúc với các em miền núi nên bị ảnh hưởng của giọng vùng này nên giọng người Hà Nội ngày nay, khá đặc thù, không còn như xưa.

 

Nhưng kể từ năm 1964, khi cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, việc phát triển đô thị ít được coi trọng, thay vào đó là sự xuất hiện của những công trình phục vụ cho mục đích quân sự. (Trích trên Facebook của phóng viên chiến trường)


Khi người dân chạy loạn từ quê vào thị xã Đàlạt, cần chỗ ở nên họ chiếm đất và xây cất tạm các nhà gỗ, mái tôn. Thêm phần các thương phế binh, đòi hỏi chính phủ chỗ ăn chỗ ở cho gia đình họ nên cũng cắm dùi (chiếm đất), xây nhà bú xua la mua. 


Mình nhớ ở đường Hai Bà Trưng, cạnh cư xá Địa Dư, có vạc đất trống đã được ủi để xây nhà. Mình và đám trẻ trong xóm Địa Dư hay đến đây, đá banh. Sau mùa hè Đỏ Lửa thì thường phế binh và dân chiếm xây, độ mấy chục căn nhà.


Phía đường Cường Để, khi xưa hai bên đường không có nhà cửa, cũng bị thương phế binh, chiếm đất, xây nhà cửa mà chính phủ không làm gì được. Trên Số 4, tương tự khu đất cạnh làng SOS, xưa dân ở đây hay chơi bài chòi, cũng bị chiếm.


Khi Tây về nước sau năm 1956, Đàlạt có độ 30,000 dân cư, đến tháng 4 1975 thì lên đến 100,000 người. Nay nghe nói cả vùng lân cận lên đến 700,000 người. Do đó , thiết kế sự phát triển Đàlạt rất khó, cần phải điều nghiên cẩn thận.


Mình rời Đàlạt năm 1974 nên không biết gì xảy ra sau 1975.

(Có trích tài liệu của phóng viên chiến trường từ Facebook, mình chỉ thêm bớt một số tư liệu đã có. Xin cảm ơn phóng viên chiến trường)

 

Nguyễn Hoàng Sơn