Nhấn Like hay đọc sách

 Đọc sách và nhấn Like

 

Mình bắt đầu viết những gì lùng bùng trong đầu bằng tiếng Việt từ mấy năm nay, i-meo cho mấy người bạn học cũ ở Đàlạt. Lý do là đều cùng thế hệ cuối cùng được Việt Nam Cộng Hoà đào tạo. Ai đọc thì đọc, ai không thích thì nhấn delete hay block email. Lâu lâu có một vài người i-meo lại, hỏi vài câu, thậm chí có người mình không biết là ai, bạn bè chuyển i-meo cho họ. Yêu cầu gửi lại bài chi đó mà mình viết xong thì quên, đã giải tỏa một số lùng bùng trong đầu. 

 

Mình vào facebook chỉ đọc tin tức về Việt Nam hay em út trên thế giới. Mấy tháng nay, mình tãi vài bài viết cũ trên facebook cho một nhóm mới quen thì khám phá vài sự kiện.

 

Nếu mình tãi lên những chuyện kể về chuyện tình nắng mưa ngày xưa thì rất nhiều người nhấn “Like” và “share” còn những bài mình kể về kinh tế, nhất là lịch sử thì ít ai đọc, ngoại trừ một vài người chịu khó còm, khiến mình nhớ có đọc ở đâu đó, một học giả ở Việt Nam kêu; người Việt nói chung không ham đọc sách.

 

Ông ta viện lý do là đọc sách, không phải chỉ ngồi vào bàn mà nói lên cả văn hoá đọc với cơ cấu phức tạp của hành động.

 

(“Sách” không chỉ vài tác phẩm văn chương mùi mẫn, du dương êm ái đến đọc dễ bỏ mà bao gồm cả các công trình nghiên cứu, chuyên khảo,…) hết trích.

 

Người Việt ở hải ngoại mà mình gặp cũng thấy ít ai thích đọc sách. Có vài nguo học Văn Học xưa là hay chia sẻ các bài văn hay sách báo ở mỹ. Gặp bạn bè, nghe họ nói về cá độ banh bầu dục, bầu cử hay uống rượu, tếu tếu hay hát hò. Có lẻ người Việt mình thiên về tình cảm hơn về lý trí. Họ thích sống trong đám đông hơn là đơn độc với chính mình vì chúng ta có thể nhậu tập thể nhưng không thể đọc sách chung được.

 

Có lẻ văn hoá Việt không coi trọng kiến thức, người trí thức không được đánh giá đúng mức mà chính những người bạn của mình, tốt nghiệp, có bằng đại học đi làm, chỉ đọc tài liệu về ngành chuyên môn để giúp cho công việc, ngoài ra các sách báo về lịch sử, kinh tế, thi ca… thì không thiết tha. Cho thấy người có bằng cấp cũng lười đọc sách, thì người Việt nói chung, xa lạ với sách cũng bình thường.

 

Cũng có thể mình học ở Pháp nên quen tính người Pháp thích đọc sách và hay tranh luận. Mỗi lần sinh nhật hay giáng sinh, tụi bạn tây đầm hay tặng sách cho nhau trong khi ở Hoa Kỳ thì đa số tặng áo quần hay 3 cái chi đó. Mấy chục năm sau, nhìn lại mấy cuốn sách là nhớ của ai tặng, nhớ lại hôm ấy ra sao, thời ấy, người ta bàn cãi vấn đề gì,… Nhớ dạo ấy có một chương trình đọc sách hàng tuần trên đài truyền hình, rất được người Pháp hâm mộ dù được truyền hình rất trễ. Ngay trên đài France Culture mình hay nghe khi lái xe, khá hay. Mình ít khi bỏ chương trình này.

 

Có thể, ngày nay cuộc sống không cho chúng ta nhiều thời gian, nên tin tức hay tư duy mình đều gởi gấm vào các ông bà cố đạo hiện đại. Các phóng viên đài truyền hình, đưa tin hay nhận định về những vấn đề trong vài phút rồi chúng ta chỉ lập lại những gì họ đã thông tin tương tự các cố đạo hay ông sư khi xưa, không có thì giờ để suy ngẫm về thông tin.

 

Hàng ngày, chúng ta nghe các cố đạo của đài truyền hình CNN, Fox, MSNBC,…chuyển vận những tư duy có định hướng của họ về một vấn đề gì đó, chúng ta lập lại như khi xưa nghe các cố đạo nhà thờ hay sư sãi ở chùa thuyết pháp. Chúng ta đón nhận thông tin một cách thụ động thêm ngày nay trên mạng, chúng ta có thể nối kết với những người có cũng tư duy hay có cùng một cố đạo thông tin, không cần nghe những gì khác, trái tai để phân định lại suy nghĩ của mình. Đa số nhất trí với mình tất nhiên mình là đúng, chắc chắn không sai.

 


Qua cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, người chống hay theo ông Trump, chỉ đọc tin tức họ muốn nghe, đưa đến sự cuồng tín. Ông Galileo bị giết vì nói khác những gì các ông cố đạo thiên chúa giáo nói. Sự cuồng tín sẽ đưa đến nạn độc tài. Ông Albert Camus, có viết đâu đó: "Khi một thiếu số, nhân danh công lý nổi dậy đấu tranh thì vô hình trung tạo nên một sự bất công khác."

 

Tuần trước, mình tình cờ đọc một bài viết của một bà người Pháp, dân tỉnh lẻ, kể đậu tú tài pháp hạng Bình, được vào trường École Normale của Pháp. Khi vào trường này ở Pái, bà ta chới với vì khi nói chuyện với các sinh viên khác nhất là dân Paris thì cảm thấy thua kém họ về kiến thức nên ra sức đọc thêm sách. Đọc bài báo này, mình thấy lại hình ảnh của mình khi xưa, thời sinh viên, chân ướt chân ráo vào cửa đại học.

 

Không hiểu sao bọn tây đầm cùng tuổi hay trẻ hơn lại thông thái, biết nhiều hơn mình, một tên lớn lên tại Đàlạt, một tỉnh lẻ ở Việt Nam. Phải mượn sách về đọc. Cứ nghe bọn tây đầm nói về vấn đề gì là phải vào thư viện lục sách để đọc. Coi như đụng cái gì đọc cái đó, không phân biệt hay lựa chọn. Đọc như điên để chạy đua với đám tây đầm. 

 

Dạo ấy, vào quốc tịch Tây thì phải đi quân dịch một năm hay đi cooperant ở các xứ phi châu 2 năm. Một hôm mình đi trình diện ở trại lính để họ làm thủ tục, khám sức khỏe để hè, sau khi tốt nghiệp, bắt đầu nhập ngủ. Mình tá hoả tam tinh khi đụng chạm thực chất với đám tây cùng tuổi, thượng vàng hạ cám của nước Pháp. Hoá ra tụi tây đa số cũng dốt, ngu lâu bền vững. Có một tên sinh viên Tây cũng hoang mang như mình nên hai đứa cứ tụ lại đi ăn cơm, nói chuyện, ngủ chung cùng phòng. Mình học đại học ở Paris, trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật, nổi tiếng thế giới nên đám sinh viên tây đầm được xem là giới có trình độ của nước Pháp, chớ tụi tây gốc thợ thuyền thì tư duy cũng chả khá gì lắm.

 

Lúc được phỏng vấn, mình kêu sinh ra và lớn lên tại Việt Nam suốt 18 năm, toàn thấy chiến tranh, chém giết nhau nên chán thấy lính tráng. Tên tây phỏng vấn mình, phê miễn dịch. Sướng rêm mé đìu hiu. Ra về thằng tây sinh viên nhìn mình thèm nhỏ dãi vì nó phải đi quân dịch 1 năm, trà trộn với đám tây lao động. Kinh. Mình có mấy tên bạn tây, chúng theo học khoá sĩ quan trừ bị nên phải đi thụ huấn vào cuối tuần, đủ trò nên tương đối, gặp toàn dân có học đại học nên đỡ.

 

Dạo lớn lên tại Đàlạt, sách mà mình đọc đều là mượn của hàng xóm hay bạn. Đàlạt có thư viện nhưng mình không mượn đem về được, mình có ghé vào kiếm sách đọc nhưng đa số là xem báo nhiều hơn là sách vì không được huấn luyện để biết cách mượn sách. Hai năm cuối qua trường Việt thì mới bắt đầu hiểu tiếng Việt nhiều hơn nhờ mấy ông thầy cho mượn sách khá đặc thù hơn.

 

Hè, mình ghé tiệm sách Minh Thu ở đường Phan Đình Phùng, mướn sách để đọc. Đa số là truyện chưởng hay tiểu thuyết. Mình thấy con mình học ở trung học tại Hoa Kỳ, đã được thầy cô bắt đọc sách với trình độ cao hơn mình khi xưa. Mấy sách dịch như Doctor Zhivago, Chiến Tranh và Hoà Bình hay Quần đảo Ngục Tù hay mấy cuốn của Eric Remarque,.. thì được chị hàng xóm cho mượn hay mấy cuốn sách học làm người của Hoàng Xuân Việt hay Nguyễn Hiến Lê do một ông hàng xóm đi Xây Dựng Nông Thôn cho mượn.

 

Sau này có con, hè mình chở chúng ra thư viện mỗi tuần để mượn sách để đọc. Trong thành phố, họ có chương trình khuyến khích học sinh đọc sách vào mùa hè nên được các tiệm ăn, nhà sách bảo trợ. Ai đọc được 10 cuốn thì được ăn hamburger miến phí và được tặng một cuốn sách của Barnes & Noble. Sau này lớn một chút, chúng tình nguyện giúp thư viện vào mùa hè để hiểu lý do phải đọc sách.

 

Mình đọc tài liệu của Pháp khi họ đô hộ Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 thì chỉ có 5% người Việt là biết chữ. Biết chữ có nghĩa là đọc được chữ Hán nhưng cũng tuỳ người, tuỳ trình độ, có người học được vài năm chữ Hán thì chắc vài trăm hay vài ngàn chữ do đó đọc sách chữ Hán thì chắc loanh quanh Tứ Thư Ngũ Kinh. Ngày xưa, mình học chương trình pháp nhưng ít được đọc sách báo pháp vì quá đắt nên ngữ vựng pháp rất hạn chế đến khi sang pháp, đọc sách báo mỗi ngày thì mới bớt ngu lâu dốt sớm.

 

Mấy người đi sứ sang Tàu, đem về vài cuốn sách hay do ai đó tặng. Ông Nguyễn Du đi xứ Tàu, có đem về được cuốn Đoạn Trường Tân Thanh, rồi dựa theo cốt truyện, viết Kim Vân Kiều để đời. Không biết ông ta mua hay được ai tặng đem về. Nếu không đem sách tàu về thì ngày nay chúng ta không có Truyện Kiều. Nghe nói ngày xưa, có một đường sách, giữa Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản tương tự đường tơ lụa đi về phía Tây. Giới biết chữ của xứ Tiều Tiên hay Nhật Bản, gửi mua sách của người Tàu, rất được ưa chuộng nhất là vào thời nhà Tống. Không biết trí thức việt có gửi mua sách cảu người Tàu hay không. Ai biết cho em hay.

 

Từ xưa, trong xã hội, chữ Hán được sử dụng trong hành chánh, học đường trong khi người Việt lại sử dụng tiếng Việt trong đời sống hàng ngày. Tương tự khi xưa mình học chương trình pháp nhưng ra chơi lại chửi thề đờ mờ với đám bạn cùng lớp. Mình lơ ngơ vì tiếng Việt không thạo, tiếng tây cũng bá vơ. Sau này ra trường, mình mua sách việt ngữ đọc giúp trau dồi thêm ngữ vựng tiếng Việt. Khi về Cali, báo biết đầy nên đi chợ lượm cả chục tờ báo về đọc để học tiếng Việt.

 


 Người Việt dùng chữ Hán để viết, lại nói tiếng Việt, từ đó họ làm ra chữ Nôm, mà các nhà nho mít khi xưa chê bai “Nôm na là cha mách qué” đến khi người Pháp sang cai trị. Chữ Hán được dẹp thay vào đó là pháp ngữ.

 

Tình trạng này khiến chữ viết, một chỉ số văn hoá níu kéo văn hoá đọc sách với hai nghĩa. Ở dạng trực tiếp, chữ Hán hay chữ Pháp rất khó viết vì người viết cần thông thạo Hán ngữ hay Pháp Ngữ, viết xong thì khó xuất bản, khó đến tay đọc giả. Có bao nhiêu người Việt viết sách hán ngữ, pháp ngữ và được xuất bản trong thời đô hộ của người Tàu, người Pháp. Ở dạng gián tiếp, có rất nhiều ảnh hưởng đến tư duy, tri thức của người Việt.

 

Mình thấy rõ người Việt sống tại Hoa Kỳ. Thế hệ trẻ hơn, sang Hoa Kỳ thời bé, ngay cả thế hệ của mình. Tiếng Việt chỉ trụ lại từ ngày bỏ nước ra đi, lâu ngày tiếng Việt của chúng ta mai mọt, quên từ vựng nhiều nên đọc báo Việt Nam ít hiểu. Khi nói chuyện với nhau, hay chêm vô từ vựng anh ngữ. 

 

Mình hay bị đồng chí gái chửi vì hay sửa các lỗi khi mụ vợ nói chuyện, dùng từ vựng việt ngữ sai. Mình cố gắng nói tiếng Việt hoàn toàn từ vựng tiếng Việt. Cứ tưởng tượng một tên ngoại quốc đang nói chuyện bằng ganh ngữ rồi chêm thêm tiếng ấn đô chi đó là mình ngọng. Không hiểu được.

 

Khi người ta biết chữ, có thể ghi chép khi đọc một tờ báo hay một cuốn sách những điều là lạ, hay ho vào cuốn tập. Nhờ đó lâu ngày sẽ hoàn thiện dần dần những tư duy của mình, giúp phong phú hoá tri thức của chúng ta. Có người còm trên Facebook, kêu không biết mình tìm ý tưởng ở đâu ra để kể lại. Mình chỉ đọc sách báo như mọi người nhưng quen ghi chép lại, tóm tắc lại những gì đã đọc thay vì nhấn Like. Mình chỉ là người ghi chép, kể lại chớ không có tư duy gì cả. Chỉ là thói quen từ bé.

 

Người tây phương có thói quen viết nhật ký hay ghi lại những gì quan trọng tròng đời họ. Trong cuộc cách mạng 1789 ở Pháp, khi cuộc chiến ngưng vài tiếng, các người dân Pháp đứng lên đòi tự do, công bình, bác ái, tranh thủ thời gian để ghi lại các cuộc tấn công của nhà cầm quyền do đó hậu thế, các nhà viết sử mới có tài liệu để ghi lại một cách trung thực thời gian này.

 

Khi người ta học lịch sử một cách trung thực thì sẽ đào tạo những công dân lương thiện như Tư Mã Thiên, chấp nhận bị thiến để viết sử cho đúng thay vì bị nhà cầm quyền sai viết theo ý họ.

 

Có nhiều người chửi mình khi mình nêu ra những chuyện mà lịch sử mình đã được học là bựa. Như trước Ngô Sĩ Liên, các cuốn sách viết về lịch sử Việt Nam, không có ghi chép họ Hồng Bàng. Hậu thế thấy lịch sử tổ tiên ít ỏi nên pha chế thêm cho lộng lẫy. Nhà Sở bên Tàu, có mấy đời vua lấy tên Hùng nên chúng ta chép đại rồi phang là tổ tiên chúng ta là các vua Hùng. Tính ra 18 vị vua Hùng, mỗi người sống trị vị đến 126 năm. Tương tự ngày nay, chúng ta có những Phù Đổng Thiên Vương của thế kỷ 20 như Phan Đình Giót, Lê Văn 8, Võ thị 6,…

 

Có người ngạc nhiên khi nghe mình kể về ông bà cụ mình. Thông thường người ta nhất là người Việt hay tô điểm về cá nhân, thân thế cho oai nhưng mình thì nghe người lớn kể thì kể lại. Mình thấy nhà khi xưa, có thuê người làm từ quê bà cụ mình đem vào vì tin tưởng hơn là mướn người không có gốc gác trong thời chiến tranh. Có lần mướn một chị gốc Quảng Nam, một hôm chị ấy biến mất. Hỏi ra mới biết là nằm vùng. 

 

Hoàn cảnh mấy chị giúp việc tương tự bà cụ mình, năm lên 15 tuổi được bà con ở Đàlạt, về quê, đem vào làm ô sin thì kể lại để cho con cháu sau này có đọc thì hiểu thêm về thân thế của tổ tiên. Mình vẫn thương, hãnh diện về bà cụ, dù là ô sin đi nữa để mình hiểu nguồn cội của mình từ đâu ra, không cần phải tô vẽ.

 

Mình vẫn biết là không thông minh, con cháu nhà nông, ngu lâu dốt sớm nên chấp nhận trước, không cần đánh bóng cá thể cho hoành tráng. Đa số bạn học cũ mình đều cho mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm. Chỉ có đọc nhất một người kêu mình học giỏi vì không học chung lớp. CBMT 

 

Người ta nói người Việt thiếu phương tiện (chữ viết và sách báo) để ghi lại những vận động trong đầu óc, khiến sự suy nghĩ của chúng ta dễ ngừng lại ở tình trạng manh nha khởi đầu phôi thai. Có lẻ vì vậy người Việt thích làm thơ hơn. Mình đọc trên trang nhà của trường Văn Học Đàlạt khi xưa thì có rất nhiều bạn học cũ làm thơ, ít người viết lắm. Thơ là khởi đầu, manh nha của suy nghĩ.

 

Người Hy Lạp nhờ các nhà thơ như Homer, viết nhiều thiên hùng ca để đời đến khi ông Plato, chống đối thi ca, dù ông ta, một người viết kịch, rất ngưỡng mộ thi hào Homer. Các nhà hiền triết của Hy Lạp đặt ra những câu hỏi, dần dần tạo nên một loại suy tư, biện chứng dẫn đến tư tưởng của Hy Lạp.

 

Ngày nay, trên 6 bó, mình bắt đầu đi ngược lại dòng sông xưa, đi tìm lại những vết chân xưa để xét lại những sai lầm mà mình đã làm, để hiểu về chính bản thân và tiếp tục bước đi trên con đường của hoàng hôn đời mình.

 

Cứ đọc tin tức trên mạng, chưa tra cứu rõ ràng, thiên hạ cứ “share” bú xua la mua vì muốn mình là người đầu tiên được tin giật gân. Thiếu thói quen nghiên cứu sự vật, suy nghĩ nửa vời khiến đầu óc ta không chăm chú theo đuổi tới cùng. Tình trạng này là hậu quả của văn hoá đọc lơ bơ, sơ sài, một đời sống tinh thần thiếu sách. Trong đời sống tập thể, hành động được đề cao hơn là suy nghĩ. Anh nâng chén uống rượu hay bia với tôi là anh có tình, có nghĩa như truyện tàu thương nói “nam nhi đại trượng phu”. Dzô 100%. Nếu chúng ta đọc sách thêm thì sẽ được biết là uống rượu bia nhiều sẽ phá hoại nội tạng của chúng ta về mặt y tế, về mặt kinh tế thì sẽ làm tiêu tan gia tài sự nghiệp của gia đình.

 

Người xưa hay nói: “nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng”, khuyên con cháu hà tiện để đầu tư, mua ruộng nương nhưng chúng ta cứ tiêu xài, uống rượu, hút thuốc để rồi khi về già, đau ốm, con cháu phải đi cày để lo thuốc thang cho chúng ta khiến con cháu không bao giờ ngóc đầu lên được vì nợ chồng chất, đời này sang đời khác. Nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ một chút thì biết được hậu quả, sẽ ngưng uống rượu, hút thuốc, dùng tiền để dành để mua ruộng nương cho tá điền thuê.

 

Lối suy nghĩ vô hình trung cản trở chúng ta đọc sách vì khi đọc sách, người ta có thói quen đơn độc trong suy nghĩ và làm việc. Họ không thể nào hùa theo đám đông, suy tư theo đám đông, tập thể. Họ có thể ngồi một mình đọc sách, uống trà hay uống rượu thì có thể giúp họ nếm được hương vị của trà hay rượu thay vì dzô dzô với tập thể.

 

Hồi nhỏ học ca dao tục ngữ có bài: ‘ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vãi ăn no lại nằm” cho thấy người Việt trong dân gian không thích những kẻ đọc sách, cho họ lười biếng. Về mặt kinh tế thì những tên học trò, tối ngày chỉ ăn rồi ngũ và đọc sách để đi thi. Khi xưa đi thi thì tốn tiền vì phải ra tới thủ đô, bán nhà bán lợn, bán bò,… ông Tú Xương được vợ nuôi đến 24 năm, mới đỗ tú tài rốt cuộc cũng chả làm được cái gì giúp vợ sau 24 năm tảo tần nuôi ông ta ăn học ngoài mấy bài thơ. Chán Mớ Đời

 

Trên thực tế thì những học trò ham học để đi thi, làm quan vì một người làm quan cả họ được nhờ. Có lẻ vì vậy người ta nói người Việt ham học. Học để đi thi thì người học trò đã tự giới hạn việc học của mình trong kiến thức của người chấm thi hay người thầy của mình. Nghe kể, khi xưa phải học các chữ kỵ huý tên của vua chúa vì sẽ bị đánh rớt. Do đó người đậu chưa chắc là đã tài giỏi, chỉ học như con vẹt.

 

Đặc trưng chủ yếu của đọc giả là tư duy độc lập cộng thêm sự khao khát vô tận với sự hiểu biết. Con tằm ăn lá dâu mới tạo ra được tơ lụa. Có đọc sách mới kể lại chuyện được.

 

Ở Việt Nam, hình như người ta cho rằng sự học là cách độc nhất để thoát cảnh nghèo, đậu cao để làm quan. Học là cách để lập thân nên người ta đọc sách. Ai lười thì gian lận, thuê ai đi thi dùm rồi sau khi tốt nghiệp thì họ không rờ đến sách nữa. Tốn công đọc sách mà thu nhập không gia tăng nên ít ai đoái hoài đến sách báo ngoài ba chuyện tin cán chó, thể thao,…Sách không còn là nhân tố tất yếu trên đường mưu sinh, và việc đọc sách thường ngả sang một thứ trò chơi, tiêu khiển của cá nhân.

 

Về Việt Nam, gặp mấy người bạn học cũ thì đa số nay đã về hưu, nếu làm cán bộ nhà nước. Thấy họ cứ lêu bêu rũ nhau để nhậu hay uống cà phê và hút thuốc cho qua ngày, quên thời gian. Những cán bộ về hưu thông thường là những người có kiến thức, kinh nghiệm càng được trọng dụng để họ truyền lại những kinh nghiệm cho thế hệ mai sau. Họ có thể viết lại những kinh nghiệm để giúp thế hệ sau theo đó mà tiến bước thay vì cứ hút thuốc, uống cà phê, nhậu cho qua ngày.

 

Có ông mỹ kia, 98 tuổi, đoạt giải về sách của đại học Nam Cali, kể là sau khi nghỉ hưu, ông ta cứ lập chương trình ngũ niên, học cái này làm cái kia vì khi xưa, lo đi làm nuôi con, không có thì giờ học hay tham khảo.

 

Ở Hoa Kỳ, có những hội bất vụ lợi, mời những tay từng mở công ty nhỏ, họ giảng dạy kinh nghiệm của họ cho những người nào muốn mở công ty. Mình khi xưa hay đi học mấy lớp này, sau này thì mỗi tháng phải ghi danh đi học và đóng tiền.

 

Mỗi ngày mình có cái đồng hồ của nhà bếp để báo thời gian nấu ăn. Cứ sáng thức dậy, đi bơi 1 tiếng ở câu lạc bộ thể thao, ăn sáng xong thì bắt đầu bấm đồng hồ. Khi nào ngưng đi tiểu, hay ra vườn thì nhấn nút ngưng. Làm việc rồi khi nào trở về nhà thì đọc tiếp, cứ ngưng nghỉ thì nhấn nút đồng hồ. Khi nào đọc trên 2 tiếng đồng hồ thì đồng hồ báo thì ngưng. Sang hơn thì đọc tiếp cho xong. Xem như mỗi ngay đọc 2 tiếng đồng hồ. Lúc đọc mình hay lấy ghi chú, lâu lâu viết lại bằng anh ngữ hay pháp ngữ. Nay lại có trò viết lại bằng Việt ngữ, thường thì sau khi đọc 2 tiếng mình mới bắt đầu viết.

 

Chán Mớ Đời

Nguyễn Hoàng Sơn