Năm 1873, người Pháp hoàn toàn làm chủ Việt Nam, triều đình Huế ký hiệp ước 1874 công nhận Pháp quốc có chủ quyền tại Đông Dương. Tàu Mãn Thành không chấp nhận hiệp ước này vì người Việt sẽ hết triều cống hàng năm nên cho quân đến Bắc kỳ. Cuối cùng Anh Quốc can thiệp vào giúp người Tàu ký hiệp ước Tien-Tsin, người Pháp công nhận biên giới của Trung Hoa, và được giao thương với Việt Nam.
Thực dân pháp có hai chọn lựa: lãnh đạo với một chính phủ bù nhìn của dân địa phương hay trực tiếp lãnh đạo dưới chính quyền thực dân. Cách thứ nhất tốt nhất nhưng không hiểu sao người Pháp lại muốn lãnh đạo trực tiếp. Sẽ kể sau về chủ nghĩa Ferry được áp dụng tại Pháp quốc trong cuộc tranh dành, chống ảnh hưởng của nhà thờ vào ngành giáo dục bắt buộc cho mọi công dân. Khi mình sang Pháp thì mới hiểu các trường họ gọi Laïque.(thế tục).
Lý do là ngành giáo dục tại Pháp trước đây đều do nhà thờ công giáo nên từ khi đạo luật Falloux, trường học công giáo từ từ được đổi sang trường học thế tục với các luật về giáo dục từ năm 1881 đến 1886. Từ cuối thế kỷ 19 thì nền giáo dục tại Pháp, được đặt căn bản thế tục, không bị ảnh hưởng chính trị và tôn giáo.
Năm 1882, luật Jules Ferry được ra đời, bắt buộc giáo dục miễn phí và thế tục ở bậc tiểu học cho mọi trẻ em tại Pháp. Năm 1886, đạo luật Gobblet ra đời để thế tục hoá nền giáo dục của Pháp, các nhân viên của ngành giáo dục đều thế tục. Đến năm 1905, có đạo luật 9-12-1905 ra đời để ngăn tách nhà thờ và nhà nước và tuyên bố về sự tự do tín ngưỡng trong khi đó các thuộc địa, thậm chí các vùng Alsace Loraine vẫn được cai trị dưới luật Concordat du 26 messidor an IX năm 1801. Mình đoán các linh mục đi giảng đạo tại các thuộc địa, có một vai trò quan trọng với giáo dân nên họ vẫn không bỏ các nhà dòng dạy học. Việt Nam có rất nhiều trường do các dòng như Lasan, Couvent,…
Đến năm 1946, sau đệ nhị thế chiến thì giáo dục Pháp bắt buộc và miễn phí các chương trình, nhờ vậy mình đi học đại học mới không tốn tiền.
Người Pháp với hào quang, tự hào về văn hoá của họ, được mệnh danh là thế kỷ ánh sáng, với bao nhiêu trí thức gia nổi tiếng của họ, muốn cai trị trực tiếp vì họ nghĩ lối lãnh đạo của người Việt quá dã man, lạc hậu, nghĩ sẽ giúp đông dương phát triển nhanh hơn và bị đồng hoá nhanh.
Cách lãnh đạo thực dân muốn người bản xứ phải ham chuộng văn hoá của người tây phương và từ bỏ các tập tục, phong tục, lịch sử của dân họ, nói cách khác là tây hoá người Việt. Người pháp đã thành công kế hoạch này ở các thuộc địa Bắc Phi như Algerie, Ma-rốc,.. người âu châu đổ xô về vùng Bắc phi, gần âu châu nên tạo dựng được một giai cấp người âu châu cai trị khá đông. Nói chung, lịch sử của âu châu và Bắc Phi khá gần gũi. Tôn giáo của họ cũng xuất xứ từ kinh thánh chung,...
Ngược lại, tại Việt Nam thì văn hoá và tôn giáo quá khác biệt, đưa đến những xung đột từ căn bản. Theo nho-giáo, người Việt rất kính trọng người già “kính lão đắc thọ” nhưng theo văn hoá tây phương thì tự do cá nhân được đề cao, tuyệt đối tôn trọng. Người Việt bị đồng hoá, bị bắt buộc quay lưng lại với nền văn hoá tổ tiên và chính quyền thực dân không màng đến nền văn hoá sở tại.
Mình nghe kể thế hệ bố mẹ mình, rất thích xổ tiếng tây. Như bà Nhu nói tiếng tây, ông Thiệu hay Phạm Văn Đồng,..cứ xổ tiếng tây dù không học cao lắm. Mình nghĩ đó là thành quả của sự giáo dục do người Pháp áp dụng tại Đông Dương. Khi xưa học Yersin, mình thấy đám học sinh trường tây khác với dân trường việt, mình cảm thấy chơi với dân học trường việt dể hoà đồng hơn vì nhóm học trường tây có vẻ thuộc một giai cấp, đẳng cấp khác.
Trước khi người Pháp đến Việt Nam, hạ tầng cơ sở Việt Nam xem như không có. Con đường Cái Quan chỉ là một con đường đất nhỏ để di chuyển bằng ngựa hay đi bộ. Người Pháp muốn thành lập đường xá để di chuyển nhanh chóng cho công việc rút tài nguyên của thuộc địa và trong trường hợp có bạo loạn, sẽ di chuyển quân của họ nhanh chóng.
Năm 1879, người Pháp cho áp dụng bộ luật Napoleon tại Đông Dương, và cho ra đời Conseil Colonial, hội đồng thuộc địa nhằm thay thế hết các quan triều đình Nguyễn tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ. Trung Kỳ thì vẫn còn dưới sự lãnh đạo của triều đình Nguyễn.
Năm 1897, Paul Doumer, làm khâm sứ Bắc kỳ, người được xem là thấu hiểu vấn đề Đông Dương nên cho cải tổ khá nhiều nền hành chánh thực dân tại Đông Dương. Ông giảm bớt quyền hành các lãnh đạo thực dân tại Cam bu chia, cho vua xứ này có thêm quyền hành, ngược lại Campuchia cho phép người Pháp buôn bán, sử dụng đất đai tại xứ này. Ông ta trao quyền lại cho triều đình Huế để tránh các phong trào Cần Vương,...nhưng họ là người chỉ định ai lên ngôi, vua lấy ai như trường hợp ông Bảo Đại và bà Nam Phương hoàng hậu.
Điểm đáng chú ý là ông Bảo Đại sống ở tây từ bé, như làm con tin ở mẫu quốc nên khi về nước, ông ta thích ở Đàlạt hơn vì khí hậu không có nóng như ở Huế. Đàlạt có khí hậu lạnh lạnh như âu châu vào mùa Xuân.
1912, chính quyền Đông Dương muốn mượn 90 triệu quan pháp để xây dựng hạ tầng cơ sở tại Đông dương. Họ muốn xây dựng hệ thống đường xá, kinh nước dẫn thuỷ nhập điền, trường học, bưu điện dây thép.
Trong các vụ đầu tư vào hạ tầng cơ sở của người Pháp thì dẫn thuỷ nhập điền là có hệ quả tốt nhất. Miền nam phì nhiêu nhưng các sông ngòi, không được quản lý tốt. Mùa mưa đến ào ào rồi đi, để lại 9 tháng nắng khô, giới hạn sự trồng trọt của nông dân Việt Nam.
Hệ thống dẫn thuỷ nhập điện được cải tổ ở miền nam, giúp nông dân từ làm 1 vụ mùa mỗi năm lên đến 2 vụ mùa. Mùa đầu tiên được 2 vụ mùa thì đông dương trở thành nước sản xuất gạo thứ nhì thế giới và lợi tức lên đến 20 triệu quan pháp năm đầu tiên. Bỏ ra 90 triệu, lời được 20 triệu năm đầu tiên, đầu tư tốt, 5 năm lấy lại vốn.
Ngoài ra người Pháp còn xây dựng một hệ thống đường xá tại Đông Dương, giúp di chuyển hàng hoá từ Lào, Cam bốt. Xứ LÀo không có đường ra biển nên phải đi nhờ qua Thái Lan, nay có thể chạy thẳng ra Vinh, Đà Nẵng,... họ cho xây 600 dậm đường xe hoả, có rất nhiều đường lên biên giới tàu như ở Lạng Sơn, để chuyên chở hàng hoá,... nói chung thì đường xe hoả mang lại ít lợi ích cho người dân. Giá vé quá đắt cho một người Việt bình thường để di chuyển. Điển hình đường xe hoả lên Đàlạt, đa số dành cho người tây phương. Năm 1948, Mẹ mình vào Đàlạt, đi xe vào từ Huế vào Đà Nẵng, rồi lấy tàu thuỷ đến Phan Thiết, rồi từ đấy lấy xe đò lên Đàlạt. Người tây thì họ lấy xe lửa ở Phan Rang lên thẳng Đàlạt, khoẻ hơn nhưng đắt tiền hơn.
Muốn cai trị Đông Dương, người Pháp phải sử dụng đến giáo dục, giáo hoá, đào tạo người Việt, để cộng tác với chính quyền thực dân. Mình nghe người lớn kể thầy thông thầy ký, những người được pháp đào tạo để làm thông ngôn hay thơ ký cho nền hành chánh của họ. Họ không muốn đào tạo nhiều người Việt lên cấp trung học, do đó mới có thi tuyển rất khó khăn.
Thư của ông Nguyễn Tất Thành xin vào trường thuộc địa (école colonialeMình rất ngạc nhiên khi đọc lá thư của ông Nguyễn Tất Thành, viết cho chính quyền thuộc địa, xin cho ông ta học trường thuộc địa (école coloniale), để ra làm việc với chính quyền thực dân như ông Trần Trọng Kim nhưng bị từ chối. Buồn tình, ông ta lên tàu, sang tây, rồi gặp các ổ cộng sản quốc tế, nuôi dưỡng biến ông ta thành người cộng sản. Mình nhớ ngày đầu tiên đến phi trường Roissy, thấy mấy người Việt, của nhóm Việt kiều Yêu Nước thân Hà Nội, ra đứng ở phi trường, hỏi có cần chỗ ở không, miễn phí. Họ biết sinh viên du học từ Sàigòn qua nên ra đón, ai không có nhà cửa, lơ mơ thì họ đón về ổ của họ, giúp lo giấy tờ,... cái này là cái dỡ của toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà trên mặt chính trị ở hải ngoại. Có lẻ được làm vua thua làm đại sứ đến mấy ông đại sứ Việt Nam Cộng Hoà ở hải ngoài không giỏi về chính trị hay chưa đọc Nguyễn Trãi.
Theo lời kể của luật sư Vũ Quốc Thúc, đồng môn với ông Võ Nguyên Giáp, cho hay ông Giáp học rất giỏi nhưng bị thầy tây đánh rớt, không được sang tây học luật như ông nên sau này chán đời theo Việt mInh, chiến thắng tây ở Điện Biên Phủ. Đọc tài liệu pháp, được biết họ không muốn người Việt giỏi nhiều lắm vì ngại những người này sẽ chống lại họ. Kiểu Việt Cộng dùng lý lịch để thanh lọc, không cho con của ngụy quân ngụy quyền lên đại học.
Nếu người Pháp có ý đồ khai sáng dân trí người Việt thật sự thì có lẻ người Việt theo tây học sẽ đồng hành với họ rất xa. Người Pháp muốn khai sáng người Việt nhưng lại cản trở người Việt theo họ, học từ họ. Lý do sẽ kể sau nếu còn chỗ vì mình kể lung tung xà bèn.
Mình có kể là người Pháp do dự nên dạy người Việt bằng chữ Nôm hay chữ quốc ngữ do người tây phương lập ra. Cuối cùng thì họ sử dụng chữ la-tinh, khiến người Việt chới với vì bị cắt đứt với nguồn gốc của họ, bị khủng hoảng bản thể. Giáo dục trường tây, đào tạo học sinh người Việt tin tưởng văn hoá tây là số một khiến họ bảo hoàng hơn vua. Vụ này còn ảnh hưởng đến ngày nay, người Việt cứ thích đồ ngoại, chê đồ lô-can. Cái gì của Tây là tốt, của Mỹ là tốt, coi thường người Việt.
Có lần mình nhận được điện thoại của một người Việt, hỏi có phải anh là người vẽ và xây căn nhà ở đường ..., Fountain valley. Mình kêu đích thị thì anh ta nói một câu khiến mình như bò đội nón. Anh ta kêu không ngờ là người Việt lại vẽ nhà đẹp như thế. Anh ta kể là muốn mua căn nhà này nhưng bị người khác đặt cọc tiền trước nên muốn mình vẽ một căn y-chang như vậy cho anh ta. Mình nhất trí ngay vì dễ, chỉ cần cóp-pi là xong.
Hôm trước, có người còm, kêu phải kêu kiến trúc sư Tây qua Việt Nam để thiết kế lại Đàlạt khiến mình càng thất kinh. Họ cứ Đinh ninh không có kiến trúc sư người Việt giỏi. Theo mình đó là tinh thần của kẻ bị trị, vẫn còn lưu lại đến thời nay. Xem bao nhiêu người thành đạt ở á châu, phi châu, nơi từng bị người tây phương cai trị, họ đều thích bận áo quần tây phương, đeo ví LV hay áo quần thời trang của các nhà thời trang âu châu. Đọc 3 cuốn sách về người giàu có á châu, chỉ thấy họ đi âu châu, mua sắm, áo quần thời trang,... á châu có giàu hơn nhưng về văn hoá vẫn chịu sự ảnh hưởng của tây phương, vẫn xem văn hoá của Tây Phương là số một.
Khi người tây phương cai trị, người bị trị muốn đạt được lối sống của người cai trị nên khi họ khá khá là muốn sống như người cai trị, chủ của mình. Hội nhạc tây, nhảy đầm múa kép,... Mình thấy ông Ngô Đình Diệm, bận áo dài khăn đóng, do anh của mệ ngoại mình, may để đón các nguyên thủ quốc tế. Con cái họ đều cho học chơi vĩ cầm, dương cầm, hình ảnh mà họ thấy con của người chủ cũ thay vì cho học đàn tranh, đàn bầu,... rất khó cho người á châu trở thành một chuyên gia về văn hoá tây phương. Có vài người thôi. Đứa bé lớn lên ở xã hội á châu nhưng lại được giáo huấn theo tây phương sẽ bị khủng hoảng bản thể.
Mình học với tây đầm 6 năm trời tại Paris, đâu có thấy tây đàm nào cực giỏi đâu. Có vài người có óc sáng tạo vì được đào tạo trong một nền giáo dục, được khuyến khích có tư duy thay vì học thuộc lòng như người Việt mình. Ở Việt Nam mình có gặp ở Đàlạt , chị Nga con của Trường Chinh, hay ông kiến trúc cứ nào chiếm căn nhà ở Đinh Tiên Hoàng, sửa lại thành nhà 100 mái. Sau này người ta bắt dỡ, chắc là cán bộ lớn muốn cưỡng chế căn nhà này. Ngày nay, cũng có vài kiến trúc sư giỏi mà mình theo dõi qua báo chí nghệ thuật tại Việt Nam.
Khi xưa, học trường tây, hổi tiểu học không để ý nhưng lên trung học là thấy dân học chung với mình, cứ như tây con, xổ tiếng tây bú xua la mua. Do đó mình cảm thấy thỏi mái chơi với đám học trường ta hơn. Thêm nữa, thầy người Việt rất nhiều. Vào lớp ở Yersin nghe người Việt giảng bài bằng pháp ngữ nên mình hay bị lộn xộn trong đầu.
Mình có cô bạn đầm ở Paris, năm kia có ghé thăm gia đình mình. Có về Việt Nam, thăm viếng Nam Định, nơi mẹ cô ta sinh ra đời, khi bà ngoại cô ta đi dạy thời thực dân, còn ông ngoại làm cho sở thuế. Vào đầu thế kỷ 20, người Pháp xung phong qua Việt Nam làm việc trong ngành giáo dục rất đông như bố mẹ nhà văn Marguerite Duras, sinh năm 1914 tại Gia Định, kể về cuộc đời thơ ấu của bà ta qua tác phẩm “L’amant” mà trong phim có cô tài tử người anh rất sexy. Thôi để kể trong bài khác, đầy chi tiết hơn.
Nhìn cuộc đời của gia đình nhà văn Duras, chúng ta thấy rõ sự hình thành giáo dục của người Pháp tại Đông Dương. Pháp ngữ rất khó học, so với nền giáo dục cổ xưa. Người bản xứ, xem học chương trình pháp là cái vé đưa họ đến sự giàu có, sẽ giúp cải thiện đời sống của họ về kinh tế dù chỉ làm thông ngôn, hay theo ký cho chính quyền thực dân. Từ đó họ yêu tây hơn cả đầm. Ai không được tham dự vào giai cấp này sẽ làm cách mạng chống đối.
Các học sinh trường tây học tổ tiên của họ là người Gaulois (nos ancêtres sont des Gaulois). Hồi nhỏ mình bị lấn cấn vụ này. Học bà đầm ông tây thì họ nói tổ quốc chúng ta có thánh Jeanne d’Arc, trong khi giờ việt ngữ thì ông thầy Tường kêu con rồng cháu tiên, có bà nào sinh ra 100 cái trứng khiến mình chả biết mình là người gì.
Dạo mình ở tây, nhiễm tính kiêu căng tự phụ của người Pháp nên cũng tưởng mình là tây con, chê bai đủ thứ. Đến khi đi làm tại các quốc gia khác, khám phá những văn hoá khác trên thế giới, mình mới nghiệm lại cái xấu của chính mình. Chẳng hơn thằng tây nào cả mà cũng không thua con đầm nào hết.
Năm 1942, chỉ có 0.2% người Pháp tại Đông Dương hay 42,000 ông tây bà đầm cai trị 21 triệu người. Các nhà cầm quyền tây thuộc địa, có hai cách hợp tác hay đồng hoá người sở tại. Đồng hoá thì người sở tại phải từ bỏ văn hoá và tiếng mẹ đẻ để trở thành người Pháp, như ông Étienne Aymonier, giám đốc đầu tiên trường thuộc địa (l’École coloniale) , đào tạo các nhà hành chánh tương lai cho thuộc địa tuyên bố: « Ils seront des Français, nos égaux, à qui nous ne pourrons, à qui nous ne devrons pas refuser la juste part d’autonomie qui sera nécessaire à leur développement ». Nguyễn Tất Thành cũng muốn gia nhập giai cấp này. Nếu người Pháp cho ông ta học bổng thì có lẻ cuộc chiến Việt Nam đã không xẩy ra.
Nếu theo lối hợp tác thì người Việt giữ nền văn hoá, ngôn ngữ sở tại và hợp tác với người Pháp, chấp nhận chính quyền thực dân. Do đó chúng ta thấy các chính sách cai trị của người Pháp tại Đông Dương, được thay đổi nhiều vì chính quyền mẫu quốc thay đổi. Có lẻ thời gian mà người Việt hưởng được sự tôn trọng của người Pháp, khi Mặt Trận Bình dân (Front populaire) nắm chính quyền tại Pháp quốc. Những thay đổi của mặt trận này, để lại dấu ấn rất nhiều cho xã hội ngày nay.
Vấn đề là các giáo viên hay giáo sư người Pháp không rành tiếng địa phương thì làm sao có thể giảng dạy theo phương pháp hợp tác. Năm 1886, toàn quyền Paul Bert , quyết định sử dụng chữ quốc ngữ để giảng dạy thay vì tiếng tàu như cách giáo dục từ ngàn xưa tại Việt Nam. Chương trình vẫn lệ thuộc vào các chính sách giáo dục tại mẫu quốc.
Năm 1905, có 4 loại giáo dục: giáo dục Tây-ta, giáo dục dạy nghề, giáo dục cổ cải cách và giáo dục pháp ngữ. Những hệ thống giáo dục song song này, tạo ra các phân biệt sau này. Mình nhớ khi xưa, học trường Tây thì họ các annales về đề thi như của France d’ Outre-mer , xem như thuộc địa, hay của Métropolitaine của mấy quốc. Thiên hạ hay gọi bằng Local xem như thấp hơn ở mẫu quốc. Có lẻ vì vậy người giàu có ở Việt Nam, cho con họ du học bên tây vì tiền Đông Dương đổi thành 10 quan pháp dạo ấy. Người ta mua nhà cho con họ ở để ăn học bên tây.
Hình chụp đám học sinh tây đầm tại Đàlạt. Cờ Tam-tài to đùng còn cờ triều đình Huế, bé tí ti bên cạnh. Mình nhớ khi xưa, đứng chào quốc kỳ của tây hồi nhỏ đều đều.
Điểm sáng cho nền giáo dục Tây tại Việt Nam là phụ nữ được đi học, trái với nền văn hoá sở tại, con gái không được đi học, chỉ lo chuẩn bị làm dâu nhà người ta và trở thành máy đẻ, tạo nòi giống bên chồng. Trường hợp bà Nam Phương Hoàng Hậu, con nhà giàu, được đi học rồi gửi sang tây du học. Sau này về lại Việt Nam, bà ta mới cho đất để xây dựng trường Couvent Des Oiseaux do các bà sơ đảm trách.
Lúc đầu thì phụ nữ được đi học, ngoài ra còn học thêm nữ công gia chánh đến tiểu học. Sau này ông toàn quyền Albert Sarraut, cải tổ, cho phép họ học lên đại học. Ngoài ra, giáo dục của người Pháp cho phép trai gái học chung, dù phụ nữ chỉ chiếm có 25% nhưng cũng tạo được sự gặp gỡ giữa trai gái người Việt vào thời ấy, còn bị Nho giáo áp đặt khá nhiều.
Ông Phạm duy Khiêm, anh của ông nhạc sĩ Phạm Duy, giáo sư trường Albert Sarraut, nói trong buổi trao giải thưởng năm 1937: « vous avez ici l’avantage unique de rencontrer, sur les memes bancs, dans les memes chaires, des representants des deux sexes, et d’au moins deux races [...]. à chacun de vous il est permis, directement ou indirectement, de faire connaissance avec des pays autres que le sien, avec des ames tres differentes de la sienne. [...] à cote des differences de race ou d’education, vous saurez distinguer aussi les differences individuelles, souvent les plus importantes »
Ông Phạm duy Khiêm là kết quả của hai nền giáo dục đông tây, theo chính sách hợp tác với giáo dục sở tại trước khi toàn quyền Albert Sarraut thay đổi, hoàn toàn theo Tây, có ảnh hưởng đến thời mình học trường tây. Tây không tây mà mít cũng không mít, do đó có lẻ ông ta bị khủng hoảng bản thể nên sau này tự tử.
Người Việt ở hải ngoại lâu ngày cũng có vấn đề tâm lý vì phải đối chọi với hai nền văn hoá, đứng ở gạch nối của Việt-Mỹ, hay Việt-Tây., Việt-đức,... văn hoá thịt ba-chỉ, nữa nạc nữa mỡ. Chán Mớ Đời
Hệ thống giáo dục của người Pháp đặt để tại Việt Nam, tuy nghiên cứu cẩn thận nhưng thống kê cho thấy người Việt vào năm 1920, 90% học sinh không qua cửa tiểu học. Dạo còn bé, hóng chuyện người lớn, họ kêu ông A, ông B giỏi lắm, đậu bằng ri-me khiến mình đã ngu lại còn ngu lâu dốt bền, hoá ra là bằng tiểu học (Primaire) mà người Việt mình đọc thành ri-me.
Người Pháp chỉ muốn đào tạo một thiểu số người Việt để làm việc cho nền hành chánh của họ nên sau khi học, không có công ăn việc làm nên người Việt cũng nản lòng theo học mấy ông tây bà đầm.
Hệ thống giáo dục tại Việt Nam còn chưa được chấp thuận bởi mẫu quốc, thêm đi học là một gánh nặng kinh tế cho gia đình. Ngoài ra, các gia đình giàu có, muốn con mình học lên cao nhưng bị hạn chế vì người Pháp lo ngại cho người Việt học cao, sẽ giúp họ hiểu được quyền lợi của mình mà đòi hỏi, chống đối lại sự kiểm soát của chính quyền thực dân. Do đó, học sinh phải xoay qua học trường tư, hay đi du học tại pháp lúc còn bé.
Vấn đề là các văn bằng nữa, bằng local nên các gia đình Việt Nam tìm cách cho con vào học trường Albert Sarraut hay Chasseloup-Laubat. Các trường này chỉ cho phép độ 45% là học sinh người Việt, nhất là học phí rất đắt để ngăn cản người Việt theo học các trường này, chỉ có 157 học sinh người Việt theo học so với 953 học sinh người Pháp. Dân thuộc địa thường gọi là trường của người da trắng (l’école des blancs).
Nói chung, hệ thống giáo dục hợp tác ở Việt Nam, không đào tạo những nhà thơ, nhà văn pháp ngữ nổi tiếng ở thuộc địa như ông Senghor (Senegal) hay Albert Camus (Algérie) Ngược lại, nhờ chữ quốc ngữ được giảng dạy, giúp người Việt tạo thành một nền văn chương, âm nhạc cải cách khá đặc biệt.
Mình rất ngạc nhiên là ông Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn,.. từng du học tại pháp nhưng họ lại làm thơ, diễn đạt tâm tình của họ qua chữ quốc ngữ. Nếu người Pháp sử dụng cách giáo dục như tại Algerie, hay phi châu thì có lẻ ngày nay chữ quốc ngữ không được phát triển tốt và chúng ta sẽ không có một nền văn chương huy hoàng được gọi là Thời Tiền Chiến. Chúng ta sẽ không có Hàn MẠc Tử, Văn Cao,...
Thôi ngưng đây, sẽ kể tiếp kỳ tới.
Nguyễn Hoàng Sơn