Thiên hạ gửi tài liệu về Đàlạt khiến mình phải đọc và kể lại về sự thành hình của Đàlạt. Khi không mình lại phải đọc các tin tức, tài liệu xưa về Đàlạt, nơi mình sinh trưởng 18 năm, rồi kể lại cho những người đã từng sống tại Đàlạt trước 75.
Có người kêu mình đi xa Đàlạt mà nhớ nhiều khiến mình như bò đội nón. Lý do là khi xa Đàlạt hay Việt Nam thì những hình ảnh về Đàlạt hay Việt Nam bị dừng lại tại thời điểm cuối năm 1974, khi mình lên đường du học ở Pháp. Khúc phim về Đàlạt của mình rất ngắn chỉ có 18 năm cho nên vẫn còn tồn tại. Ai ở lâu hơn thì khúc phim, hình ảnh của đời họ tại Đàlạt dài hơn thì sẽ không nhớ nhiều chi tiết thời bé của họ. Thật ra chúng ta chỉ nhớ những khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời, trong quá khứ chớ không nhớ hết được ngày tháng năm xưa.
Những gì mình nhớ và kể lại, là những khoảnh khắc nào đó, mình đã trải nghiệm hay nghe người lớn kể lại. Khi viết xuống thì tự nhiên những chi tiết khi xưa, bổng từ đâu hiện về, như khúc phim quay chậm, những hình ảnh của Đàlạt khi xưa lại hiện ra rất rõ. Các bác muốn nhớ thì cứ viết xuống, chia sẻ với bà con Đàlạt khi xưa thì sẽ khám phá ra mình nhớ nhiều. Người Mỹ hay nói chúng ta là những gì chúng ta nhớ.
Có người đọc thích, kêu mình tiếp tục, có người chửi, kêu mình viết sai chính tả, văn phạm, không thích người Pháp vì không viết hoa,...bú xua la mua. Có lẻ người này ở Hoa Kỳ nên quen phải viết hoa như người Mỹ. Còn bên Pháp quốc thì họ chỉ viết hoa những từ mà họ gọi là “nom propre” như Pháp quốc “La France” còn người Pháp thì họ chỉ viết “les français “ trong khi người Mỹ thì viết “the Americans”.
Theo sự yêu cầu của nhiều người đọc Mực Tím Sơn Đen qua điện thoại di động, lý do là chữ nhỏ quá nên mình phải viết thẳng lên Blog luôn vì ông làm bờ lốc cho mình, kêu viết từ Microsoft, rồi cắt dán qua Google sẽ tạo ra những hình dị khiến người đọc chới với, khuyên mình viết thẳng trên Blogger nên chữ rất nhỏ nên nhiều khi không thấy lỗi chính tả nhiều.
Mình rất mang ơn Pháp quốc, đã giáo dục mình, cho học bổng suốt thời gian đi học, cho mình trí tuệ nên không thể kêu mình là ghét Pháp quốc. Mình vẫn còn sổ thông hành của Pháp quốc và cộng đồng Âu Châu.
Mình kể về sự thành lập của Đàlạt của người Pháp rất tốn kém và đã giết hại trên mấy chục ngàn người Việt, khi họ làm con đường xe hoả từ Phan Rang lên Đàlạt. Đó là khách quan để kể về lịch sử của Đàlạt. Có những bài viết của chính người Pháp, chửi bới chính quyền thuộc địa te tua, nói lên sự tự do ngôn luận của người Pháp mà mình có cơ may học từ bé lên đến đại học.
Nhờ người Pháp mà Đàlạt trở thành Vườn Rau cho cả nước, một địa điểm du lịch được ưa chuộng của người Việt, thoát khỏi cái nóng nhiệt đới oai bức. Cũng chính người Pháp đã khám phá ra Bà-nà, Sapa, Ba-Vì,...những địa danh du lịch nổi tiếng ngày nay.
Hồi nhỏ, học lịch sử Việt Nam thì kêu thực dân này nọ. Sau này, sang Pháp mới khám phá ra người Pháp rất khác với những gì mình học ở trường. Họ rất tốt, cứu giúp người Việt tỵ nạn,..như con tàu “đảo Ánh Sáng” (île de lumière ). Ngoài học bổng của chính phủ pháp, mình còn nhận được học bổng của một hội dân sự pháp.
Người Pháp bỏ nước ra đi đến các thuộc địa lập nghiệp, thường là những người trẻ thích phiêu lưu, mạo hiểm, hay đói rách ở Pháp quốc. Khi đến Việt Nam thì họ lợi dụng thân thế là người Pháp nên tìm cách làm ăn, vơ vét một số tiền để về lại Pháp hưởng nhàn. Họ ít học nên đối xử người địa phương rất tệ. Tương tự ngày nay, người Việt đói khổ phải chạy tiền, nằm trong xe hàng để vượt biên giới sang âu châu để lao động chui, hay làm gái đứng đường ở Tân Gia Ba, hay làm dâu xứ Hàn, kiếm tiền nuôi gia đình, để dành số vốn xây nhà cửa cho bố mẹ ở Việt Nam như mấy người em họ mình, đi lao động quốc tế, bao nhiêu năm chưa được về thăm quê.
Người Nhật khi xưa, cũng đói rách nên bỏ xứ ra đi kiếm sống tại Nam Mỹ, Bắc Mỹ hay Á châu. Điển hình là các cô gái giang hồ người Nhật, khi xưa sang Đông Dương phục vụ người Pháp hay người Việt giàu có, nên mới có câu “ăn cơm tàu, ở nhà Tây, lấy vợ nhật” vì các cô gái nhật, bỏ xứ ra đi, kiếm cơm, rất chìu chuộng đàn ông.
Đàlạt thời Tây ngay trước khu Hoà Bình ngày nayMình nhớ khi đi trình diện ở trại lính để khám sức khoẻ trước khi đi quân dịch ở Pháp thì khám phá ra người Pháp bình thường, nói chung rất khác với người Pháp mình quen biết ở đại học. Họ chỉ biết đi làm lao động thợ thuyền, tối về nhậu nhẹt cho quên nhọc nhằn, giúp mình hiểu thêm về người Pháp, do đó mình không bao giờ tự xem là kém cỏi hơn người ngoại quốc. Gặp ông tây bà đầm là sợ hải.
Đàlạt nếu không có người Pháp khai phá thì chắc chắn không có những di tích lịch sử như ngày nay. Câu hỏi mình thường đặt là nếu người Pháp thắng trận Điện Biên Phủ thì Đàlạt sẽ ra sao. Hoặc nếu Việt Nam Cộng Hoà thắng cuộc chiến thì Đàlạt sẽ ra sao? Thời đệ nhất Cộng Hoà tuy ngắn ngủi nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm, đã xây dựng rất nhiều tại Đàlạt, điển hình là chợ Mới Đàlạt và khu Hoà Bình. Còn Việt Cộng chỉ có phá hoại, đặt mìn.
Khi mình đi du học, Đàlạt chỉ có độ hơn 100,000 thị dân, ngày nay nghe nói Đàlạt và các vùng lân cận lên đến 700,000 do đó Đàlạt bắt buộc phải phát triển, xây cất thêm nhà cửa cho người sở tại, giúp tàn phá các hình ảnh đẹp khi xưa.
Khi xưa chạy vào Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu, phong cảnh quá đẹp, nay về đi hai bên đường thấy mấy tấm nylon trắng che phủ các đồi núi rừng Đàlạt. Khi che như vậy sẽ làm nhiệt độ của Đàlạt sẽ ấm hơn.
Theo mình, sự phát triển Đàlạt có vẻ vô tổ chức, không có viễn kiến, như ở hải ngoại. Mỗi thành phố đều có bản thiết kế, cho khu vực nào làm kinh tế, thương mại, dân cư,... nhà cửa khu vực này được xây cất theo tiêu chuẩn ra sao, 2, tầng, 4 tàng,... tương tự như bản thiết kế của kiến trúc sư Ernest Hébrard, đường khu vực này rộng bao nhiêu, trồng cây hai bên đường, đền đường,...
Khi xưa, đứng ở nhà mình nhìn sang chùa Linh Sơn, thấy vườn chè, cây cối che khuất ngôi chùa, chỉ nghe tiếng chuông vào 4 giờ sáng. Nay về thì nhà xung quanh đều xây 3, 4 tầng, chỉ có nhà mình là nhỏ bé còn lại trong xóm xưa. Hôm qua nói chuyện chúc tết bà cụ, cô em đem điện thoại di động ra balcon, cho mình xem sân mới làm lại. Mình thất kinh khi thấy lá cờ đỏ mà ông Trần Dần khi xưa đã diễn tả qua mưa sa chỉ thấy ngọn cờ đỏ.
Dù muốn hay không Đàlạt sẽ biến đổi theo thời gian và nếu có quy hoạch, viễn kiến sẽ tạo dựng một Đàlạt đẹp, không bị du lịch hoá quá đà. Mình nghĩ cách phát triển tốt nhất của Đàlạt, làm thủ phủ, cơ quan hành chánh của Đàlạt tại Bảo Lộc. Cấm Đàlạt phát triển thêm, rồi từ từ sửa chửa lại Đàlạt cho có thứ tự. Những gì xây quá lố, nên tháo bỏ, trồng cây, tạo lập lại thiên nhiên.
Nguyễn Hoàng Sơn