Hôm qua, có mấy người bạn đến vườn hái lộc đầu Xuân, một anh bạn kêu sao đời con mình sướng quá. Thời mình bằng tuổi chúng, cực như con chó. Câu nói của anh bạn tương tự như bao nhiêu người việt khác sinh sống tại hải ngoại hay thậm chí ở Việt Nam khiến mình thấy buồn cười. Ai cũng nghĩ mình te tua, ít ai nghĩ đến thế hệ bố mẹ mình, cực khổ nuôi mình. Sau này thế hệ con cháu mình cũng sẽ nói lại câu đó.
Ngày nay, chúng ta sinh sống trong một môi trường tương đối tốt hơn thế hệ bố mẹ chúng ta, nhờ vào những hy sinh của thế hệ đi trước, đã vượt qua gian nan, tạo dựng cuộc sống tốt hơn và hệ quả là chúng ta hái được những quả tốt của người đi trước.
Mình hay sưu tầm các người đã làm nên lịch sử nhất là phụ nữ vì họ sống trong một môi trường trọng nam khinh nữ khi xưa, và đã cố gắng chống chọi lại các áp bức, bất công của xã hội dành cho họ. Có thể nên để phụ nữ làm tổng thống Hoa Kỳ xem sao. Ở Tân Tây Lan, có nữ thủ tướng và nội các đa số là phụ nữ, xem ra ít bị dịch covid hoàn hành.
Khi bà Frances Perkins còn bé, hay hỏi bố vì sao người tốt lại nghèo. Bố bà ta nói đừng có suy nghĩ viễn vông, người nghèo vì họ lười biếng và say rượu. Đó là một câu giải thích chưa đúng hẳn vì có nhiều người không lười biếng, không uống rượu nhưng vẫn nghèo. Họ được giáo dục trong môi trường, hoàn cảnh, văn hoá, tín ngưỡng, khiến họ phải nghèo nếu không có tư duy thoát khoải hoàn cảnh đó.
Bà ta tốt nghiệp đại học môn vật-lý của đại học Mount Hoyoke. Niên khoá cuối, bà ta theo học lớp về lịch sử kinh tế Hoa Kỳ nên có đi viếng các nhà máy sản xuất ở Connecticut thì khám phá ra những điều kiện, môi trường không thể chấp nhận ngày nay mà người lao động đang trải qua. Các cuộc thăm viếng khảo sát các nhà máy khiến bà ta học thêm thạc sĩ về xã hội tại đại học Columbia, New York.
Năm 1910, bà ta đảm nhiệm chức vụ “executive secretary of the New York City consumers league”, khó dịch ra tiếng Việt vì thời mình ở Việt Nam không có chức vụ này. Bà ta kêu gọi cải thiện các nhu cầu y tế, vệ sinh trong các tiệm bánh, phòng cháy trong các nhà máy, và hạn chế các giờ lao động cho phụ nữ và trẻ em, không quá 54 giờ/ tuần.
Một hôm, đang ngồi nói chuyện với bạn bè trong một tiệm trà, bà ta nghe tiếng xe cứu hoả nên chạy ra xem. Những hình ảnh bà ta thấy lúc ấy đã khiến bà ta trở thành một người tiên phong trong việc giúp tạo ra các luật lao động nhằm bảo vệ đời sống các công nhân.
Nhà máy sản xuất Triangle Shirtwaist bị hoả hoạn khiến 146 người chết, đa số là phụ nữ và trẻ em. Sau vụ hoả hoạn, bà ta thành lập một uỷ ban nghiên cứu về sự an toàn trong cơ xưởng, y tế, an toàn lao động,..giúp cải thiện đời sống lao động trong các nhà máy.
Năm 1933, tổng thống Franklin D Roosevelt, mời bà ta làm bộ trưởng lao động cho nội các của ông ta. Bà ta ra điều kiện phải thi hành 40 giờ lao động mỗi tuần, lương tối thiểu, tiền thất nghiệp và bị tai nạn lao động, an sinh xã hội,..và ông ta đã đồng ý.
Những gì bà ta đã thực hiện tại tiểu bang New York, đã thực hiện khắp Hoa Kỳ mà ngày nay người ta gọi là New Deal, đã thay đổi Hoa Kỳ và đời sống công nhân mỹ mà khắp thế giới ngưỡng mộ Hoa Kỳ vào thế kỷ trước. Mình gặp các người Mỹ lớn tuổi, đều yêu mến ông tổng thống này đã cải thiện đời sống của họ nhưng ít ai biết đến người đàn bà đã thực hiện các cải tổ về lao động cho người Mỹ.
Bà này, lấy chồng sinh con nhưng 2 năm sau ngày cưới, ông chồng bị trầm cảm và được cho vào bệnh viện tâm thần. Nhiều khi lấy vợ giỏi quá, biến mình thành điên. :) Con gái bà ta sau này cũng lâm tình trạng này. Bà này, ra toà để giữ họ của bà ta thay vì phải đổi họ của chồng như luật pháp bắt buộc. Nhờ đó mà phụ nữ Hoa Kỳ ngày nay, có thể giữ họ của mình, không bị bắt buộc thay tên đổi họ khi lập gia đình.
Bà này ở với một người đồng tính khác và là người phụ nữ đầu tiên lãnh lương cao nhất tiểu bang New York. Sau này bà ta có làm việc cho nội các tổng thống Truman. Bà ta lên tiếng chỉ trích, nạn tuyển thư ký và người đánh máy phải đẹp trong chính phủ,... ngày nay người ta gọi là sexist, kỳ thị nam nữ.
Nghe nói có một cuốn phim kể về đời của bà ta. Tháng sau, xong vụ làm ống nước ở vườn, sẽ tìm xem. Chúng ta thừa hưởng những thành quả của người đi trước nhưng xem đó là tự nhiên, ít khi chịu khó tìm hiểu về người đi trước đã kinh qua những hệ luỵ nào để chúng ta có ngày nay.
Ngày nay, mình tìm hiểu về đời sống, những gì kinh qua của thế hệ bố mẹ ông bà mình khiến mình càng cảm phục và thương họ hơn. Ông bà ngoại mình không biết đọc biết viết, mẹ mình chưa bao giờ cắp sách đến trường, vẫn tìm cách bình dân học vụ để biết đọc và viết. Bà nội mình cũng tương tự, ông nội thì biết chút chút chữ Hán và làm nông dân. Bố mình thì giải ngủ, đi học đêm để đậu bằng tiểu học.
Chúng ta chỉ trích con cháu, không kinh qua những hệ luỵ, những bước chân leo núi của chúng ta. Trên thực tế con cháu chúng ta cũng sẽ phải tranh đấu để có cuộc sống tốt hơn ngày nay. Như vậy xã hội mới tiến bộ, con người sẽ sống thoải mái hơn trong tương lai. Chúng ta trải qua những hệ luỵ của trần gian nhưng nên nhớ thê hệ ông bà, bố mẹ của chúng ta còn te tua hơn.
Nguyễn Hoàng Sơn