Hùm xám Đàlạt vượt trại Ba Khe, Yên Bái

 Mình có đọc một bài báo bằng anh ngữ nói về thiếu tá Lê Xuân Phong, đại đội trưởng của đại đội trinh sát 302 Đàlạt xưa, vượt trại cải tạo Ba Khe, chạy qua biên giới Lào, bị dân Pathet Lào, báo với bộ đội đến bắt, giải về Việt Nam lại.

Mình đọc cuốn sách của ông Al Cornett, cựu nhân viên tình báo của Hoa Kỳ, kể về cuộc đời của thiếu tá Phong, ông Hùm Xám Đàlạt. Có vài chỗ mình hơi thắc mắc nên có hỏi anh Phong. Anh cho biết là bố anh ta, gốc người Bình Định, theo việt minh và bị tây giết. Mẹ anh ta đi bước nữa, lấy một người lai Tây, làm hướng dẫn viên săn bắn cho người Pháp và âu châu. Anh ta có gửi mình tấm ảnh lúc 16 tuổi, đi săn với kế phụ. Kế phụ của anh không bị Việt Cộng giết như ông Cornett kể lại. 

Có ông mướn nhà kể là bố ông ta người miền Tây, bị Việt Cộng đêm về, lấy cái rựa chặt đầu trước toàn gia đình và xóm làng. Kinh hoàng! Không khác gì phim “ Chúng Tôi Muốn Sống” của đạo diễn Vĩnh Noãn. Ông cụ mình thì bị du kích trong làng, ban đêm đến nhà bao vây để giết nhưng may quá, có hàng rào phía sau nhà nên nhảy qua trốn luôn vào nam. Sau 75, lại bị Việt Cộng cho đi tù 15 năm.

5 người lính trinh sát 302 Đà Lạt Tuyên Đức khi xưa, cải trang lên máy bay nhảy toán.

Anh ta có trên 50 cái huy chương Việt Nam Cộng Hoà, và 3 huy chương Hoa Kỳ gồm 1 American Star và 2 American Brown của Hoa Kỳ. Bị kỷ luật trong vụ bắn đại liên, đánh quân cảnh ở trường Võ Bị, khi ông Thiệu đang dự lễ mãn khoá. Nếu không thì chắc cũng lên cấp bậc khá hơn. Hôm tước, có anh nào còm, mình đoán là lính 302 khi xưa, cho biết là gần gửi với anh Phong gần 3.5 năm mà không nghe anh ta nói đến các huy chương Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ đã nhận. 

Lại có ông thần nào kêu lính 302 không đánh học sinh. Mình có anh bạn học chung, vào lớp thấy có chuyện bất bình nên nhảy vào can. Số là khi xưa, trong lớp 12A, có một cô khá sinh, có hai tên mê nên kênh nhau. Anh bạn mình nhảy ra can, một tên nay ở Usc Đại Lợi, kêu anh hay bạn gì đi lính 302, chận đầu khệnh anh bạn 1 trận khiến ông thần, đi ra đường lúc nào cũng thủ quả lựu đạn và súng Nhân dân Tự Vệ. Sau này, ông bố làm an ninh quân đội nên nói với lính 302 bỏ qua. Mình thì thuộc loại nhát nên gặp lính, bất cứ lính nào là trốn cho khoẻ. Người  ta đi trận, sống chết với Việt Cộng, về phép gặp mấy tên học sinh, sinh viên để tóc dài, thì cũng nổi khùng.

Mình đọc sách báo của người Mỹ tham chiến tại Việt Nam, theo hai ông lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ Cornett và Beckett thì họ không cố vấn cho thiếu tá Phong mà học hỏi rất nhiều từ ông ta. Ông là một trong những người lính Việt Nam Cộng Hoà mà họ từng chiến đấu bên cạnh và nể phục nhất. Hai ông lực lượng đặc biệt Mỹ này là hạng thứ dữ. Từ Đức quốc, họ cho anh lên máy bay quân sự Mỹ, bay về Hoa Kỳ, rồi đi xin giấy tờ, và huy chương của Hoa Kỳ trao tặng khi xưa. Khỏi cần thủ tục chiếu khán gì cả. Có 3 huy chương của quân đội Hoa Kỳ. Ngày lính Mỹ chưa chắc đã có 3 cái trong thời gian ở quân đội. Hình như anh ta cứu nhiều lính Mỹ trong khi đánh nhau với Việt Cộng. Để hôm nào gặp mặt, mình hỏi rỏ hơn. Nói chuyện điện thoại không ghi lại gì cả.

Đi phục kích Việt Cộng, anh không nhảy trực thăng mà đi bộ mấy ngày để đến địa điểm như trong bản đồ vì đi trực thăng sẽ làm ồn ào, mất yếu tố bất ngờ, không thể phục kích được. Ngoài ra anh ta có tài đoán biết sẽ đụng độ quân thù lúc nào. Đó là nhờ khi còn bé đã theo kế phụ đi săn, học nghề theo dõi dấu thú rừng.

Mình có vào trang nhà của một phi đoàn Hoa Kỳ, từng tham chiến tại Việt Nam, có kể họ đóng quân tại Động Ba Thìn nên thắc mắc thì được anh Phong trả lời đó là căn cứ huấn luyện của lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ tại Cam Ranh mà phi đoàn AC92, có nhiệm vụ bảo vệ. Có người của phi đoàn này kể cho mình là ông ta có mặt tại phi trường Cam Ly khi tổng công kích Mậu Thân xảy ra. Có dịp mình kể lại cho bà con đọc. Việt Cộng đánh vào bất ngờ nhưng họ đã phản công đánh bật lại nhờ kêu phi cơ đến tiếp cứu. Mình đang liên lạc với ông xếp của ông ta để hỏi thêm về Mậu Thân ở Đà Lạt. Tương đối các cuộc tấn công Việt Cộng đều bị dập tắt nhanh.

Hình lính Trinh Sát 302 Đàlạt chụp với ông Al Cornett, cố vấn tình báo lực lượng đặc biệt

Như mình đã kể lần trước thì tiểu đoàn 204, hậu thân của đại đội 302 trinh sát Đàlạt, đã đánh chiếm lại DiLinh vào tháng 3 năm 1975, thiệt hại khá nặng, vừa chết vừa bị thương trên cả trăm người. Xem như 1/4 tiểu đoàn. Có bắt sống được một tên thượng uý Việt Cộng và một chiếc xe Molotova, được kéo lên Đàlạt, để ngay khúc đường vào chợ Đàlạt, trước tiệm cà phê Hạnh Tâm, cột ông thượng uý cho dân Đàlạt đến xem, động viên tinh thần chiến đấu của người Đàlạt. Về Đà Lạt, có nghe nhiều người sống thời gian đó, kể lại.

https://www.anhdao.org/a1507/da-lat-dau-thang-tu-1975

Sau đó, khi nghe lệnh rút quân, anh Phong và lính chạy về Sàigòn trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà. Anh ra trình diện và được đưa ra bắc cải tạo. Năm 1977, anh và 3 người tù khác, tổ chức vượt trại cải tạo Ba Khe (Yên BÁi). Anh kể hình như ông trời đã quyết định mọi thứ. Tụi anh dự định cướp súng tên bộ đội đi tuần ban đêm để chạy trốn nhưng hôm đó tên này đi tuần với con chó nên phải bỏ trốn bằng tay không.

Chấm đỏ là địa điểm Ba Khe, Yên Bái, gần Sơn La. Hôm nào anh Phong rảnh mình sẽ hỏi kỹ lại để xem bản đồ.

Anh kể mệt lắm, có một người trốn trại chung bị bắn chết (nhảy dù), còn ông Lý, thiếu tá trường quân đội sinh ngữ thì chân bị thương nên làm chậm cuộc chạy trốn. Theo bài báo thì trại cải tạo nằm gần Điện Biên Phủ, biên giới Lào. Đi rừng mà không có thức ăn.

Xem không ảnh thì cho thấy rừng núi đầy.

Ông Cư, lực lượng đặc biệt, lần mò trốn Việt Cộng trong rừng 21 ngày, kể là có thấy chuối nên có lấy ăn ít ít, để xem có bệnh hoạn gì không thêm đọt chuối. Còn 3 người chạy trốn nhà tù Việt Cộng thì không thấy gì cả ngoài sâu róm, lấy hui lửa đốt lông để ăn. Thiếu ăn lại đi trốn suốt 57 ngày nên người yếu lã lắm.

Anh ta kể là khi xưa đọc tin tức có chiếc máy bay rơi trên núi Andes. Ngày 13 tháng 10 năm 1972, một chiếc máy bay của không quân Uruguay, chở 52 hành khách và một đội banh bầu dục, rớt trên sườn núi giá lạnh. 72 ngày sau tại nạn người ta cứu vớt được 16 hành khách sống sót, mới nghe đến việc họ đói quá, phải làm thịt các hành khách chết để ăn. Hồi đầu năm, đi Chí Lợi và A Căn Đình, bay qua dãy núi Andes khiến mình hồi hợp, nghĩ dại lỡ rớt xuống thì chắc để vợ ăn thịt mình quá.

Người sống sót lúc đó 19 tuổi, sau này học y khoa để giúp đời. Mình có xem phim này khi trình chiếu bên Tây.

Mình nghe kể người Việt đi vượt biển cũng phải ăn thịt người chết để sống sót. Anh Phong kể khi xưa nghe chuyện này thì không tin nhưng lúc chạy trốn đói quá, mà ông thiếu tá Lý bị thương nên có ý nghĩ là nếu ông ta chết thì chắc sẽ làm thịt để ăn quá. Sau này bị bắt lại, anh ta có hỏi ông bạn đồng hành tên Sằng thì phải. Ông này cũng thú thật là cũng có ý nghĩ như vậy khi đói quá.

Vượt qua biên giới Lào, tính dưỡng sức rồi đi bộ qua Thái Lan, ai ngờ vào làng của người Pathet LÀo, đi cả ngày ra chỗ quận để báo, khiến bộ đội đến bắt. Đói quá nên chẳng muốn chống cự. Mình nghe gia đình kể; có lần vào thăm nuôi ông cụ thì quản giáo không cho gặp, mới khám phá ra ông cụ vượt ngục được 3 ngày thì đói quá trong rừng, nằm đợi Việt Cộng bò đến bắt đem về nhốt. Từ đó hết dám trốn.

Hình hai cố vấn quân sự mỹ gặp lại thiếu tá Phong, ông HÙm Xám Đàlạt sau bao nhiêu năm cách xa.

Anh Phong kể là lúc Việt Cộng còng đầu hai người để dẫn giải về lại Việt Nam, ông thiếu tá Lý thì bị thương nặng nên họ không đem về. Không biết sống chết ra sao. Đi ngang qua cái cầu, anh và đồng đội nghĩ là sống đến giờ là được rồi, về kỳ này thì hết mong ra tù, gặp lại vợ con. Nên cả hai nhảy xuống cầu, xem như giải phóng cuộc đời tù cải tạo. Ai ngờ nước ngập tới ngực, bộ đội chạy xuống đánh cho một trận nhừ tử.

Về tới trại thì anh Phong bị phạt nặng lắm, sau đó không còn được bố trí ra ngoài lao động nữa vì sợ lại nghiên cứu cách trốn. Cho làm việc như gánh nước, chùi cầu tiêu,… nhờ có bạn bè, gia đình bên pháp tiếp tế nên mới sống đến mãn tù. Đâu trên 10 năm.

Truyền đơn do người Mỹ chụp lại khiến mình nhớ có thời máy bay trực thăng hay bà già bay trên khu nhà mình, rãi truyền đơn kiểu này, khiến con nít như mình chạy đi lượm mệt thở. Hôm nào rảnh sẽ kể vụ này như hồi chánh viên Nguyễn Văn Bé.

Nói chuyện về săn bắn, anh Phong kể khi xưa thích đi săn thú rừng nhưng ngày nay, không còn cảm hứng nữa. Khi xưa bắn chết được một con thú là cảm xúc dạt dào như đạt được cái gì, nay thì thấy không cần thiết. Chắc đi tu được rồi.

Câu chuyện khiến mình nhớ đến một khách hàng mỹ, mời mình đi câu. Hai vợ chồng hớn hở lắm vì lần đầu được lên tàu ra khơi. Ông mỹ chạy lại chỗ ngoài biển để mua cá cơm làm mồi, sau đó đưa mình cần câu, bảo lấy con cá sống móc vào lưỡi câu rồi thả xuống biển, nơi mà radar của ông ta báo là có đàn cá đang đi qua.

Mình vừa thả xuống biển thì giựt lên thấy con cá, đôi mắt nhìn mình như trách móc lại kêu chét chét khiến mình sợ quá. Nói với vợ thôi không câu nữa. Về nhà ông mỹ chia cho cá để ăn sushi. Từ đó tởn đến già không dám đi câu nữa. Sau vườn nhà mình có con thỏ hay bò vào để ăn cỏ, làm cháy hết cỏ. Mình mua súng hơi bắn bi về, thấy con thỏ, nạp đạn nhưng thấy nó nhìn như hỏi tại sao bắn tao nên buông súng, đem trả lại. Chán Mớ Đời 

Anh ta kể trong tù, bị ăng ten báo cáo nên hay bị quản giáo hạch sách nhưng cứ nghĩ không bao giờ ra tù nên cứ trả lời tếu tếu. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn