Người cha anh hùng

 Chúc các bác một ngày từ phụ vui vẻ.  

Trong tuần, mỗi tối mình đi tập võ, cuối tuần đi câu lạc bộ thể thao với đồng chí gái. Mình bơi trong khi đồng chí gái tập kickboxing hay zumba. Nhìn đồng chí gái tập đấm đá làm mình lo ngại nên ở nhà không dám làm trái ý vợ, sợ bị đòn như trong phim "Enough is Enough".

 

Khi bơi, mình thường gặp hai hình ảnh rất đẹp về "người cha anh hùng". Một người gốc Pakistan, dẫn người con trai bị bệnh tâm thần vào bơi. Ông ta hay đứng mĩm cười, nhìn con tung tăng vùng vẫy trong nước. Sau đó, vào phòng tắm, dưới vòi sen kỳ cọ, tắm rửa cho con. Mình không dám gợi chuyện, chỉ đứng xa xa nhìn bức ảnh hiện thực về tình phụ tử mà mình từng ước mơ thời bé được ông cụ chăm sóc.

 

Tranh ảnh thường có nhiều đề tài về mẹ và con, ngay cả chữ Tàu cũng ghép chữ Mẹ và Con thành chữ Hảo . Có lẻ do ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo với các hình ảnh thiên thu; đức mẹ Maria ôm khóc Chúa Giê Su chết cho nhân loại như bức tượng La Piéta của Michelangelo,…hay người con bị ràn buột bởi cuống rốn nối liền với người mẹ.


Chủ nhật, trong khi con sinh hoạt hướng đạo, vợ chồng mình đi câu lạc bộ gần đó để bơi thì thường thấy một người đàn ông gốc Tàu, ra hồ bơi để dành chỗ, sau đó có một cô huấn luyện viên đưa cô con gái bị bệnh ra bơi. Cô con gái bị khuyết tật nên phải ngồi xe lăn. Ông bố đứng trên bờ, nói nhỏ nhẹ để động viên cô con gái tập bơi với huấn luyện viên.

 

Tuần nào mình cũng thấy hình ảnh của hai "người cha anh hùng", thương con, bỏ cả buổi sáng để chơi, chăm sóc người con tật nguyền nên thường cám ơn Trời Phật đã cho vợ chồng mình hai đứa con lành lặn, thông minh như mẹ chúng. Hoạ sĩ Bé Ký chuyên vẽ tranh về hình ảnh người mẹ và con. Theo chữ Hán, hai chữ mẹ và con hợp lại thành chữ Hảo. Hoạ sĩ Bé Ký mồ côi cha mẹ sớm nên khắc khoải về người mẹ. Hồi nhỏ thường nghe nói rằng; ra đường gặp đàn bà có bầu là hên, có lẻ do chữ Hảo. Không biết nếu gom hai chữ cha và con thì theo chữ hán có nghĩa gì?

 

Trong văn hoá VN hình như chỉ nói, đề cao đến tình mẫu tử, tình thương của mẹ như bài ca bất tử "lòng mẹ" của nhạc sĩ Y Vân, bài thơ "bông hồng cài áo" của ông Nhất Hạnh,... Ít khi nghe nói đến tình phụ tử, ngoài câu "công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Có thể các nghệ sĩ, đa số là đàn ông nên hay nói về người mẹ hơn? Hay vì đất nước bị chinh chiến quá lâu trong lịch sử, nhiều thế hệ đàn ông phải ra trận nên ít có thời gian sống bên cạnh vợ con nên người mẹ phải gánh vác thêm vai trò của người cha vì "con không cha như nhà không nóc".

 

Có lần, một cô em nói với mình; tuy không muốn so sánh tình thương dành cho ông bà cụ nhưng cô thương bà cụ nhiều hơn. Một cô em khác kể, hồi nhỏ đi học thấy bạn học được cha chăm sóc nên cũng thèm được gặp mặt bố, có cha bên cạnh. Dạo đó, ông cụ mình đang ở trại cải tạo nên mấy đứa em mình lớn lên không thấy mặt cha trong vòng 15 năm. Khi ông cụ về thì chúng đã lớn, ra riêng nên thiếu vắng bóng cha trong những năm tháng ấu thơ. Có lẻ vì vậy, từ nhỏ mình và mấy người em, chỉ có bà cụ để nương tựa nên thương mẹ hơn. Dạo mình còn ở nhà thì sau cơm tối, ông cụ đi uống cà phê với bạn, hay đến sở để kiểm soát nhân dân tự vệ canh gác nhà máy, sợ Việt Cộng phá hoại đến gần giới nghiêm mới về nhà cho nên tuy sống chung nhà, mình và mấy đứa em ít có dịp tâm sự với ông cụ.

 

Mình sinh sống tại Đà Lạt 18 năm nhưng chỉ sống có 9 hay 10 năm với ông cụ. Hồi nhỏ thì ông cụ còn trong quân đội. Khi giãi ngủ thì có sống với ông cụ 1 năm sau đó ông cụ bị đỗi lên Ban Mê Thuột đến gần Mậu Thân mới trở lại Đà Lạt. Dạo ấy, ông cụ còn trẻ, học chữ Nho, rất liêm chính nên không ăn hối lộ, không nhận chia chát của các đồng nghiệp nên bị họ cố tình vu oan để bị thuyên chuyển. Bố Phạm Thành Nguyên kể cho mình: khi thanh tra từ Saigon lên thì các người làm chung cơ quan, bỏ cây thuốc lá 555, rượu tây trong hộc bàn của ông cụ nên bị đổi đi xa, ở Ban Mê Thuột. Khi ông cụ được chuyển về lại Đà Lạt thì mình bắt đầu lớn nên không gần ông cụ lắm. Mình không có nhiều kỷ niệm thời thơ ấu với ông cụ ngoài những trận đòn. 

 

Sau này có con, mình không muốn chúng thiếu thốn hình ảnh người cha như mình khi xưa nên đi làm về, chỉ muốn giúp con học, làm bài tập, hướng dẫn chúng chơi thể thao, nấu ăn cho con, lo điểm tâm buổi sáng và cơm trưa khi đi học. Mùa đông khi đưa con đi bơi, phải ngồi ngoài trời, mưa gió để xem con tập bơi, tuy lạnh nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có con để chăm sóc, chia sẻ niềm vui khi con đoạt huy chương hay an ủi con không phá kỹ lục cá nhân, của đội bơi,... 

 

Tối mình đọc sách, kể chuyện VN, đời xưa, kiếm hiệp, Tam Quốc Chí, Hạng Võ Tranh Hùng, Đông Chu Liệt Quốc,.. cho hai đứa con trước khi đi ngủ. Có lần mình đi học ban đêm về khuya, thấy hai đứa con nằm ngủ trước cửa phòng của mình, đợi bố về đọc truyện, hôn lên trán nên từ dạo đó đi đâu, mình phải về trước 9 giờ tối để đọc truyện cho con.

 

Có lần vợ đi công tác 4 tuần ở New York, mình hỏi con Bé có nhớ mẹ không thì rất ngạc nhiên về câu trả lời. Con Bé nói nhớ nhưng thật ra trong ngày, nó gặp mặt mình nhiều hơn là mẹ nó khiến mình phải báo động với đồng chí gái để xử lí vấn đề này. Sáng chúng đi học thì đồng chí gái còn ngủ, chiều khi đồng chí gái về thì chúng đã ăn tối và đang làm bài tập sau khi tập bơi hai tiếng. Có lần đồng chí gái dậy sớm để chào con Bé trước khi đi học, lăng xăng đem cái cặp của con ra xe nhưng nó vùng vằng như mình khi xưa, khi được bà cụ chăm sóc. Trong xe mình phải giải thích cho con Bé là không nên làm như vậy. Mình hiểu tính nó hơn mẹ nó. Khi bơi về, mình vẫn để nó vác hai cái sắc đựng đồ bơi và trợ cụ thể thao, đem ra xe.

 

Cuối tuần mình ráng kéo gia đình họp mặt, ăn uống để có thời gian đả thông tư tưởng với nhau. Mình đọc ở đâu, nói rằng, giờ tan học là lúc dễ đả thông tư tưởng với con vì chúng mới tan học nên có những gì điều muốn kể cho một ai đó nghe nên mỗi lần đón con là mình phải hỏi con xem trong ngày ra sao. Làm ăn của mình bị lệ thuộc và giờ giấc của con nên sau 2 giờ chiều thì coi như hết làm việc, chỉ dành thời gian sau đó cho con nên phải thức dậy sớm từ 4 giờ sáng để làm việc. Dù chúng có bằng lái xe, thay vì mua xe cho chúng như đa số bố mẹ ở Cali để khỏi đưa đón nhưng mình vẫn cố gắng đưa đón con để có thì giờ đả thông tư tưởng với con. Nay thằng con đầu đi học xa nên chỉ còn cô con gái nên thư thả hơn.

 

15 năm trước có người rao bán 5 mẫu đất cách nhà khoảng 2 tiếng lái xe. Thành phố cho phép mình xây 40 căn nhà. Mình tính xây xong thì cũng lời $50,000.00/ căn nên tính dọn lên đó, để gần công trường nhưng nghĩ con còn nhỏ. Sau 3 hay 4 năm chỉ gặp con vào cuối tuần thì khi xây và bán xong 40 căn nhà thì tuy có tiền nhưng con mình lại nối gót con bà Thiếu Phụ Nam Xương, chỉ cái bóng khi đêm về, kêu là bố thì mệt nên mình quyết định không thực hiện dự án xây nhà. Ngày nay, mình cám ơn đồng chí gái đã chấp thuận sống bình dị, cùng một lứa bên trời lận đận, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống giản dị thường nhật.

 

Có lẻ kỷ niệm về ông cụ mà mình nhớ mãi là lúc chia tay nhau ở phi trường Tân Sơn Nhất, trước khi đi tây. Ông cụ chỉ nói được: " Từ nay con tự quyết định, tự đinh đoạt, Ba Má ở xa" rồi bật khóc. Có lẻ đó là lần đầu, mình thấy ông cụ khóc thật sự trước đám đông. Gần đây, mình có liên lạc được với anh của người bạn học cũ Đàlạt xưa, anh ta kể là sau khi mình đi du học, có lần anh ta gặp ông cụ mình lên nhà anh ta, nói nhớ mình quá.

 

Sau này, không được trao đổi thư từ với ông cụ trong thời gian 15 năm ông cụ ở trại cải tạo cho nên sự liên hệ của mình với ông cụ không được bồi dưỡng nghiệp vụ làm con. Mỗi lần gọi điện thoại về VN thì mình nói chuyện với bà cụ nhiều hơn vì ông cụ bị lãng tai nên trong điện thoại khó nghe. Sau này, con mình đi học xa, bên âu châu hay á châu, gọi điện thoại cho mẹ chúng thì mình cũng chỉ đứng bên cạnh để nghe, hai mẹ con nói chuyện đủ vui tương tự ông cụ mình khi xưa.

 

Thói quen của 15 năm trong trại cải tạo vẫn còn nên có mua cho ông cụ máy trợ thính nhưng ông cụ sợ tốn pin nên không sử dụng. Nghe kể ông cụ chắt chiu từng cái lưỡi lam để cạo râu, bàn chãi đánh răng,... thì thấy thương "người cha anh hùng" của mình, bị phe thắng cuộc đày đoạ sau cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn.

 

Trong bản nhạc "papa" của Paul Anka có câu " your children will live through you". Mình quan sát mấy đứa con thì nhận thấy: chúng có những tính, suy nghĩ cũng gàn gàn, bướng bướng như mình thì nghiệm lại những đức tính di truyền đó mình thừa hưởng từ ông cụ. Mỗi tối cả nhà tập Trạm Trang Công trước khi đi ngủ. Khi mỏi thì vợ ngưng nhưng hai đứa con vẫn kiên trì, có lần con bé khóc, mẹ nó bảo ngưng nhưng nó vẫn quyết đứng cho xong 15 phút khiến mình mĩm cười. Hổ phụ sinh hổ tử. Bọn chúng hay nói chuyện với mình về chính trị, kinh tế, văn chương tây phương. Mình nhờ khi xưa học trường tây, sau này sang Tây học về Mỹ Thuật nên biết nhiều về địa lí, lịch sử tây phương hơn đồng chí gái nên khi làm bài tập chúng đều hỏi mình.

 

Mình quen đọc sách báo từ nhỏ vì ông cụ mua báo hàng ngày. Khi giãi ngủ thì ông cụ đi học thêm ban đêm để thi bằng tiểu học để được vô ngạch. Sau này mình và mấy cô em gái cũng chịu khó đi học đêm thêm, thừa hưởng tinh thần cầu tiến của ông cụ. Trong nhà chỉ có một cô em làm cán bộ nhà nước, ty thuế vụ, thừa hưởng cái tính liêm chính của ông cụ nên nghèo, tuy giỏi nhưng vì lí lịch gia đình nên không được thăng chức, nhưng tổ trưởng hay giao đi công tác ở các thành phố xa để kiểm toán các công ty lớn, cần cán bộ có trình độ cao.

 

Có lẻ thời gian 15 năm, ông cụ ở trại cải tạo là thời gian mình nhớ và nghĩ đến ông cụ nhiều nhất. Khi ăn một bửa cơm ngon ở trời Tây thì nghẹn ngào khi nghĩ đến ông cụ trong trại cải tạo, đang chịu đựng sự trả thù của chế độ mới hay đàn em 10 đứa lầm than ở VN. Dạo đó có bản nhạc của Việt Dũng rất thịnh hành "Một chút quà cho quê hương" càng khiến mình te tua khi nghĩ về gia đình, quê hương. Mình đọc cuốn "trại Đầm Đùm" nhiều lần để mường tượng đến không gian mà ông cụ đang thoi thóp, mỏi mòn trên quê hương khốn khổ, hay hát "Ai về xứ Việt", thơ của cô Minh Đức Hoài Trinh, người dạy mình đàn tranh, được Phan Văn Hưng phổ nhạc. 

 

---- 

Ai đi về xứ Việt, thăm dùm ta người ấy ở trong tù

Cho ta gửi một mảnh trời xanh biếc

Thay dùm ai màu trời Ngục âm u

Bố của ta ơi! Bao giờ được thả?

Đến bao giờ ăn được bát cơm tươi?

Được lắng nghe tiếng chim cười?

Đến bao giờ? Đến bao giờ....

 

Sau này mình không đụng đến cái đàn vì những bài hát hoài cố hương, nhớ gia đình khiến mình chán nản, không thiết làm gì nên tránh các sinh hoạt của người Việt để chú tâm học cho xong. 

 

Có nhiều người sống vài năm trong trại cải tạo, viết sách kể về những năm tháng tù đày trong Quần Đảo Ngục Tù nhưng mình không thấy ông cụ nói gì về những năm tháng trong trại. Hình như ông cụ không muốn nhắc lại những tủi nhục của những năm tháng đoạ đày, trong sự trả thù, hả hê của kẻ chiến thắng. Như con thú bị thương chỉ muốn tìm một chỗ yên tịnh để tự hàn gắng vết thương. Cũng có thể đời sống 15 năm trong trại cải tạo, sự trả thù của quản giáo, kiểm điểm, sợ bị ăng ten chỉ điểm nên ông cụ quen dấu kín những suy nghĩ riêng tư, không cho người khác biết.

 

Mình nhớ lần đầu về VN, sau khi nghe tin ông cụ được thả. Mình bay về VN để thăm vì nghe nói khi họ thả là coi như gần chết. Tuy không muốn về nhưng phải khắc phục, bay về gặp ông cụ để sau này không ân hận như khi xưa ông cụ không gặp được ông nội sau 27 năm. Khi gặp ông cụ ốm gầy, đôi mắt vẫn sáng quắt như xưa. Ông cụ chỉ nói được câu: " sao giống Nhật Bổn thế". Ông cụ thích ăn m&m, khi hết thò tay lấy thêm một gói nữa thì cô em út kêu "7,000 đó Ba" khiến ông cụ hốt hoảng rút tay về như người bị phỏng nơi bếp. "Thế à" ngắn gọn như một người thất chí chấp nhận số phận nghiệt ngã mà ông trời dành cho mình. Mình vội nói cứ để ông cụ ăn. Có lẻ đó là giây phút đẹp, bức tranh hiện thực nhất nhìn ông cụ ăn kẹo m&m như đứa bé được thưởng kẹo.


 

Mình nghe mấy ông chú họ ở quê kể ; ông cụ không muốn làm ruộng, lại muốn giang hồ, đi đây đi đó nên đăng lính Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại. Có lần về quê thăm nhà, buổi chiều đi trên đê, nghe tiếng huýt sáo, kêu gọi nhau trên núi nên nghi ngờ. Tối đó nhóm du kích bao vây nhà, ông cụ chỉ kịp thưa bà Nội "con đi" rồi leo hàng rào nhà bên cạnh, băng ruộng trốn thoát vào nam. Ông bà Nội đinh ninh là ông cụ bị du kích giết đêm đó rồi thủ tiêu xác nên lấy ngày đó làm ngày giổ của ông cụ. May quá, ông cụ tránh được kết cuộc của “Người Anh Vĩnh Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, hàng xóm của mình ở Đàlạt xưa.

 

Sau 75, khi nhận thư của ông cụ gửi về quê, ông bà Nội mừng quá vì tưởng bị tuyệt tự nay nghe nói có đàn cháu 10 đứa. Ông cụ mình có hai người em trai; một người bị Tây giết trên đường đi học về khi mới 15 tuổi còn một người đi bộ đội bị B52 dập chết trên đường vào Nam. Sau ông cụ bị bắt nên không có cơ hội về thăm quê, ông Nội mình vào Nam nhưng chế độ mới không cho gặp mặt. Sau đó, ông Nội về quê rồi mất, không gặp lại người con trưởng xa cách trên 27 năm. Mình may mắn hơn ông cụ là được gặp lại người cha sau 20 năm cách xa. Sau này mình có dịp về thăm quê Nội thì phải cám ơn ông cụ đã thoát ly, bỏ lại làng quê vào nam vì nếu không cuộc đời mình chắc sẽ có một kết cuộc khác.

 

Mình không biết mặt ông bà Nội nên có mời hai ông bà cụ sang Mỹ chơi để gặp cháu Nội, sau này có đem tụi nó về thăm quê Nội. Nói với chúng là nếu ông Nội không thoát ly cuộc đời làm nông dân thì có lẻ ngày nay bố con mình cũng làm ruộng như mấy người bà con. Ngồi ăn cơm, ruồi nhặng bay đen đặc, ngoài sân có mấy ụ rơm thối mùi phân. 

 

Có người trách ông cụ là dại. Trước 75, ông cụ là đoàn trưởng Nhân Dân Tự Vệ, ngày Đàlạt bỏ ngỏ, ông cụ chôn dấu súng của các đoàn viên. Sau này, các người làm dưới quyền ông cụ là Việt Cộng nằm vùng, nên dụ ông cụ tổ chức phục quốc, chống chế độ bị bắt lên án 18 năm tù nhưng mình vẫn phục ông cụ, người cha anh hùng, làm người chân thật. Như bài Thơ "Lời Mẹ dặn" của nhà thơ Phùng Quán.

....

Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi 

Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã 

Bút giấy tôi ai cướp giật đi  

Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá. 

 

Cuộc đấu tranh vô vọng như Kinh Kha sang Tần của ông cụ tuy ngắn ngủi nhưng để lại dấu ấn, hậu quả khá sâu đậm cho đàn con. Các em mình học khá nhưng vì lí lịch nên không được học tiếp đại học trong khi con cán bộ được ưu tiên dù dốt. Không được đi học nên mấy đứa em, đứa đi học thợ may, đứa học thợ rèn, đứa đan len,... Như nhà văn Albert Camus từng nói: "Khi một thiếu số, nhân danh công lí nổi dậy đấu tranh thì vô hình trung tạo nên một sự bất công khác.." Mình có một người em rễ vì lấy con gái của nguỵ quyền thêm phản động nên bao nhiêu năm được bầu làm đối tượng đoàn nhưng không thể nào được kết nạp vào Đảng dù gia đình hắn "Hồng 3 đời " có công với Cách mạng, được giấy khen của ông Hồ. 

 

Người Việt mình hay giữ các cảm xúc riêng cho mình, không để lộ ra ngoài, khác với người ngoại quốc, cho nên cha con lâu ngày gặp nhau thì qua ánh mắt trao cho nhau có thể nói lên những nổi nhớ, vui mừng khi hội ngộ. Mình hi vọng hè năm tới về thăm, luôn tiện tổ chức 60 năm đám cưới cho ông bà cụ, sẽ hỏi thêm về những trải nghiệm cuộc đời ông cụ. Tuy không nói ra nhưng qua ánh mắt, mình biết ông cụ rất vui khi gặp lại mình, hãnh diện về những thành tựu của mình. Những hi sinh của ông cụ, những đoạ đầy mà ông cụ đã chịu đựng trong suốt 15 năm trong tù, hy sinh đời bố để củng cố đời con cháu đã không bị lãng phí.

 

Có dạo mình hay hát bản nhạc "Anh Tôi" của Văn đoàn Lam Sơn, tổng hội sinh viên Paris nhưng mình đổi lời thành "Cha tôi". Có lần mình hát và đánh đàn chung với Chử Tam Anh trong đêm Văn nghệ ở M.I.T.

 

Cha tôi đã lớn lên trong niềm cay đắng

Tai tuổi thơ vang tiếng bom người Mỹ

Nay bàn chân xích gông xiềng Nga Tàu...

 

Cha tôi đã ước mơ những ngày tươi sáng

Mơ ngày mai sẽ sống đời tự do

Mơ cuộc sống sẽ thoát vòng lao tù...

 

Cha ơi! Đã có con lên đường thay cha

Con đường sáng chan chứa bao tình thương

Con đường mới dắt ta về tình người

Có có có có con

Có con đi xây niềm thương

Có con đi xây tình người...

ĐI XÂY TÌNH NGƯỜI!

 

Sơn đen