Sự thành hình Khu Hoà Bình Đàlạt trước 1975

 Lâu lâu mình thấy trên mạng có người tải mấy tấm ảnh cũ của Đàlạt xưa nhưng lại chú thích không đúng về sự hình thành của Đàlạt nên hôm nay mình thử đưa lên vài tấm ảnh mình kiếm được trên mạng hay của những người không quen gửi riêng cho mình đến trên 700 tấm.

Hôm nay mình nói về sự hình thành của khu Hoà Bình Đàlạt. Khi người Pháp muốn xây dựng Đàlạt thành một trung tâm nghỉ mát cho giới công chức thuộc địa Đông Dương và muốn biến thành một thủ đô hành chánh của Đông Dương thì theo thiết kế của kiến trúc sư họ, các vùng trên đồi được dành cho người ngoại quốc còn vùng thấp, thung lũng thì dành cho người Việt và người thượng mà họ gọi là “indigènes “.

Hội trường Hoà Bình được xây cất lại thời tổng thống Ngô Đình Diệm sau khi Chợ Mới được xây dựng.

Thậm chí hồ Xuân Hương ngày nay, họ cũng chia ra thành hai: hồ Lớn (Grand Lac) và hồ nhỏ (Petit Lac). Hồ Lớn dành cho người Pháp chơi thể thao và hồ nhỏ dành cho người địa phương.

Đây là bản đồ Hồ Lớn bên phải và Hồ Nhỏ bên trái, bên cạnh là các chợ và trung tâm thương mại của người Việt và người Thượng. Ta thấy từ cái đập Hồ Lớn chảy qua khu vực thấp của người Việt sinh sống, có cái hồ Nhỏ mà đề Rivière Cam Ly .
Tấm ảnh này thường thấy xuất hiện trên mạng của ai đó nói vè Đà Lạt. Lý do là ai đó chú thích là đường tại Đà Lạt, năm 1925. Mình nghĩ họ chú thích sai. Có lẻ tấm ảnh này thuộc trong các tấm ảnh ảnh của ông Cunhac, từng là thị trưởng Đà Lạt nên họ đề Đà Lạt. Có ai bàn trên mạng, nói tấm ảnh này thuộc thành phố Huế. Năm 1925, Đà Lạt chưa có người Việt lên ở và nếu có thì khu gần ấp Ánh Sáng sau này năm 1932 bị lụt cuốn trôi. Mình mất thì giờ để định vị khu vực này, so với các tấm ảnh trước 1935 thì không tìm đâu ra vì đường rất thẳng, không lên đồi, xuống dốc. Nhìn mái nhà thì chắc chắn không thuộc ngói làm nhà tại Đà Lạt. Huế có lẻ đúng hơn 
Đây là tấm ảnh chụp HỒ Lớn, lúc Thuỷ Tạ chưa được xây cất, ta thấy cái đập cũng là con đường như cầu Ông Đạo ngày nay chạy từ khách sạn Palace qua bên kia hồ ngay đường Đinh Tiên Hoàng.

Đến năm 1932, có một trận bão lụt lớn, đã làm vỡ cái đập HỒ Lớn, phá huỷ cái đập hình trên và nước cuốn đi khu phố người Việt, nghe nói có mấy người Việt bị chết.

Người Pháp mới dời khu chợ người Việt lên khu Hoà BÌnh ngày nay vì trên nguyên tắc, khu vực này dành cho người Pháp vì trên đồi, ta thấy dinh tỉnh trưởng, đã được xây cất phía sau lưng đường Phan BỘi Châu.



Đây là bản đồ khu Hoà Bình, khi chợ người Việt được dọn lên đây, mình có kể vụ này rồi, ai thích thì tìm trên blog của mình. Phần màu đỏ là đã xây xong rồi. Thật ra dãy phố bánh mì Vĩnh Chấn, chưa được xây. Xem mấy tấm ảnh cũ trước khi Chợ Cây (Chợ Gỗ) được xây cất. Chợ xổm chớ chưa có Chợ có mái lợp.
Ta thấy lúc đầu chỉ chợ Xổm, người bán ngồi giữa đường, thấy dãy phố xây bằng gạch của tiệm vàng Bùi Thị Hiếu sau này, dãy phố nhà hàng Mekong còn làm bằng gỗ hai tầng.
Hình này chụp từ dãy phố ông Đội Có, thấy chợ Đàlạt xưa, lúc mới được dời lên, có dãy phố Bùi Thị Hiếu, Parimode, Cà phê Tùng sau này. Phía dãy phố Vĩnh Chấn, chưa được nhà thầu Võ Đình Dung xây dựng. Chỉ thấy cái trạm biến điện. Sau này được chuyển vào cạnh Đoàn Thị Điểm.
Đây là chợ khi xưa, lúc dãy phố Bùi Thị Hiếu chưa được xây bằng gạch.

Dần dần người Việt di cư lên đây đông, người Pháp cần cu-li người Việt nên cho phép người Việt di cư đến đây nhưng phải có giấy phép. Họ nhờ ông Bảo Đại ký sắc lệnh biến thành Hoàng Triều Cương Thổ để giới hạn người Việt lên Đàlạt sinh sống, nhằm bảo về trung tâm nghỉ mát của người ngoại quốc.

Bản đồ của khu thương mại người Việt sau 1932. Mình có làm dấu với các mũi tên, địa điểm người chụp hình đứng để chụp dãy phố Bùi Thị Hiếu, Mekong hay Cà Phê Tùng.

Đây là bản vẽ của khu phố xưa lúc chưa làm Chợ Cây (Chợ Gỗ). Hình màu xanh có gạch ngang màu xanh là khu Hoà Bình ngày nay.

Đây là hình ảnh Chợ Cây (Chợ Gỗ) Đàlạt xưa đang được xây cất.

Đây là Chợ Gỗ nhìn từ phía trong, bên phải là hàng của mẹ mình khi xưa trước khi dọn xuống chợ mới. Lý do họ gọi là Chợ Cây vì cấu trúc bên trong được làm bằng cây, dạo ấy bên Tây mới bắt đầu sử dụng loại đà cong làm bằng ván được ép lại với nhau ra hình tròn.

Đây hàng trái cây, mình đang tìm hàng của Dì Ba, bạn của mẹ mình nhưng hình mờ quá. Ta thấy mấy ống thông hơi của mặt tiền.
Đây là hình ảnh năm 1940 khi chợ Gỗ được xây cất, chúng ta thấy mấy cái kiosque bên phải mà mẹ mình khi vào Đàlạt năm 1948, có kể lại.
Mình nghe nói Chợ Gỗ bị cháy nên chợ tạm thời dời ra đường Phan Bội Châu. Thời thị trưởng Trần Văn Phước mới nẩy ra ý định xây Chợ Mới và biến Chợ Gỗ thành khu Hoà bÌnh, có rạp xi-nê.
Chợ xây xong, do kiến trúc sư người Pháp tên Pineau thiết kế, thấy tương tự nhà thợ bên Tây, có cái tháp chuông, điểm nhấn cho Đàlạt, để người dân có thể định hướng. Bến xe đậu trước chợ. Ta thấy bên phải là một dãy phố được xây bằng đá ong như bên pháp.

Ta thấy người Pháp đã thiết kế dãy phố bên phải, hướng CHợ Mới, nhà hàng La Tulipe Rouge.

Toàn cảnh của Chợ Gỗ và dãy phố bên phải, 2 tầng, tạo dựng một trung tâm thành phố khá đặc biệt. Chỉ tiếc là họ đạp phá đi

Hình này chụp từ đường Maréchal Foch, sau này thời ông Diệm đổi thành đường Duy Tân, ngay tiệm Thế An Đường còn được gọi là tiệm con cua vì logo của tiệm là hai con cua. Ta thấy dãy phố bên kia che gió từ phía hồ Xuân Hương vào.
Không gian của Chợ Cây ngày đó, bên phải có dãy phố, có đường đi dưới cái vòm để che nắng mưa mà bên Pháp hay sử dụng, đặc biệt ở Paris có con đường Rivoli dài với những arcades này nhưng to lớn hơn.

Hình này cho thấy bên hông chợ, chụp từ tiệm chụp hình Hồng Châu. Mình đoán là do ông chủ tiệm này chụp từ trên lầu của nhà ông ta. Thấy chợ tràn ra ngoài.

Hình này cho thấy rõ hơn các vòm chỗ bộ hành đi qua, che nắng che mưa, rất tốt nhất là hướng Tây nên về chiều, nắng đập vào tiệm rất mạnh, mà ta thấy sau này dãy phố phía tiệm đồng hồ Tiến Đạt, phải treo các tấm tăng để che nắng.

Tấm không ảnh cho thấy dãy phố che gió phía photo Hồng Châu, lúc chợ Mới chưa được xây cất dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Ta thấy nhà ông Đội Có, sau này họ dời bến xe tước cửa Chợ Cây, ra đây,  mà chúng ta quen gọi bến xe Tùng Nghĩa, nhưng lúc đầu là có xe chạy Trại Hầm, Chi Lăng, trước cửa chợ.

Hình này chụp ngay địa điểm khách sạn Thuỷ Tiên cho thấy dãy phố bên kia, có căn phố 3 tầng cạnh photo Hòng Châu, sau này bị phá bỏ. Sẽ kể sau.

Khi thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế quốc trưởng Bảo Đại, đang cư ngụ tại Hương Cảng, và thành lập đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, thì lúc đó có một kiến trúc sư họ Ngô, từng học đại học kiến trúc ở Đàlạt, trường Grand Lycée, làm gia sư cho gia đình ông bà Võ Quang Tiềm, mẹ bà Tiềm và bà cố ngoại mình là chị em ruột.

Sau này, ông Tiềm gã một cô con gái cho kiến trúc sư Thụ, rồi cho du học tại Pháp, mua nhà để ở Issy Les Moulineaux, sau này qua Pháp, mình có gặp cậu Miên, và cậu Tri, con ông bà Tiềm tại đây. 

Đúng lúc ông Diệm lên thì Dượng Thụ đoạt giải Grand Prix de Rome, mà  người Pháp tổ chức hàng năm, để tuyển nhân tài. Khôi nguyên của giải này sẽ được gửi đi Ý Đại Lợi, ở Villa MEdici, 3 năm, được chính phủ pháp đài thọ ăn ở và họ sẽ nghiên cứu một đề tài nào đó do họ tự chọn. Giải này được bỏ sau cuộc cách mạng văn hóa 1968. Lúc mình học thì trường quốc gia mỹ thuật Paris có tổ chức một giải khác để thay thế nhưng ít ai tham dự vì chẳng có tiền. Làm cho vui thôi, có 4, 5 thí sinh tham dự, vì bố làm kiến trúc sư.
Dượng Thụ được cử điều chỉnh lại khu Hoà Bình. Mình thấy Dượng phá cái nhà 3 tầng, cạnh photo Hồng  Châu, rồi thiết kế cái cầu thang từ khu Hoà Bình vào chợ rất hay. Thêm cái cầu thang này không thẳng băng mà nối chéo phải cái đồn cảnh sát dưới chợ.
Phía bên đường Lê Đại Hành thì dượng thiết kế một cầu thang to lớn nhưng nếu dượng thiết kế cầu thang này như cầu thang của công trường Tây BAn Nha (piazza espagna) ở thủ đô la mã thì quá đẹp. Có lẻ hết tiền.
Dượng phá dãy phố có vòm để thay vào đó các kiosque như khi xưa lúc chưa đi du học.

Căn phố 3 tầng cạnh photo Hồng Cháu bị phá bỏ để thành lập cái cầu thang đưa vào chợ. Mình thấy cầu thang này được thiết kế rất mới lạ và đẹp. Chỉ tiếc là dượng cho phá bỏ dãy phố vòm ở khúc này để thay thế bằng các kiosque mà thời tây đã làm, như kiosque bán đồ lưu niệm Hoàng Lan. Chán Mớ Đời 

Không ảnh cho thấy rõ, Chợ Mới được kết nối với khu Hoà Bình bằng hai cầu thang. Cầu thang lớn cạnh vũ trường La Tulipe Rouge và chiếc cầu kết nối từ cầu thang ngay photo Hồng Châu đi vào chợ. Mình chỉ tiếc là đã phá bỏ dãy phố vòm nối tiếp dãy photo Hồng Châu, thay vào đó vào mấy cái quán liệu xiêu Chán Mớ Đời .

Vườn hoa ngay chợ bị ông thầu khoán Nguyễn Đình Chiểu, người thầu xây chợ mới Đàlạt, xin đất làm khách sạn Mộng Đẹp, phá nát không gian ý tưởng của dượng Thụ. Ngày nay thì càng te tua hơn nữa.

Cùng lúc thiết kế đô thị, dượng Thụ cho giải toả bến xe trước khu Hoà BÌnh ngày nay, đưa bến xe Sàigòn Đàlạt xuống ngay ấp Ánh Sáng, thị trưởng cấp cho ông chủ nhà hàng Chic Shanghai đất để mở cây xăng Caltex, ngoài ra có bến xe vùng lân cận như Tùng Nghĩa, Trại Hầm thì ở phía sau dãy phố của ông Đội Có. Còn bến xe đò Chi Lăng mà người lớn hay gọi Saint Benoît thì được đưa xuống Chợ Mới, vì dân tình đi chợ nhiều để tránh xe cộ nhiều ở khu Hoà BÌnh. Hình trên là bến xe đò Tùng Nghĩa,…
(Còn tiếp)
Dài quá để hôm nào rảnh thì kể tiếp vì mình có cả 1,000 bức ảnh về Đàlạt.
Nguyễn Hoàng Sơn