Sáng nay, đi họp với hội Toastmasters từ 7:00 - 8:30 sáng. Người có nhiệm vụ dẫn chương trình, chọn chủ đề “Gratitude”, lòng biết ơn. Bà ta cho biết bác sỹ kêu tim mạch bà ta bị rối loạn nên lỡ có chuyện gì thì phải gọi 911, để xe cứu thương đến chở vào nhà thương. Tin này khiến các hội viên chới với.
Mình được lãnh trách nhiệm làm Jokesmaster, nên sau phần chào quốc kỳ, tuyên thệ với lá cờ Hoa Kỳ thì người dẫn chương trình kêu mình lên bục để kể chuyện tếu lâm, giúp không khí vui vẻ lên trước khi vào họp chính thức.
Sau đó thì tới phiên một hội viên đọc diễn văn 4-6 phút rồi đến phần Tabletopics. Phần này thì mọi người đều phải tham gia, người có trách nhiệm đặt câu hỏi, dựa theo chủ đề của buổi họp, điển hình là “lòng biết ơn”. Họ nêu câu hỏi rồi mới gọi tên người lên bục. Người được kêu lên bục chỉ có 2 phút để trả lời mà không được chêm những từ thừa như “but, ờ, you know, and,…”. Nói chung là khi tìm ý để trả lời, chúng ta có khuynh hướng hay chêm những từ thừa. Do đó, có một người lãnh trách nhiệm theo dõi, nếu trả lời viên nói những từ thừa thải thì họ sẽ bấm chuông, để nhắc hội viên.
Thay vì chêm những từ thừa thải, họ dạy hội viên cứ ngưng, im lặng để tìm từ và ý để phát biểu. Khi ngưng nói thì sẽ làm mọi người để ý, lắng nghe hơn. Thêm cách lên giọng, nhấn mạnh ở điểm nào. Ngoài ra phải dùng một từ hôm ấy “appreciate”, ai không dùng thì bị loại.
Bà dẫn chương trình, kêu là các hội viên như một gia đình của bà ta, quen biết từ mấy năm nay, do đó bà ta muốn tỏ lòng biết ơn từng người. Đến phiên mình, bà ta nói là biết ơn mình đã đóng góp, giúp bà ta hiểu thêm về văn hoá việt, ngoài ra bà ta kêu mình là thông minh khiến mình thất kinh. Lần đầu tiên, có phụ nữ khen mình là thông minh khiến mình nức nở.
Lý do là từ bé đến lớn ở Việt Nam, ai cũng kêu mình là ngu. Bố mình kêu mình ngu như bò, lên trường, thầy cô, bạn bè đều xem mình thuộc thành phần ngu lâu dốt bền vững và kiên định ngu. Đi kiếm vợ cũng bị đá lên đá xuống vì mấy cô kêu mình ngu, không chịu học y khoa. Thậm chí đến ngày nay, người Việt vẫn xem mình là ngu, người ngoại quốc thì ngược lại. Cuối cùng bà ta kêu mình rất vui tính vì đa số các diễn văn của mình đều tếu.
Người Topicmaster, hỏi người nào đã thay đổi cuộc đời của bạn mà bạn biết ơn rồi kêu tên mình. Mình lên bục mà đầu óc trống rỗng chưa biết nói gì, bổng nhiên hình ảnh thầy Lưu Văn Nguyên hiện về trước mắt mình. Mình kể về những lời khuyên của thầy Nguyên. Lời thầy Nguyên đã thay đổi cuộc đời của mình. Nếu không đi du học thì có lẻ cuộc đời mình chắc không khá vì lý lịch gia đình phản động. Có thể ở tù như ông cụ mình 15 năm.
Ông chủ tịch hội nói lần sau đến phiên mình đọc diễn văn từ 5-7 phút thì ông ta hy vọng mình sẽ triển khai hơn về lòng biết ơn của mình đối với thầy Nguyên. Mình may mắn gặp lại người thầy đáng kính sau 40 năm.
Dạo ấy, tuy thi đậu bằng trung học pháp B.E.P.C nhưng mình thấy chán đời khi thấy những tên mình quen trong xóm hay tập võ với mình như Sỹ, trong hẻm đối diện rạp Ngọc Hiệp, anh bà con của Nguyễn Đình Tài, đi nhảy dù rồi chết. Thằng Nhân, con bà Hành trên xóm Thi Sách, học sinh Văn Học hay đánh bóng bàn với mình, đi lính chết trận ở Cai-Lậy. Anh Thống, đậu thủ khoa trường Võ Bị, ở ngay dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện ra trận chết,… học hay không học cũng chết, sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
Qua Văn Học, chơi với Huỳnh Kim Sang, Nguyễn Anh Tuấn được vài tháng thì bị mấy tên này bị đôn quân sau mùa hè Đỏ Lửa, không biết ngày nào về. Mình mới gặp lại Huỳnh Kim Sang tại Houston tháng vừa qua sau 50 năm không gặp còn Nguyễn Anh Tuấn, có gặp lại nhưng hắn không nhớ mình.
Dạo ấy có bài hát của ông Phạm Duy sáng tác, “anh trở về dang dỡ đời em,…”. Một hôm, Ngô Văn Thuỷ rủ mình đến nhà thầy Nguyên chơi. Anh chàng này có điểm lạ, hay rủ mình đến thăm mấy ông thầy như thầy Hồ Thanh Tâm, Đan Đình Soạn, Lý Công Thuận, Lưu Văn Nguyên, Hứa Hoành,..để bồi dưỡng thêm kiến thức và được khai sáng thêm về tương lai nên học gì, mượn sách đọc và làm gì. Mình có gặp lại thầy Hứa Hoành sau 15 năm, thầy Hồ Thanh Tâm sau 43 năm, thầy Nguyên sau 40 năm, thầy An thì cũng 40 năm.
Hôm đến nhà thầy Nguyên, ngồi nói chuyện, thầy Nguyên kêu “luật người cày có ruộng”, Việt Cộng chúng chiếm đất nên phe ta, cứ mua của địa chủ rồi đem cho nông dân để họ về theo phía Cộng Hoà. Thầy có thời đi lính, rồi giải ngủ nên thầy không khuyến khích học trò đi lính. Thầy khen ông tướng Nguyễn Khoa Nam, đánh giặc rất giỏi chỉ tội là sát quân. Thầy bảo mình nên ráng học để xin đi du học. Đừng phí cuộc đời.
Lời khuyên của thầy Nguyên đã gieo vào đầu mình một hạt mầm, một lối thoát khỏi cuộc chiến tranh bế tắc. Từ đó mình chịu khó học hành đàng hoàng lại, không đánh bi-da nữa. Chỉ tập võ buổi sáng, rồi học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm.
Sau khi đậu tú tài, mình có nhờ thầy viết lá thư giới thiệu cho đại học bên pháp. 40 năm sau mình trở lại Đàlạt, may mắn, được gặp lại thầy. Đến thăm thầy mà thấy thương vì thầy bị bệnh, ngồi không được. Chỉ ngồi một lát rồi phải nằm. Thầy vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ đến lá thư thầy đã viết cho đại học ở Lille, giới thiệu mình theo học ngành kỹ sư dệt. Có lẻ thầy là người thầy duy nhất nhận ra mình sau 40 năm trong số hàng ngàn học sinh khi xưa.
Đây là hình mình gặp lại thầy sau 40 năm và cũng là lần cuối. Năm sau mình trở lại thì thầy qua đời, mình có đi đám thầy. Nguyễn Đình Tài và Nguyễn Đắc Hớn.Vào nhà thầy, thấy phòng khách nơi mình đến thăm thầy ngày xưa, sao thấy nhỏ bé quá. Thầy nói thương PMC hơn con trai ruột của thầy. PMC là học trò cũ, có học chung với mình một năm. Mỗi tháng, anh chàng rủ mấy người bạn học xưa với thầy, đi thăm thầy luôn tiện bồi dưỡng cho thầy chút ít để sinh sống qua ngày. Đó là hình ảnh đẹp của học trò được giáo dục dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, vẫn đi thăm thầy cô sau mấy chục năm. Đẹp hơn hình ảnh ông Jean Carnot về thăm thầy cũ ở bên tây mà mình học giáo khoa thư khi xưa.
Năm sau mình trở lại Đàlạt để thăm bố mình bị bệnh. Trước khi lên máy bay, thì được tin thầy qua đời, may thay khi mình về đến Đàlạt, kịp đi thăm viếng, và đưa đám thầy đến nghĩa trang Du Sinh. Cuộc đời thầy cũng buồn, Việt Cộng vào thì bị đi cải tạo dù đã giải ngủ trước 75, ở nhà vợ đi lấy chồng khác để nuôi con. Hôm đám tang của thầy, có thấy sự hiện diện của cô, tuy đứng xa.
Trong cuộc đời, mình có rất nhiều ân nhân. Có người cho mượn sách đọc, người cho một bữa ăn, người tặng cho cái áo cũ hay khuyên một điều nào đó,…đã giúp thay đổi cuộc đời mình. Kể ra thì không hết nhưng mình vẫn ghi khắc trong tâm khảm. Khi nghe thầy Nguyên động viên, khuyến khích mình đi du học, giúp cho mình thấy một con đường khác thay vì lối cụt của cuộc chiến tranh trên quê hương.
Lời khuyên của thầy Nguyên như một thiên sứ đã giúp mình tìm ra hướng đi cho tương lai, thay đổi định mệnh cuộc đời của mình. Nay nhìn lại mình nghĩ thầy Nguyên có thể vui, đã thay đổi đời một học trò. Mình cũng không phụ công thầy đã dạy mình cũng khôgn quên anh bạn học cũ đã rủ mình đến nhà thầy chơi khi xưa.
Nguyễn Hoàng Sơn