Nhà thờ đầu tiên tại Đàlạt

 Mình có xem mấy tấm ảnh tại Đàlạt sau biến cố Mậu Thân, thấy một nhà thờ bị súng đạn bắn cháy te tua nhưng không nhớ ở đâu. Có một ông mỹ từng tham chiến tại Đàlạt năm Mậu Thân, cho rằng Việt Cộng núp trong đó và trực thăng mỹ đã bắn trong cuộc đẩy lui Việt Cộng ra khỏi thị xã Đàlạt. “ I was the vet that told them our unit 92nd AHC was the unit that hit that church and other targets during TET 68. This the first time I knew we got 30 during this attach, I remember the rockets hitting this structure and others during the two weeks of TET. By the way we lost no one but did have 3 or 4 Wounded Carl Peters was the worst of them”. (Harold Stewart)

Nói cho ngay mình không phải dạng “nhất Chúa nhì Cha thứ 3 Biden tổng thống” chưa bao giờ vào nhà thờ tại Đàlạt khi xưa, quỳ lạy chúa cho mình lấy được đối tượng nên không biết nhiều về các nhà thờ tại Đàlạt. Mình có cô bạn học, vừa là hàng xóm mà mình đặt tên là Thánh Nữ Văn Học vì ngày nào cũng đi lễ ở nhà thờ chỗ nhà thương, cạnh nhà xác, có mấy bà sơ. Sáng mình dậy tập võ, thấy cô nàng đi ngang, chiều lại thấy cô nàng đi về. Có dạo tưởng cô nàng đi tu luôn chớ.

Mấy tên quen trong xóm, công giáo đi họp mặt Hùng tâm Dũng Chí với nhà thờ này như, NGUYỄN ANH Tuần, Lê Công Hùng, Huỳnh Kim Sang, Thạch,.. Cô này đi lễ sáng và chiều. Kinh, nay ở Ohio, mình có gặp lại một lần tại nhà mình. Nay thấy hình Đàlạt xưa thì hay ngồi suy nghĩ vớ vẩn, tra cái đầu xem là chỗ nào nên rách việc, bị đồng chí gái la hoài. Có một video về Đàlạt năm 1970, có chiếu đoạn của nhà thờ này ngay góc Phạm Phú Thứ. Hóa ra nhà thờ Tin Lành. Xem link cuối bài.

Nghe kể năm 1968, Việt Cộng từ Dinh 3 đánh xuống đây, chắc đánh vào tiểu khu Tuyên Đức, ngay góc Yersin và Pasteur, có hàng rào chống B40 rồi chạy vào nhà thờ này đóng chấu. Bị máy bay Mỹ bắn nên bỏ chạy qua nhà thờ Thánh Tâm, bị giết đâu 30 mạng, xác nằm rải rác trên đường Đoàn Thị Điểm, nối liền từ đường Bà Triệu qua đường Hùng Vương. Xem bản đồ cũ Đàlạt cuối bài.

Mình không có đi xem vụ này, dạo ấy còn bé, chưa có xe đạp. Chỉ nhớ là có lần xem xác chết Việt Cộng chết nằm trên đường xuống ấp Tân Lạc, khi mấy ông này đánh Trung Tâm Thẩm Vấn ở đường Bá Đa Lộc. Mình thấy ruồi bu đen mấy xác chết. Mình không hiểu họ để xác trên cái dốc này để làm chi, cho gia đình đến nhận hay để làm gương cho những ai nằm vùng. Ai hiểu vấn đề này thì cho mình biết vì tính hỏi vớ vẩn từ bé, ngu lâu dốt sớm.

Nhà thờ đổ nát khi Việt Cộng tấn công Đàlạt, chạy vào đấy để núp, hy vọng Chúa sẽ che chở nhưng trực thăng mỹ bắn te tua, bỏ chạy qua nhà thờ Thánh Tâm ngay góc Yersin và Đoàn Thị Điểm, trước hai cái nhà kiếng. Nghe nói nhà thờ nằm trên đường Phạm Phú Thứ. Đối diện tiểu khu nơi Việt Cộng muốn đánh chiếm.
Hình mấy ông mỹ đi viếng nhà thờ đã được các chiến hữu của họ bắn phá. Chán Mớ Đời 
Mình không có tài liệu về nhà thơ này. Không biết thuộc nhà thờ nào vì Tin Lành có rất nhiều giáo phái.

Mình thấy trên tấm không ảnh vào những năm Đàlạt mới được xây dựng thập niên 30 của thế kỷ trước thì thấy sau khách sạn Palace, chỗ trường Trí Đức, có một nhà thờ nên đoán là chỗ này. Nhìn kỹ thì không vì địa điểm khác xa. Đây cách khách sạn Lâm Viên khá xa nên cứ suy nghĩ cái đầu già là đâu.

Nhìn tấm ảnh này lúc khách sạn Palace LangBiang được xây cất thì thấy có nhà thờ nhỏ ở phía trên bên tay phải nên đoán là nhà thờ bị Việt Cộng núp bắn các máy bay mỹ nên phi công mỹ bắn đại liên, hoả tiễn te tua. Mình không biết là sau này họ có tu sữa lại không vì mình ít vào đường Phạm Phú Thứ lắm. Chắc Phạm Bích Đào có thể nhớ vì ở Huỳnh Thúc Kháng.
Nếu nhìn kỷ sẽ thấy nhà thờ nhỏ màu trắng sau khách sạn Palace phía trái trên đường Nhà Chung. Do đo mình thắc mắc vì khoảng cách Nhà Chung, ấp Xuân An và Tiểu Khu Tuyên Đức rát xa hơn cây số.

Muốn chắc ăn mình hỏi ông thần đã gửi cho mình trên 700 tấm ảnh, là con chiên nên chắc biết rõ các nhà thờ tại Đàlạt. Ông này cho biết nhà thờ đầu tiên được xây tại Đàlạt, trên đường Nhà Chung đã bị đập phá vào những năm 1970 để nới rộng thêm trường Trí Đức. Còn nhà thờ bị bắn là nhà thờ Tin LÀnh ở đường Phạm Phú Thứ, gần Petit Lycee, cạnh đường Huỳnh Thúc Kháng. Mình mới có thêm mấy tấm ảnh của Petit Lycee, lấy từ kho tài liệu của tây thời thực dân, lúc mới hoạt động, toàn là tây đầm. Hôm nào rảnh mình sẽ bỏ lên. Dạo này mình có mấy cuốn sách cần phải đọc hết trước khi leo núi Whitney.


Xem hình trên thì thấy nhà thờ đầu tiên được thành lập do linh mục Frederic Sidot, cha xứ đầu tiên của giáo sở Đàlạt, đã cho xây thánh đường “HIC DOMUS EST DEI” ( nhà của thiên chúa). Khi ông bác sĩ Yersin tìm ra Đàlạt, và đề nghị với toàn quyền Doumer thành lập trung tâm nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đàlạt, dòng Thừa Sai của Paris (société des Missions étrangères de Paris) có gửi cha Nicolas Couveur đến Đàlạt để tìm một nơi làm trung tâm nghỉ dưỡng cho các nhà truyền giáo tại Đông Dương.
Nhà thờ đầu tiên được xây tại Đàlạt, trên đường Nhà Chung vào ấp Xuân An. Sau này bị đập phá để nới rộng trường Trí Đức. Mình có vào tường này, một lần khi có tổ chức đại hội nhạc trẻ học sinh Đà Lạt năm 1973. Nhớ là các lớp đều có 2 hay 3 tầng lầu.

Hình ảnh nhà thờ đầu tiên  “nhà của Thiên CHÚA”, sau này bị phá bỏ, xây thêm trường Trí Đức.

Hình trên cho thấy nhà thờ chính toà lúc mới xây, chưa có cái tháp chuông, khởi công ngày 19 tháng 7 năm 1931. Công trình xây cất gần 11 năm, được khánh thành vào ngày 25 tháng 1 năm 1942. Vậy là trong thời gian đại thế chiến 2. Nhà thờ được xem là nhà thứ 2 được xây tại Đà Lạt 

Có lẻ vì vậy sau này giáo phận Đàlạt xây nhà thờ chính toà mang tên Saint Nicolas Bari thường được gọi là Sinterklaas (santa Claus) ông già Noel, để nhớ đến cha cố Nicolas Couveur. Nhà thờ nằm ngay con đường Yersin mà người dân Đàlạt gọi là nhà thờ Con Gà vì có con gà được đặt trên cái đồ chỉ hướng gió thổi, không biết tiếng Việt gọi là gì, tây gọi là girouette. 

Có nhiều giả thiết về con gà, mình học bên Tây nên biết con gà trống là con vật biểu tượng cho Pháp quốc, như con ó cho người Mỹ. Nhiều người bựa đủ trò trong mấy trang du lịch để câu khách du lịch. Bên tây đa số mấy nóc nhà thờ đều có con gà trống. Mình nhớ ở trường Petit Lycee có một cái trên nóc nhà chỗ văn phòng hiệu trưởng nhưng nhỏ hơn. Khi xưa bị thầy cô phạt đứng ngoài lớp, sợ ông hiệu trưởng bò lại bợp tai nên hay ngóng về chỗ văn phòng. Chán Mớ Đời 

Người Pháp khi xưa được gọi là Gaulois, tiếng la-tinh là Gaullus, có thêm nghĩa là con gà trống. Sau cuộc cách mạng, người ta dùng con gà trống biểu hiện cho người Pháp thay cho hoa “lis”, biểu tượng cho chế độ quân chủ. Mỗi lần đội tuyển đá banh pháp giao đấu, là có màn con gà trống chạy lòng vòng ngoài sân cỏ trước khi hai đội tuyển sáp lá cà.

Xem ra nhà thờ được xây dựng đầu tiên đã bị đập phá. Nhà thờ Chính toà là nhà thờ thứ hai được xây cất tại Đàlạt, sau đó là nhà thờ Lãnh Địa Đức Bà (Domaine de Marie) ở đường Ngô Quyền và Calmette.

Nhà thờ chính toà hay nhà thờ con gà vì có con gà gắn trên thánh giá để báo hiệu hướng gió thổi.

Nhà thờ chính toà được chọn tại địa điểm này khi các hoạch định thiết kế chương trình phát triển Đàlạt được phát hoạ bởi 2 ông Ernest Hébrard và Jacques Lagisquet. Thường các nhà thờ ở Pháp quốc đều được xây dựng tại các trung tâm thành phố, hay giao thông chính. Nhà thờ chính toà nằm trên đường Yersin, đại lộ chính của khu vực người Pháp sinh sống theo các bản vẽ của các kiến trúc sư pháp. Các vùng trên đồi là dành cho người Pháp như đại lộ Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, toàn là nhà to lớn, biết thự của người Pháp.

Phía bờ hồ có con dốc từ Phạm Ngũ Lão chạy lên nối tiếp đại lộ Hùng Vương, tạo ra ngã Ba, quãng trường chỗ nhà thờ chính toà. Phía dưới đồi là dành cho người bản xứ như Phan Đình Phùng, khi xưa được gọi là đường Cầu Quẹo, và Hai BÀ Trưng, Ấp Ánh Sáng, Hà Đông,…

Mình có kể về ngôi trường học đầu tiên tại Đàlạt, là do mục sư Tin Lành thành lập để dạy dỗ con họ khi truyền đạo tại Việt Nam. Năm 1926, mục sư Herbert Jackson đến Đàlạt để xem xét tình hình để truyền giáo, mình đoán là họ nhắm vào người Mọi vì dạo ấy người Kinh chưa đến Đàlạt nhiều.

Có lần mình đến nhà truyền giáo mỹ để học đàm thụ anh ngữ ở đường Yagut, thì thấy đa số là người thượng ngồi nghe giảng. 

Có anh bạn học cũ đi dạy ở Tutra 5 năm sau 75, kể là người Mỹ đến đây truyền đạo, họ ghi viết và in lại thổ ngữ CHu-ru, buồn đời, anh ta lấy học tiếng CHu-ru. Suýt lấy vợ người CHu ru, may tìm lại mối tình đầu của anh ta nếu không ngày nay bận khố như người Chủ-ru.

Nhà thờ Tin Lành ở đường Hàm Nghi mà khi xưa mình hay nghe họ giảng đạo vào cuối tuần qua các loa phóng thanh. Hình như khi ông mục sư giảng thì học phát loa cho cả thị xã Đà Lạt nghe. Đến Noel thì thấy họ treo đèn đủ trò.

Khởi đầu họ có một cơ sở truyền giáo nhỏ ở đường Minh Mạng, ngay tiệm hủ tiếu Nam Vang. Họ ở đó và truyền đạo luôn như trường hợp mình có đến đường Yagut một lần để tập đàm thoại anh ngữ với mấy người mỹ giảng đạo Tin Lành. Hội thánh Tin Lành ra đời tại Đàlạt vào năm 1936 với 20 tín đồ. Họ xây nhà thờ Tin Lành đầu tiên tại đường Hàm Nghi vào năm 1942, sau này các hệ phái khác cũng đến Đàlạt để truyền đạo như Cơ Đốc Phục Lâm,..mình chỉ nghe đến nhưng dạo ấy không rành lắm nên chỉ nhớ mại mại có những hệ phái này. Sang Hoa Kỳ mình mới tìm hiểu thêm về đạo Tin Lành thì rối như canh hẹ. Nhiều hệ phái lắm.

Mình nhớ nhà thờ Tin Lành hay bắt loa phóng thanh giảng đạo vào cuối tuần. Nhà thờ nằm trên đồi Hàm Nghi, xem như cao nhất Đàlạt dạo ấy nên ở phía nhà mình phải nghe hết. Vào lễ giáng sinh thì thấy họ thắp đèn đầy cây trên đồi. Đẹp như sao trên trời.

Đó là những gì mình nhớ mại mại về các nhà thờ chính toà ở Đàlạt khi xưa. Có chị bạn cho biết là tước Mậu Thân, gia dình chị ta ở đường Huỳnh Thúc Kháng, sau đó thì dọn về đường Yersin, góc Bà Triệu. Mình nhớ vườn có cây thông đủ trò.

Nhà thờ tin lành nhỏ ở gần mấy ngôi nhà nghỉ mát của Shell trên đường Yersin . 

Gia đình tôi ở 11 đường Huỳnh Thúc Kháng năm Tết Mậu Thân . Bị pháo kích như điên . Khi đi ra khỏi nhà có thấy lính VC nằm chết rải rác . Sau đó thì nhà bị pháo kích xập luôn .

Con gà weathervane cũng rất phổ thông ở bên Mỹ . 


Đây là bản đồ Đàlạt trước 75 của anh bạn học Chử Nhị Anh vẽ lại.