Cha Louis Leahy của Giáo Hoàng Học Viện Đàlạt

 Sáng nay, anh của tên bạn học cũ, “tag” mình một bài về ông cha Louis Leahy khiến mình thất kinh, nhất là ông Trần Giao Thuỷ lại gửi cho một bài viết của tờ báo Nam Dương, có tấm ảnh nơi chôn cất của vị linh mục này. Mình chỉ tiếc là khi mình ghé thăm Nam Dương, dự đám cưới của con ông thị trưởng Djakarta, không biết cha ở đó để thăm. Hy vọng lần sau đến Nam Dương, sẽ tìm đến thăm ngôi mộ của cha.

Mình không thuộc dạng “nhất chúa nhì cha thứ 3 Ngô tổng thống” nhưng cuộc đời mình bị ảnh hưởng nhiều bởi mấy ông cha, về học hành hay sinh hoạt theo tinh thần kẻ thừa sai.

Trong cuộc đời, có nhiều người mình gặp, quen biết không lâu nhưng lại gây ảnh hưởng rất nhiều cho cuộc sống mình về sau. Cha Leahy là một trong 3 người mình biết ở Đàlạt, đã để lại nhiều dấu ấn, ảnh hưởng trong cuộc đời mình. Người thứ nhất là chú Nhân, hàng xóm, đi Xây Dựng Nông Thôn, kêu mình vào nhà, cho mượn mấy cuốn sách “học làm người” để đọc, đã thay đổi và giúp mình rất nhiều sau này khi ra hải ngoại, học tập kỷ năng.

Người thứ nhì là thầy Lưu Văn Nguyên đã khuyến khích mình đi du học và cuối cùng là cha Leahy.

Mình gặp cha Leahy lần đầu tại đập Đa Thiện, trong Thung Lũng Tình Yêu. Hôm ấy, mình với mấy tên bạn rủ nhau vào Thung Lũng Tình Yêu tắm, thấy một ông Tây đi ngang chào, chỉ có mình đáp lại trong khi mấy tên khác câm như hến. Thường ngày, chúng xổ tiếng tây toa toa moa moa như cái loa phường.

Có lần trong giờ Hoá Học của thầy Thạc, thằng Quang, dân Yersin qua, ở đâu ở đường Hoàng Diệu, xổ một tràn tiếng tây khiến thầy Thạc, chửi cho một trận; kêu gặp Tây thì câm như hến, còn gặp người Việt thì xổ tiếng tây để làm le. Thầy dặn học trò gặp Tây thì xổ tiếng tây còn gặp người Việt thì xổ tiếng việt. Khi ông cha Leahy chào thì mình chào lại như lời thầy Thạc căn dặn, không sợ thằng tây nào hết.

Dạo ấy mình mới tập bơi, lại thấy ông Tây bơi ra hồ rồi giơ tay như Chúa trên thánh giá, không nhúc nhích lại không chìm nên tò mò, hỏi mấy đứa bạn. Mỗi đứa đoán mò nên cuối cùng mình đợi ông Tây vào để hỏi ông ta. Hỏi chuyện thì được biết ông ta là người Gia NÃ Đại, vùng Québec nên mình xổ tiếng tây giọng nước mắm, dù sai vẫn dễ hơn là nói tiếng ăng-lê. Ông ta hỏi mình có biết Suối Vàng hay không, mình nói chỉ nghe tên nhưng chưa bao giờ đến.

Ông ta rủ đi chơi ở đó vào cuối tuần nên nhất trí. Hôm đó, mình đèo thằng Nguyên, chạy theo ông ta, chạy xe gắn máy. Thật ra mình sợ Việt Cộng ở đâu bò ra vì ít khi ra khỏi Đàlạt lắm. Xa nhất là đèo Prenn, hay Thung lũng Tình Yêu.

Tới nơi, mình và thằng Nguyên, lấy ổ bánh mì Vĩnh Chấn, bẻ đôi chia nhau ăn trong khi ông tây, lấy phô mát, bánh mì, jăm-bông đủ trò ra ăn rất thịnh soạn, trải khăn trên cỏ khiến hai thằng mơ đi du học để ăn đồ tây.

Dạo ấy, mình và thằng Nguyên muốn đi du học nên kiếm người Mỹ để thực tập nói tiếng anh nên có lần thấy họ dán quảng cáo thực hành anh ngữ ở đường Yagut nên hai thằng bò lại. Hoá ra là nhà thờ Tin LÀnh do người Mỹ truyền đạo. Vào nghe mấy bà mỹ giảng đạo khiến hai thằng chim dế bay bổng, sợ quá không dám trở lại.

Sau này mình gặp lại thằng Nguyên ở Ottawa, nó vẫn nhắc đến. Hôm ấy bà mỹ giảng về Phục Sinh, chúa Giê-Su chết đi rồi 3 ngày sau, chúa sống lại khiến hai thằng nhìn nhau chới với. Ai ngờ, sau này, nó lấy vợ theo đạo Tin Lành, muốn con nó trở thành mục sư. Kinh

Trong buổi picnic ở Suối Vàng, ông cha đề nghị mỗi tuần gặp nhau một lần để đàm thoại. 30 phút đầu anh ngữ và 30 phút sau Việt ngữ. Hai thằng đồng ý, thằng Nguyên có hôm đi, có hôm không nên sau này mình hay rủ mấy tên khác đi theo.

Gặp ông cha ở Giáo Hoàng Học Viện vào mỗi thứ tư vào lúc 2 giờ chiều. Ông ta cho mình xem mấy tờ báo Đài Loan, viết về ông ta và một ông cha khác, đạp xe đạp đi vòng quanh đảo này rồi ông kể đời sống bên Đức, đủ trò. Mình hỏi ông cha đi như vậy ở nước lạ, không sợ. Ông ta kêu không và kể những chuyến du hành và các nước đang cư trú để học và dạy học của ông ta. Sau này, mình cũng bắt chước ông ta lang thang, giang hồ khắp Âu châu, và Bắc Phi châu rồi cũng đi làm tại nhiều quốc gia khác nhau. Cũng có báo địa phương đăng hình bú xua la mua.

Ông ta dạy mình đọc sách nhanh vì lên đại học cần phải đọc sách nhiều. Rồi ông ta dạy mình tiếng đức khi không có thằng Nguyên. Ông cho biết muốn biết và hiểu rõ về triết học tây phương thì phải học đức ngữ. Mình chả hiểu gì hết cứ gật đầu u chau u chau, để ông ta dạy miễn phí. Gia đình mình có mời ông cha đến nhà ăn cơm. Dạo còn ở Đàlạt, mình có học nhật-ngữ tại trường Việt ANh, hội việt Mỹ, rồi lại theo ông cha Leahy học đức ngữ.

Di ảnh của cha Louis Leahy, giảng viên Giáo Hoàng Học Viện Đàlạt 

Mình không nhớ ông ta biết bao nhiêu ngoại ngữ, và sinh sống tại bao nhiêu nước nên sau này, mình bắt chước, học thêm sinh ngữ. Dạo ở Paris, trong tuần mình nhớ ông ta nói là biết thêm một ngoại ngữ là thêm một văn hoá nên đi học thêm tiếng ý, ai ngờ sau này lại làm việc tại Ý Đại Lợi, suýt chút nữa là nhận nơi đây làm quê hương, rồi học tiếng Tây BAn Nha. Dạo ở Thuỵ Sĩ vùng đức ngữ, mình được hãng trả tiền học thêm đức ngữ nên cứ học và học. Rốt cuộc chả ngoại ngữ nào mình thạo cả. Chán Mớ Đời 

Trong các buổi đàm thoại với ông cha, ông ta hay hỏi về văn phạm việt ngữ khiến mình như bò đội nón. Chỉ biết trả lời là quen nói như vậy. Tiếng việt cũng không thông, ông ta còn giỏi tiếng Việt hơn mình. Chán Mớ Đời. Có lần mình dẫn tên Đinh Anh Quốc đến, ra về, tên này kêu “xin phép mày cho tao chửi thề một phát; “Địt mẹ ông này giỏi quá”. Ông cha hỏi văn phạm việt ngữ khiến mấy thằng ngọng, không trả lời được.

Quen ông ta được gần 2 năm thì mình đi tây. Trước khi đi tây thì mình có giới thiệu vài người cho ông ta, để học đàm thoại. Dạo ấy, nghe ông ta kể gia đình ông ta , ở Gia NÃ Đại, vào mùa đông bay xuống FLorida ở khiến mình như ngỗng ị. Sau này sang New York thì mới hiểu là mùa đông lạnh thì bố mẹ ông ta già, hay người miền bắc mỹ, hay xuống vùng Florida, để trốn cái lạnh mùa đông. Ở Florida, có nhiều người mua Mobile Home để mùa đông, xuống đó ở 3, 6 tháng rồi mùa xuân bay về miền bắc. 

Giáo Hoàng Học Viện Đàlạt, theo mình là một công trình kiến trúc khá đặc sắc của Đàlạt khi xưa. Được xem là khá nhất Đông Nam Á trước 1975.

Mình có gú gồ về giáo hoàng học viện, đọc những tin tức về cha Leahy, có đọc bài cha viết mà ngày xưa không hiểu, thấy cha ở Nam Dương, có email nhưng không thấy hồi âm, sau này được biết cha đã qua đời. Hôm nay, đọc được bài về ông cha, đã gây ảnh hưởng khá nhiều trong cuộc đời mình, dù chỉ quen đâu gần 2 năm tại Đàlạt.

Hy vọng lần sau về Việt Nam, sẽ ghé lại Nam Dương thăm mấy người bạn, sẽ đi tìm viếng thăm ngôi mộ của cha như để cảm ơn người đã khai sáng mình về tư duy, làm giàu thêm cho kiến thức của mình cũng như có nhiều trải nghiệm về cuộc đời. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn