Người về từ New York

 Hôm qua, chân còn đau sau khi leo núi 14 tiếng đồng hồ nên ngồi nhà xem truyền hình, có anh bạn quen  từ New York, gọi hỏi đang làm gì, sẽ ghé lại nhà thăm. Đồng chí gái đi ăn với mấy người bạn để chia sẻ những bí quyết dạy chồng nên mình vui vẻ gặp lại người bạn quen từ khi mình sang Hoa Kỳ đến giờ, chỉ liên lạc qua nhắn tin về những chương trình công tác xã hội của Lửa Việt Youth Organization.

Anh bạn ngồi uống trà, kể chuyện đời xưa ở New York, cho biết tin tức mấy người bạn sinh hoạt chung khi xưa. Có anh bạn thường gửi email nói về các buổi hoà nhạc mà anh ta tham dự. Anh này học luật nhưng không đậu bằng hành nghề luật sư nên làm cho toà án, nghiệp dư đánh dương cầm.

Người thì trụ ở công ty AT&T trên 35 năm nay, chắc đợi ngày về hưu, chứng tỏ anh ta giỏi vì ở Hoa Kỳ dễ thay đổi công ăn việc làm. Người thì dọn về xứ khỉ ho cò gáy ở Maine nên mất liên lạc luôn. Anh ta nhắc đến bài viết của mình thời ấy “đơn xin cưới”, đăng trên báo của Bút NHóm Lửa Việt, gây quỹ,… dạo ấy, ở vùng Đông Bắc hiếm báo chí việt ngữ nên hàng năm cả nhóm phải làm báo xuân để cho người Việt tại đó đọc nhất là giới trẻ. Thấy ít bài nên mình chế đại ra một lá thư tỏ tình kiểu thời bao cấp, ai ngờ anh bạn lại nhớ dai thế. Hoá ra mình đã khởi đầu viết vớ vẩn từ thời ở New York, sau này lấy vợ thì chả còn đầu óc đâu mà viết véo.

 Anh ta kể sau khi bang giao với Việt Nam thì có một thành phần người Việt khác, không phải dân tỵ nạn mà là từ Việt Nam sang, rất giàu có. Mua nhà có cửa ở Manhattan ngay chớ không như người Việt tỵ nạn, phải làm lụng cả mấy năm trời. Nhóm của tụi này quen khi xưa thì lập gia đình, ly tán tứ xứ, dần dần mất liên lạc nhau.

Có 3 cô rất đẹp từ Hà Nội sang, được mỹ già lấy đem qua, cung phụng, mấy cô được họ thay phiên nhau chuyền nhau sử dụng hay anh chàng nào nổi tiếng ở Việt Nam, chuyên xài đôla,… dạo ấy có tờ Hợp Lưu, cho đăng các bài viết của các nhà văn tại Việt Nam và người Mỹ có mời một số nhà văn này sang Hoa Kỳ để giao lưu.

Anh ta cho biết có lần một nhà văn khá đình đám dạo ấy, được mời sang giao lưu. Có người nhờ anh ta chở ông nhà văn này đi đây đi đó, gặp gỡ các nhóm nhà văn mỹ và việt trong thời gian ông ta ở New York. Trong mấy ngày, anh ta đến đúng giờ, chở đi, chở về, rồi chở ra phi trường, nhờ những người bạn ở Boston đón tiếp anh này ở phi trường,…

Sau này, có lần anh ta về Việt Nam thì được nhà văn ấy mời ngụ lại nhà. Anh ta đã đặt khách sạn nhưng nhà văn ấy không chịu, bắt  buộc về nhà anh ta ở. Trong khi truyện trò, nhà văn kể sau khi đi Hoa Kỳ về thì ông ta không viết được nữa, khủng hoảng tinh thần vì những gì mục thị tại Hoa Kỳ khác với những gì thầy mình dạy.

Anh ta học ở trường, báo chí, tuyên truyền là mỹ ngụy gian ác,…nhưng tại Hoa Kỳ thì gặp người Mỹ rất lành mạnh, nhất là người Việt tỵ nạn. Điển hình là với anh bạn, trong mấy ngày ông ta quan sát để xem anh bạn mình có phạm lỗi gì như thầy mình dạy. Tuyệt nhiên không, người Việt sinh tại Hà Nội, sống lên trong chế độ cộng sản thì họ rất tinh tế, nhận ra ngay đối tượng. Đây thì không, anh bạn đối xử nhà văn như một người đồng hương thậm chí những người bạn do anh ta gửi gấm ở các thành phố khác cũng đối xử ông ta rất tốt không như thế lực thù địch mà thầy ông ta dạy.

Mình có anh bạn học nay vẫn ở Đàlạt, kể là sau 75, anh ta ra Hà Nội có việc, ông thầy dạy Vạn vật nhờ đem thư ra cho một người bạn học xưa, xa nhau từ năm 1954. Gặp anh này, ông bạn của thầy Hưởng cho biết, anh không phải là con trai miền nam vì trong đó chỉ toàn du đảng, ma cô, sì ke ma tuý do mỹ ngụy đào tạo. Gái làm điếm cho 500,000 quân mỹ,… cho thấy trí thức Hà Nội vẫn có tư duy sai vì tuyên truyền.

Con người chúng ta khá hơn các động vật khác nhờ chúng ta tạo được ngôn ngữ, nhất là có óc tưởng tượng ra những câu chuyện. Chúng ta sống nhờ các câu chuyện được truyền khẩu hay dạy trong lớp. Những câu chuyện này trở thành các ngọn hải đăng, giúp chúng ta đi trong đêm tối, lần mò đến những tương lai khác lạ.

Khi đọc Illiad và Odyssey của Homer, chúng ta cảm nhận các huyền thoại, những câu chuyện dân gian của Hy Lạp tạo dựng cho họ một loài người nữa thần nữa người thường. Những câu chuyện này được định hướng sẽ làm con người nghiên theo đó như những Fake News mà chúng ta gọi ngày nay. Tuổi trẻ hôm nay không đi nhà thờ nữa vì họ không thích những câu chuyện được kể trong kinh thánh. Những chuyện không còn phù hợp với giới trẻ hôm nay.

Giới trẻ mê đọc các truyện “dã tưởng” hoạt họa Manga của Nhật Bản, mà các phim trường Nhật Bản đang thực hiện ăn khách như trẻ em mỹ mê Superman,Spiderman. Những tôn giáo khác ra đời như bảo vệ súc vật khiến luật pháp Cali, sẽ không cho bán thịt lợn vì các nhà chăn nuôi, không cho heo đi bộ hàng ngày. Trứng gà nay toàn là Free range, gà đi bộ,..  hay những tín đồ bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống,... Có thể 100 năm sau, con cháu chúng ta sẽ trở thành các tín đồ cứu vớt các đàn cá voi, trồng cây, về với thiên nhiên,.. các con vật khác sẽ trở thành những thánh vật,..

Sau 6 tháng tắt nguồn viết, ông ta mới đổi đề tài viết. Ông ta không viết theo tư duy đã được đào tạo bởi thầy ông ta mà viết theo những gì ông ta đã giác ngộ sự sai trái của thầy mình đã dạy hay tuyên truyền của nhà nước, không đúng với thực tế. Nhiều nhà văn đã chới với khi vào Sàigòn sau 75, thấy mỹ lệ cao sang hơn Hà Nội nhưng họ chưa hiểu được người miền Nam.

Nhà văn kể cho anh bạn là anh của ông ta đi bộ đội vào chiến trường miền nam. Khi về lại Hà Nội thì đại đội hay trung đoàn chỉ còn lại hai người sống sót, không nhớ rõ, anh của ông ta và một người đồng đội bị điên vì bị bom đạn. Các binh sĩ mỹ hay bị hội chứng này sau khi trở về từ chiến trường mà người ta gọi Post-traumatic Stress Disorder (PTSD). Đọc tài liệu của Nga thì cho biết có đến 30,000 binh lính mỹ đã tự tử sau khi trở về từ Iraq.

Người anh cả đi bộ đội nên nhà văn được miễn dịch ở lại Hà Nội viết văn. Khi về thì anh cả kêu là giải ngủ, về hưu. Ông bố hỏi sao lại giải ngủ, anh cả cho biết là hết chiến tranh. Ông bố kêu ngu thế, thời bình thì mày phải ở lại quân ngủ để hưởng chiến công của mình. Thế là ông anh cả ở lại quân đội và giàu sang nhờ được làm kinh tế.

Câu chuyện này phát sinh ra đầu đề của truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn “Tướng về hưu”. Sau khi anh bạn về, mình ngồi nghĩ vớ vẩn. Anh bạn này di tản năm 75, không sống với Việt Cộng một ngày, lớn lên tại Hoa Kỳ, nên tinh thần khá cởi mở dù gia đình chống cộng từ xưa, gốc Bắc kỳ di cư nhưng không mù quáng. Khi được nhờ lo cho mấy người Việt từ Việt Nam sang thì anh ta nhận làm một cách nghiêm túc, đối xử một người Việt từ Việt Nam sang như một người đồng hương, không phân biệt chiến tuyến.

Cũng từ đó khiến nhà văn thay đổi quan điểm, sau 6 tháng tịt ngòi, ông ta bắt đầu viết và viết. Nếu anh bạn New York, cứ dùng mối căm thù với Việt Cộng thì chắc chắn sẽ không cảm hoá được nhà văn nổi tiếng trên và chúng ta sẽ không đọc được những áng văn, truyện ngắn hay của ông ta sau này. Trước khi ra đi, ông đã được huấn luyện tinh thần về chính trị để đối phó với người Việt tại hải ngoại. Trước khi đi du học, mình cũng được Nhà Du Học giảng về những Việt kiều yêu nước bên Tây.

Cư xử của anh bạn đối với một người đồng hương rất chân tình như với những người Việt khác, khiến nhà văn ngạc nhiên. Sau này ông ta gặp các người Việt khác ở hải ngoại, cũng giúp đỡ, đối xử tử tế với ông ta, không phải thế lực thù địch như nhà nước tuyên truyền nên đã phản tĩnh.

Nếu người Việt hải ngoại cư xử khác anh bạn New York, thì chắc sẽ không cảm hoá được nhà văn, ông ta sẽ nghĩ ông thầy đúng khi dạy về người thua cuộc, chắc sẽ không có những áng văn hay sau này mà toàn là những áng văn căm thù mỹ ngụy. Trong mùa dịch, hay những thiên tai, bão lụt, người Việt hải ngoại vẫn tiếp tế về cho gia đình cũng như người không quen.

Còm trên facebook

Đọc câu chuyện của anh Sony NguyenUsa làm em nhớ tới hai thằng em trai lúc tụi nó học cấp một , lớp bốn sau năm 1975 , có một buổi trưa tụi nó đi học về thì mặt mày xanh như đít nhái , hớt hải chạy xuống nhà bếp nói với mẹ em rằng : mẹ ..mẹ ... Mỹ , Nguỵ ăn thịt người .....!! 

Thì ra buổi đó tụi nó học bài tập đọc ở trường dạy bài Mỹ Nguỵ giết thường dân rồi mổ bụng lấy bộ đồ lòng bỏ vô chảo nấu lên ăn ...!! Hai thằng em học bài học đó , tụi nó sợ mất vía , sợ và căm thù giặc Mỹ ,,., nhưng giờ tụi nó lớn rồi , trưởng thành và có nhận thức đúng đắn của lập trường cách mạng , quán triệt để nên tụi nó biết tụi nó bé cái lầm , bị cộng sản nhồi sọ , lừa, nhát ma mấy đứa con nít ..!! Ngược lại , bây giờ tụi nó thấy cộng sản hút máu người là có thiệt ...


Nguyễn Hoàng Sơn