Gánh chồng

 Có mấy người bạn rủ đi du thuyền bên Âu châu năm tới nhưng thời gian quá xa nên đồng chí gái không xin phép nghỉ hè được nhất là vợ chồng mình mới đi Đông Âu về, đã viếng khá nhiều các thành phố của chương trình du thuyền sẽ ghé. Tại Đức quốc, ai viếng xứ này nên đem chồng đến Weinberg, Wuertemberg để giáo huấn chồng không nên về Việt Nam kiếm chân dài. Lý do là khi gặp hiểm nguy, người đàn ông chỉ mong đợi ở người bạn đời của mình chớ không phải các em chân dài tới nách.

Chuyện kể vào thế kỷ 12, khi các vua chúa đánh nhau tại Đức quốc, để tranh dành ảnh hưởng hay chiếm đất đai. Thời đó, ai có đất đai nhiều thì giàu có. Thời đại canh nông nên cho các tá điền mướn đất canh tác, thu thuế. Giới quý tộc chỉ ngồi ăn và dê gái hay trai. Mình đang đọc cuốn sách của một giáo sư Tây, Thomas Piketty về lịch sử kinh tế tây phương. Hôm nào xong sẽ kể, khá hay về lịch sử, lý do nào người giàu cứ giàu mãi và người sinh trong một gia đình nghèo được xem bị kết án tử, vì chỉ làm công, đúng hơn làm nô lệ cho giới quý tộc thêm trung bình người dân nghèo thiếu ăn sống đến 17 tuổi. Nạn chết đói giảm tại âu châu từ khi Kha Luân Bố tìm ra mỹ châu, đem về các giống khoai tây, bắp để trồng, ăn thay lúa mì nếu bị thất mùa.

Ở thế kỷ 19, có một trường hợp khá đặc biệt ở Anh Quốc. Có một ông nông dân cứu con ông bá tước thoát bị chết đuối, mừng quá ông chủ cho ông này một số tiền nhưng ông ta không nhận. Cuối cùng ông chủ bảo sẽ nuôi thằng con ông nông dân ăn học. Người con ông nông dân sau này khám phá ra thuốc trụ sinh, Penicillin: Alexander Fleming còn con ông chủ trở thành thủ tướng Anh Quốc; Winston Churchill. Có thể là huyền thoại nhưng đọc thấy có chút nhân văn.

Trở lại chuyện lâu đài Weinsberg, trong thời kỳ chiến tranh giữa Guilherme và Ghibelline khi ông vua Konrad III bao vây lâu đài của bá tước của Welf (1140). Qua sự thương lượng với phụ nữ trong thành, ông vua thống nhất với mấy bà là họ đồng ý đầu hàng và có quyền mang theo một thứ quý giá của họ. 

Khi họ mở cổng thành, mấy bà này cõng chồng ra khỏi vòng vây của binh lính của vua đang chuẩn bị cho cuộc tàn sát. Thường xưa, khi họ đã chiếm thành thì giết hết đàn ông để trừ hậu hoạn và lấy phụ nữ tại địa phương để sinh ra con. Con thì sẽ không bao giờ trả thù cha mình và trừ tuyệt giống khác. Tương tự như Taliban đang làm, lấy phụ nữ của Kabul là trừ hậu hoạn. Mình có xem một đoạn video Taliban xử tử các người lính Kabul. Kinh hoàng.

Lâu đài Weisberg ngày nay

Ông vua Konrad III chới với khi thấy mấy bà vợ cõng chồng ra khỏi lâu đài, thay vì tiền bạc châu báu. Binh lính la hét nhưng vua Konrad III kêu ta là vua, đã hứa thì phải giữ lời hứa. Từ đó lâu đài này trở thành huyên thoại, và được hậu thế đặt tên là Weibertrue , “lòng chung thuỷ của phụ nữ”. Nay đi viếng thì chỉ còn vài bức tường đổ nát. 

Đó là tư duy ngày xưa, khi người đàn ông giàu có, có quyền lấy nhiều vợ nhưng lúc hiểm nguy, người vợ vẫn chung thuỷ với chồng. Ngày nay, có lẻ phụ nữ sẽ đem con chó của mình theo hay cái điện thoại thông minh, chụp hình chồng đang bị xử tử, tải lên mạng câu Like.

Phụ nữ thành Weisberg cõng chồng ra khỏi vòng vây

Chúng ta có thể đặt nhiều câu hỏi, lý do nào phụ nữ xưa, trước hiểm nguy vẫn lo cho tính mạng của chồng. Theo mình có mấy vấn đề là họ đoàn kết, có ông chồng đối xử tốt với vợ, có ông chồng đối xử tệ bạc với vợ nhưng họ nhất quyết cõng chồng ra để cứu người chồng dù có vô ơn. Trong thời gian sau 75, nhiều bà vợ vẫn đi thăm nuôi chồng dù trước đó mấy ông có mèo chuột, vợ bé,… đặc biệt là mấy bà vợ bé không bao giờ đi thăm nuôi chồng.

Có lẻ thời xưa, thời đại trung cỗ tại âu châu, phụ nữ quan niệm lấy chồng thì theo chồng, bổn phận của họ là giúp gia đình chồng, sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Cũng có thể cứu thằng chồng mình biết còn hơn bị mấy thằng lính khác hiếp dâm rồi bắt làm hộ lý đến khi chết.

Nhìn tấm ảnh trên khiến mình nghĩ đến các bà vợ Việt Nam khi xưa, trong thời bao cấp sau 75, làm lụng kiếm tiền để hàng tháng hay lâu lâu đi thăm nuôi chồng trong trại cải tạo. Nghe kể nhiều người băng rừng vượt suối ra tới bắc để thăm nuôi chồng. Nếu không có những người vợ can đảm, chung thuỷ thì có lẻ hàng triệu người quân cán chính của miền nam đã bỏ mạng trong trại cải tạo hết.

Sau 75, Việt Cộng kêu mấy người lính hay công chức quèn đi học tập mấy ngày rồi thả ra, cho về. Sau đó họ kêu đến các cấp uý và tá, tướng và công chức cao cấp hơn. Mấy người này thấy lính tráng trở về sau mấy ngày nên tin tưởng, leo lên xe và đi mút mùa lệ thuỷ, không có con số thống kê nào cho biết số người chết tại trại cải tạo và chúng ta sẽ không bao giờ biết ngoại trừ các gia đình có cha chồng chết mất xác.

Ông cụ mình bị nhốt tại trại Đại Bình, gần Đại Ninh, trên đường từ Đàlạt về Phan Thiết nên bà cụ được đi thăm nuôi mỗi tháng suốt 15 năm trời. Nghe kể là không có xe, bà cụ phải đi thuê bao xe tải, chạy bằng than với mấy bà có chồng con bị tù cải tạo. Sáng sớm 3-4 giờ sáng đã phải dậy đi đón xe, xin giấy đi đường kêu đi buôn hay chi đó mới có thể đem gạo lương thực ra khỏi Đàlạt, mang vào cho chồng con.

Cứ tưởng tượng hình ảnh mẹ mình và mấy bà vợ khác, ơi ới ở bến xe để gánh gồng theo vào buổi sáng tinh sương gió lạnh của Đàlạt. Cậu mình đi tù cải tạo mấy năm được về, kể là khi đi thăm nuôi ba mày, cậu gánh dùm cho mẹ mày mà đồ nặng trong khi ba mày được ra cổng rồi gánh đi phoong phoong. Trong một lần đi thăm nuôi mẹ mình bị ngã, gãy xương hông, đau nhức lắm nhưng mỗi tháng vẫn phải cố lết đi thăm nuôi chồng. Không có mẹ mình thì có lẻ ông cụ đã bỏ xác trong trại. Sau này bà cụ cho quản giáo tiền để khỏi phải lao động và họ cho về sớm trước 3 năm thay vì 18 năm.

Em xin đặt câu hỏi cho các bác. Trong trường hợp bị bao vây, các bác được khoan hồng, cho phép đem đồ quý giá của mình ra khỏi thành. Các bác sẽ đem cái gì ra? Thằng chồng, con vợ, con chó hay iPhone,… Chán Mớ Đời 

Gánh vợ (bài hát mình rất thích, đổi lại gánh vợ để cảm ơn đồng chí gái)

Cho Anh 

gánh vợ một lần 

Vợ ơi sóng biển dạt dào

Anh sao gánh hết 

Công lao một đời.


Nguyễn Hoàng Sơn