Thế vận hội 2020 #2

Mới xem xong bơi đua chung kết tiếp sức Medley (nữa, nhái, bướm và tự do) nam, đội tuyển Hoa Kỳ phá kỷ lục thế giới. Hôm qua tưởng bị rớt đài vì có mấy vận động viên chính không bơi, để 2 người khác bơi thế, về thứ 8 trong số 8 đội vào chung kết. Hú hồn. Môn này là Hoa Kỳ luôn luôn được xem là môn chính của họ từ mấy chục năm nay. Đây chỉ là tuần lễ đầu tiên của thế vận hội, còn 2 tuần nữa.

Khi bơi vòng loại, đa số các nước có tay bơi giỏi nhưng vì mỗi môn chỉ được tuyển có 2 người nên người về thứ 3, 4, được làm lực sĩ trừ bị cho bộ môn tiếp sức, bơi dùm cho các tay bơi chính, bận thi đấu ở các môn cá nhân. Do đó bơi vòng loại, thường người ta để các tay bơi thứ 3 hay 4 bơi. Khi vào bán kết hay chung kết thì mới để tay bơi nhanh nhất bơi đua. Do đó khi phát huy chương đồng đội thì các người bơi trừ bị cũng được nhận huy chương nhưng không được lên bục nhận lãnh. Lý do đó mà tay bơi Hoa Kỳ Caeleb Dressel đã thảy huy chương cho đồng đội, đang ngồi trên khán đài, đã bơi thế anh ta trong các vòng loại. Anh ta kêu bạn đồng đội xứng đáng đã nhận huy chương này hơn. Đó là sự cảm ơn những người đã giúp mình thành công.

Kình ngư mới của Hoa Kỳ, thay thế Michael Phepls, Caeleb Dressel

Khi xưa ở Đàlạt, mình có xem phim thế vận hội Mễ Tây Cơ 1968 ở rạp Ngọc Lan, có một hình ảnh khó quên đó là lực sĩ xứ Ethiopia thì phải, chạy môn Marathon, bị thương hay sao nhưng vẫn lết lết về tới đích sau người về đầu mấy tiếng đồng hồ. Hình ảnh đó nói lên sự phấn đấu không bỏ cuộc trong cuộc đời dù là thể thao hay giấc mơ của chúng ta.

Ngày nay thì dân xứ này chạy bộ đường trường khắp thế giới. Có dạo có ông chạy chân không. Kinh

Có nữ lực sĩ gia nã đại tên Maggie MacNeil, đoạt huy chương vàng về môn 100 mét bướm cho Gia NÃ Đại nhưng trên mạng Internet của Trung Cộng, thiên hạ kêu hãnh diện quá Trung Cộng ơi. Lý do là cô này  sinh ra tại Trung Cộng, bố mẹ đã cho một gia đình Gia NÃ Đại nhận làm con nuôi. Mình có xem một phim tài liệu, một cô người Mỹ gốc tàu được một gia đình mỹ nhận làm con nuôi. Lớn lên cô ta về Trung Cộng để làm cuốn phim thì khám phá ra cán bộ bắt phạt gia đình sinh nhiều con, đem con gái người ta bỏ để bán cho người ngoại quốc làm con nuôi. Có một kỹ nghệ khá rộng trong giới cán bộ cộng sản kiếm tiền nhờ chính sách này,.. nay họ lại ho phép 3 con vì không có ai đi lao động để nuôi người già ngày nay.

Cô kình ngư Gia NÃ đại tuyên bố, chả dính dáng gì đến Trung Cộng, chỉ là nơi cô ta sinh ra, cô ta là người Gia NÃ đại. : "Tôi sinh ra ở Trung Quốc và được nhận nuôi khi còn rất nhỏ. Đó là tất cả những gì liên quan tới gốc gác Trung Quốc của tôi. Tôi là người Canada và tôi luôn là người Canada bởi vậy Trung Quốc chỉ là một phần rất nhỏ trong hành trình của tôi ngày hôm nay. Gốc gác ấy càng không liên quan khi nói tới bơi lội"Xong om. Dân tàu lên án cô ta đủ trò. Chán Mớ Đời 

Có chuyện khác về lực sĩ đổi quốc gia. Lực sĩ về môn nhu đạo tên Saeid Mollaei đoạt huy chương bạc nhưng lại lên tiếng cổ vũ kẻ thù của quê hương nơi anh ta sinh ra. Lý do là anh ta thi đấu cho Ba-Tư trước đây nhưng khi đụng đối thủ là người Do Thái thì chính phủ Ba-Tư bắt anh ta thua, không thi đấu nên trốn ở lại âu châu, xin tỵ nạn ở Đức quốc và xin đấu và nhập quốc tịch cho xứ Mông Cổ. Chán Mớ Đời 

Cho thấy thể thao không dính dáng gì đến chính trị, có lẻ vì vậy mà chính phủ Ba-tư cho đội bóng rổ tranh tài với đội Hoa Kỳ về môn bóng rổ.

Có vụ chạy đua, có hai lực sĩ tên Isaiah Jewett và Nijel Amos vấp té vào nhau, lăn xuống đất. Thay vì chửi bới nhau vì họ đã tập luyện bao nhiêu năm nhưng thấy hai ông thần này, giúp nhau đứng dậy rồi chạy về mức dù biết là đã thua, đã thể hiện tinh thần đúng nghĩa thể thao.


Hôm qua xem nhảy cao khiến mình thất kinh vì từ khi sang Hoa Kỳ lập nghiệp, mình không để ý đến môn này vì năm 1968, nếu mình không lầm có một lực sĩ tàu nhảy cao hơn 2 mét khiến thiên hạ vỗ tay đủ trò. Mình đoán là do tên này học khinh công như Kim Dung tả. Nay họ nhảy cao đến 2.37 mét. Có 2 lực sĩ người Quatar và Ý Đại Lợi, nhất trí là chia huy chương vàng vì không ai nhảy quá 2.39 mét. Nếu muốn ăn thua đủ thì phải nhảy tiếp. Do đó cả hai ôm nhau, lăn đùng nhau ra khóc, ôm cờ quốc gia mình chạy lòng vòng. Chỉ tiếc là không có khán giả nên hơi chán như con gián.

Thế vận động Đông Kinh năm nay te tua, Nhật Bản lỗ không biết bao nhiêu tiền, bỏ ra mấy tỷ đồng mà không thu hoạch lại được vì du khách không được đi thăm viếng. Năm 2019, vào tháng 4, mình viếng xứ này với bà cụ, đẹp biết bao nhiêu với hoa anh đào. Các khách sạn đã chuẩn bị hết cho năm sau thì ông thần vi khuẩn vũ Hán bò lại khiến cả thế giới chới với.

Trước đây xem thế vận hội thì chỉ thấy các nước âu châu, Liên Sô và Hoa Kỳ, Trung Cộng,…đoạt huy chương nhưng ngày nay thì thấy các nước nhỏ bé cũng đoạt được huy chương như trường hợp xứ San Marino mà mình có dịp thăm viếng khi xưa. Xứ này chưa có đến 24,000 công dân mà đoạt huy chương trong khi nhiều nước có trên 100 triệu, chả thấy gì cả.

Có nữ lực sĩ của Venezuela đoạt huy chương vàng về môn nhảy xa, lại còn phá kỷ lục thế giới với 15.67 mét. Lại chuyện quần áo, các tuyển thủ nữ Phần Lan bị phạt vì tội bận quần đùi thay vì quần tắm. Chán Mớ Đời 

Lại có chuyện xin tỵ nạn chính trị. Có nữ lực sĩ điền kinh của xứ Belarus, bị đem ra phi trường vì viết trên Instagram, sự bất bình của cô ta về trưởng đoàn nên bị bắt bỏ thi đấu, đuổi cổ về nước nhưng tại phi trường cô này xin tỵ nạn chính trị và có mấy nước âu châu cho biết sẽ nhận cô ta. Hình như Ba-Lan sẽ nhận cô ta.


Hình ảnh đẹp nhất là nữ lực sĩ điền kinh Hoà Lan, tên Sifan Hassan, đang chạy đua thì bị té nhưng gượng dậy rồi chạy như con ngựa, về nhất. Hy vọng cô ta sẽ đoạt huy chương ở chung kết. Kinh

Cứ 4 năm mình lại xem những môn thể thao mà khi xưa từng có chơi qua truyền hình. Năm nay có cái hay là xem trên mấy cái app của NBC nên có thể chọn bộ môn mình thích thay vì phải ngồi đợi xem tùm lum thứ. Tránh xem quảng cáo vì thời lúc họ ngưng để quảng cáo thì màn ảnh ngưng, không thấy quảng cáo, có thể mở iPad kể chuyện thế vận hội. (Còn tiếp)

Nhs