Gặp người đồng hương Đàlạt

Hôm nay trên đường về nhà, mình ghé lại thăm gia đình một chị đồng hương Đàlạt. Mình quen chị ta qua bờ lốc của mình. Chị đọc bài về Đàlạt rồi liên lạc với mình, tặng đồng chí gái bánh bột lọc, giò sống do người Huế chính gốc làm. Hôm nay được chị ta cho ăn lần đầu tiên trong đời món chả gà, thường thì giò lụa làm bằng thịt heo, đây chị làm chả bằng thịt gà. Ngon cực đỉnh. Ăn loại này ngon hơn ăn giò chả làm bằng thịt heo. 

Tình đồng hương Đàlạt rất quý, mình không quen trước đây nhưng chị ta lại bỏ công để làm các món ăn Đàlạt xưa cho gia đình mình.

Nói tới giò chả lại nhớ đến giò chả An-Lộc và Mỹ-Hương Đàlạt xưa. Một nằm ở đường Phan Đình Phùng, đối diện tiệm sách Minh Thu và một nằm dưới cầu thang chợ Đàlạt. Hình như mấy người này thuộc làng Ước Lễ thì phải, nổi tiếng về món giò.

Chị cho biết gia đình khi xưa ở gần trường Trần Hưng Đạo, thời tây gọi là Cité Decoux, tên của ông toàn quyền thực dân, mình có tên bạn ở đâu khu này, dành cho các thầy giáo Trần Hưng Đạo. Học sinh Bùi Thị Xuân trên cô em mình một lớp, có người chị làm dâu nhà ông Đại ở xóm Địa Dư, đường Hai BÀ Trưng gần nhà mình nên khi nghe mình kể vườn Ông Ba Đà là chị nhớ vì thường hay đi ngang qua con đường mòn này, đến thăm chị lấy chồng xa. Chị là bạn học với một chị khác, có liên lạc qua Phây, gia đình có tiệm cà phê Tình Nhớ, trên đường Hàm Nghi. Mình tưởng chỉ có con trai Đàlạt mới mê Bích Thuỷ, CBMT, đối tượng thời mới lớn của mình, ai ngờ chị này cũng kêu khi xưa hay đi ngang nhà CMBT để ngắm cô nàng, kêu mê nhất là cái bớt đỏ. Kinh

Có ai nhận ra cô gái này? Con bà bán hoa, cạnh cầu thang, gần khu bán guốc. Nếu còn sống chắc cũng 60 tuổi.

Gia đình chị được gia đình chồng bảo lãnh sang. Học làm nail nhưng đậu xong thì không ai mướn vì chưa có tay nghề, sau nhờ đồng hương Đàlạt nhận rồi chỉ nghề cho. Người Đàlạt giúp đỡ đồng hương ở hải ngoại. Dạo mới sang Cali, mình cũng được người Đàlạt cho tạm trú trong khi đi kiếm nhà mướn. Không dám chạy xe trên xa lộ nên trong tuần ở gần chỗ làm rồi cuối tuần thì chồng hay con đón về nhà.

Qua chị mình thấy hình ảnh người mẹ Việt Nam, hy sinh đời mẹ củng cố đời con. Hai cô con gái chịu khó học, một cô học ở UCLA, cuối tuần về thăm mẹ còn cô em thì chắc gần xong đại học. Đi làm xa, vất vả hít thở các mùi chất hoá học để nuôi con ăn học. Nghề nail ở Hoa Kỳ nuôi ăn học nhiều bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỹ sư người Việt.

Trên đường về, mình nhớ đến bà cụ, hình ảnh người mẹ trùng khơi, một đời hy sinh cho con, tận tuỵ lo cho chồng. “Con đi đâu, con về đâu, cuộc đời của mẹ là câu trả lời”. Mình gọi cho một bác, bạn thân của bà cụ, hẹn ngày mai ghé thăm, hai vợ chồng bác di dân sang đây cùng thời với mẹ mình nhưng bà cụ lại bỏ về Việt Nam. Hai bác cũng chán đời cấm cung người già tại Hoa Kỳ nên cũng muốn về lại Đàlạt. Đại dịch nên hai bác kẹt lại đây.

Sáng nay, mình ghé thăm hai bác thấy vui vẻ. Bác trai không đòi về Việt Nam nữa, lý do có quen vài ông bạn H.O. Cà phê cà pháo với nhau mỗi ngày cũng quên tuổi già. Mấy lần trước, nói chuyện với chị con dâu, kêu ba chồng em cứ đòi về Việt Nam hoài. Nghe hai bác kể con cái ở hải ngoại mà buồn, có bạn của bác trai kể nhờ con chở đi quán cà phê, mỗi ngày để gặp người Việt, tán gẫu cho qua ngày cuộc đời tỵ nạn, con bảo trả cho chúng $150 tiền xăng mỗi tháng. $5 đồng tiền xăng mỗi ngày, trung bình một gallon xăng (4 lít) chạy được $28 dặm. Chán Mớ Đời 

Ở Hoa Kỳ mà không biết lái xe xem như què, không biết anh ngữ xem như câm. Đi đâu phải nhờ con, khi chúng rảnh mới chở đi, chớ đâu biết sử dụng Uber. Do đó mình không bảo lãnh ông bà cụ sang, đi du lịch sang ở chán thì về, khi nào nhớ cháu thì sang lại vài tháng. Lần đầu tiên, ông bà cụ sang, mình ở ngay Bolsa nên ông bà cụ thích lắm, ngày ngày ra mua báo ở chợ Quang Mình, uống cà phê đi dạo ra PHước Lộc Thọ, ở cả năm, lần thứ nhì sang thì mình dọn đi xa Bolsa độ 20 phút lái xe, bà cụ Chán Mớ Đời ở có vài tháng là đòi về.

Tuần này, mình có ra Bolsa để gửi thuốc bổ về cho mẹ. Khi xưa, mỗi tháng, thời sinh viên đi làm bồi nhà hàng cuối tuần để mua quà gửi về cho nhà, hay khóc khi nghe bản nhạc “chút quà cho quê hương” của Việt Dũng. Nhớ nhà nhớ cha trong trại cải tạo, sau này có vợ thì hết nhớ. Vui duyên mới quên nghĩa vụ. Về nhà, gửi giấy chứng nhận gửi quà cho cô em, hỏi sao không có sữa và dầu xanh, phải chạy ra gửi tiếp. Đại dịch nên hàng về Việt Nam chậm hơn, sẽ đến 2 tuần.

Ra Bolsa mới biết người Việt gửi về Việt Nam thuốc bổ sung như sinh tố C, Zinc, D, không biết ai nói là uống 3 thứ này là chống cô-vi. Chán Mớ Đời  Vào Costco thì thấy người á đông mua hết các sinh tố và chất bổ sung. Hóa ra họ mua để gửi về cho cho quê hương để giúp gia đình qua cơn đại dịch.

Đại dịch ở Hoa Kỳ, các hộ nghèo, có thể đến các trung tâm phân phát thức ăn. Ông Larry có 10 cái nhà và $800,000 tiền tươi trong tài khoản, buồn đời, không có gì làm cũng xếp hàng trong xe, đợi đến phiên mình để mang một thùng thức ăn về gồm thịt cá, trái cây, rau quả 2 ngày mỗi tuần. Rồi cái nào không dùng thì lại đem cho cô tiếp viên ở nhà hàng.

Khi xưa thời bao cấp, mỗi tháng phải gửi quà cho quê hương nhưng sau này, mấy người em chê quần áo không đúng mô-đen, bú xua la mua, kêu là Việt Nam cái gì cũng có, cứ gửi tiền về để nhà tự mua theo ý của nhà. 

Hôm trước, ngày Từ Phụ, hai đứa con dẫn đi ăn ở tiệm Ý, ngay biển Laguna Beach. Lần đầu tiên được chúng trả tiền, mình cảm thấy vui vui nên nghĩ mẹ mình chắc cũng vui khi nhận quà cho quê hương của mình nên ra Bolsa gửi lại, dù tiền cước $40/ 10 cân Anh, cộng thuế. Ra chỗ gửi quà, lần đầu đem dầu gió và sữa Ensure khiến họ không vui vì họ có bán giá cao hơn đâu 20%, lần sau mình mua của họ cho khoẻ, khỏi mất công vào Costco, mặt họ vui ra mặt, tới tay nhà cho nhanh thay vì đợi có chuyến về Đàlạt. 

Gửi quà xong thì cứ tưởng tượng mẹ mình nhận được chắc sẽ vui lắm như mình được mấy đứa con mời đi ăn cơm Ý Đại Lợi. Tại sao mình không nghĩ đến điều đó trước đây. Cứ nghĩ gửi tiền là xong bổn phận. Thôi kệ mỗi lần gửi quà, tốn thêm $100 tiền cước phí và thuế nhưng mua được nụ cười của mẹ, mình may mắn còn mẹ để làm những việc nhỏ nhoi này hơn những người không còn mẹ.

Hôm qua nhà đã nhận được quà trước giờ G. Viết chưa xong nhà đã nhận quà.

Nhớ trước khi đi tây, mẹ mua cho cái lắc bằng vàng, bảo sang Tây đói, thì đem cây vàng ra bán để mua bánh mì gặm, bên tây họ xem bánh mì là lương thực. Sau này, mình nhờ cậu Tri, con ông bà Tiềm đem về cho mẹ, để nuôi mấy em, khiến mẹ khóc trong thư.

Mình rời Đàlạt trên 47 năm nhưng hình ảnh của mẹ không bao giờ phai trong tâm trí, một người lam lũ buôn bán, lúc nào cũng có bầu, biểu tượng cho chữ “Hảo”. Mẹ mình có thai đúng 14 lần, sinh ra được 11 người con. Vừa ở cử 30 ngày, lại nghe tin có bầu nữa. Cứ thấy mẹ nằm chiếu, có lò than, thoa nghệ và gừng thêm long não rồi lại vác trống chầu đi chợ, lội bộ từ đường Hai Bà Trưng ra chợ qua dốc Nhà Làng, Minh Mạng.

Hai cô mụ Thanh và Tuý của nhà bảo sanh Hiền Chi, ở đường Phan Đình Phùng kể; mẹ mày nói có làm chi mô, vừa ở cử xong là ba mày chích một phát là dính bầu ngay. Hai cô mụ Đàlạt xưa đều qua đời tại đất mỹ. 

Cuối tuần mình và cô em kế ra dọn hàng cho mẹ mình để mẹ ngủ lâu hơn một tí để tránh xẩy thai. Mẹ mình bị xảy thai 3 lần, cũng vì khiêng nặng. Sau này biết lái xe gắn máy, mình chở mẹ đi chợ và đón về vì ôm cái bầu đi lên dốc Mình Mạng hay cầu thang chợ cũng châm. Nhờ vậy, có chuyện gì mẹ mình đều kể cho mình, ngày nay vẫn thích kể chuyện đời xưa với mình. Mấy người em thì còn nhỏ trước 75 nên khi mẹ kể chuyện là như bò đội nón.

Lâu lâu, gặp lại đồng hương Đàlạt, lại nhớ về quê cũ. “Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại, Đàlạt ơi thôi hết những chiều mưa,…”

Nguyễn Hoàng Sơn