Con là nợ?

 Hồi nhỏ, hóng chuyện người lớn, nghe họ than con là nợ, vợ là oan gia nên không hiểu lắm. Vì sao là nợ, là oan gia. Mẹ mình có đến 11 người con, có 11 nợ còn ông cụ mình có bao nhiêu oan gia? Chán Mớ Đời

Sau này lập gia đình, đồng chí gái sản xuất được hai đứa con rồi kêu nghỉ, đủ chỉ tiêu dù mình muốn làm thêm một trự hay hai vì quen gia đình đông con từ bé. Thêm người thêm của nhưng đồng chí gái sinh hai lần, bể nước ối đến 22 tiếng mà mấy đứa con, thuộc dòng phản động, do thế lực thù địch tư sản mỹ xúi dục, không chịu bò ra, bác sĩ phải kêu lên bàn mỗ nên không dám đòi thêm.

Nuôi con mới thấm sự hy sinh của mẹ mình. Tháng trước, gia đình cô em ở Philadelphia sang thăm, hai anh em ngồi nói chuyện về mẹ thì chỉ biết phục lăn bà cụ. Bố mình đi cải tạo, mẹ mình nuôi được 11 đứa con trong khi mình chỉ có 2 đứa đã than với thở. Nhất là sau 75, ông cụ mình đi cải tạo 15 năm, hàng xóm CM30 tố lên tố xuống mà vẫn nuôi 10 đứa con. Ngày đi buôn đi bán, tối về lo cơm nước cho con rồi phải đi họp tổ khu phố, học tập cách mạng chi đó, để nuôi con thành cháu ngoan của bác, học trò giỏi của thầy rồi không được học đại học, vì lý lịch trích dọc, khuyên chồng hoc tập tốt ở tù để được cách mạng khoan hồng. Mình đoán mẹ chỉ ngủ đâu vài tiếng một đêm.

Hôm qua, nói chuyện với bà cụ qua Facebook, nay đã 89 tuổi mà đọc sách không cần kính. Mỗi ngày phải đi bộ trong sân vì Đàlạt bị phong toả. Thấy thương, cô em hỏi có nên cho mẹ tiêm chủng ngừa cô-vi thì mình nói hai mũi. Covid-19 nay lại biến hoá nên không lường được. Cô em dặn mua thêm sinh tố và chất bổ sung vì hết rồi. Hôm nay ra Bôn Sa lên đài truyền hình, nói về chương trình hỗ trợ cho người thuê nhà, được chính phủ giúp đỡ, sẽ ghé gửi chút quà cho quê hương về cho mẹ.

Mình không nghĩ có con là nợ, mà là may mắn, người Việt thường nói “cha mẹ sinh con trời sinh tánh”. Sinh con ra, thấy chúng không bị tật nguyền là một cái may mắn, mình có vài người bạn, con bị khùng khùng nhưng họ vẫn phải chăm lo. Lớn lên, chúng chịu khó học hành, không lêu lổng là đại phúc cho mình nên không đòi hỏi gì thêm.

Đồng chí gái hay kể cô bạn nào có con học ra bác sĩ, ra tiến sĩ bú xua la mua, mình thì không quan tâm lắm. Mình chỉ mong con mình làm business, khởi nghiệp, làm việc cho chúng. Mình quan niệm đi làm cho chủ để giúp họ giàu có thêm hay sạt nghiệp. Làm cho mình thì vui hơn, có ít ăn ít, có nhiều cũng ăn ít.

Chúng muốn học gì thì cứ để chúng học, nếu không có đam mê thì chúng sẽ không thích và sẽ Chán Mớ Đời. Đồng chí gái và mình có 2 đứa con, một trai một gái. Theo mình nhận xét thì cá tính con gái giống mình hơn, con trai thì giống mẹ, muốn có một cuộc sống bình an, cầu toàn. Khi đọc tiểu luận con gái viết để nộp đơn xin vào đại học, mình thất kinh vì nó muốn sống cuộc đời như bố nó. Kinh 

Nó học về môn thương mại thế giới (world business), một môn mới của đại học USC dù được nhận vào khoa kỹ sư điện tử ở UCSD. Chương trình được hai đại học nổi tiếng khác đồng hành; Bocconi, trường đại học kinh tế nổi tiếng nhất của Ý Đại Lợi, và trường đại học khoa học Hương Cảng. Chương trình gồm có 4 năm, năm đầu thì tất cả sinh viên của 3 trường đều phải học tại USC, rồi năm thứ 2, học tại Hương Cảng, năm thứ 3, học tại Milano của Ý Đại Lợi. Năm cuối thì muốn về trường mẹ hay trường nào cũng được. Tốt nghiệp thì nhận 3 bằng của 3 trường. Con gái theo tiêu chuẩn mua một tặng hai.

Trong 4 năm, nó học tại 3 nước, viếng thăm và đi thực tế rất nhiều nước, đâu 14 quốc gia, khiến mình phải trả tiền mệt thở. Năm đầu, đi thực tế ở xứ Ba-Tây, năm thứ 2 thì ở Hương Cảng, nó viếng thăm, Nam Dương, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Cộng, Phi Luật Tân, rồi đi làm hè ở Thái Lan. Công ty ở Thái hỏi nó muốn làm ở Thái thì họ nhận luôn khi ra trường. Năm thứ 3 thì ở Ý Đại Lợi, cuối tuần đi viếng các thành phố khác như dạo mình ở Ý Đại Lợi, cuối tuần, vác ba lô đi vẽ các nơi khác.. Lâu lâu, nó nhắn tin đi BUdapest, Barcelona, Paris, Munich, Hè đi làm cho khách sạn Hilton ở Maui, Hạ Uy Di, rồi Hilton mướn nó, lương cao sau khi tốt nghiệp … năm thứ 4 thì về Hương Cảng học vì nó thích không khí ở đây nhưng được mấy tháng vì cô-vi nên phải chạy về mỹ, học qua mạng, ra trường. Hilton vì Covid nên chấm dứt hợp đồng với nó. Kinh

Nó nhảy qua kiếm được việc làm cho một công ty khởi nghiệp, làm nghề Sale. Mình không biết nó học nghề buôn bán từ đâu mà làm việc ở nhà, chỉ thấy nó gọi điện thoại ào ào cả ngày từ 6 giờ sáng. Có lẻ nó thừa hưởng được tài ăn nói của bà nội. Nó phá chỉ tiêu hàng tháng, được bonus bú xua la mua, công ty gửi nó Hoa Thịnh Đốn để nhận giải chi đó và gặp khách hàng. Có khách hàng bay từ xa đến với mục đích để gặp nó. Sau đó, nó đi một vòng lên Boston và New York 3 tuần lễ, vẫn làm việc hằng ngày. Về lại Cali, nó tuyên bố tháng 9 này sẽ dọn qua New yOrk ở khiến mẹ nó chới với. Mình đến New York năm 30 tuổi, 36 tuổi mới dừng bước giang hồ nên chắc con gái còn lâu mới lập gia đình.

Khi xưa mình làm việc ở Paris,  Ý Đại Lợi, rồi Thuỵ Sĩ, Lausanne, Zurich, Basel, Geneva, qua Anh Quốc, đến New YOrk, rồi gặp đồng chí gái nên dừng bước giang hồ tại Cali. Mỗi chiều, mình đi bộ với đồng chí gái, có thời gian để đồng chí gái giáo huấn mình, đả thông tư tưởng để học tập cách mạng làm người chồng nhân dân và người cha anh hùng. Lâu lâu, có vài con coyote, bò ra băng qua đường khiến đồng chí gái sợ. Mình thì gặp mấy con này hàng ngày trên vườn nên chả lo. Thậm chí ở ngay sau nhà mình, lâu lâu có con nhảy vào đi bắt thỏ để xơi.

Đồng chí gái hỏi” anh không sợ con nào” mình nói không sợ con nào hết ngoại trừ con vợ. Đồng chí gái kêu rứa là anh sợ vợ rồi. Thằng con mình lại giống mẹ, hay sợ người ta nói, hay dè dặt. Có lần nói hỏi mình làm sao để khỏi sợ. Mình nói có gì phải sợ. Có nhiều cô thích nó mà nó sợ không dám tiến tới, ngại bị từ chối. Nay mẹ nó phải đi tiếp thị nó cho mấy bà bạn, xem có ai để giới thiệu cho nó. Chán Mớ Đời 

Nói chung thì mình may mắn, có hai đứa con học xong đại học, không phá làng phá xóm như vài người mình quen biết. Còn tương lai thì mình không biết. Mình chỉ mong chúng có một cuộc sống tốt đẹp, vui là được.

Con là nợ, tuỳ hoàn cảnh nữa. Nếu có con bị tật nguyền, có thể xem đó là một cái nợ, mình phải trả. Con hư hỏng cũng tương tự. Nói chung ở mỹ, con cái người á châu, Do Thái ít phạm tội ác hơn các chủng tộc khác. Họ cho rằng vì văn hoá gia đình, yêu thương của cha mẹ hoàn toàn, dù chúng có sa cơ thất thế cũng vẫn yêu thương chúng.

Con trai mình, để râu cho nó già thêm một tí, mới 26 tuổi, còn độc thân vui tính.

Mình có cái may mắn, làm việc cho mình nên có thời gian với con nhiều hơn. Chúng đi học về thì mình đón, rồi nấu ăn cho chúng, chở đi học đàn, bơi lội, bóng rổ, đá banh, đủ trò. Mình đọc đâu đó, thời gian mà đả thông tư tưởng giữa cha mẹ và con cái là lúc đón chúng đi học về. Chúng hồ hởi vì có chuyện gì trong lớp để kể nên cứ hỏi chúng là chúng khai tuốt luốc. Khi chúng đi bơi thi mỗi tháng, mình phải dậy sớm, chuẩn bị thức ăn, đồ đạt để chở chúng đi bơi. Ngồi trong gió lạnh mưa nắng để xem con bơi thi hay phải chở đi xa để thi đấu với các đội ở vùng khác như Las Vegas, Los Angeles do đó mình gần với chúng hơn.

Trên mạng hay có nhiều người viết bài về con, nói là chúng không chăm sóc mình về già, đủ trò. Mình nghĩ những người này trông mong về con mình quá nhiều. Mình chỉ làm bổn phận nuôi chúng không lớn, học hành cho xong rồi xong bổn phận, còn đời mình về già thì mình tự lo. Có lẻ vì vậy, người ta hay lo cho con dù chúng đã lớn khôn, thậm chí đến mãn đời.

Mình và đồng chí gái muốn có con chớ mấy đứa con có muốn ra đời đâu. Do đó mình phải có bổn phận và trách nhiệm khi chúng ra đời, còn chúng có lo cho mình sau này thì đòi hỏi hơi quá về con mình. Chúng có đời sống của chúng, cũng sẽ phải lo chăm sóc con chúng. Nếu chúng yêu thương, chăm sóc con cái chúng tốt thì xem như mình thành công, đã truyền cho chúng tình thương cho con.

Có con là điều may mắn, mình biết nhiều người giàu có mà không con, mẹ mình chắc cũng không bao giờ kêu “con là nợ”. Bà cụ dành tình thương hết cho 11 người con nhất là mấy người em mình lớn lên không có sự hiện diện của bố mình, 15 năm ở trại cải tạo. Có lẻ nhờ sự hy sinh của mẹ mình mà sau này mình đồng hành với con từ khi chúng còn bé. Mẹ mình thích nói chuyện với mình. Lý do là mình nghe mẹ kể chuyện dù đã nghe rất nhiều lần, còn mấy cô em mình thì nghe đến là bỏ chạy mất dép. Mình hay thâu khi nói chuyện với mẹ, một ngày nào đó, mình sẽ có dịp nghe lại những câu chuyện mẹ kể. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn