Hồi nhỏ mình hay nghe người lớn nói đến trọng nam khinh nữ. Người ta yêu thích con trai hơn, thậm chí ông cụ và người chú họ mình kể ngoài quê, nhà ai có con trai đông thì mỗi lần có lễ ở làng là đem nồi ra đình múc đồ ăn về, nhà nào chỉ có con gái thì đói dù mấy bà mấy cô phải ra đình nấu ăn và được gọi là nhà vô phúc. Dạo ấy, nghe đến đấy mình khói chí, vỗ ngực tự cho là ông tướng vì theo vai vế mình là “đích tôn”.
Lớn lớn một tí, học việt văn ở trường thì thầy cô dạy về ca dao tục ngữ như: ‘trai tài 5 thể 7 thiếp” rồi “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” khiến mình bắt đầu đặt lại nhiều câu hỏi trái chiều với thầy cô, bị mắng ngu như bò.
Mình thấy bà cụ mình lam lũ, sáng đi ra chợ buôn bán đến tối mới về trong khi ông cụ mình thì lông bông, đánh bài, đi nhảy đầm với bạn bè, tiền lương không đem về cho vợ con nên mình thấy có gì bất ổn những gì thầy cô dạy trong giờ việt văn, có sự bất bình đẳng trong gia đình. Sau này lại học ông Tú Xương, uống rượu, rung đùi, làm dăm bài thơ, được vợ nuôi 24 năm trời mới đổ được bằng Tú tài, để rồi chả làm ra đồng bạc nào để nuôi vợ được một ngày. Chỉ được người đời gọi “Bà Tú”. Ngày nay học chỉ học trùng tu vài tuần, có bằng tiến sĩ. Chán Mớ Đời
Mỗi năm, người ta dành ngày 8/3 là ngày phụ nữ, đàn ông được lệnh chú ý đến vợ nhà rồi hôm sau lại trở về vị trí cũ, vênh mặt tự đắc với câu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", không ngó ngàn gì công việc nhà, tiếp tục nhậu chén anh chén chú còn người đàn bà lại trở về vai trò con ô sin và cán bộ hộ lý "đương khi lửa tắt cơm sôi, lợn kêu con đói chồng đòi tòm tem".
Hình trên mạng |
Cái khổ là họ hiểu sai. Nhất nam viết hữu là vì khi xưa, khi vua chúa cần quân để đánh giặc, ra lệnh tòng quân. Nhà nào có tiền thì thuê thằng cùng đinh, đi thế còn không thì phải gạt lệ đưa con trai ra mặt trận do đó người ta nói 10 cô con gái không bằng một tên con trai, để đại diện gia đình đi lính nếu không phải đóng thuế chết bỏ.
Ngày xưa, người ta ít được đi học nên mấy ông chuyên gia thi rớt, như ông Tú Xương để tự an ủi nên diễn nghĩa sai chữ thánh hiền, để mưu cầu lợi cho thân mình khỏi phải làm việc mà lại có chút tiếng tăm trong làng xã. Do đó xã hội khó tiến bộ vì tư duy ao làng và phong kiến, củng cố quyền lực của người đàn ông.
Khi thực dân Tây sang đô hộ Việt Nam, xã hội dạo ấy chỉ có độ 5% người Việt biết đọc chữ Hán cho nên trình độ hiểu biết không khá lắm. Nghe kể dạo ấy , ai mà đọc được 2,000 chữ được xem là giỏi rồi.
Hồi nhỏ được thầy cô dạy câu chuyện Lưu BÌnh Dương Lễ, đậu ra làm quan, đá đít bà vợ lớn, cho đi làm ô sin nuôi thằng bạn học chung ngày xưa, để lấy vợ mới đẹp cho xứng đáng với các chức quan gì đó. Bắt bà Châu Long phải đi buôn đi bán kiếm tiền để nuôi thằng bạn nối khố. Những câu chuyện vớ vẩn ấy vô hình trung cấy vào đầu đứa trẻ việt một tinh thần bị trị, chấp nhận về giới phái, chỗ đứng trong xã hội,…
Những câu chuyện cổ tích mà mình được thầy cô dạy, rất nguy hiểm vô hình trung cấy vào đầu trẻ em từ bé về vai trò của chúng trong xã hội khi lớn lên. Con trai thì cứ vỗ ngực là nhất nam viết hữu, còn con gái thì cứ phải công dung ngôn hạnh, chính chuyên, dù lấy thằng chồng mất dạy, ngày ngày nam vô tửu như kỳ vô phong, rồi ói ra đầy nhà để vợ con dọn.
Hồi nhỏ đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung, thấy mấy nhân vật nam như Dương Quá, Lộc Đĩnh Ký, Trương Vô Kỵ,..có nhiều cô gái xinh đẹp, mê như điên nên lầm tưởng mình cũng là một Kiều Phong thời đại. Đến khi đi kiếm vợ từ Tây Âu đến Châu Mỹ thì mới giác ngộ cách mạng, hiểu nổi sự thật trần ai. May sao có đồng chí gái chấp nhận, quản lý đời giai nếu không là ế vợ đến ngày nay.
Đi Tây rồi đi tứ xứ sau này, mình nhận thấy một điều là các nước nghèo, chậm tiến đều được tổ chức dưới dạng “gia trưởng”. Ở các xứ hồi giáo thì phụ nữ ăn trong bếp tương tự ở Việt Nam, phụ nữ ăn sau hay nói đúng hơn là đồ thừa hay trong bếp. Các đấng mày râu đều ngồi ở phòng khách chén chú chén anh với nhau. Xơi đồ ăn ngon nhất.
Các nhà xã hội học hay sử gia cho rằng; vào thời săn bắn, đàn ông hay đàn bà đều bình đẳng. Phụ nữ sinh con, đi hái trái, rau quả cho cả gia đình hay bộ lạc ăn trong khi đàn ông đi săn bắn, phòng chống các đám khác đến ăn cắp thức ăn hay vợ con.
Theo mình, thời đó là thời xã hội chủ nghĩa vì đàn bà giao hợp với các đàn ông trong bầy thoải mái, không ai thuộc về ai cả nên con nít sinh ra được tất cả đàn ông trong bày nuôi hết vì họ nghĩ tinh trùng của nhiều người chừng nào sẽ giúp cho đứa trẻ khỏe mạnh chừng nấy. Ai đau ốm thì ở nhà, dưỡng bệnh, có cả bày đi săn bắn, hái hoa quả, chia cho ăn. Đàn ông dạy con nít trong bầy, săn bắn đủ trò không nghĩ đến con tôi con anh. Ai nấy đều trông cậy vào người trong bầy đàn giúp đỡ và giúp lẫn nhau nhất là khi đau ốm hay lớn tuổi. Có cuốn phim pháp tên “Hoả” (feu) rất hay, mình xem thời sinh viên ở Pháp về thời tiền sử, khi con người khám phá ra Lửa.
Đến khi con người ngừng đi đây đi đó tìm kiếm thức ăn theo mùa và định cư tại chỗ để làm rẫy, khởi đầu nền văn hoá nông nghiệp thì khái niệm về sở hữu chủ mới ra đời. Đất này của tôi, phụ nữ này của tôi, con này của tôi,… cho thấy những ai chủ xướng chủ nghĩa xã hội đi ngược với lịch sử loài người.
Trong đời sống nông nghiệp, họ giải thích đàn ông có lợi thế hơn vì có thể đi đánh giặc cho vua chúa trong khi phụ nữ thì không, ngoại trừ Hoa Mộc Lan, giã trai đi thế cho bố vì gia đình nghèo không thể trả tiền cho người đàn ông khác trong làng đi quân dịch thế. Disney có làm cuốn phim Hoa MỘc Lan (Mulan) để làm tiền với nữ quyền. Hình như Trung Cộng cũng có làm một phim tương tự để tuyên truyền cho chế độ.
Dạo này, đồng chí gái xem phim bộ Hoa Mộc Lan. Thấy Trung Cộng sử dụng mấy phim bộ này để tuyên truyền kinh hoàng, họ chế biến lại lịch sử tương tự như phim Sát Thủ, nói về Kinh Kha sang Tần, họ cho Tần Thuỷ Hoàng nói chuyện với Kinh Kha, giải thích vì sao Trung Cộng cần có một bạo chúa. Vợ mình thì thấy đồ đẹp, tài tử đẹp thì xem nhưng từ từ sẽ chấp nhận bạo chúa là đúng, sẽ làm khổ mình vì cô nàng sẽ là bạo chúa, kêu Dân chủ tào lao xịt bột. Vỗ bướm kêu đây lãnh đạo, mình đành câm vì sợ bị cấm vận. Chán Mớ Đời
Theo mình thì thuyết này cũng chưa đúng hẳn, mình có đọc lịch sử các người di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ, bệnh tật, khí hậu khắc nghiệt nên chết vô số, đàn ông và đàn bà sống với nhau không phải do yêu thương mà do sự sống còn, họ đều trông cậy, mong đợi vào người sống chung để sống sót, đau ốm, bệnh hoạn có người cứu giúp. Tình yêu lưới đôi là một loại xa xỉ, chỉ có trên phim của Hồ Ly Vọng.
Điển hình đạo Mormon, trong cuộc di cư vĩ đại về miền viễn Tây của đoàn người theo giáo phái này thì đàn ông chết rất nhiều nên họ phải chấp nhận chế độ đa thê trong giáo phái để tồn tại. Mấy bà chia sẻ đàn ông, yên vui sống phụng thờ chúa, nếu không vấn đề ngoại tình sẽ xẩy ra vì tình trạng trai thiếu gái thừa.
Ở á châu với nho giáo thì người ta đưa ra thuyết “3 tòng tứ đức” để ràng buộc người phụ nữ mà nạn nhân nổi tiếng mình được dạy qua bài thơ Thiếu Phụ Nam Xương, của ông vua nào đó. Vua kêu ông chồng đi đánh giặc, không có trò miễn dịch vì gia cảnh, bà vợ ở nhà nuôi con để ông chồng yên tâm đánh giặc cho vua. Khi về nhà, nghe thằng con nói vớ vẩn, không hỏi cho ra lẻ, khệnh bà vợ để bà ta phải quyên sinh để giải oan. Vấn đề là khi mình học bài thơ này thì vẫn tin rằng phụ nữ phải chính chuyên, không cảm khái được vụ bà này tự tử chết. Chán Mớ Đời
Từ đó tinh thần gia trưởng được nuôi dưỡng, bành trưởng để phục vụ cho sự nghiệp của giới đàn ông vô hình trung đàn áp phụ nữ với những tiêu chí như “trai tài 5 thể 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có 1 chồng”. Ngày nay, phụ nữ được tham dự vào xã hội, cho thấy phụ nữ không thua đàn ông về mặt tri thức cũng như lãnh đạo.
Hoa Kỳ được xem là nước dân chủ đầu tiên của thế giới mà phụ nữ chỉ được phép đi bầu, mới độ 100 năm trở lại. Chưa nói đến chủng tộc da màu.
Người con gái lấy chồng độ 16 tuổi rồi thằng chồng lăn đùng ra chết vì nhậu nhẹt hay tai nạn, phải ở vậy cả đời để thờ chồng, thủ tiết. Đó là sự ích kỷ của giới lãnh đạo, họ đưa ra những cái thuyết quái đản để người ta ca ngợi. Gái không chồng mà có con thì bị cạo đầu, bôi trầu, thả bè trôi sông trong khi tên sở khanh vẫn ung dung tự tại đi tìm nạn nhân khác.
Người Việt mình lúc nào cũng nghĩ đến ăn nên ai có bầu mà chưa chồng là họ bắt gia đình làm cổ đền cho cả làng nên cách tốt nhất là trốn đi hay giết con gái. Mình có xem bên tàu, chế độ một con đưa đến những hiện tượng như phá thai, giết con gái hay bán con nít cho người Tây phương nuôi. Ghé tởm nhất là cán bộ đến nhà, còng mấy phụ nữ có thai đã 9 tháng để phá thai cho đúng đường lối cách mạng. Họ phỏng vấn mấy người bị bắt buộc phá thai nhất là phụ nữ hay bị bệnh trầm cảm sau khi sinh nở đàng hoàng huống chi người bị ép. Kinh hoàng
Hồi nhỏ mình đọc truyện tàu cho ông ngoại vì ông ngoại không biết đọc. Thấy Lưu Bang bị Hạng Vũ rượt tới đít thì ông ta đạp thằng con trai ra khỏi xe ngựa để xe chạy nhanh hơn hay bà Võ Tắc Thiên, tự tay giết con mình để đổ tội cho tình địch,….
Những điều này vô hình trung cấy vào đầu những đứa trẻ về sự độc ác, tàn độc của con người vì người đọc cảm kích sự hy sinh dã man của các vị này để cứu vua, cứu quốc gia để họ sẵn sàng lên đường tòng chinh dẹp giặc, thù nước quên thù nhà,… người cha có thể tàn nhẩn đạp đứa con để chạy thoát, mất cả tính người.
Ở mức độ gia đình sẽ đưa đến tình trạng bạo hành, bố đánh con, anh đánh em,…rồi tự bào chữa là “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Dạo ấy, mình bắt chước ông cụ, khệnh mấy đứa em và vỗ ngực thương tụi bây nên mới đánh. Ông cụ mình cứ đi đánh bài thua, về nhà giận cá chém thớt, kéo cổ mình ra khệnh một trận, chưa có tội thì khệnh cho có tội, có tội rồi thì khệnh cho chừa. Hai đứa con mình, có thể khẳng định là chưa bao giờ đánh chúng, có béo tai vài lần.
Mình có kể vụ cô bạn học cũ của vợ nay ở bên Tây. Khi Sàigòn lâm chung thì bà mẹ đem con ra phi trường nhưng không mua đủ vé máy bay cho cả gia đình. Bà mẹ để lại hai đứa con gái cho bà vú nuôi, hứa sẽ trở về đón con sau này. Bà ta đem theo thằng con trai. Qua Tây thằng con chả học hành gì cả, chơi nghiện sì ke khiến bà mẹ khổ sở trong khi hai cô con gái sau này được cho đi Tây, lại lo cho mẹ vào những năm tháng tuổi già. Cô bạn kể khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất thì hình ảnh mấy chục năm trước bị bỏ rơi ở lại với Việt Cộng khiến cô ta hết dám trở lại Việt Nam.
Người Việt hay nói có con trai để nối dòng, nhưng theo khoa học thì gene của người mẹ mới truyền nhiều về các đời sau. Ngày xưa, người ta đi kiếm dâu là kiếm một bà tổ cho mai sau nhưng lịch sử đã bị đàn ông bóp méo vớ vẩn. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn