Phan Rang *
Mình học 11B và 12 B với Trịnh Ngọc Dũng nhưng không thân lắm vì hắn ngồi cuối lớp nhưng không hiểu tại sao gần 40 năm mà vẫn còn nhớ hắn. Hắn quê ở Phan Rang, có lẻ tuổi lớn nên làm giấy tờ giả lên Đà Lạt học ở Văn Học, ở trọ ở đường Hàm Nghi, gần nhà thờ Tin Lành, gần nhà trọ của một chị tên Hiền học 11C, chắc cũng tuổi ngựa hay gì đó, xinh lắm, không rõ gia đình ở đâu nhưng lên Đà lạt học, tan học mình với thằng Nguyên (Phạm Thành Nguyên) hay đi chung về với chị này tới Cẩm Đô rồi mình tiếp tục về nhà ở Hai Bà Trưng.
Năm 11 B có một tên cao nhất trường, hơn mình 3-4 tuổi nhưng trên giấy tờ hắn sinh năm 1958, cao lồng ngồng. Nhà ở Nha Trang cũng làm giấy tờ giả lên Đà Lạt, ở trọ đường Phan Đình Phùng, gần trường Tân Sanh. Lâu quá không nhớ tên hình như Chánh thì phải. Hắn ngồi cuối lớp đâu gần dãy bàn của nhóm PMC. Có lần hắn hỏi mình phụ đạo cho hắn môn toán làm mình ngạc nhiên vì trong lớp nhiều tên giỏi toán mà hắn lại hỏi mình nhưng vẫn thấy vui vui nên nhận lời. Mình hẹn hắn sau cơm trưa sẽ đến nhà làm gia sư cho hắn vì 3 giờ mình có đá banh ở ngoài thao trường với đám Nguyễn Mơ. Mình ghé lại nhà hắn thì thấy hắn đang ngủ nên đánh thức dậy nhưng còn ngái ngủ nên hắn bảo mình thôi ngày mai bắt đầu học nên từ dạo đó mình không muốn làm thầy thiên hạ nữa. Hè 73, trường Văn Học tổ chức đi Ninh Chữ và Nha Trang chơi thì có đi kiếm hắn nhưng không gặp.
Trịnh Ngọc Dũng rất giỏi toán với Hùng (Trần Thế Hùng thì phải) ở Đơn Dương lên học. Năm 11 mình hay nói chuyện với một anh chàng người Huế, ở ấp Ánh Sáng, lớn hơn mình vài tuổi, người bé bé mà buổi chiều lại ra chợ đi gánh thuê cho mấy bà bán hàng ngoài chợ, sau này thì cũng biệt tăm luôn, không biết đi lính hay vô bưng. Thi Tú tài xong thì Trịnh Ngọc Dũng rũ mình xuống thăm nhà hắn ở Phan Rang nên mình với thằng Nguyên (Phạm Thành Nguyên) rũ nhau đi xe đò xuống.
Tới bến xe Phan Rang thì hắn đón vô nhà ông bà ngoại của hắn có tiệm bán lốp xe ngay bến xe. Ở đó được một đêm thì hắn chở hai thằng mình về làng của hắn. Lần đầu tiên mình được đi thăm đồng quê, lúa xanh rì, có cây dừa mà thường nghe tả qua các bài hát như "làng tôi" nên rất vui. Vào làng thì thấy toàn nhà tranh, hắn dắt mình đi tới trụ sở nhân dân tự vệ để khai báo có người quen tới chơi, mình trình thẻ học sinh và giấy miễn dịch cho họ ghi. Nhà không có điện nên tối tối lại thắp đèn dầu như nhà mình mọi lần bị sự cố, lại thêm muỗi vo ve bay, tối lại phải vô mùng ngồi nói chuyện cho nên mình bỏ giấc mơ về Đồng tháp Mười.
Sống với gia đình TND ba ngày thì mới hiểu sống kiếp nghèo ra sao từ miếng ăn cho tới đi vệ sinh. Cơm nấu bằng loại gạo gì mà cả đời mình chưa bao giờ ăn. Gạo không có trắng như của bà cụ mình bán mà màu như bị mốc và vụng như cám. Nhà vườn thì ăn rau cải hư nên gạo tốt thì họ đem bán còn gạo xấu thì để dành ăn. Mình dạo đó là sức ăn lại gầy nữa. Gầy là thầy cơm mà ăn một chén là không nuốt thêm được nhất là nồi cơm cho ba thằng rất nhỏ, đồ ăn thì chỉ có cải luộc chấm nước mắm. Tắm thì ra giếng còn đi vệ sinh thì một vấn đề lớn cho hai thằng mình từ Đà Lạt xuống. Ở ba ngày thì mình và thằng Nguyên cáo biệt về lại Đà Lạt dù dự định đi một tuần rồi từ dạo đó cũng không gặp lại Trịnh Ngọc Dũng. Về đó mới biết sự hy sinh của gia đình cho tên này lên Đà Lạt học. TND dẫn đi xem làng Hương Thuỷ của ông Thiệu mà năm trước đi với trường do thầy Nguyên làm trưởng đoàn không thăm được vì tổng thống về thăm nhà nên ngoại bất nhập Nội bất xuất.
Nhớ hè năm 11 B thì trường Văn Học có tổ chức trại hè đi Ninh Chữ nên mình có ghi tên đi nhưng chỉ có vài người. 11B thì có Phạm thị Gái, Trần Văn Tiến và mình còn thì có một chị mới đậu Tú tài năm 73 tên chi quên rồi, rất xinh có lẻ gốc Huế, cao cao với vài học sinh lớp 10. Thấy ít người nên mình tính không đi nhưng thầy Nguyên là trưởng đoàn nên phải đi. Cả trường mà chỉ cần chiếc xe đò 10-12 chổ khởi hành từ trường Văn Học. Thầy Nguyên bảo là tới Ninh Chữ sẽ ở lại lữ quán thanh niên ngay bờ biển, ăn uống thì có nhà bếp lo trong vòng 1 tuần lể làm mình khoái chí tử. Đến nơi thì lính không cho vào lữ quán thanh niên vì tổng thống Thiệu về thăm làng nên lính bảo vệ không cho ai vào đó để dể đi tuần. Cuối cùng may là đoàn có đem theo hai cái lều để cắm trại.
Thầy Nguyên kể từng ở trong quân đội mà không biết dựng lều ra sao nên loay hoay mấy tiếng mới dựng xong hai cái lều; một dành cho phái nữ và một dành cho phái nam. Lều nữ hình như có hai mạng là PTG và Chị Hương còn con trai thì mình nhớ có Tiến, thầy Nguyên, một thầy người Huế dạy đệ tam, một tên lớp 10 và mình. Đì cắm trại mà không ai đem theo đèn pin nên chả thấy gì lại muỗi bay vo ve. Cuối cùng ông thầy người Huế tìm một cái quán chịu nấu cho phái đoàn ăn tối nhưng phải đi Bộ đâu hai cây số vô làng.
Phải chia ra hai toán; một toán đi ăn còn toán kia ở lại trông lều. Mình không biết là xa nên xung phong ở lại trông lều để đợi ai ngờ toán kia đi 4 cây số, ăn rồi về coi như 3 tiếng đồng hồ. Khi mình đến quán ăn, trời tối mò đâu 8:30 tối, ăn với đèn dầu lại đói lã nên hôm đó ăn cơm rất ngon nhất là món canh cá tươi. 40 năm rồi vẫn còn nhớ Hương vị đó, cá ngọt và bùi không thể tả. Sáng hôm sau hai ông thầy đề nghị đi Nha Trang chơi và ở lại đó một đêm nhưng đến nơi, cả đám ngồi ngoài biển đợi hai ông thầy đi hỏi khách sạn. Cuối cùng hai thầy trở lại nói Nhà nghĩ đắc quá mà Văn Học không đưa tiền cho hai thầy vì tưởng sẽ ở lại Ninh Chữ 5 ngày được bao ăn bao ở nên kéo nhau ăn tô bún rồi lên xe trở lại Đà Lạt. Hai lần đi Ninh Chữ là phải về lại Đà Lạt sớm hơn dự định.
Người nghèo ở Đà Lạt thì mình có biết nhưng không biết họ sinh sống ra sao. Mình nhớ chú Chiếu, người Huế làm ở ty công chánh với ông cụ mình. Lúc ông bà cụ mình mua mấy mẫu đất ở trong Sú Tía thì có nhờ chú vào cuốc đất, làm vồng để trồng rau. Mình đến Nhà chú ở số 6 thì nhà tranh vách đất, sàn bằng đất đỏ thấy con chú lúc nhúc như đàn chó con cũng thương lắm. Trên đường Thi Sách, đối diện nhà Bích Hường 11B thì có một gia đình người Huế đến cắm dùi thời phong trào thương phế binh cắm dùi chiếm đất làm nhà. Gia đình này con cái sinh năm một nên nghèo, ở nhà mấy đứa con đều ở truồng, chơi với con nít trong xóm là cứ ở truồng chạy bắn bi, banh tù,..còn đi học thì đứa học buổi sáng đứa học buổi chiều ở trường Đa Nghĩa nên thay nhau bận áo quần đi học như Trần Minh khố chuối ngày xưa. Nghe nói sau 75 thì gia đình này có lý lịch vô sản nên sống cũng khá, ông cha chạy chọt sao được thành anh hùng cách mạng nên có lương hưu.
Sau này mình hỏi gia đình sau 75 ăn uống có như thời mình trãi nghiệm thực tế ở nhà Trịnh Ngọc Dũng thì nghe nói có cơm là sướng rồi còn gia đình phải ăn bo bo. Ngay bây giờ mình về VN, ăn cơm không ngon vì gạo ở VN không ngon lắm dù bà cụ mình nói là mua gạo cao cấp có chất lượng cao. Có lẻ gạo tốt để xuất khẩu còn gạo xấu thì để dân trong nước ăn. Nước Mỹ chả cần đi chiếm thuộc địa như xưa, khắp thế giới sản xuất đồ ăn ngon, cá thịt, trái cây đem sang Mỹ bán. Mỹ trả tiền bằng công khố phiếu, khi nào các nước khác đòi tiền thì in tiền trả cho nên đồ ăn bên Mỹ rất rẽ lại ngon nhất thế giới khiến dân Mỹ bệnh béo phì. Nghe nói vn chỉ ăn đầu tôm vì thân tôm để xuất khẩu.
Phải công nhận đồ ăn bên Mỹ quá rẽ so với thế giới nhất là Âu Châu. Ngay VN, đồ ăn còn đắt hơn bên Mỹ. Nhớ dạo mới về VN lần đầu, mình quen ăn kiểu bên Mỹ nên ăn một lần 3 bát phở hay 3 suất cơm,.. thì tính lại đồ ăn ở VN đắc hơn bên Mỹ. Một con gà rô ti ở Costco bán có $5 đô mà ở VN một con nhỏ hơn phải trả $15 đô. Ở Mỹ đi ăn tiệm là bồi bàn đem cho ly nước cối bự , bồi bàn cứ châm nếu hết. Uống nước ngọt cũng, thả dàn, cứ gần hết là bồi đến châm thêm trong khi ở Âu Châu uống ly nước cam nhỏ trả $10 đô. Có lần dẫn một cô bạn bên Tây sang chơi đi ăn tôm hùm, cô ta ngồi ăn sung sướng hát nho nhỏ, có một tên bạn người đức mừng quá vì hai vợ chồng lần đầu tiên trong đời ăn được tóm hùm tươi nguyên một con 2 kí lô.
Dân các nước khác trên thế giới lao động để xuất khẩu sang Mỹ thì họ bán lại cho cái điện thoại iPhone là huề vốn. Hồi mình ở Âu Châu thì coi truyền hình toàn là chương trình của Mỹ , nào là Dallas, Charlie's Angels, Baywatch,...đủ thứ rồi khi sang Phi Châu cũng vậy. Hè này có cô gái 15 tuổi gốc Ý ở nhà mình theo chương trình của hội Lions, làm bạn với con gái mừng vì đến quận Cam vì rất mê chương trình Orange County housewives,... Các chương trình truyền hình Mỹ được các nước khác mua bản quyền làm lại như American Idol, The Voice,... Sống ở Mỹ rồi mình mới hiểu ông bộ trưởng Văn hoá Tây Jacques Lang khi nói về Văn hoá đế quốc Mỹ đang xâm lăng, dân Tây thèm ăn hamburger của McDonald hơn đồ Tây.
Sau này về thăm Vn thì mình có ghé biển Ninh Chữ một lần nhưng bãi biển không đẹp lắm, có ra bến xe kiếm gia đình TND nhưng phố xá đã thay đổi nhiều, không ai nhớ gì cả. Có ra Mũi Né nhưng biển không tắm được vì sóng lớn. Tại đây mình có cho mấy đứa con đi xem các chổ làm nước mắm khiến mấy đứa con thích ăn xì dầu ở nhà hơn. Biển VN thì mình thích nhất Đà Nẵng và Vin Pearl nên lần nào về cũng ra đây cả. 40 năm qua không có tin tức TND nhưng mình vẫn cám ơn hắn đã cho mình 3 ngày khó quên nhất trong đời.
Sơn đen