Mối tình hữu nghị Lá Nước

Mối tình hữu nghị Lá Nước

Hắn nhớ hoài khoảng khắc ấy trong đêm lửa trại Lửa Hồng của 45 năm về trước. Trại này do các cha Cố đạo tổ chức tại Giáo Hoàng học Viện Đàlạt, dành cho các thanh niên thánh thể, học sinh trung học của Đàlạt, cũng là nơi để nam nữ quen nhau, có cùng quan điểm tôn giáo, lập trường “nhất Chúa nhì Cha thứ 3 Ngô Tổng Thống” nhân thân 3 đời dọc ngang, con chiên của Chúa, tạo dựng môi trường lành mạnh cho giới trẻ gặp nhau để tránh gặp những kẻ phản động, người lương, lầm đường bỏ đạo, mất công tốn sức chiêu hồi trở về đạo. Hắn không phải công giáo nhưng nơi nào có gái là có mặt hắn như thợ săn đi săn gái.

Trong đêm lửa trại, bạn bè xúi hắn, đúng hơn là ghi danh hắn, đóng góp văn nghệ vì hắn biết tí tí đàn địch. Đi học về thì hắn chả màng đến bài vở, chỉ ngồi trên gác, ôm cây đàn tích tịch tình tang, tập tremolo bản Romanza của Carruli mà tên nào ở Đàlạt, khi học đàn cũng phải tập bài này. Cuối cùng cha Sơn gọi hắn lên giúp vui văn nghệ trong tình thương của Chúa. Hắn bước lên sân khấu mà hai chân run run như tên tử tội ra pháp trường.

Bổng hắn bắt gặp một cặp mắt đen láy đang nhìn hắn mà hồi chiều đang ăn cơm, thằng Nghĩa Thợ Điện có chỉ cho hắn, hỏi xem cô bé tóc demi garçon đang ngồi ăn, cười khúc khíc với đám con gái.

Tim hắn bổng đập mạnh khi bất chợt nhìn cặp mắt ấy, chân hắn lụm khụm, lạn khạn vác cái đàn lên sân khấu như Chúa Giê Su, đeo trên vai cây thánh giá, lên đồi Calgary. Đầu óc hắn choáng váng như bị trúng gió trong mùa Giáng Sinh Đàlạt. Hắn bổng giác ngộ cách mạng ý nghĩa thập tự đạo, le chemin de croix như mấy ông tây bà đầm giải thích về những ngày giờ cuối cùng của chúa Giê Su. Khoảng cách leo lên sân khấu tuy ngắn nhưng dài lê thê, hắn như Franco Nero trong phim Django, kéo cái hòm đi lang thang với kiếp đoạ đày của tên tử tội lên đoạn lầu đài.
Hắn định hát bài ca vào đời “gần nhau trao cho nhau tình loại người ,…” kêu gọi mọi người thương yêu nhau trong tình thương của chúa nhưng không hiểu sao hắn lại đổi ý, hát bài “Tiễn Em” do Phạm Duy phổ nhạc Cung Trầm Tưởng. Hắn chẳng biết Ga Lyon là ga nào nhưng cứ tưởng tượng ra đèn vàng,.. “cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng,…” 

Hát xong, hắn cuối đầu chào mọi người nhưng cũng len lén xem cô bé Răng Khểnh, đang cười khúc khích với mấy cô bạn ngồi cạnh. Chán mớ đời. 

Từ hôm ấy, mỗi ngày hắn cứ rêu rao hát “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng lòng hắn tuy không giá băng nhưng vẫn ngập tràn bao tia nắng,…”, chả thiết ăn hay uống. Cuối cùng hắn đành thố lộ với hai tên bạn, tự gọi ngự lâm pháo thủ Đoàn Dự và Nghĩa Thợ Điện về tiếng sét ái tình trong tình thương yêu của chúa tại trại Lửa Hồng. Chúng cười hắn, bảo chúng tao biết trong ruột mày mà còn làm bộ.

Ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas thì phò vua, giúp hoàng hậu còn hắn và 2 tên kia tự nhận là ngự lâm pháo thủ nhưng chả biết đánh kiếm, phi ngựa, chỉ biết nổ như mấy tên trong cuốn “ngày xưa còn bé” nên thiên hạ hay gọi là 3 thằng ngựa lâm pháo nổ.

Cuối cùng thằng Đoàn Dự báo cáo là cô bé tên là Lá Ngọc, học sinh Văn Khoa, bố làm phó tỉnh trưởng Vĩnh Long khiến hắn bị dội. Con quan, cành vàng lá ngọc. Hắn là con của đám di cư Bùi Chu, lại không thuộc diện học sinh ưu tú, thêm ngu lâu dốt sớm nhưng sau nhiều đêm thao thức cố quên đi hình ảnh cô bé, cành vàng lá ngọc, tóc demi garçon, nghe lời mẹ hắn lo học để khỏi phải đi lính nhưng trái tim hắn không ngủ yên, vẫn không quên được nụ cười Răng Khểnh.
Hắn muốn gặp lại cô bé Răng Khểnh nhưng không biết nhà để chạy xe ngang như đám bạn thời ấy, hy vọng thấy dáng cô bé Răng Khểnh để bớt nhớ thầm thương trộm. Thằng Nghĩa thợ điện hay phụ giúp bố hắn câu dây điện cho nhà người ta, có lẻ hay bị điện dật nên tư duy đột phá một ý tưởng cách mạng. Hắn kêu là mày cứ chạy đại đến trường Văn Khoa rồi vào gặp cô ấy khi ra chơi là chắc ăn. Cả ba đồng nhất trí kêu ý tưởng hay, rất đột phá.

Thằng Đoàn Dự kêu mày viết thư tình rồi mua ô mai cho con bé, con gái đều thích ô mai rồi mai mình chạy đến trường Văn Khoa, trong giờ ra chơi. Đợi con bé ra chơi rồi chạy lại dúi thư tình và ô mai cho con bé. Xong om.

Cả bọn nhất trí, thế là sau ăn cơm trưa, thay vì tremolo bản Romanza như mọi ngày, hắn lục lại cuốn truyện “Ngày xưa còn bé” của Duyên Anh để xem tên này viết thư tình ra sao. Hắn cặm cụi, cắn bút, viết đi viết lại trên giấy pelure màu xanh và cây bút nguyên tử 4 màu, mua ở tiệm sách Hoà Bình. Hắn nắn nót viết:

Đàlạt, ngày vào thu

Kính gửi thánh nữ thương mến

Hôm nay trong giờ thi sử học, anh khắc phục không làm bài thi để viết bản báo cáo tình hình trái tim của anh sau trại Lửa Hồng.
Từ ngày phát hiện ra em, lòng anh vô cùng hồ hởi phấn khởivà thương nhớ trường kỳ. Anh không thể quên được đôi mắt đen huyền, mái tóc đờ mi gạt xong nhất là cái nụ cười Răng Khểnh của thánh nữ.

Trong thánh kinh có viết: “dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc”. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được hưởng thụ trong tình thương của Chúa toàn năng và các cha bề trên. Trong quá trình học tập, chúng ta lấy nhân sinh quan của Chúa để tìm ra tình thương và lẻ sống của con người.

Anh xin chép lại đây bài hát về Đàlạt:

Hôm nay trời vào thu Đàlat lắm sương mù
Em đi tà lụa phố, tóc vờn bay theo gió
Anh nghiêng mình song thưa
Đường về mắt trông chờ
Yêu em rồi yêu thu
Nên ngàn đời anh nói yêu mùa thu
Hai hôm rồi không gặp
Thư biết làm sao đưa
Em không mặc áo lụa
Chỉ mặc áo thu mưa
Em không măc áo lụa chỉ mặc áo len sơ
Áo len trao người mặc đỡ giá buốt mùa thu
Thu ơi là thu ơi tình này trót trao rồi
Yêu em rồi yêu thu nên ngàn đời anh nói yêu mùa thu…

Hôm sau, 3 thằng lại trốn học, chạy lên sân cù để bàn bạc, cách đưa thư cho cô bé Răng Khểnh. Sau khi thống nhất thì cả 3 chở nhau chạy xuống trường Văn Khoa. Xe chạy qua ngã ba am Soyer, cạnh bờ hồ Xuân Hương thì hắn thấy ông Phác, ông từ của cái am này đang làm lễ lên đồng như mọi ngày rằm. Hắn kêu thằng Dự ngưng lại rồi chạy vào am Soyer, thắp hương cúng vái 3 lần. Khi xỏ chân vào đôi dép thì hắn tái mặt. Đi gặp thánh nữ mà mang dép thì quá tồi, như Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung.

Hắn chạy ra hỏi 2 tên kia thì khám phá ra Nghĩa thợ Điện đang mang giày vàng óng như nghệ của mấy bà ở cử nên hỏi mày thuổn đôi giày này ở đâu. Hắn bảo là đóng ở tiệm Hồ Út ở đường Phan Đình Phùng, cạnh rạp xi nê Ngọc Hiệp, cách nhà hắn 2 căn. Hắn kêu cởi ra cho tao mượn, đi gặp thánh nữ mà mang dép thấy bần quá, lộ rõ tố chất bần cố nông.

Cũng tại vì hắn chạy vào cầu nguyện nên khi đến trường Văn Khoa thì tiếng chuông reo vào lớp lại, hết giờ ra chơi, bảo vệ đóng cửa cổng lại. Chán mớ đời. Cuối cùng thằng Nghĩa Thợ Điện đột phá tư duy, kêu mày chạy lại nói với bảo vệ là anh của thánh nữ, quên giấy tờ ở nhà nhưng không có chìa khoá vào nhà, kêu thánh nữ ra đây rồi đưa cho cô bé. Thằng Nghĩa Thợ Điện này, tuy thuộc dạng học dốt nhưng nó lại có tư duy đột phá để tìm ra cách binh trong những tình huống gần như tuyệt vọng.

Sau khi nghe xong hắn trình bày thì bảo vệ chạy vào lớp học. Một hồi sau, hắn thấy thánh nữ đi theo bảo vệ ra cổng. Hắn run quá nhưng sợ bị bể mánh nên chạy lại kêu sao lại lấy chìa khoá nhà đi, không cất trên cửa rồi đưa gói ô mai và lá thư cho cô bé Răng Khểnh rồi nhảy lên xe như bị ma đuổi.
3 ngày sau hắn nhận bức thư hồi âm của cô bé thánh nữ. Kêu là bảo vệ mách lại với thầy CBA nên bị thầy vào lớp la mệt thở, không được hẹn bạn trai ở trường nhất là trong giờ học tập. May là không bị ăn roi mây, có lẻ thầy CBA để quên ở trường Văn Học. Về nhà bị ông bố mắng cho một trận.

Thánh nữ kêu bài hát rất hay, ước gì được nghe hắn hát, đánh đàn cho nghe. Ôi hạnh phúc thật là đơn sơ. Hắn muốn bay bổng, làm chim để bay về vùng trời bình yên.

Năm sau hắn qua Văn Học để gần thánh nữ hơn nhưng cô nàng lại theo bố về miền Tây làm việc nhưng mối tình hữu nghị vẫn được tiếp tục qua những báo cáo tình hình trái tim.

Rồi Việt Cộng vào Đàlạt. Cuộc đổi đời cho cả thế hệ của hắn và cả dân tộc. Hắn được điều về khu kinh tế mới, dạy học cho học sinh người Chu Ru ở vùng Đơn Dương nhưng hắn vẫn nhớ đến Răng Khểnh, viết thư nhưng không được hồi âm nên đoán chắc cô nàng đã theo gia đình di tản ngày 30/4. Một hôm nghe ai nói là có gặp cô nàng ở Sàigòn, bố đi học tập ở miền bắc, gia cảnh te tua lắm. Hắn lại lấy bút và giấy tái sinh ra viết thư cho cô nàng.

Đơn Dương trời vào mưa

Hôm nay trong buổi thông tầm, anh khắc phục không ăn cơm để viết cho em bản báo cáo tình hình trái tim của anh. Anh đã điều nghiên rất nghiêm túc và có thưa với các lãnh đạo địa phương. Anh đi đến kết quả là chọn Răng Khểnh làm đối tượng tương lai của anh. 

Trong lĩnh cương của đảng viết: “ dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc”. Trách nhiệm xây dựng này là của tất cả, của toàn xã hội, xong nói riêng về Răng Khểnh và anh. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được hưởng thụ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Trong quá trình học tập và lao động, em và anh đã lấy nhân sinh quan cách mạng làm cơ sở để tìm ra tình thương và lẻ sống của con người. 

Chúng ta thương nhau vì chân lý, quý nhau trên lập trường, biểu thị một tình thương giai cấp vô sản từ ngày 30/4.

Anh xin đảm bảo cho em một đời sống tốt theo tiêu chuẩn của xã hội chủ nghĩa, làm theo năng xuất hưởng theo nhu cầu. Mỗi tháng anh được nhà nước cấp 13 ký gạo và 5 đồng tiền lương thêm anh có trồng vài luống rau và khoai mì để bồi dưỡng phụ.

Hôm nay anh xin đề xuất một kiến nghị, nếu em nhất trí thì chúng ta cũng khẩn trương báo cáo cùng đồng chí bố và đồng chí mẹ, cho anh ra phường đăng ký quản lý đời em. Ở kinh tế mới không cần hộ khẩu.

Anh nguyện xây dựng tương lai với nhau và sẽ khắc phục trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn không quên nhiệm vụ khi vui duyên mới. 

Đồng chí lước

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn