Trung Thu và Tựu Trường

Trung Thu và Tựu Trường

Mỗi năm, đến mùa tựu trường thì mình lại nhớ đến bài "Tôi đi học" của ông Thanh Tịnh. Bài này dài nhưng mình chỉ nhớ  đoạn trong cuốn Giáo Khoa " Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ, cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn; hôm nay tôi đi học." Ông thần Nhị Anh cũng thuộc bài này vì khi sang thăm hắn ở San Diego. Trên xe đi lên Los Angeles, hắn có đọc lại bài này. Mỗi sáng đi bộ với vợ trong xóm, thì mình cũng hay lẫm bẩm bài này. Vợ nắm tay dắt qua đường như ngày xưa đi với mẹ. Nhỏ có Mẹ, lớn có Vợ.


Nói đến buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh thì mình không bao giờ quên những sáng của mùa tựu trường, chạy xe đi học, chạy dọc đường Trần Quốc Tuấn, từ Cầu Ông Đạo, nhìn thấy sương mai trong ánh sáng bình minh của mặt trời, mờ mờ sau nhà hàng Thuỷ Tạ. Sau này đi học ở Paris vào những buổi sáng mùa thu, đi xe métro, xuống trạm Louvre, đi băng qua cái viện bảo tàng, Cour de Carré, mà không ngờ sau này mình được tham gia, thiết kế cái Kim Tự Tháp khi làm việc cho hảng của ông I.M. Pei. Từ đó, đi qua Passerelle Des Arts, đối diện Viện Hàn Lâm của Pháp. Mình hay dừng lại trên cầu để ngắm những tia nắng của ban mai, hiện sau Nhà thờ Đức Bà, phía sau Cầu Mới (Pont Neuf), nhớ Đà Lạt, miệng khẻ hát "Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại."

 Thời sinh viên, mình hay ra đây ngồi vẽ phong cảnh này. Hôm trước, xem hình thấy thanh niên thiếu nữ yêu nhau đem ổ khoá ra móc ở đây làm mất vẽ đẹp của không gian như khi xưa những tên dùng sơn của hãng Bạch Tuyết, vẽ tên mình và người con gái mình yêu trên những tản đá ở thác Cam Ly.

Những tia nắng ban mai trên Hồ Xuân Hương như bức tranh về phong cảnh rất đẹp khiến mình không bao giờ quên. Sau này xem những bức tranh của Claude Monet thì mới hiểu và cảm nhận được cái đẹp của dạo ấy. Phía sau Thuỷ Tạ là cái nóc chuông của trường Yersin, thường thường vào giờ đó thì mặt trời cũng đang lơ lững, mờ mờ phía sau nóc chuông. Lần đầu về thăm Đà Lạt, mình ngủ tại khách sạn Palace. Buối sáng, mở cửa sổ, từ balcon nhìn xuống Thuỷ Tạ và hồ rất đẹp nhưng vì mùa hè, mưa gió, không đẹp như khi vào thu.

Mình thích ngày đi học lại vì Tết Trung thu sắp đến. Đi học về, la cà ra phố, đi ngang qua các tiệm bánh, trưng bày mấy cái bánh trung thu, hình vuông. Bánh nướng có, bánh dẻo có. Cứ thỏm thèm, ngày nào cũng đi qua đi lại, nhìn qua cửa kính, ước mơ ngoạm được cái bánh trung thu. Ngày nay, mua về cúng Phật rồi cho mấy đứa con ăn thì chúng nhăn mặt không ăn.

Nếu mình không lầm thì hàng năm, bà cụ mua hai cái bánh trung thu; một cái bánh nướng và một cái bánh dẽo để cúng Phật. Ngày nào, mấy anh em cũng nhìn lên bàn thờ xem hai cái bánh còn hay không, lâu lâu bắt cái ghế leo lên, dí cái lổ mũi gần hai cái bánh để hít hà, miệng nam mô lạy Phật cho mau đến rằm.

Ngoài bánh trung thu thì có bánh con heo nướng. Nếu mình không lầm thì trong con heo không có nhân nhiệt gì cả hoặc nếu có thì nhân đậu xanh. Mấy cái bánh hình con heo to đâu khoảng 7-10 cm, như con heo quay, cháy cháy, có gắng hai hột đậu đen làm hai con mắt rồi mấy chú Ba Tầu vẽ phẩm đỏ chi đó. 

Mình hay chơi đánh đáo bằng bạc cắc với tụi trong xóm. Chơi bắn bi, tạt lon,... thì mình không giỏi nhưng chơi  đánh đáo có bạc cắc thì mình ăn nhiều hơn thua. Cả đám đặt  ra một đồng bạc cắc, rồi xem đứa nào đi trước. Cầm một cọc bạc cắc, thảy vào cái lỗ. Không hiểu tại sao, khi mình thảy, thường thường là hai ba đồng lọt vô lỗ là thấy ăn rồi thêm chọi, bún, mỗ,.... Mỗi lần ăn tiền tụi trong xóm là chạy sang rạp Ngọc Hiệp, khúc tiệm ông thầy mằng, có tiệm bán bánh trung thu, mua một hai con heo nướng đem về chia cho mấy đứa em. Chỉ có bột không mà ăn sao thấy ngon nức nở.

Ngoài mấy cái bánh Trung Thu ra, mình còn lượn vòng vòng đường Minh Mạng, cạnh tiệm bán sửa radio, tivi Công Đồng; có tiệm bánh, treo thêm các lồng đèn; có khung làm bằng tre vọt, dán giấy bóng. Thường thường là đèn ông sao, đèn hình con gà, con cá,... Không tiền thì mua mấy lồng đèn giấy xếp. Có lần thằng Dư, hàng xóm, học trường Trần Hưng Đạo, ai chỉ nó làm đèn Kéo Quân nhưng chả thấy quay gì cả. Có lần ông cụ mình làm cái đèn Cù nhưngnặng quá không khiên đi khoe được.

Ngoài các lồng đèn, tiệm này còn bán mấy cái xe lon đẫy, có hình bướm mà sau này lớn lên học trung học, mình có làm để chơi hay cho mấy đứa em. Lấy cuộn chỉ đã xài hết chỉ, lấy cái ruột bằng gổ. Dùng sợ dây kẽm xỏ qua lỗ  cuộn chỉ mà người ta dùng để cắm vào cây sắt nhỏ nơi đầu máy may, để lúc đạp máy may thì sợ chỉ sẽ kéo cuộn chỉ quay vòng vòng, nhả chỉ ra. 

 Mình lấy cái lon sữa bò dùng hết, đục hai cái lỗ hai đầu để xỏ dây kẽm từ cuộn chỉ. Lấy cái cây tre nhỏ gắn vào cuộn chỉ để đẩy cho xe chạy. Xếp sợi dây kẽm theo cấu trúc để khi mình đẫy cái xe thì mỗi vòng sẽ bật lên bật xuống để đánh vào lon sữa bò, gây tiếng vang ken ken. Tối Trung Thu, đi rước đèn thì cắm cái nến nhỏ trong lon sữa bò, đục vài lỗ bằng đinh thì ánh sáng từ các lỗ đinh tỏa ra khá đẹp trong đêm tối.

Mùa này họ hay bán con gà nung bằng đất sét, có miếng giấy cứng ở giữa để khi thổi hay dập đập nghe tiếng ueo ueo hay con rối hình gà trống hoặc mấy cái vụ.

Rằm Trung Thu thì trong xóm mình chả làm gì cả nhưng xóm Địa Dư thì tổ chức rước đèn khá vui. Xóm này có hai mạng học Yersin; Phạm Ngọc Liên và Lâm Tài Phát. Đám con ông Lào, nhà ở cuối cư xá, hay làm ông Địa, con Lân rồi đánh trống Tùng Tùng... Đi một vòng từ xóm Địa Dư đến cư xá Công Chánh rồi đi lại. Đám con nít đi theo phía sau, rước đèn, mỗi đứa xách theo đèn ông sao, con gà, cá chép,.. sung sướng hát nhép nhép  "đèn ông sao với đèn cá chép, em rước đèn này đến cung trăng... Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em máu cadưới ánh trăng rằm,..."

Có năm, không hiểu sao Thiên Hạ đua nhau ra Hồ Xuân Hương, thả lồng đèn hoa sen làm bằng giấy, có hình hoa sen, có gắn đèn cầy ở trong. Các nhà ở đường Hai Bà Trưng cũng rũ nhau thả đèn ở suối giữa đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng. Nhìn những hoa sen làm bằng giấy với ngọn nến lênh bênh trên Hồ khiến có cảm giác rợn rợn như cô hồn ở đâu bay lượng trên hồ. Mình không nhớ rõ năm nào nhưng chắc chắn là năm có trò "Trừ Ma quỷ". Nghe đồn, đêm đêm quỷ đi vòng vòng, Thiên hạ sợ ma quỷ vào nhà bắt con cháu nên lấy sơn hay vôi quẹt chữ Vạn hay cái Thánh Giá trước nhà. Mình chỉ nhớ một sáng, mở cửa ra đường thì thấy ai vẽ bằng vôi chữ Vạn ngay cửa nhà mình. Tương tự một lần, mở cửa nhà thấy ai treo trên cây Mimosa trước cửa nhà một hình nộm, đề chữ đã đão HCM. Sau này lớn lên mới hiểu là chiến dịch bài trừ, chống quân đội Mỹ tham gia chiến tranh VN, "ma quỷ" nói lái lại là "Mỹ qua".

Đi rước đèn xong, về nhà là đến giây phút mà mấy anh em chờ đợi lâu nay. Bà cụ đang cúng còn mình và mấy đứa em thì cứ thổi phù phù cho hương sớm tàn. Gọi bà cụ, nói hương tàn rồi nhưng bà cụ nói chưa tàn, đợi thánh thần về hưởng bánh cái đã. Mình thì cứ lâm râm, khấn gọi thánh thần ăn cho mau mau.

Lạy ba vái xong là xem bà cụ thỉnh bánh xuống. Bà cụ chia bánh làm hai, một phần để dành cho ngày mai. Bà cụ chia phần còn lại, ra làm bốn cho 4 anh em. Sau khi ăn phần mình xong thì cứ thò tay, lấy ngón tay chấm chấm mấy miếng bánh vụn nát rồi quẹt quẹt. Cái khổ là bà cụ mình cứ ba năm sinh hai đứa con nên những năm sau thì thay vì chia 4 phần lại chia làm 5,6,7,8,9... Nên phần bánh càng ngày càng nhỏ lại theo năm tháng.

Mình nghe cô em kể trong thời Bao Cấp, một hôm bà cụ mua được trái soài tượng, đem về bồi dưỡng cho cả nhà. 8 đứa em ngồi xung quanh bà cụ. Bà cụ gọt cái vỏ trước, mấy chị em chia nhau chấm nước mắm ăn. Từ từ, bà cụ cắt từng miếng rồi chia đồng đều, cuối cùng là cái hột soài, mấy chị em truyền nhau để mút đúng một cái. 

Một lần khác, đi chợ về, bà cụ có con mắt rất gian, ra hiệu cả nhà im lặng, kêu mấy đứa con đóng cửa sổ lại. Một đứa rình ở cửa sổ nếu người hàng xóm nào đi ngang hay rình mò chi thì cho biết. Bà cụ lấy một cái gói giấy báo, mở ra thì có nữa con gà luộc. Mỗi đứa em được chia cho một miếng thịt gà, sau đó thay phiên mút mút trong im lặng mấy cái xương gà rồi lấy cái cối để giả cho nát rồi đem ra sau vườn chôn khắp nơi. Nghe nói dạo đó, nhân dân ăn khoai mì và bo bo, ăn thịt rất hiếm, hàng xóm mà biết được sẽ tố cáo.

Mình thích nhất là bánh nướng. Mấy chú Ba ấn dấu đỏ trên bánh. Khi bà cụ cắt bánh ra thì thấy mè đen trộn với bí xay nhỏ rồi cái tròng đỏ của hột vịt, nhân trộn với đậu phụng, thịt hằm bà lằng,..Bánh dẻo thì màu trắng, chắc luộc. Không biết họ bỏ cái gì trong nhưng cứ thấy thơm thơm mùi mức bí.  Ngày nay coi hình ảnh họ làm bánh ở VN và bên Tàu thì hết dám mua, chỉ mua ở tiệm làm ở Bolsa, còn bánh nhập cảng từ TQ thì không dám.

Có năm, mình thấy có ông nào vác hai hộp bánh trung thu đến nhà, tìm gặp ông cụ. Mấy anh em mình thập thò sau cánh cửa, lâu lâu liếc vô phòng khách, nhìn hai hộp bánh, lâu lâu nuốt nước miếng cái ực. Cuối cùng khách đi về, đưa cho ông cụ hai hộp bánh nhưng ông cụ không nhận, nhất quyết từ chối khiến mấy anh em, cõi lòng tan nát, bao nhiêu giấc mơ được ăn cái bánh nướng tan theo mây khói. Sau này lớn lên, mới hiểu ông Cụ không muốn bán rẽ lương tâm mình bằng hai hộp bánh dù đàn con đang thèm thuồng. Nghe kể, người ta nhờ người làm bánh bỏ vàng ở trong, gia chủ nhận quà bánh, khi ăn sẽ thấy mấy lượng vàng.

Ngày nay, hàng năm mình mua một hộp bánh trung thu để cúng rằm, theo phong tục. Sau đó hai vợ chồng mất mấy ngày mới tiếp thu, bồi dưỡng hết hộp bánh còn mấy đứa con thì chê không ăn. Hồi chúng còn nhỏ mình hay đem ra phố Bolsa, nơi Cộng đồng tổ chức Trung Thu, phát quà cho thiếu nhi. Cõng thằng con trên vai, Tùng xình Tùng xình theo điệu Lân múa. Thằng con vui lắm nhưng lớn lên thì nó chả màng đến trung thu. Chơi game điện tử thú hơn là chạy theo con lân. 


Sơn đen