Nổi buồn chiến tranh

 Nhìn tấm ảnh này, đám tang với đoàn xe nhà binh chạy ngang qua rạp Ngọc Hiệp, đi về hướng Mã Thánh ở Số 6 khiến mình nhớ đến những ngày tháng xưa ở Đàlạt, đi tiễn mấy người quen, bạn bè, chết trận.

 



Trước rạp Ngọc Hiệp, trong hẻm cạnh tiệm Minh Tâm, mình có đi đám tang của Sỹ, anh họ của Nguyễn Đình Tài, học trên mình đâu 1, 2 lớp gì đó. Tập nhu đạo với mình và Không Thủ đạo ở Ngã 3 Chùa. Sau này đi lính Nhảy Dù rồi chết trận. Tên Mai Thế Lương rên, kêu khiêng cái hòm to và nặng quá.

 

Xóm mình thì có thằng Nhân, con bà Hành trên đường Thi Sách, học Văn Học, trên mình 2 năm, hay đánh bóng bàn với mình. Rớt tú tài, đi lính ra trận ở Cai Lậy chết. Một hôm, xe nhà binh chở quan tài của hắn, đậu trước cửa nhà mẹ hắn khiến bà hoảng tiều. Mình nghe khóc rống trên đường Thi Sách nên chạy lên, thấy mấy ông lính bàn giao cái quan tài rồi mẹ hắn cần cái  tăng để quan tài của hắn nằm lù lù với tấm ảnh trẻ 18 tuổi. Láng giềng hắn có thằng Vui, học Trần Hưng Đạo, nằm vùng bị bắt nhốt ở Trung Tâm Thẩm Vấn. Hai tên cùng tuổi ở cách nhau có 3 căn nhà, đi theo hai đường khác nhau.

 

Trên xóm Thi Sách, có một tên cũng hơn mình đâu 3 tuổi, hồi nhỏ hắn hay làm diều chơi rồi bán cho mình. Rớt tú tài, đi Biệt Động Quân, về phép, đào ngủ luôn, quân cảnh có ghé nhà hỏi thăm. Sau 75, thì thiên hạ mới biết hắn đào ngủ, giác ngộ đã sai đường lạc lối, trở về với cách mạng sớm. Nghe nói sau 75, được cách mạng chỉ đạo, bán trà khá lắm.

 

Ở dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện, gần nhà ông Chi, có một anh chàng hơn mình đâu 4 tuổi, tên gì quên rồi, hình như Ngữ, người Huế. Mình hay lên nhà anh ta chơi, thấy ông thần này học đêm học ngày. Đậu tú tài, vào trường Võ Bị, ra trường đậu Thủ Khoa. Nghe nói bắn cung 4 phương trời chi đó. Gia đình ăn khao lớn lắm. Ra trận đầu tiên. Chết. Xe nhà binh chở về, đi đám ma. Chán Mớ Đời 

 

Đám tang thấy chiếc xe nhà binh GMC chở quan tài và người thân, phía trước có chiếc xe Jeep dẫn đường, chở ông sư hình như thầy Từ Mãn của chùa Linh Sơn. Chắc đến nhà tụng kinh để làm lễ di quan. Có vài ông lính, cầm súng bắn vài phát đạn giả, xếp lá cờ lại, giao cho tang quyến rồi hạ huyệt.

 

Nói cho ngay, thấy mấy người quen bạn chơi trong xóm, lớn tuổi hơn mình thay nhau chết. Đậu tú tài, cũng chết. Không đậu cũng chết. Học xong đại học, ra trận chết. Không học cũng chết nên mình chả biết phải làm gì vì tương lai là tổ quốc ghi ân với nhành dương liễu. Chán đời mình chả biết làm gì ngoài tập võ hay đánh bi-da.

 

May là mình qua Văn Học gặp thầy Lưu văn Nguyên, khuyên lo học để đi du học. Thêm gặp thằng Nguyên và Hùng con Cua, có anh đi du học ở Gia-nã-đại nên mình tìm ra một lối thoát cho tương lai nên bắt đầu chịu khó học và được đi du học. Mấy năm trước về thăm Đàlạt, có gặp thầy Nguyên, thầy nhớ có viết lá thư cho trường đại học bên Tây, khi mình nộp đơn xin Du học. Lần sau mình về thì vừa kịp đi đám tang của thầy. Nghe nói thầy đi tù, ở nhà vợ thầy phải lấy anh lái để nuôi con. Đám tang thầy, có thấy vợ cũ của thầy đi nhưng không để tang.

 

Nói chung thì thế hệ của mình sống không có viễn tưởng tương lai như con của mình ngày nay. Khi xưa, con gái thì tương lai làm goá phụ như bài thơ của ông Nguyễn Tất Nhiên được ông Phạm Duy phổ nhạc: “…

Năm năm rồi trở lại

Một mầu tang ngút trời

Thương người em năm cũ

Thương góa phụ bên song…

 

Con trai thì sẽ thành ”CỐ” nên hay đánh lộn lùng tùng xèng. Nếu không qua Văn Học chắc cuộc đời mình có một lối đi khác. Ghi lại đây để cảm ơn thầy Nguyên đã chỉ cho mình một lối thoát khỏi nổi buồn chiến tranh của thế hệ mình.

 

Mình đi tây rồi một tuần sau HÙng Con Cua đi, rồi 3 tuần lễ sau thằng Nguyên, rồi mấy chị em Chử Thị. Vài tháng sau, Sàigòn mất nên cũng có một số người di tản. Số còn lại phải trải qua cơn đại nạn “ngăn sông cấm chợ”, đánh tư sản mại bản, vượt biển như vợ mình.

 

Mấy trăm tấm ảnh của anh Kính gửi mình, đưa mình về rất nhiều hình ảnh của tuổi thơ, không có khát vọng trong cuộc chiến Quốc-Cộng mà chính mình cũng không hiểu tại sao mấy tên bạn quen khi xưa lại chết trong nổi buồn chiến tranh.

 

Nhs

Tìm chồng tìm vợ qua mạng

 Mấy năm trước, mình mua tin tức của mấy tên chuyên gia tài chánh nên đánh liều mua cổ phiếu của công ty Match Group (MTCH), một công ty giúp các linh hồn đơn côi tìm đối tượng qua mạng. 

 

Quá rẻ so với thời mình đi kiếm vợ, phải tốn tiền máy bay, bay đi Hoa Kỳ, Ý Đại Lợi, Boston, Texas, Colorado, Cali,…để được mai mối.

 

Ngày nay chỉ cần lướt mạng là có hình ảnh các đối tượng, thích thì kéo cái rẹt qua phải, không thích thì kéo cái rẹt qua trái. Chỉ trả đâu $10/ tháng mà có thể chọn lựa hàng ngàn cô gái trên mạng. Kinh.

 

Theo thống kê thì 1/3 các mối tình hữu nghị được phát hiện qua mạng và 1/4 đưa đến hôn nhân. Nói rõ hơn là 12 triệu mối tình hữu nghị tại Hoa Kỳ và 3 triệu hôn nhân được phát hiện qua mạng Internet.

 

Được biết là 61% các giới tuổi từ 18 đến 29 tuổi là hiện đang hay đã từng tìm bạn bốn phương trên mạng. Còn tuổi từ 30 đến 59 tuổi thì chỉ có 44% và trên 6 bó thì chỉ có 11%. Chắc già rồi nên đã yên bề gia thấthoặc chán trò kiếm vợ kiếm chồng, hay không biết sử dụng các phương tiện kỹ thuật ngày nay. Kinh

 

Người ta tiên đoán là vào năm 2031, 50% các cuộc tình hữu nghị sẽ khởi đầu trên mạng. Công ty đang dẫn đầu là Match Group, họ có mặt khắp nơi với các ngôn ngữ khác nhau. Có đâu 6% dân số Hoa Kỳ là hội viên.

 

Cũng có những công ty làm mai khác chuyên về tìm mối tình hữu nghị nhưng đa số đều được công ty Match Group thu mua hết. Ở Việt Nam có chương trình “Bạn Muốn Hẹn Hò” bắt chước người Nhật, nghe nói khá thành công trong việc làm mai làm mối.

 

Đi làm về, ngồi chít chát hết đối tượng này rồi nhảy qua đối tượng khác, không tốn tiền điện thoại viễn liên như mình khi xưa. Gọi từ Luân đôn qua Boston hay Cali khiến công ty British Telecom tưởng là có người ăn cắp số điện thoại của mình. Ngày nay đi tìm bạn quá rẻ.

 

Trước mùa đại dịch, công ty có bị tai tiếng khiến mình teo chim nhưng trong mùa đại dịch, thiên hạ không đi đâu được, bị cấm cung nên biến thành các hội viên của công ty này khiến lợi tức lên như điên.

 


Cho thấy ngày nào thiên hạ còn yêu thì còn phải trả tiền để tìm người yêu khiến mình vui mừng vì cổ phiếu gia tăng không ngờ. Tháng trước, anh bạn hỏi có còn giữ Shopify không do anh ta giới thiệu, mình nói không biết để về xem vì cả năm không mở ra xem. Về nhà tò mò mở ra xem khiến mình thất kinh muốn té xỉu. Đúng là sang nhờ vợ, giàu nhờ bạn. Anh bạn lâu lâu kêu mình nên mua cổ phiếu của công ty này hay công ty nọ. Thừa cơ hội mình mua luôn Zoom , hôm nay mở ra xem ngất ngư con tàu đi.

 

Thừa thắng xông lên, mình nghe lời tên chuyên gia tài chánh mà mình mua tin tức hàng tháng của hắn để mua một công ty dược phẩm, sắp sửa được FDA cho phép bán một loại thuốc để trị bệnh có 2 tỷ người trên thế giới. Chán Mớ Đời 

 

Nhs

 

 

Những cây xăng Đàlạt khi xưa

 Hồi nhỏ mình không để ý đến mấy cây xăng tại Đàlạt đến khi bà cụ mua cho chiếc xe gắn máy cũ vì chạy xe hết xăng, đẩy xe lên dốc Đàlạt khá châm. Nhìn lại thì người ta chọn địa điểm làm cây xăng rất quan trọng vì tất cả đều ở các cứ điểm của Đàlạt thời đó.

 Có lẻ cây xăng mà ai đi ra khỏi hay vào Đàlạt đều phải chạy ngang là cây xăng Shell Kim Cúc, ở đường Nguyễn Tri Phương, thường được các xe ngừng lại đỗ xăng trước khi xuống đèo Prenn. Bà chủ Kim Cúc quen bà cụ mình.

 

Cây xăng thứ nhì là Caltex ở bến xe đò, cạnh ấp Ánh Sáng vì các xe đò hay xe hàng, đỗ xăng trước khi lên đường. Từ đường Lê Đại Hành, chạy từ khu Hoà BÌnh xuống nằm bên tay phải. Nghe nói chủ cây xăng này là ông chủ rạp Hoà Bình và tiệm ăn Chic Shanghai. Mình có đọc đâu đó; cây xăng này được mở do chính quyền Đàlạt, dưới thời thị trưởng Trần Văn Phước khuyến khích nên cho đất, khi họ muốn làm bến xe đò ở đầu ấp Ánh Sáng. Cùng thời, ông chủ Chic Shanghai cũng là người thuê 20 năm, bỏ tiền ra để tân trang lại rạp Hoà Bình và cho thuê mấy tiệm xung quanh rạp Hoà BÌnh. Không biết con cháu của ông chủ này còn sống hay không. Ai biết thì cho mình biết để liên lạc để hỏi thêm vài tin tức.

 

Sau này, chính quyền của ông Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh tưởng và thị trưởng Đà Lạt cuối cùng, có chương trình dời bến xe đò ra đường Nguyễn Tri Phương, mà nay Hà Nội làm bến xe đò Đàlạt nhưng có lẻ tình hình chiến sự, ngân quỹ chưa cho phép, trì hoãn rồi 1975 đến. Chỗ bến xe, họ tính làm một khu thương mại khác. Xe đò, xe be vào Đàlạt gây lộn xộn giao thông trong thành phố. Đưa các bến xe đò ra ngoại ô là hợp lý, giúp các người chạy xe Lam và Taxi kiếm thêm tiền.

Có ông thần nào còm, kêu Đà Lạt không có xe Lam khiến mình buồn cười. Chắc ông ta sinh sau 75. Mình có tấm ảnh này, đoán là các người chạy xe Lam Đà Lạt đi biểu tình hay chi đó, vì thấy có gắn biểu ngữ nới hông xe. ai biết thì chỉ dùm. Cảm ơn

 Nếu chạy về Chi Lăng (Saint Benoît ) thì phải chạy ngang cây xăng Esso của gia đình thằng Nam, học chung với mình. Đám học chung gọi “Nam Esso”, nhà ở đường Hai Bà Trưng, gần góc cầu Cẩm Đô, bên trái là nhà thầy Thành Bắp Sú, mới qua đời. Nếu mình không lầm thì còn có một cây xăng khác phía sau lưng khu Hoà Bình, chỗ bến xe đò Tùng Nghĩa hay ngay góc Phan Bội Châu, bị cháy bởi Việt Cộng đốt trước khi bỏ chạy trong cuộc tổng công kích Mậu Thân khiến khu phố Photo Hồng Châu bị cháy. Lâu quá không nhớ rõ vì mình chưa bao giờ đỗ xăng tại đây. Thường mình đỗ xăng ở cây xăng Esso chỗ Nam Esso. Lý do là ông cụ mình có công xa nên được chính phủ cho bông xăng, còn dư thì đưa mình ra đỗ tại đây. 

 

Theo bộ nhớ của mình thì Đàlạt có vài cây xăng như đường Phan Đình Phùng có 2 trạm đổ xăng; 1 ở cạnh rạp Ngọc Hiệp, khi xưa toạ lạc rạp xi nê LangBiang của gia đình ông thầu khoán Cai Sớm, 1 trong những người đến lập nghiệp đầu tiên tại Đà Lạt, bố của bác Bê, an ninh quân đội Đà Lạt, và một ở Ngã 3 Chùa. Sau thì rạp xi nê bị cháy, ông cai sớm không muốn xây lại vì có rạp Ngọc Hiệp được xây gần đó. Có lẻ ông ta bán cho chủ cây xăng Ngọc Hiệp, hình như có vài cô con gái cỡ tuổi mình. Cây xăng nằm giữa tiệm cơm Kim Linh và cái hẻm có quán mì quảng nổi tiếng của ông Bắc kỳ, bên hông tiệm bán vật liệu xây dựng Đức Lập. Con trai là hàng xóm mình bên cali. Thông thường các xe be, vận tải hay đậu ở sau hai tiệm ăn Như Ý và Kim Linh, có chỗ sửa vá xe.

 

Đi theo đường Hàm Nghi xuống Ngã 3 Chùa thì có một cây xăng nằm ngay ngã 3 Phan Đình Phùng và Hàm Nghi nên dân cư Đàlạt thường gọi là Cây Xăng Ngã 3 Chùa, nếu mình không lầm cũng của hãng Shell. Mình không nhớ là trên số 6 có trạm xăng hay không. Nếu không thì ai có xe phải chạy ná thở đến Ngã 3 chùa để đỗ, khá bộn tiền.

Cây xăng Esso ngay Thuỷ Tạ
Cây xăng Kim Cúc, có người gửi 


Cây xăng này có lần bị Việt Cộng đặt chất nổ, tương tự nhà ông phó khu phố 1, ở gần đó bị đặt chất nổ. Chỗ này có hợp tác xã rau Đà Lạt, nơi làm trụ sở nhân dân tự vệ, hình như ông Phấn làm đoàn trưởng Nhân dân tự vệ khu vực này. Chỗ này có tiệm thuốc tây của bà Mười Võ. Bên cạnh có chỗ dạy nhảy đầm cho dân chơi Đà Lạt. Lý do mình nhớ, có lần mình đang chạy xe thì có một tên tự xưng là dân Sàigòn, ngoắc lại hỏi trường dạy khiêu vũ ở đâu thì mình chỉ hắn. Họ kêu sẽ cho bọn dân Đà Lạt biết tài nhảy đầm của hắn ra sao. Gần đó có một nhà nhận xay gạo cho dân Đà Lạt. Mỗi lần nhà mình đỗ bánh căn hay bánh xèo là đem gạo sang cho họ xay rồi trả tiền, đúng hơn là trước cổng chùa Linh Sơn. Ngưng chỗ này cả càng viết càng nhớ nhiều chuyện xưa Đà Lạt. Chán Mớ Đời 

 

Có điều dân bán xăng ma đầu lắm vì họ đỗ ít lại, cứ 1/10 lít, dần dần đủ giàu. Nhất là dân chạy công xa, có phiếu mua xăng đỗ đầy mà còn dư xăng là ngọng, cần đem theo cái can xăng để đỗ thêm nếu không là phải tặng cho cây xăng, làm giàu cho chủ.

 

Có dạo, xăng dầu khan hiếm sau mùa hè đỏ lửa, Hoa Kỳ bớt viện trợ, vật giá leo thang thì có màn dân tình bán xăng pha trong mấy cái chai. Mình thấy nhiều nhất ở đường Cường Để hay dọc theo sân vận đồng ở đường Cộng Hoà. Đi xe mà hết xăng thì gặp loại xăng pha dầu hôi này cũng phải mua. Chán Mớ Đời 

 

Hình Cây xăng Kim Cúc ở góc Nguyễn Tri Phương và Yersin (nay Hùng Vương). Khi xưa, Hùng Vương chỉ từ ngã 3 đường lên Huyên Trân Công Chúa và vào Cam Ly, đến Petit Lycée (Lê Quý đôn)

 

Hình này chụp từ đường Nguyễn Tri Phương. Thấy có bảng chỉ dẫn đường. Hướng Cam Ly theo đường Hùng Vương, thẳng ra chợ Đàlạt, hình như đường Nguyễn Trường Tộ, hướng Dran (Đơn Dương), có lẻ là tiếng dùng của người thiểu số, chạy về đường Trần Hưng Đạo.

 

Hình cây xăng Kim Cúc của hãng Shell. Nếu mình không lầm cái trạm bơm dầu Diesel, nằm phía ngoài để xe vận tải có thể đậu, không làm chướng ngại cho mấy xe nhỏ hay gắn máy.


Nếu chạy chút xíu đến Hôtel du Parc gần kho bạc, sẽ thấy một trạm xăng nhỏ, của công ty Shell, phía sau khách sạn Palace. Chắc khi xưa, tây cho xây dựng hai khách sạn này, một Palace dành cho mấy ông chủ bự, đắt và chỉ có 26 phòng, còn Hôtel Du Parc dành cho tuỳ tùng nên có trạm xăng để đỗ xăng cho xe của họ lên Đà Lạt.


Hình nhìn từ trên cao, phía sau khách sạn Hôtel du Parc. Do Nguyễn Kính gửi thêm để bổ túc.


Hình chụp từ cầu thang phía sau khách sạn Palace. Thấy trạm cây xăng Shell chỉ có một trạm đỗ xăng.

Đối diện chỗ vào Thuỷ Tạ, có cây xăng Esso. Nay hình như là chỗ nhà vệ sinh. Chắc cũng sẽ bị san bằng vì họ đã san bằng căn biệt thự của bà dược sĩ Nguyễn Thị Hai. Một ngày đẹp trời nào đó sẽ mọc lên một khách sạn to lớn như khách sạn nào mới xây ở đường Nguyễn Trường Tộ, xây nhiều hơn bản vẽ, phạt mấy triệu đồng.

 

Cây xăng Esso, ở ngay ngã tư, góc đường Trần Quốc Toản, đối diện là Thuỷ Tạ. Sau cái bảng Esso là một con đường nhỏ mà khi xưa ông tài xế của một ngân hàng hình như Tín Nghĩa, cùng với 2 tên khác, giả bị cướp xe, khi đem tiền lên kho bạc. Mình quên tên rồi, dân Đà Lạt hay gọi đường lên kho bạc vì kho bạc nằm phía sau khách sạn Palace, chỗ góc đường Bá Đa Lộc, đi vào trung tâm thẩm vấn. Tài xế bị bỏ lại tại đèo Prenn. Ông cảnh sát, quên tên (ông này quen với bố mình) khệnh cho ông tài xế một trận là khai ra đồng loã hết. Nhìn lại biết đâu lại Việt Cộng nằm vùng. Tổ chức cướp tiền cho Việt Cộng. Ai có thêm tin tức vụ này thì cho em xin. Chỉ nhớ báo chí đăng là ông tài xế với nhiều tòng phạm, chận xe lại ngay trên đường này rồi chạy xuống Sàigòn, tới chỗ đèo Prenn thì họ trói ông tài xế lại, rồi xô chiếc xe xuống hố, ôm tiền chạy về Sàigòn. Không hiểu ông ta lại bò ra đường kêu gọi cầu cứu. Ăn cướp thường là diệt khẩu. Mình có đến dự cảnh ông ta bị cảnh sát bắt diễn lại cách bị ăn cướp chận đường ra sao. Dân Đà Lạt bu lại xem đông như ruồi.

 


 Hình này chụp từ đường Thành Thái, trước rạp Ngọc Lan, quán phở nhìn xuống. Trạm xăng Caltex, ở ngoài bến xe đò. Thấy có đến 4 trạm bơm xăng, có lẻ trạm xăng lớn nhất Đàlạt.

 


Hình này chụp từ cầu Ông Đạo khiến mình nhớ thời học sinh. Đi đâu cũng phải đem theo giấy tờ, thẻ học sinh và chứng chỉ hoãn dịch. Chỗ này, Tuần cảnh đậu hay chận xét giấy tờ, trên khu Hoà Bình cũng có trước rạp xi-nê Hoà Bình. Trước rạp xi-nê Ngọc Hiệp cũng có, hình như ông Lai (anh em Lai Thái một thời du đảng khét tiếng, đàn anh của Xí rổ, từng chém Đại-Ca-Thay trước vũ trường La Tulipe Rouge), sau này đi tuần cảnh hay đậu xe jeep trước rạp xi-nê để bắt lính. Ngay bùng binh Duy Tân, Cường Để cũng có 1 trạm của tuần cảnh. Ai mà chở 3 là phải ngừng xe, cho một tên đi bộ qua trạm kiểm soát. Cũng vì vậy mà một tên bạn học cũ bị chân quấn vào bánh xe Honda của mình.


Mình đoán là dưới Chi Lăng chắc chắn phải có một cây xăng. Hình như mình có thấy trong một tấm ảnh ở bến xe Chi Lăng. Lười đi tìm tấm ảnh mà mình có kể trong vụ thiếu tá Lê Xuân Phong của đại đội 302 với hạ cấp suýt bị quân cảnh của trường Võ Bị đánh, bắn súng tùm lum.

 

Nhớ tới đây thôi. Cái khổ là càng kể chuyện xưa Đà Lạt lại càng nhớ thêm nên phải ngưng viết. Ai nhớ cái gì thì cho mình biết để bổ túc vào bài. Cảm ơn trước.


 Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nhs


Đối diện hai anh cảnh sát ( mang kiếng đen ) và chiếc xe jeep lùn ( trên hình cuối ) là đầu cầu Ông Đạo , năm 1974 có chiếc F-5 sau phi vụ ở Pleiku nghe nói bị " thương " , và nổ ở vị trí đầu cầu Ô Đạo , phi công tử nạn ( hình như là người ấp Ánh sáng ) và một số thường dân nữa ! Sơn đen còn nhớ sự kiện này chứ ? Ở vị trí đầu cầu này cũng thường có Tuần cảnh bắt xe gắn máy chở ba - Đời học sinh mình cũng đôi lần bị Tuần cảnh hỗn hợp , hay Quân trấn xét hỏi giấy tờ ( trong khi đi với mấy thằng bạn cùng lớp to con lớn xác thì không bị xét hỏi giấy tờ ? ) , nghi trốn quân dịch ; đi học luôn phải đủ các giấy tờ sau : Thẻ học sinh + Thẻ căn cước + Lược giải cá nhân + Thẻ động viên tại chỗ ( Mình còn giữ đầy đủ 4 loại trên ) - Cây xăng ngã 3 chùa là cây xăng của Ô Vấn ( bạn ba mình dân Hiến binh thời TT Ngô Đình Diệm ) , năm 1969 bị "vi xi " đặt chất nổ gây cháy , khói đen ngút trời ( vì phía sau có chốt gác Nhân dân tự vệ ) , sáng hôm đó mình đi học ( THĐ ) theo hướng này ( đổ dốc ngã ba chùa ) bị phong tỏa , phải quay lại đi theo đường Nguyễn Công Trứ . . . Nhớ thời đó chạy xe đi học , Ô bô cho vài cái coupon xăng để thủ theo , khi cần có thể ghé vào cây xăng ( phát hành coupon ) để đổ xăng ! . . .


NHS: mời đọc bài về Thuỷ TẠ , có kể rõ mấy vụ này. Cảm ơn

Rước Thánh Mẫu tại Đàlạt xưa

 Nhìn tấm ảnh khiến mình nhớ đến khi xưa, nghĩa là trước Mậu Thân, mỗi lần có lễ Phật Đản hay lễ rước Thánh Mẫu là mình bò đi xem. Sau Mậu Thân thì có lệnh giới nghiêm sau 9 giờ tối nên các sinh hoạt cộng đồng của thị xã trước đây về khuya như chợ Đêm, rước thánh Mẫu, Phật Đản, thả lồng đèn ở hồ Xuân Hương bị đình chỉ.

Có người đọc cho biết, xin bổ túc ở dây. Xin cảm ơn anh Tho Nguyên Duy

Sai rồi bạn ơi. Đây là xe hoa mừng Phật đản (khoảng 63~65) của Khuôn hội Bồ Đề (ấp Xuân An). Xin chào! 

Xin đính chính thông tin của anh Sơn. Bức hình này là chụp Lễ Phật Đản (có lẽ năm 1965). Xe hoa của Khuôn hội Bồ Đề làm hình con rồng, toàn bằng lá và bẹ chuối. Năm đó tôi có tham gia làm xe hoa này. Người đứng bên trái đặt tay lên miệng con rồng là ba của tôi, là Khuôn trưởng Bồ Đề. Tôi có biết bác Tế, trước khi thành lập Tổ tiên Chính giáo thì bác cũng là hội viên thuộc khuôn hội Bồ Đề. bác là giáo viên trường Tiểu học Xuân An. 

(Tổ tiên chính giáo đại đạo sinh tồn được thành lập ngà 1/1/1964. Đọc bài mình viết về đạo này)

Chú Châu tiệm giặt ủi Thanh Châu người Huế có cô con gái tên Sương học sinh Bùi thị Xuân và là đoàn sinh GDPT sinh hoạt hàng tuần trên chùa Linh Sơn. Thời ấy vui quá chừng..... Cám ơn trí nhớ của anh bạn Sơn. Tôi muốn hỏi thăm bạn Sơn về người con trai của bác Quán tên là Đoàn thất Đường, trước học cùng tôi tại trường THD, nay khồng biết Đường ở đâu và ra sao rồi? Bạn Sơn có biết tin tức gì không? Có lần về Đalat tôi có thấy Liễu, em gái Đường nhưng không có dịp để hỏi, vì chỉ nhìn thấy cô Liễu thôi. 

 

Hình này được chụp trên đường Minh Mạng, ngay chỗ tiệm bánh Lợi Xương Viên, khi xưa mẹ mình hay mua đèn trung thu và bánh trung thu, bánh heo nướng (loại chỉ có bột, nặn thành con heo rồi nướng, quẹt chút đường, thêm chút phẩm đỏ) tại đây. 


Bên cạnh là tiệm bán và sữa radio, truyền hình Công Đồng. Bố mình mua cái máy truyền hình cũ ở đây. Đối diện là tiệm giày Mỹ Hưng, mướn nhà của ông Tư, anh ruột của mệ ngoại mình. Sau này ông muốn bán cho bà cụ mình nhưng không hiểu sao, mẹ mình không mua. Hình như tiệm giày Mỹ Hưng mua thì phải. Hồi nhỏ mình hay ra đây chơi vì gia đình chú Ký, mướn ở tầng trên lầu. Gia đình Mỹ Hưng ở dưới.

 

Trước khi đi tây, mẹ mình đem ra tiệm này, kêu đóng cho mình một đôi giày. Sang tây mang được vài lần rồi quăn vì trông giống giày nông dân của tây. Mấy tên tây học chung cười vì kiểu giày có cục u trước mũi giày mà dạo đó giới choai choai ở Việt Nam hay mang.

 

Trông hình thì mình nhận ra bác Tế, người bận áo Par-dessus, quen gia đình mình, ở góc Cẩm Đô. Sau 75, khi Việt Cộng bắt ông cụ mình thì bác Tế trốn ra ngoài Nha Trang chi đó. Cuối cũng bị bắt, lên án đi tù với ông cụ mình. Bác là đạo trưởng của giáo phái Tổ Tiên Chính Giáo tại Đàlạt, có cái đình chính ở số 2 Cường Để. 

 

Việt Cộng tịch thu, không biết có trả lại hay không vì miếng đất khá to. Mình hay lên đây chơi hoài vào các ngày lễ Thánh Mẫu, ăn thoải mái. Mình thích nhất món chè kê với bánh đa.

 

Mấy người kia thì mình nhận ra nhưng quên mất tên vì không thân, đi lại với bố mẹ mình. Hình này có lẻ rước Thánh Mẫu với các xe hoa. Thường thì họ mướn xe Taxi hay xe đò Minh Trung vì có bọt ba-ga trên mui để làm xe hoa, thậm chí mình thấy chú Thành chạy xe Lam ở đường Hai Bà Trưng, cạnh nhà bà Cáp, cũng dùng xe Lam để làm xe hoa, đón Thánh Mẫu từ tổ đình ở đường Cường Để về số 4, số 6, hay ấp HÀ Đông, chỗ am Mệ Cai.

 

Mình nghe kể hồi nhỏ, bà cụ bán vía mình tại am Mệ Cai ở ấp Thánh Mẫu vì khó nuôi nên ngày rằm bà cụ hay dẫn mình lên am Mệ Cai để cúng, thắp hương. Dạo đó nhà mình ở ấp Ánh Sáng, do vài người làng Kế Môn, Thừa Thiên di cư vào thành lập. Tuổi thơ mình cứ lãng vãng trong khuôn viên của cái am này, chơi cầu tuộc nơi mấy thang cấp đi vào, có mấy cây vối làm hàng rào. 


Hồi nhỏ mình thấy người Huế uống nước lá vối, vị hơi chát chát, rẻ hơn trà Bảo Lộc. Trước khi đi tây, mình có ghé lại Am Mệ Cai để thắp hương thì thấy mấy bậc thang cấp rất nhỏ mà trong ký ức thì rất rộng lớn vì dạo ấy 5,6 tuổi. Ông Cai khi vào Đà Lạt, làm Cai lục lộ nên người ta gọi ông Cai có cái vườn trồng rau, dành một phần để người gốc Huế làm cái am để thờ Thánh Mẫu.

 

Mỗi năm ở Đà Lạt có lễ rước Thánh Mẫu từ Tổ đình ở đường Cường Để, góc đường Thành Thái về số 4, số 6, ấp Hà Đông.  Các lễ này hình như đều do người gốc Huế, di cư vào Đà Lạt tổ chức, mọi người cầm đuốc hay lồng đèn đi theo xe hoa. Vui lắm khi có mấy ngày lễ này, tha hồ ăn bánh in, chè đậu xanh đánh với xôi đậu xanh hay chè kê với bánh tráng ở am Mệ Cai, không khí tấp nập. Hơn 50 năm rồi mình chưa được ăn lại chè kê, lần chót là ngày cuối cùng ở Đà Lạt. Hình như Mệ Cai có người con trai tên Châu, có tiệm giặt ủi ở đường Minh Mạng, ngay góc Tăng Bạt Hổ, đối diện Vọng Nguyệt Lầu, có thời làm trọng tài đá banh sau này thì ông 5 ngựa trù trì tất cả mấy trận đá ở Đà Lạt.

 

Bức ảnh này chụp ngay góc tiệm giặt ủi Thành Châu, ngay ngã 3 Tăng Bạt Hổ và Minh mạng, chỗ Vọng Nguyệt Lầu.

 

Hình ảnh khó quên ở am Mệ Cai là mấy bà lên đồng trong khi ban cổ nhạc đánh mấy bài nhạc với đàn nguyệt, phách, trống,.. . Mấy bà lên đồng, bận áo vàng, áo đỏ,.. có kim tuyến, đội khăn vành, cầm hai cái kiếm hay hai cái lục lạc, đi chân không múa bú xua la mua, lâu lâu hét thật to, lại có người bổ lăn ra sàn đất, tay chân như bị kinh phong rồi bà con xúm lại lạy chết bỏ, miệng dạ thưa cô,..., làm mình sợ, chạy ra sân chơi với mấy đứa trẻ khác, có mẹ đang lên đồng. Sân có cái trang nhỏ thờ ai đó cũng không nhớ, đối diện ngay chính điện của cái am còn bên phải thì có cái chòi đựng phân bón để làm vườn, ruồi nhặn nhất là ruồi xanh to như con ong bay loạn xạ.

 

Mình nhớ có mấy ông đánh đàn như dượng Vĩnh Tường, chồng dì Mến, khi xưa cũng giúp việc với mẹ mình cho gia đình ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Có lẻ vì vậy mà lớn lên mình vẫn thích nghe nhạc cổ truyền Việt Nam. Chỉ tội là phải nghe lén vì mụ vợ không cho nghe.

 

Mình có kể dài về vụ rước Thánh Mẫu rồi. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc Muctimsonden.com

 

Xong om

 

Nhs 

Petit Lycée Đàlạt ngày xưa

 Có anh chàng cựu học sinh Adran, gửi cho mình một số ảnh liệu của Đàlạt xưa khiến mình thất kinh khi thấy tấm ảnh này. Hình ảnh đầu tiên khi mình đến trường tiểu học tây ở Đàlạt. Hôm ấy, ông cụ mình ghé trường vườn trẻ Ấu Việt, xin phép cho mình về sớm, đưa mình đến đây, gặp ông tây đưa cuốn sách rồi hỏi bú xua la mua. Mình trả lời gần như đúng hết, ngoại trừ khi ông tây chỉ cái hình tròn, hỏi cái gì thì mình trả lời: ”lơ cái mâm”. Ra về, mình bị ông cụ chửi te tua, kêu ngu lâu dốt bền thế. Nhưng cũng bà rá được nhận vào học trường tây. Chán Mớ Đời 

 

Từ trường Ấu-việt, đi rẽ dốc Bà Triệu, lên Hùng Vương, rồi rẽ phải đi xuống cái dốc, có bên tay phải 2 căn nhà kiếng của tây đẹp nức nở. Mình có thấy ảnh 2 căn nhà này, để chút mình viết xong sẽ mò bỏ vô đây. Đi xuống thì thấy ngã 3 này, rồi rẻ vô tay trái.



 

Tới gần một chút sẽ thấy bên phải có một cái ao nhỏ rồi một con đường mòn mà sau này mình đi học mỗi ngày, phải băng qua đây. Nơi này, mình chứng kiến hai tên trong lớp; Khoa và Tuấn Trung đánh lộn. 2 tên đều là dân Số 4, gốc Huế, cứ đánh nhau như điên. Có hôm tên Tuấn Trung, đeo theo con dao rồi cứ lụi tên Khoa, tên này lấy cái cặp ra đỡ tưng tưng. Sau này Tuấn Trung đánh lộn với tên Từ Lê Bình, nay ở Pháp quốc. Lâu lâu có liên lạc với mình. Tuấn Trung thì chết vì nghiện sì-ke trước 75, còn Khoa thì mình thấy hình của mấy người bạn học cũ về Đàlạt làm hội ngộ. Mình về đi kiếm không ra.

 


 

Hình này cận cảnh hơn, thấy hàng rào của nhà ông hiệu trưởng với nhà to đùng bên phải. Có cái cổng đi vào, nếu đi trễ thì phải vào văn phòng hiệu trưởng xin giấy phép vào lớp. Bên tay trái có nhà của ông gác dan. Hình này chắc chụp trước khi mình vào học vì mình nhớ có hai cái nhà dù để học sinh trú mưa khi mùa mưa, bên tay trái. Một cho nam sinh và một cho nữ sinh.

 



Hình từ đường HÙng Vương, chụp con đường mòn, đi tắt đến trường, nơi hai tên Tuấn Trung và Khoa hay đập lộn. Bên trái có cái ao do nước mưa từ trên trường đỗ về đây.

 



Hình cổng trường đóng khi chuông reo. Hình như dạo ấy có cái chuông, ông gác dan, lắc lắc khi đến giờ vào học hay ra chơi. Bên phải là nhà của hiệu trưởng.



Có ai ra nhận hàng. Ông Kính đọc bài xong lại gửi tấm này. Nhớ ông Tây đen làm gác dan hay giám thị chi đó.

 

 

Hình này cho thấy lúc ra về, Xe nhà binh đến đón rước con mấy ông tướng tá học khá đông như trong lớp mình có con của ông Tôn Thất Đính, Dương Quang Trực, sau này đảo chính tùm lùm nên chúng biến mất luôn. Năm 10 ème, mình ngồi cạnh con Ông Tôn Thất Đính. Sau đảo chính ông Diệm, hắn lo lắng vì không gặp bố rồi một ngày đẹp trời, không thấy hắn trở lại.

 

Từ cổng đi vào như mình đã kể, qua khỏi khuôn viên nhà hiệu trưởng thì bên tay phải có dãy nhà dành cho lớp 11 ème, 10 ème mà mình học năm đầu và năm thứ 2 ở đây.

 



 

Lớp mình học năm 11 và 10 ème ngay chỗ ông bận áo quần trắng đứng. Bên trái có préau cho mấy lớp nhỏ, rồi bên tay trái là văn phòng ông hiệu trưởng. Hình này chụp chắc lúc mới xây xong vì mình nhớ khoảng đất trống, có vườn hoa, rồi họ rãi sõi nhỏ. Xem hình sau, sẽ thấy vườn hoa kiểu tây. Sau này mình qua tây, thấy không xa lạ lắm.

 



Phía bên tay phải là một góc của văn phòng hiệu trưởng, có hành lang đi lên mấy bực thang đến dãy nhà bên trái, các lớp 8 ème, 7ème học, có préau phía sau, đối diện văn phòng y tá. Mình học ở ngay lớp giữa, ngay hai cái cầu thang đi lên.

 

Phía bên tay trái, có con đường chạy vòng lên phía bên kia mấy lớp này, đưa đến nhà trọ của dân nội trú.

 



Chỗ cầu thang trước văn phòng hiệu trưởng mà mỗi năm, các lớp đứng chụp hình kỷ niệm. Đố các bác em đứng ở đâu? Trong hình có Phạm Ngọc Liên, gặp lại cách đây 3 năm, Hùng Con cua (gia nã Đại),  Phù Du Chương (Cali), Đinh Anh Quốc (Virginia), Lê Việt Quốc (Vancouver), Lê Nam Sơn (Bảo Lộc), Tạ Hoài Hương (con thầy Tạ Tất Thắng), Đặng Vũ Anh Tuấn (Seattle), Trần Bảo Sơn (pháp), Tùng (không nhớ họ), Phạm Công Bình (Cali).



Hình bên phải là lớp cuối của dãy này. Chỗ này ra chơi của các lớp 9 ème, 8 ème, và 7 ème thì các lớp lớn chơi phía chỗ bãi cát và bãi cỏ trước nhà nội trú. Mình còn tấm ảnh, chụp học sinh ra chơi, để mò lại xem ở đâu.

 



Thấy tấm ảnh này thì mình đoán ở trong dãy nhà nội trú. Thấy con nhà giàu đi học nội trú, ở dortoire như trại lính khiếp luôn. Không bao giờ được vào khu này.

 

Nói chung mình cũng ê a học “nos ancêtres sont des gaulois » (tổ tiên chúng ta là người xứ Gaule) mấy năm ở ngôi trường này. Nhìn lại thì chỉ nhớ mấy tên học chung lớp đánh nhau. Một lần được miễn học, được cô giáo dắt ra đường Hùng Vương, đón Ngô Tổng Thống từ phi trường Cam Ly về toà hành chính, có ông Mỹ nào ngồi chung xe. Xe huê kỳ đen với cắm cờ hai bên xe, thêm cò Giao và ông cò nào quên tên, lái xe Moto dẫn đường, thổi tu huýt ầm không gian một thời trong khi học sinh như mình cầm cờ Việt Nam phất trong tiếng hát Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống,...


Cách đây 3 năm, các lớp có họp mặt nhân dịp cô giáo việt-văn, Ngô Thị Liên sang Cali chơi nên mới có gặp nhau lại. Rất vui vì chả ai nhớ ai nhưng lại được làm quen vài người đồng môn cũ.


TB: 

Tải bài này lên mạng rồi, thì có một người Đàlạt gửi cho tấm ảnh này nên bỏ lên thêm. Hôm nào rảnh sẽ kể tiếp qua tấm ảnh.




Có mấy tấm ảnh Grand lycée để hôm nào kể tiếp chuyện ngày xưa.

 

Nhs

Tấm ảnh kỷ niệm về Đàlạt #2

 Mình mới bỏ lên bờ lốc bài về bức ảnh trường Việt-Anh thì có một anh chàng, cựu học sinh Adran, đọc bài của mình, gửi cho 2 tấm ảnh khác về trường Việt-Anh. Có một tấm không ảnh (Elleco’s Photo) chụp từ cầu Cẩm Đô ngược về trường Việt-Anh, khá hấp dẫn nên mình viết tiếp. Anh Kính gửi một số tài liệu về Đàlạt vì có đâu 800 tấm ảnh cũ của Đàlạt xưa. Kiểu này tha hồ mà bay về dĩ vàng của thời xưa.


 

Anh ta gửi đường dẫn về 800 tấm ảnh xưa của Đàlạt. Mình đã có một số nhưng có một số khác thì chưa nên để hôm nào, rảnh sẽ soạn lại theo từng khu phố của Đàlạt xưa, rồi tải lên bờ lốc cho bà con xem.

 

Tấm không ảnh này được chụp ngược lại tấm không ảnh trước, từ ngã 3 Cẩm Đô về Hải Thượng, thấy trường Việt, trường Thăng Long cũ, trường Tân Sanh, nhà bảo sanh Trương Thị Lập và bác sĩ Phạm Trọng Lương. Thấy đường Hải Thượng, Hai BÀ Trưng và Phan Đình Phùng, 1 khúc Duy Tân, đường Cường Để, Lê Quý Đôn và xa xa  trên đồi là đường Thủ Khoa Huân.

 

Cận cảnh thì có đường Cẩm Đô, có chiếc cầu Cẩm Đô, nối liền đường Cầu Quẹo (Phan Đình Phùng sau này) qua đường Hai Bà Trưng. Có con dốc leo mấy bực thang lên bệnh viện Đàlạt. Thấy có dãy nhà 2 tầng của bố mẹ Vy Nhật Tảo bên cạnh con suối mà dân cư khu này, đem rác ra đỗ, làm nghẹt cả dòng suối, gây lụt lội khi mùa mưa đến.

 

Con suối nhìn kỷ thì thấy chảy qua đường Hải Thượng rồi rẻ phải về đường Hoàng Diệu rồi nhập vào con suối từ Ấp Ánh Sáng chạy dọc đường Cường Để về Cam Ly.

 

Bên tay phải, cận cảnh có quán cắt tóc trước nhà Vũ Văn Tùng, mê Hàng Thị Ngọc Hiền, ở phía sau dốc. Nơi mình xuống tóc một thời lỡ dại, cá với đám bạn. Chúng rũ mình cạo đầu vào mùa hè rồi khi mình cạo đầu xong thì chúng sợ quá nên không dám cạo.

 

Phía bên trái theo thấy có ngã ba đường Duy Tân và Phan Đình Phùng. Đặc biệt là thấy cái biệt thự to đùng của gia đình Lê Huy Hà, học chung với mình ở Yersin, nghe nói mới qua đời năm ngoái hay năm kia trên đường từ Gia-nã-đại về Thái Lan.

 

Sau lưng căn nhà của gia đình Lê Huy Hà thì thấy đường Thủ Khoa Huân, nối với đường Duy Tân. Mình ít khi đi đường này lắm vì chả có gì ngoài những biệt thự. Mình có đến 1 trong hai cái nhà trên đồi này (Thấy trong hình) mà một cô học sinh chung lớp 11 B Văn Học khi xưa ở trọ. Không biết cô ta từ đâu đến ở trọ, học Văn Học, chỉ biết hơn mình mấy tuổi nhưng thằng Huỳnh Kim Sang mê cô nàng. 

 

Một hôm, hắn với thằng Hiệp 11A, thủ môn của trường Văn Học rũ mình đến nhà Nguyễn Thị Ri chơi. Tên Hiệp thì đang đả thông tư tưởng với Nguyễn Thị Đức 11B, mỗi ngày hắn viết thư nhờ mình đưa lại cho đối tượng. Hai cặp ngồi nói chuyện chi đó, mình Chán Mớ Đời nên ra vườn xem. Vài tháng sau thì đôn quân, 2 tên này sinh 1955 nên đành xếp chuyện yêu đương đi lính, Nguyễn Thị Ri thì cũng biệt tăm luôn, vô bưng hay về quê lấy chồng. Nguyễn thị Đức thì nay lấy một tên học chung lớp khi xưa, ở đường Thi Sách, gần nhà mình. Tên này không nhận ra mình khi đi với Ngô Văn Thuỷ dù khi xưa, mình chở hắn đi đá banh và rũ mình vào Nhân Dân Tự Vệ phường 2.

 

Thấy trường tàu Tân Sanh cho học sinh người gốc Hoa. Mình vào trường này mỗi khi có đánh bóng rỗ, nhất là đại hội thể thao học sinh Đàlạt Tuyên Đức. Dân gốc Hoa thích chơi bóng rỗ nên chỉ có mấy trường dòng Lasan mới đấu lại trường Tân Sanh.

 

Trên đường Hai BÀ Trưng thì có dãy nhà hai tầng của trường Thăng Long cũ, trước đó có tên Hiếu Học thì phải. Có con đường đất nhỏ đi từ Đường Hai Bà Trưng qua Phan Đình Phùng, chắc góc nhà của hai bác Nguyễn Đình Thừa, quen bà cụ mình. Mình chưa bao giờ đi ngõ tắt này cả.

  

Nhìn mấy tấm ảnh này mới nhớ lại thời xưa, chớ về Đàlạt ngày nay thì không biết đâu là bến bờ. Còn gia đình nên phải về chớ không có cái gì nối lại với mình như xưa khi ra đi thì nổi nhớ không nguôi, nay về lại thì Chán Mớ Đời.

 

Mình sẽ lựa mấy tấm ảnh do anh Nguyễn Kính gửi, có kỷ niệm thời lớn lên Đàlạt rồi tải lên đây từ từ, ai có tin tức hay thông tin khác thì cho mình hay, sẽ cập nhật hoá. Cảm ơn trước.


Có nhiều tấm ảnh khiến mình thất kinh, làm mình nhớ về những chuyện thời bé mà lâu nay chả bao giờ nghĩ đến. Để từ từ mình kể lại những con phố cũ của Đàlạt xưa.


Hôm trước, có ông thần nào hỏi: “ Tối qua , gọi cho Hữu Ân , hỏi có biết Sơn đen ở " xóm công chánh " ? Ân trả lời quá biết ! Sơn đen xà lỏn leo cây ổi , thuở nhỏ cũng quậy quá trời ! Rất nhiều chuyện vui của " Khi xưa ta bé " và " Những ngày xưa thân ái " ! Tôi cũng dân ĐL , bạn học với Đôn , Ân lớp 3 trường Đa Nghĩa , bây giờ thì cựu THĐ 6875 ! Trên sáu bó hết rồi nên hay quên chuyện trước mắt , hay nhớ về chuyện xưa cũ ! Đành mượn lời cụ Vũ Đình Liên : " . . . Những người muôn năm cũ , hồn bây giờ ở đâu . . ." Rất vui có dịp đồng hành muctimsonden . Ân gởi lời hỏi thăm Sơn đen !”


Tên Ân này, con bà Tân Ốm, hàng xóm. Để hôm nào mình kể chuyện về gia đình tên này thời xưa. Mẹ hắn, có thể nói là ghét mình nhưng chỉ niềm nở, vui vẻ khi mình đến nhà mua chè, bác ấy nấu, bỏ trong bịch nylon, bán cho con nít lối xóm. Hay lên nhà mình để mắng vốn. Hình như bác ấy mới mất năm ngoái hay năm kia. Mình có gặp cô em út. Chán Mớ Đời 


Mình đang gom một số hình ảnh của 2 trường Yersin 

Khi xưa đi học, nhất là Petit Lycée mà có dạo mình kể, nay mới tìm được hình ảnh cũ, thấy không khác như những gì mình đã kể nhưng có hình ảnh thì người ta nhận ra. Để hôm nào, mình bỏ lên bờ lốc thêm đang gom hình ảnh xung quanh rạp Ngọc HIệp vì mình có rất nhiều kỹ niệm ở khu này.


Nhs

Bức ảnh Đàlạt đầy kỷ niệm #1

Hôm nay, bò lên Facebook thì thấy trên trang nhà của ông Lê Huy Cầm, đăng tấm không ảnh của ông Mỹ Jim Schicht chụp năm 1969. Thấy có trường Việt Anh và một khúc đường Hai Bà Trưng từ dốc Hải Thượng đến cầu Cẩm Đô. Khiến bao kỷ niệm một thời, như mạch nước của Mannon Des Sources của nhà văn Marcel Pagnol, được cha con Jean Florette khai mở lại, nhất là năm cuối thi Tú tài, tuôn trào dòng suối ký ức một thời của mình nên ghi lại đây. Hy vọng những ai có những kỷ niệm của một thời ở Đàlạt trước 1975 sẽ kể tiếp.

 

Mình thấy nhà của một cô bạn, học Yersin khi xưa nên gửi cho cô ta, hỏi nhà ai đây?

 

Sau đây là các email của cô nàng gửi cho mình:

 

Email#1

 

Đường phố lạ quá có phải đầu đường Hai  bà Trưng không nhà cửa xây nhiều nên không còn nhận ra

 

Sau đó lại nhận email#2

 

Anh Sơn 

 

Hình này chụp năm nào thấy giống nhà em nhưng bên đường là con sông cạnh trường Việt Anh trong hình không thấy

 

Rồi như chưa đủ ngạc nhiên cô nàng lại gửi tiếp email #3

 

Nhà em đúng rồi xéo bên kia nhà là trường Thăng Long cùng phía trường Việt Anh nhìn kỹ thấy con sông 

Hình này quý lắm cám ơn anh Sơn nhiều 


(Theo chị bạn thì căn nhà cũng của ông bà Võ Đình Dung, bố mẹ thuê)

 

Mình chỉ biết ngáp rồi kêu Chán Mớ Đời.

 

Trong tấm ảnh thấy toàn diện trường tư thục Việt-Anh của thầy Lê Phỉ, người Huế mà mình có học Nhật ngữ, anh-ngữ của Hội Việt-Mỹ và khoá hè trước khi qua trường Việt tại đây. Bên cạnh có một khúc ga-ra Trung Tín của gia đình Nguyễn Trung Thiện, học Yersin với mình hồi tiểu học. Nếu mình không lầm, tường Việt Anh lúc đầu do con trai ông Võ Đình Dung thành lập rồi sau đó cho thầy Phỉ, đại uý Việt Nam Cộng Hoà, mướn lại và đổi tên Việt Anh. Sau này, thấy mấy tấm ảnh của Thầy Lê Phỉ mới biết thầy Tùng là hướng đạo sinh. Mình có kể một bài về thầy Lê Phỉ.

 

1 đoạn đường Hai Bà Trưng, có nhà cô bạn, lẻ loi với mấy mảnh vườn xung quanh và đất trống. Nơi làm chứng cho cuộc tình của hai vợ chồng nhạc sĩ du ca Nguyễn đức Quang, hàng xóm của mình. Chị vợ từ Sàigòn lên Đàlạt học, ở trọ ở đây. Nghe kể anh Quang hay đạp xe đạp, chở em trai, Vinh Kennedy đến đây, đả thông tư tưởng cô gái đến từ Sàigòn. Hình như tên Hồng.

 

Có ga ra ông Ba Đời nếu mình không lầm. Khúc này có đến 4 cái ga ra: STT của ông tây lai Leconte, Lê Khánh, Nguyễn văn Tính của gia đình Nguyễn Trung Thiện, và Ga ra ông Ba Đời, nghe nói sau này dọn về đâu gần đèo Prenn. Ai nhớ thì cho mình hay để bổ túc. Có người lại nói ga-ra này là của ông Hồ, bố của Nguyễn thị Quy, nữ sinh Văn Học. Mình chỉ nhớ mài mại. Thời đó còn bé, không để ý mấy chuyện này. Ai biết thì cho xin để bổ túc thêm.

 

Xéo phía bên kia đường là trường Thăng Long cũ, nơi ông cụ mình đi học đêm mỗi tối để thi bằng tiểu học, để được lên ngạch công chức của ty công chánh Đàlạt. Có lẻ mình học tính ông cụ nên ra trường mình vẫn tiếp tục học thêm dù chả làm ra tiền. Đối diện trên đồi, là nhà của Hạnh, học chung với mình khi xưa, có ông anh làm bác sĩ, hay đàn hát mỗi khi có họp mặt người Đàlạt tại năm Cali. 

 

Rồi cuối cùng là khúc cầu Cẩm Đô với dãy nhà 2 tầng của bố mẹ Vy Nhật Tảo, học chung với mình ở tiểu học. Dạo ấy nhà hắn còn sơ sài, bằng tôn, sau xây nhà lầu thì hắn hết chơi với mình, chắc sợ mình vào nhà chôm đồ. Chán Mớ Đời 

 

Hình này do một cựu học sinh Lasan Adran tên Nguyễn Kính gửi. Thấy dãy nhà 2 tầng của gia đình Vy Nhật Tảo, cái dốc đi lên nhà thương, và nhà của Hạnh giữa mấy cây thông bên phải. Hôm nào mình viết tiếp về tấm ảnh này. Anh này nói có đâu 800 tấm ảnh Đàlạt cũ, sẽ gửi cho mình. U chau u chau. Cảm ơn Anh

Vy Nhật Tảo, khi xưa hay chơi dích hình với mình, nghe nói tên này, nay trở thành nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Đọc báo thì nghe hắn kể, sau 75 nhờ biết đàn nên hắn không bị đi lao động, xung phong vào tổ văn công, lập công với chính quyền mới. Có hai cô bạn học cũ kể về Việt Nam, có gặp và chụp hình với hắn ở Việt Nam và gửi cho mình. Nghe nói hắn có học ban C ở Văn Học nhưng mình không nhớ.

 

Dãy nhà của bố mẹ hắn xây 2 tầng ngay góc đường Hai BÀ Trưng, và đường nối liền Hai BÀ Trưng và Phan Đình Phùng qua chiếc cầu Cẩm Đô vì có khách sạn và tiệm ăn tên Cẩm Đô, của bác tên bạn Huỳnh Quốc Hùng, tiệm thuốc bắc Con Cua. Khi hai bác định cư tại Pháp quốc thì có tìm ra mình. Mình hay ghé lại thăm hai bác mỗi khi về Paris chơi. Sau này nghe nói bác trai đã qua đời còn cô em thì ở viện dưỡng lão, có thể đã qua đời. Lâu quá không tin tức gì của HÙng Con Cua. Cầu Cẩm Đô, khi xưa thường được gọi là cầu Cửu Huyền, chắc là do ông ta làm như cầu Bá Hộ CHúc. Mình nhớ hồi bé, dọn về đường Hai Bà Trưng, cầu này còn làm bằng gỗ, đi qua ớn lắm. Xe cộ chạy đến đường Hải Thượng mới quẹo về đường Hai Bà Trưng.

 

Khúc này, có căn nhà bằng gỗ, sơn màu gụ, nhà của chị Ánh, học sinh Văn Học, trên mình 2 lớp mà mình có theo tên hàng xóm vào đây chơi. Hình như có cô em cùng tuổi với mình, tên Vân, học sinh trường Bùi Thị Xuân. Nghe nói hắn cưới được cô chị sau 75 nhưng rồi chị Ánh qua đời vì ăn bo bo chi đó. Gần đây, có liên lạc với bà chị và mấy cô em của hắn qua mạng. Chuyến về Sàigòn vừa rồi, có hai cô em hàng xóm mời đi ăn. Tiệm gì mình quên tên nhưng rất ngon, có thực đơn, to dầy như cuốn tự điển bách khoa, nặng chình chịch.

 

Có nhà của Vũ Văn Tùng, gốc Bắc kỳ đi cư, bên hông cái thang cấp lên dốc đến nhà thương, học chung với mình khi xưa năm 11 b và 12B, mà nay về Đàlạt hỏi bạn học cũ thì thằng nào thằng nấy ngơ ngơ ngáo ngáo, không nhớ hắn. Trước nhà hắn có quán hớt tóc mà có thời mình đến đây, cạo trọc đầu. Ông thợ cắt tóc hỏi đi hỏi lại mấy lần trước khi đẫy tông-đơ khiến tóc Sơn đen rụng sân chùa, mặt thì mụn đầy như tổ ong. Chán Mớ Đời gần đây có cô nào tự xưng là em dâu của Tùng, kêu hắn ở Sàigòn.

 

Con đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng chạy song song, có hai con suối chạy theo ra đến khúc đường Lê Quý Đôn rồi nhập với dòng suối từ Ấp Ánh Sáng, chảy từ Hồ Xuân Hương về thác Cam Ly hôi thối. 


Mấy ngày nay, thấy tin tức Đà Lạt cho biết, cá hồ Xuân Hương chết hơi nhiều. Có người cho biết nước hồ dơ thối lắm.

 

Lý do là rác rưới mà dân chúng sống ở ven 2 con suối mà chị bạn kêu là con sông, đem rác của họ ra đỗ xuống hai con suối này. Vào mùa mưa thì nước chảy từ Số 6 về, bị rác làm nghẹt nên nước dâng lên làm lụt mấy cái vườn và đường. Rác được kéo chảy trôi về thác Cam ly nên du khách ra đó cứ xem là dòng sông Tô Lịch của Đàlạt. 

 

Nay mình về thì thấy họ làm đê, xây cất talus, làm lại con suối để khỏi bị lỡ đất. Vào mùa mưa thì thấy nước chảy rất xiết. Chỉ có điều mình không biết cống rãnh ở Đàlạt được xử lý ra sao hay như Sông Đuống của quê mình mà thi sĩ Hoàng Cầm đã tả cô hàng xén răng đen, nay làm đen thối. Khúc Đường Lê Quý Đôn, có abattoir, lò sát sinh, giết heo bò mỗi ngày rồi đỗ xuống suối trôi về Cam Ly. Hỏi thiên hạ ai cũng như bò đội nón. Thác Cam Ly nghe nói vẫn thơm như trước 75, thậm chí còn tệ hại hơn. 

 

Đất ở ven 2 con suối này, đa số thuộc về ông bà Võ Đình Dung, thầu khoán ở Đàlạt. Chỗ cư xá ty Công Chánh (khúc nhà bác NHị và ông BA LÀo) đi qua đường Phan Đình Phùng thì phải băng ngang vườn ông 3 Đà, có cái giếng mà mình hay đến đó xin xách nước hồi nhỏ. Ông bà 3 Đà mướn đất của ông bà Võ Đình Dung để làm vườn cũng như khu vườn, chỗ nhà cậu Liễu, bán thuốc Cẩm lệ, chỗ cư xá Địa Dư băng qua đường Phan Đình Phùng, hoặc Chợ Nhỏ có tiệm thuốc Tây Lâm Viên và nhà máy của ông 3 Hoà, chuyên may liểng đám ma. 

 

Ông bà Võ Đình Dung cũng cho đất và cúng dường để xây chùa Linh Sơn, cạnh trường Bồ Đề. Nghe anh bạn kể là con gái của ông bà du học bên Tây rồi sau 1954, có về Đàlạt, giao con cho ông bà nuôi rồi tập kết ra Bắc. Sau 75, có về lại Đàlạt sau đó chết vì ung thư. Chắc du học cùng thời với cô Ngô thị Liên, dạy việt văn. 

 

Dãy phố ở khu Hoà Bình là do ông Võ Đình Dung xây rồi sau này bán lại cho mấy người chủ tiệm ở đây. Xem hoạ đồ trong bài “Khu Hoà Bình”. Trở lại tấm ảnh. 

 

Hồi nhỏ mình hay đi bộ ban đêm với mẹ mình, đi đón ông cụ, học đêm ở trường Thăng Long để thi bằng tiểu học mà người lớn khi xưa hay kêu bằng “ri-me” (primaire).

 

Năm hè lên 11, thì mình có học khoá hè ở trường Việt-Anh thì khám phá ra một đối tượng rất xinh, tên Hoàng Lan, nữ sinh Bùi Thị Xuân, nhà ở khúc trường Thăng Long cũ, trước đó có tên Hiếu Học. Nếu mình không lầm thì thầy Chử Bá Anh có thời làm hiệu trưởng, sau đó dọn về đường Hoàng Diệu, thành lập trường Văn Học.

 

Trường Việt-Anh do thầy Lê Phỉ làm hiệu trưởng, mướn của ông bà Võ Đình Dung để làm trường học, do đó chỉ thấy lợp bằng tôn, vách gỗ, ván ép. Được cái là có sân đá banh, bóng chuyền phía bên đường Hai Bà Trưng.



Hình cổng trường Việt-Anh. Chỗ này xẩy ra vụ đụng xe với vợ thầy Phạm Kế Viêm. Thấy cái lớp mà mình học nhật-ngữ màu trắng, phía sau cái cổng. Hình do anh Nguyễn Kính gửi. Cảm ơn


Có dạo, có tên bạn học chung rủ mình đi học Nhật-ngữ ở trường Việt-Anh, có ông thầy chùa, Lê Trung Trang, anh của tướng Lê Trung Tường, du học ở Nhật Bản về, dạy. Lâu lâu đọc báo Tây thì có nhiều tên tây ba-lô kể về Đàlạt, gặp ông thầy này. Dạo ấy có anh Lê Công Vui, con bác Cháu, chị dâu của bà dì mình, bán mắm ngoài chợ, nhà ở Ấp Ánh Sáng đi du học ở Nhật Bản, khiến mình thèm nhỏ dãi nên bò đến học, mơ một ngày nào thực hiện phong trào Đông-Du của ông Phan Bội Châu. Có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, và vài ông thầy không nhớ tên học chung. Học được một năm thì gặp thằng Nguyên, HÙng Con Cua, có anh đi du học ở Gia-NÃ-Đại nên rủ mình đi du học với chúng nên bỏ vụ học tiếng Nhật.

 

Mình hay đến chiều thứ 2, 4 để học anh-ngữ theo thời khoá biểu của hội Việt-Mỹ. Dạo ấy hội này có mướn hai trường để dạy anh-văn; trường tiểu học Đoàn Thị Điểm ở trên đường Trương Vĩnh Ký, sau đông học sinh theo học thì họ mướn thêm trường Việt-Anh. Mình thích học trường Việt-Anh hơn vì gần nhà.


Nhớ dạo ấy, phi thuyền Apollo đáp xuống mặt trăng nên hội Việt-Mỹ cho xem phim phi thuyền đáp xuống mặt trăng, cho học sinh mấy cái nút đeo ở áo. Nói chung thì mình không có khiếu ngoại ngữ, học hoài mà không đậu, may có cô hàng xóm học chung, đưa đề thi trước nên đậu. Nay liên lạc lại được thì cô nàng kêu là tiếng mỹ học ngày xưa sao quên hết. Chán Mớ Đời 

 

Mình có kỷ niệm ở cổng ra vào trường Việt-Anh. Dạo ấy mình đâu 16, 17 tuổi nhưng lái xe Jeep ông cụ đi chở gạo cho bà cụ hay đưa mấy đứa em đi học. Một hôm, lái xe về thì mình vừa chạy xe đến cổng trường Việt Anh thì có chiếc xe con cóc VW của vợ thầy Phạm Kế Viêm, cũng từ trong trường chạy ra. Thay vì nhường xe mình, cô mới đưa thầy đi dạy nên cứ đâm đầu ra, không ngừng xe đợi thế là đâm vào xe mình. Mình hoảng tiều vì không có bằng. Đứng đợi.

 

Cô Viêm cũng hoảng tiều, la hét om sòm, chạy vào trường rồi thầy Viêm chạy ra. Thầy thấy mình và xe ông cụ. Thầy hỏi con ông Đoài phải không, mình gật đầu, thầy nói đi đi. Hú hồn. Sau này mình khám phá ra vợ thầy Viêm là chị của ông dượng mình, dược sĩ, rể ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Nay ở Usc Đại Lợi, vượt biển cùng ghe với em trai mình. Chán Mớ Đời 

 

Nhìn con đường Hai Bà Trưng trong hình thì mình lại nhớ đến những ngày đi bộ đến trường với CBMT. Cô nàng đi học từ đường Phan Đình Phùng, băng qua cầu Cẩm Đô, còn mình thì từ Hai BÀ Trưng bò đến Hoàng Diệu. Đi từ xa mà thấy CBMT, thì cô nàng cố ý đi chậm lại đợi mình, còn mình khi đi qua Cẩm Đô mà thấy cô nàng thì cũng chậm chậm lại đợi. Chả nhớ nói hưu nới vượn gì với nhau mà con đường sao thấy dài mệt thở. Đến trường thì thấy đám con trai đứng ở quán Ba Cai la hét om sòm. Kỳ về Đà Lạt vừa qua, có ghé nhà thăm cô nàng bị té gãy vai khi cúng ông Táo.

 

Bây giờ trở lại Đàlạt như Từ Thức về quê, không nhận ra đâu là đâu. Chỉ thấy đường Hai Bà Trưng toàn là quán ăn và quán nhậu, còn đường Thi Sách thì quán cà-phê.


Dạo này mình theo dõi vài nhóm Đàlạt nên thấy nhiều hình ảnh của Đàlạt khi xưa. Dạo về Sàigòn, mình có gặp ông Tam Thái, nhiếp ảnh gia, có đưa mình xem một số ảnh liệu của Đàlạt khi xưa mà ông ta định xuất bản. 

 

Từ từ mình sẽ thu thập thêm tài liệu để viết về Đàlạt. Để sau này, có ai đó sẽ tiếp tục hay bổ sung. Ai có tài liệu về Đàlạt thì cho mình xin. Cảm ơn trước.

 

Nhs

 

Email #4


Bài viết hay lắm anh Sơn gợi lại bao nhiêu kỷ niệm khi nhìn thấy ngôi nhà cũ

Theo ba em kể nhà em cũng là của ông Võ Đinh Dung 
Tối hôm qua em gởi cho mấy bà chị cũng có người không nhận ra 
Giữa vườn rau và trường Thăng Long có đường đất nhỏ đi đến 1 cái.cầu Bắc ngang con sông đi thẳng ra đường phan đinh phùng nói là cái cầu cho oai nhưng chỉ là cây thông phía trên hơi bằng phẳng để đi hôm nào trời mưa thì phải đi vòng qua Cẩm đô để qua đường phan đình Phùng 
Dalat thì có nhiều đường lắt  Tối hôm qua em gởi cho mấy bà Bài Sỏn  viết  về Đa LAt làm chú 
Nhớ nỏi Sinh ra lập nghiệp  có nhiều kỷ niệm..
Nói về lớp tiếng Nhật có bả xã chú học. Thầy đạy là Thiền sư Lê Trung Tranganh ruột thiếu tướng Lê Trung Tường vùng hai.
Dạo chú o 31 Quang Trung Đa Lat có làm một cái Cốc đễ ong sinh hoạt và Thiền (theo yêu cầu Thầy).
Mấy năm sau 75 VC chị Đinh cư trú chùa khu Du Sinh ..
Sau đó..Khi ong ve lai chùa  Linh Son và qua đời  có chú thím đưa tiễn!!
Mộ ong được lập uy nghi trên đồi Mộ khu  Du Sinh ĐL 
Thêm tài liệu Sởn đọc cho vui.


Email cua bạn mẹ mình gửi khi đọc bài của mình.