Nhớ dạo còn ở Đàlạt, mình hay ra phụ mẹ mình buôn bán, rửa chén bát sau khi cho người ta mướn tổ chức đám cưới hay tiệc tùng, chở hàng giao cho khách hàng nên hay được mẹ thưởng tiền. Mình thuộc loại trùm sò nên đem vào ngân hàng Đông Phương ở Khu Hoà BÌnh, cạnh nhà hàng Chic Shanghai để bỏ vào trương mục tiết kiệm.
Khi mình đi du học thì rút hết tiền trong trương mục để đưa cho bà cụ, có đâu 40,000 đồng Việt Nam, 2 tháng lương của ông cụ. Sang tây thì mình cũng lập lại thói quen của thời bé, cũng mở một trương mục tiết kiệm ở ngân hàng rồi đi làm để dành tiền, mình đều để bỏ vào trương mục tiết kiệm.
Đến khi qua Thụy Sĩ làm việc thì mới thấy một tên bạn đồng nghiệp gốc Hoà Lan, lương hắn thấp hơn mình nhưng mỗi tháng hắn lại bỏ tiền vào các quỹ đầu tư hưu trí với các công ty nổi tiếng âu châu thời đó.
Mình ngu lâu dốt sớm nên không dám hỏi dù tò mò đến khi hè mình ghé nhà hắn chơi ở Hoà Lan, gặp bố mẹ hắn thì mới hiểu có một phương cách khác để dành tiền và lợi nhuận cao hơn lạm phát. Hoá ra hắn quen cách để dành tiền học từ bố mẹ từ bé nên rất bình thường.
Tò mò mình cố gắng tìm hiểu thêm nhưng cứ đọc tài liệu về tiền bạc là mình cảm thấy nuốt không trôi. Đọc truyện “Mùa Thu Lá Bay” của Quỳnh Dao thì cảm thấy thấm hơn vì tưởng tượng, cảm nhận về nhân vật trong tiểu thuyết. Còn đọc tài liệu về tài chánh, rất khô khan nên đọc được 1 trang là buồn ngủ.
Ở tây, có lần mình nói chuyện với ông tây từng tham chiến ở Việt Nam, ông ta kể là trong thời gian tham chiến tại Việt Nam thì ông ta để dành tiền vào quỹ tiết kiệm được đâu mấy ngàn quan pháp vì gốc nông dân như mình, lại được ăn cơm quân đội, ở trại lính nên dư tiền. Sau được chuyển sang Algerie, ông ta gia nhập nhóm OAS để lật đổ De Gaulle, bị bắt ở tù. Khi ra tù thì tiền quan pháp đã được chính phủ De Gaulle đổi thành quan mới. Nếu mình không lầm thì một Phật lăng mới (nouveau Franc) ăn 100 Phật lăng cũ (Ancien franc) do đó người Pháp hay gọi 1 Phật lăng mới là ”100 balles“ theo tiếng lóng. Ông ta kể 5,000 Phật lăng cũ, đổi ra được 50 quan mới, giúp ông ta khi ra tù, ăn một bửa cơm thịnh soạn ngoài đời, uống chai rượu ngon,….
Ông ta nói sẽ không bao giờ để dành tiền nữa. Có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Mình hỏi thì ông ta kêu là “lạm phát” sẽ làm mất giá đồng tiền của mình để dành trong ngân hàng. Khiến mình nhớ đến thời kiệm ước ở Việt Nam, vật giá gia tăng. Mẹ mình mua đường và gạo để trữ, 1 tuần hay 1 tháng sau lên gấp đôi, khiến mình chở đi giao hàng cho khách tại nhà mệt thở.
Sáng có ông Tác làm cho nha Địa Dư, cạnh nhà, có chiếc xe Lam, đến nhà mình chở đi giao hàng. Mình phải phụ ông ta mệt thở. Nghe nói tuần vừa rồi vợ ông ta qua đời. Kỳ về Đàlạt vừa rồi mình có gặp vợ ông ta, làm Ya-ua bỏ mối, đem lên nhà mình cho bà cụ. Mình có hỏi thằng thằng Quý, khi xưa hay đánh lộn mình với mình thì tên này báo lại là không nhớ. Thế hệ mình thì dân Đàlạt không ai nhớ, người lớn tuổi thì rụng hết. Chán Mớ Đời
Dạo này, mình mới tái tài trợ lại căn nhà đang ở. Tiền lời của ngân hàng là 3% nhưng trên thực tế tiền lời là 3.131% cho cả năm vì lãi kép từng ngày. Mình tính sau này, đồng chí gái về hưu thì sẽ dọn về một căn nhà nhỏ, một tầng vì khi lớn tuổi, không nên ở nhà có cầu thang vì lên xuống nguy hiểm, sẽ cho mướn căn này nên mới tái tài trợ, còn nếu bán thì không nên tái tài trợ lại vì tiền chi phí lên cả $9,000 cho dù mỗi tháng tiết kiệm được $550 hay $6,600/ năm.
Tiền lời là 3% mà lạm phát là 3%, thêm chính phủ in tiền để lo vụ COVID-19, cho thiên hạ tiền tươi $1,200, nay đang tính cho thêm.
Theo mình thì các chính phủ tây phương cố tình cách giãn xã hội, đình công bãi thị nhân vụ COVID-19 để in tiền, giúp lạm phát leo thang. Mấy năm trước, ở âu châu tiền lời quá rẻ, ai bỏ tiền trong quỹ tiết kiệm, không được tiền lời mà lại phải trả tiền cho ngân hàng, xem là lãi âm. Lý do “deflation” (giảm phát) như Nhật Bản đang trải qua từ 2 thập niên qua. Nhân số Nhật Bản đang bị lão hoá, người già thì họ đâu có tiền lương để mua sắm, chỉ lo để dành tiền mua thuốc uống.
Do đó họ cần phải kích hoạch để giúp lạm phát gia tăng vì chưa bao giờ Hoa Kỳ có tiền lợi thấp như ngày nay.
Lạm phát là cách ăn cướp công khai của chính phủ. Họ bán các công khố phiếu cho dân 10 năm, 20, 30 năm, khi rút ra không phải đóng thuế khi rút ra. Thí dụ: một thành phố muốn xây dựng một trường học, họ kêu bán công khố phiếu cho 30 năm. Mua $10,000 sẽ được trả $20,000 trong 30 năm, không phải đóng thuế.
Nếu lạm phát như 30 năm qua là 3% thì làm tính xem sao:
N | I% | PV | PMT | FV |
360 | 3 | -10,000 | 0 | 24,568 |
Theo chỉ số lạm phát 3% thì sau 30 năm, số tiền $10,000 sẽ có giá trị tương đương là $24,568 trong khi chính phủ chỉ trả $20,000 xem như mình lỗ $4,568.
Mình nghe kể khi Việt Cộng đổi tiền, kêu gọi người dân mua công cổ phiếu, 30 năm sau, người dân đem đi đổi, ngân hàng không có tiền thối cho 500 đồng. Năm đầu tiên mình về Việt Nam thăm gia đình thì đổi 1 đôla được 10,000 đồng Việt Cộng nay thì gần 25,000 đồng. Đó là lạm phát do đó người Việt ở Việt Nam có dư tiền là họ đổi ra đôla và vàng nên chính phủ tìm cách móc túi người dân bằng cách cấm dự trữ đôla.
Lạm phát rất nguy hiểm, con số nghe to, rất kêu nhưng thực chất thì lêu bêu. Sức mua (Purchasing power Parity) bị giảm quá nhiều. Người xưa hay nói “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Đồng chí gái hỏi căn nhà đầu tiên hai vợ chồng mua, nay cho thuê giá bao nhiêu. Mình nói theo Zillow thì $688,000 khiến vợ mình vui, kêu là lời rồi. Mình nói không rồi giải thích:
Khi mình mua thì căn nhà giá $180,000 nay là $688,000, xem như giá lên $500,000. Nếu mình bán thì phải đóng thuế trên $300,000. Còn nếu không đóng thuế thì phải dọn về đây ở thêm 2 năm thì bán không phải đóng thuế theo luật 121; mua nhà trên 5 năm và có ở ít nhất 2 năm thì bán không phải đóng thuế.
Dạo đó, 30 năm về trước, mỗi lần đi chơi với vợ thì đỗ xăng $1/ gallon mà nay thì $3.5/ gallon. Sức mua giảm 1/3 lấy $688,000 chia 3.5, thành $196,671. Tương đương với số tiền 29 năm trước vì mua về phải tốn thêm tiền thay thảm, sơn phết lại,... Mà nếu bán thì phải trả thuế 50%, xem như cúng phân nữa tiền của mình sau 30 năm. Chán Mớ Đời
Trở lại vụ công khố phiếu, bỏ vào $10,000 nhưng khi lấy ra chỉ có $20,000 sau 30 năm. Lấy $20,000 chia 3.5 = xem như giá trị của $20,000 trong 30 năm chỉ còn $5,714, mất đi hơn 40% sức mua. Cái này gọi là nhà nước ăn cướp có bài bảng theo tiêu chuẩn ăn cướp coong khai.
Xem hình đồ, sức mua của một đôla từ năm 1913 đến năm 2018, 1 đô khi xưa sau 100 năm chỉ còn giá trị độ 5 xu. Khi ông Nixon bãi bỏ tiền đôla được bảo chứng bởi một lượng vàng năm 1971. Dạo ấy 1 lượng vàng được bảo chứng $30 đôla, Nghĩa là người Mỹ có thể cầm một lượng vàng đi vào bất cứ nhà băng nào để đổi lấy $30. Ngày nay giá trên 2,000 đôla.
Do đó khi ông Nixon từ chức, đến thời ông Carter, lạm phát tại Hoa Kỳ lên như điên, Từ 6% lên 12% vào năm 1978. Tương lai sẽ lập lại vì chính phủ muốn xù tiền mượn của dân chúng, nhất là các nước khác như Trung Cộng và Nhật Bản. Lý do đó mà Trung Cộng phải thay đổi hoá đối nhân dân tệ của mình theo tình hình đôla để tránh bị cướp sạch bởi Hoa Kỳ.
Để tránh lạm phát, người ta khuyên chúng ta nên đầu tư vào cổ phiếu, mua vàng, mua bạc. Mình hay mua vàng và bạc để dành nên dạo này khá vui vì lên khá cao nên mình có nói với đồng chí gái là phải chi khi xưa, em đừng cướp đời trai anh thì ngày nay, anh có thể đem bán cái “cây” ngàn vàng như Thuý Kiều, được trên 2 triệu, cho em về hưu. Vợ mình kêu thích cái cây vàng hơn là 2 triệu đô. Chán Mớ Đời
Theo mình thì cách hay nhất mình biết là mua nhà cho thuê, sẽ giúp giữ tiền bạc của mình với lạm phát. Điển hình căn nhà mà mình mua trước khi lên xe bông về nhà vợ, cách đây 29 năm. Giá $180,000, nay theo Zillow thì $688,000 nhưng cứ tính độ còn lại $600,000 vì phải sơn phết, sữa chữa lại trước khi bán thêm tiền huê hồng cho người mai mối.
Giá lên theo với lạm phát và sức mua của đồng đô la, ngoài ra chúng ta có người thuê nhà trả nợ cho chúng ta suốt 30 năm. Sau 30 năm, về hưu thì số tiền thuê nhà ($2,700) sẽ không cần để trả nợ ngân hàng nên chúng ta có một lợi nhuận dành hàng tháng, giúp chúng ta về hưu thoải mái.
Mình có tên bạn cũng thời, hắn thông minh và chịu khó hơn nên từ một căn nhà, sau 30 năm hắn tậu được tổng cộng là:
- 1990: mua 1 căn nhà giá $180,000
- 1995: căn nhà lên $200,000, hắn rút ruột ra 20% = 20% $40,000, để mua 1 căn nhà giá $200,000. (Tổng cộng có 2 căn nhà).
- 2000: 2 căn nhà lên $220,000, hắn rút ruột 2 căn nhà ra được $80,000, mua 2 căn nhà giá $220,000. (Tổng cộng có 4 căn nhà).
- 2005: hắn rút ruột 4 căn nhà, mua được 4 căn nhà.( tổng cộng có 8 căn nhà).
- 2010: hắn rút ruột 8 căn nhà, mua được 8 căn nhà (tổng cộng có 16 căn nhà).
- 2015: hắn rút ruột 16 căn nhà, mua được 16 căn nhà (tổng cộng có 32 căn nhà).
- 2020: hắn tái tài trợ lại 32 căn nhà, thay vì mua thêm nhà, hắn bỏ tiền ma (tiền tái tài trợ, không phải bị đóng thuế) vào Vanguard Index 500. Mỗi căn nhà trung bình $600,000, hắn tài tài trợ lấy ra được 20% là $120,000 x cho 32 căn, chưa kể mỗi căn căn nhà cho thuê có lợi nhuận hàng tháng $2,500. Thất kinh không muốn làm tính tiếp. Anh chàng này về hưu từ mấy năm nay, đi chơi mút mùa lệ thuỷ, mùa đông thì thấy đi xuống miền nam tây bán cầu, hè đi âu châu.
Có một anh bạn quen khác, cứ 5 năm thì tái tài trợ căn nhà đang ở. Thay vì dùng số tiền đó mua một căn nhà cho thuê như anh bạn kia thì anh ta mua một chiếc xe BMW. 30 năm qua, mình thấy anh chàng đi toàn xe xịn. Nay sắp về hưu nhưng không có tiền bạc hưu trí nhiều, cứ lo sợ bị sa thãi. Mất việc thì khó kiếm lại việc vì lớn tuổi. Chán Mớ Đời
Cùng mua một căn nhà cùng thời nhưng hai người có nhân sinh quan khác. Một thì chịu khó để dành tiền, cuối tuần đi sửa chửa nhà cho thuê, còn một người cuối tuần lên đồ đi nhảy đầm, tiệc tùng, lái xế hộp xịn. Kết cục thì một người về hưu sớm hơn, không phải lo nghĩ, hai vợ chồng rũ nhau đi du lịch khắp nơi còn một người thì lo sợ bị sa thải đến rụng tóc.
Một người thì hưởng thụ trước còn một người thì hưởng thụ sau, chỉ có là thời gian không được tái sinh. Ai đúng ai sai thì mình không biết vì phải tôn trọng nhân sinh quan của mỗi người. Thêm cần phải để ý đến nhân sinh quan của người phối ngẫu. Các bác chọn theo vợ ông nào? Hưởng trước hay hưởng vào cuối đời. Quan trọng là mình phải theo lời của mụ vợ. May mắn thì gặp vợ biết dè xén, tặn tiện, chắt chiu còn không thì phải đi cày trả nợ cho vợ tiêu sắm.
Nhs