Nhìn tấm ảnh này, đám tang với đoàn xe nhà binh chạy ngang qua rạp Ngọc Hiệp, đi về hướng Mã Thánh ở Số 6 khiến mình nhớ đến những ngày tháng xưa ở Đàlạt, đi tiễn mấy người quen, bạn bè, chết trận.
Trước rạp Ngọc Hiệp, trong hẻm cạnh tiệm Minh Tâm, mình có đi đám tang của Sỹ, anh họ của Nguyễn Đình Tài, học trên mình đâu 1, 2 lớp gì đó. Tập nhu đạo với mình và Không Thủ đạo ở Ngã 3 Chùa. Sau này đi lính Nhảy Dù rồi chết trận. Tên Mai Thế Lương rên, kêu khiêng cái hòm to và nặng quá.
Xóm mình thì có thằng Nhân, con bà Hành trên đường Thi Sách, học Văn Học, trên mình 2 năm, hay đánh bóng bàn với mình. Rớt tú tài, đi lính ra trận ở Cai Lậy chết. Một hôm, xe nhà binh chở quan tài của hắn, đậu trước cửa nhà mẹ hắn khiến bà hoảng tiều. Mình nghe khóc rống trên đường Thi Sách nên chạy lên, thấy mấy ông lính bàn giao cái quan tài rồi mẹ hắn cần cái tăng để quan tài của hắn nằm lù lù với tấm ảnh trẻ 18 tuổi. Láng giềng hắn có thằng Vui, học Trần Hưng Đạo, nằm vùng bị bắt nhốt ở Trung Tâm Thẩm Vấn. Hai tên cùng tuổi ở cách nhau có 3 căn nhà, đi theo hai đường khác nhau.
Trên xóm Thi Sách, có một tên cũng hơn mình đâu 3 tuổi, hồi nhỏ hắn hay làm diều chơi rồi bán cho mình. Rớt tú tài, đi Biệt Động Quân, về phép, đào ngủ luôn, quân cảnh có ghé nhà hỏi thăm. Sau 75, thì thiên hạ mới biết hắn đào ngủ, giác ngộ đã sai đường lạc lối, trở về với cách mạng sớm. Nghe nói sau 75, được cách mạng chỉ đạo, bán trà khá lắm.
Ở dốc Hai Bà Trưng, gần cư xá Bưu Điện, gần nhà ông Chi, có một anh chàng hơn mình đâu 4 tuổi, tên gì quên rồi, hình như Ngữ, người Huế. Mình hay lên nhà anh ta chơi, thấy ông thần này học đêm học ngày. Đậu tú tài, vào trường Võ Bị, ra trường đậu Thủ Khoa. Nghe nói bắn cung 4 phương trời chi đó. Gia đình ăn khao lớn lắm. Ra trận đầu tiên. Chết. Xe nhà binh chở về, đi đám ma. Chán Mớ Đời
Đám tang thấy chiếc xe nhà binh GMC chở quan tài và người thân, phía trước có chiếc xe Jeep dẫn đường, chở ông sư hình như thầy Từ Mãn của chùa Linh Sơn. Chắc đến nhà tụng kinh để làm lễ di quan. Có vài ông lính, cầm súng bắn vài phát đạn giả, xếp lá cờ lại, giao cho tang quyến rồi hạ huyệt.
Nói cho ngay, thấy mấy người quen bạn chơi trong xóm, lớn tuổi hơn mình thay nhau chết. Đậu tú tài, cũng chết. Không đậu cũng chết. Học xong đại học, ra trận chết. Không học cũng chết nên mình chả biết phải làm gì vì tương lai là tổ quốc ghi ân với nhành dương liễu. Chán đời mình chả biết làm gì ngoài tập võ hay đánh bi-da.
May là mình qua Văn Học gặp thầy Lưu văn Nguyên, khuyên lo học để đi du học. Thêm gặp thằng Nguyên và Hùng con Cua, có anh đi du học ở Gia-nã-đại nên mình tìm ra một lối thoát cho tương lai nên bắt đầu chịu khó học và được đi du học. Mấy năm trước về thăm Đàlạt, có gặp thầy Nguyên, thầy nhớ có viết lá thư cho trường đại học bên Tây, khi mình nộp đơn xin Du học. Lần sau mình về thì vừa kịp đi đám tang của thầy. Nghe nói thầy đi tù, ở nhà vợ thầy phải lấy anh lái để nuôi con. Đám tang thầy, có thấy vợ cũ của thầy đi nhưng không để tang.
Nói chung thì thế hệ của mình sống không có viễn tưởng tương lai như con của mình ngày nay. Khi xưa, con gái thì tương lai làm goá phụ như bài thơ của ông Nguyễn Tất Nhiên được ông Phạm Duy phổ nhạc: “…
Năm năm rồi trở lại
Một mầu tang ngút trời
Thương người em năm cũ
Thương góa phụ bên song…”
Con trai thì sẽ thành ”CỐ” nên hay đánh lộn lùng tùng xèng. Nếu không qua Văn Học chắc cuộc đời mình có một lối đi khác. Ghi lại đây để cảm ơn thầy Nguyên đã chỉ cho mình một lối thoát khỏi nổi buồn chiến tranh của thế hệ mình.
Mình đi tây rồi một tuần sau HÙng Con Cua đi, rồi 3 tuần lễ sau thằng Nguyên, rồi mấy chị em Chử Thị. Vài tháng sau, Sàigòn mất nên cũng có một số người di tản. Số còn lại phải trải qua cơn đại nạn “ngăn sông cấm chợ”, đánh tư sản mại bản, vượt biển như vợ mình.
Mấy trăm tấm ảnh của anh Kính gửi mình, đưa mình về rất nhiều hình ảnh của tuổi thơ, không có khát vọng trong cuộc chiến Quốc-Cộng mà chính mình cũng không hiểu tại sao mấy tên bạn quen khi xưa lại chết trong nổi buồn chiến tranh.
Nhs