Hôm nay, tôi còn Mẹ

 Mình nói chuyện qua điện thoại với bà cụ mình ở Đàlạt mỗi tuần, để được cập nhật hoá đời sống mấy người em và cháu ở Đàlạt. Mình sợ nhất là khi mẹ mình kể về bà này ông nọ ở gần nhà hay buôn bán khi xưa ở chợ Đàlạt, qua đời. 

Tuần rồi, mẹ mình kể bà Tác, ở gần xóm trên đường Thi Sách mà mình có gặp lại lần trước khi về thăm Đàlạt, mới qua đời. Bác ấy, làm ya-ua bán kiếm tiền thêm, giao tận nhà. Cô con gái thì mở tiệm cà-phê. Mình có kỷ niệm với bác trai. Khi xưa, làm cho nha Địa Dư, có chiếc xe Lam, chở khách sau những giờ làm việc, kiếm thêm tiền nuôi vợ con. Bác là một người công chức mà mình kính trọng so với các ông khác trong xóm, chỉ lo đánh bài, nhậu nhẹt hay gái gú.

 

Mẹ mình dạo đó, buôn bán thêm gạo đường nên nhờ bác Tác, sáng đến nhà hay trưa trong giờ nghỉ trưa, chở gạo đường, đi giao cho khách hàng. Mình chở giao tận nhà mấy bao gạo, còn bác ấy chở cho mấy tiệm bán gạo. Sáng sớm, vừa hết còi hụ giới nghiêm ở khu Hoà Bình, là thấy bác Tác trai, chạy xe đến sân nhà mình, mình phụ bác khiêng mấy bao gạo, đường lên xe Lam của bác rồi chạy qua Ngã BA Chùa, tập võ ở hãng cưa ông Xu Huệ.


Hình cô em chụp, đưa mẹ đi làm người mẫu cao tuổi

 

Mẹ mình không có môn bài bán nhu yếu phẩm nên phải chở đi sáng sớm để tránh cảnh sát hỏi thăm. Sau này mình mới hiểu là chính quyền miền nam, sợ tiếp tế cho Việt Cộng.

 

Ngoài chợ Đàlạt, có cô Ba Chỉ, tiệm BÌnh Lợi, làm kinh tài cho Việt Cộng, lâu lâu xe hàng của cô ta bị Việt Cộng bắt tịch thâu hết đồ. Thật ra là cố ý chở vào mật khu của Việt Cộng nhưng hô hoán là bị Việt Cộng chận đường, đem vào mật khu. Nghe kể, sau 75, cô BA Chỉ làm lớn lắm rồi Hà Nội cho người ngoài bắc vào, thay thế hết các thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nay về Đại Ninh sinh sống.

 

Mẹ mình mua lậu của mấy ông cha nhà dòng Chúa Cứu Thế hay mấy bà Sơ, được mỹ viện trợ gạo đường, ăn không hết, đem bán cho bà cụ, rồi bà cụ bán lại cho các tiệm có môn bài. Cứ mua chỗ này ít bao, chỗ kia ít thùng dầu, rồi bán kiếm tiền nuôi 10 đứa con. Mình được đi tây là công lao một đời của mẹ mình, gánh gạo nuôi 10 đứa con.


Vườn hoa của mẹ
Hoa ở nhà

Có tên đại uý nào, thua bài, đem bán gạo của đại đội của ông ta cho bà cụ. Sau đó hắn lừa bà cụ chuyến sau vì hết gạo, đi thưa như kiến kiện củ khoai. Tiểu đoàn trưởng kêu hắn hết gạo chi đó. Mẹ mình làm ăn cũng bị giựt nhiều. Thiên hạ mượn tiền rồi quỵt luôn.

 

Nói chuyện với mẹ mình thì tên những người xưa ở Đàlạt thường được nhắc đến. Như tuần rồi, mẹ mình kể về bà Sáu Còm, ở đường Duy Tân mà ông ngoại mình kêu bằng O, không biết bà con thế nào nhưng đa số những người ở khu Hoà Bình đều biết mẹ mình cả vì thời con gái, mẹ mình ở đường Nguyễn Biểu. Nhắc đến dì Nghĩa, cũng gọi bà Sáu CÒm bằng o, ở dãy nhà ông Ba Tây, trên đường Thi Sách, bán đồ hộp mỹ gần bể nước ngoài chợ.  

 

Nói về bà Tác thì mình lại nhớ đến thằng Quý, con bà ta, nhỏ hơn mình một tuổi. Thằng này mất dạy lắm, chơi bắn bi mà thua là nó giựt lại, mình lạng quạng là nó khệnh mình. Nó có thằng anh to lớn hơn mình và thằng hàng xóm tên Vui, con bà Thủ hơn mình 4 tuổi nên hay bị chúng đập. Mình thà để thằng nhỏ hơn mình đánh còn hơn hai tên lớn hơn khệnh. Thằng Vui, sau này theo Việt Cộng bị bắt nhốt ở trung tâm thẩm vấn, mình có thấy nó trong xà lim khi viếng thăm trung tâm này với bác Lê Công Oai, bọ của Huỳnh Kim Sang.

 

Sau Mậu Thân, trường Lasan Adran, có mở lớp dạy Thái Cực Đạo, do ông Sâm, huấn luyện viên của Cảnh Sát Dã Chiến dạy nên mình mò đi học, rồi khám phá ra cậu Ân, bà con với bà cụ mình, dạy Nhu đạo nên ghi tên học luôn. Cậu này và cậu Luyện, tiệm giặt ủi đường Duy Tân, đều là đồng môn của cậu MẠnh (Nẫm), con bà Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Sau này cậu Mạnh đi tây, dạy võ cho tây đầm. Cậu Luyện dạy ngoài Thao Trường.

 

1 tháng sau khi học võ, đang chơi với thằng Quý, bổng nhiên nó đòi lại bi, rồi tính khệnh mình. Sau một tháng học Thái Cực Đạo và Nhu Đạo, mình có cảm tưởng như Vương Vũ trong Độc Thủ Đại Hiệp nên khệnh nó lại. Mình không bao giờ quên ánh mắt của nó lúc ấy. Rất ngạc nhiên khi bị đá cho một cái và một đòn Seoi Nage. Buồn cười, mình ra đòn chưa thuần thục lắm nhưng hôm đó, hình như bao căm thù của những năm tháng bị ăn hiếp khiến mình bổng nhiên mạnh như LÝ Tiểu Long, mình quật đòn vai nó ngã cái rầm dưới đất. Cứ như Ukraine đánh lại Nga La Tư.

 

Nó đứng dậy mình bồi thêm một đá bá vơ khiến mặt nó xanh như đít nhái và từ đó nó hết dám ăn hiếp mình. Lần trước về, mình có hỏi bác Tác gái thì được biết thằng Quý, nay bán cà phê lề đường ở đường Lê Quý Đôn, nó không nhớ mình. Đưa điện thoại nói chuyện thì tên này bị bệnh quên Sơn đen bị nó ăn hiếp.


Mình gặp lại Nguyễn Anh Tuấn, trên đường Thi Sách, khi đang đi với Ngô Văn Thuỷ. Hắn chào Thuỷ nhưng mình thì nó nhìn ngơ ngơ, lắc đầu, kêu không nhớ dù xưa kia đi đá banh, hắn rủ mình đi nhân dân tự vệ với hắn đủ trò. Sau hắn đi lính với em họ Huỳnh Kim Sang, mất liên lạc, nay gặp lại nhưng duyên chưa tròn vì đầu óc quên thời xa xưa. Nó lấy vợ, cô họ chung lớp khi xưa hắn kết trước khi đi lính.

 

Giây phút đó xem cái mặt thằng Quý, khiến mình giác ngộ cách mạng là đừng để ai bắt nạt vì chúng sẽ làm tới. Ra hải ngoại mình không sợ thằng tây nào hết đến khi lấy vợ thì lại sợ vợ. Từ đó mình mê học võ đến giờ. 

 

Nói chuyện với mẹ mình qua Facebook, được nhìn thấy mẹ khiến mình vui nhưng cũng buồn vì không biết có ngày nào, mẹ mình lại hỏi như bài thơ “Mẹ tôi, trả nhớ về không” của ông Trần Trung Quân, kể lại câu chuyện của người bạn về thăm mẹ sau bao nhiêu năm xa vắng, khóc vì người mẹ ngơ ngác, không nhận ra.

 

Nhìn mẹ mình qua iPad, trên 90 tuổi, vẫn làm đỏm, cắt tóc khiến mình cảm động vì ngày xưa, khi mình còn ở nhà, chỉ thấy mẹ mình đi làm tóc mỗi lần đi ăn cưới ai. Ăn bận lam lũ, mỗi ngày cuốc bộ ra chợ đi buôn, để nuôi đàn con 10 đứa trong khi hàng xóm lái xe hơi, đi nhảy đầm. Sau này mình lớn lên thì biết chạy xe gắn máy nên đưa đón mẹ đi chợ.

 

Nhìn lại, mình thấy nay mẹ mình tương đối là may mắn hơn một số người quen, bạn. Tết vừa rồi, mẹ mình có đi chơi ở Hàn quốc với mấy người em. Tây cũng đi rồi, Hoa Kỳ thì đi mấy lần, có thẻ xanh nhưng không thích ở mỹ, lại về Việt Nam. Á châu đều đi các nước Đông Nam Á, Trung Cộng, Hàn quốc, Nhật Bản,… hè vừa qua, mẹ mình đi Dubai họp mặt với mấy đứa con và cháu từ khắp nơi hội tụ lại sau Covid. Hồi đầu năm, mình về đưa mẹ đi viếng Phuket vài ngày.


Mình nhớ năm đưa mẹ từ Hoa Kỳ về, luôn tiện ghé thăm mùa hoa Anh Đào ở Nhật Bản. Có lẻ lần đi đó, mình có nhiều kỷ niệm nhất với mẹ vì chỉ có hai mẹ con đi nên có dịp tâm sự về cuộc đời của mẹ. Mình chơi sang, cho mẹ mình đi máy bay hạng thương gia, ở khách sạn 5 sao nên mẹ vui lắm. Cứ hỏi tốn bao nhiêu con nhưng mình không nói, cuối cùng mình nói thì mẹ mình, mặt xanh như người bị trúng gió, sót của vì chưa bao giờ nghĩ phải bỏ một số tiền lớn như vậy để di chuyển. Khi xưa, mẹ mình nhịn ăn nhịn mặc để cho mình đi tây.

 

Mẹ nuôi mình ăn học trường tây rồi cho đi du học bên tây thì một chuyến hạng thương gia, khách sạn 5 sao, không có nghĩa lý gì cả. Như bài hát ”gánh mẹ”của Quách Beem 

 

Cho con gánh mẹ một lần,

Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con. 

Cho con gánh mẹ đầu non, 

Cả lòng mẹ đã gánh con biển trời….


 https://youtu.be/cnUi__2hhyU


Đúng thật, cả đời mẹ đã gánh con biển trời. Có nhiều người bạn muốn trả hiếu cho bố mẹ nhưng đã đi xa nên mình cảm thấy hạnh phúc được đi chơi với mẹ, để hiểu về cuộc đời của mẹ hơn vì mình chỉ sống với mẹ có 18 năm tại Đà Lạt.

 

Mỗi lần mẹ mình đi Sàigòn thì hay đi xe đêm, ngủ đến sáng là đến Sàigòn. Mình nói cô em là nên mua vé máy bay cho mẹ nhưng mẹ quen tính tằn tiện để nuôi con. Có lẻ mình là người trong mấy anh em, mẹ tốn tiền nhiều nhất vì khi xưa mẹ cho học trường Tây rồi đi du học bên Tây.

 

Khi đọc bài thơ “Mẹ ta trả nhớ về không” của ông Đỗ Trung Quân khiến mình nhớ đến mẹ. Không biết có ngày nào, gặp lại mẹ trong tình cảnh được diễn tả qua bài thơ.

 

Mình nhớ trước khi mình đi tây, mẹ mình đưa mình đi chào các bạn hàng, bà con. Mình thì vui vì sắp được tham gia một cuộc phiêu lưu mới trong đời mà mình đã ấp ủ từ lâu trong khi mẹ quay đi để che hai hàng nước mắt.

 

Ngày xưa chào mẹ, ta đi

mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

mười năm rồi lại thêm mười

ta về thì khóc, mẹ cười lạ không

ông ai thế? Tôi chào ông

mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi

ông có gặp thằng con tôi

hao hao...

tôi nhớ...

nó ...người ...như ông.

mẹ ta trả nhớ về không

trả trăm năm lại bụi hồng...

rồi...

đi…

(Đỗ Trung Quân)

 


https://youtu.be/9DV6C3RyOtA


Ngày mình trở lại Đàlạt, sau 20 năm xa vắng, may mắn là mẹ vẫn nhận ra mình. Sau 20 năm, nuôi đàn con và thăm nuôi chồng ở trại cải tạo 15 năm khiến mẹ mình già đi rất nhiều. Chân mẹ mình đi cà nhắc vì bị ngã, gãy xương khi đi thăm nuôi bố mình nên mùa đông lạnh, đau lắm, chỉ biết ngồi khóc trong khi mấy cô em xoa dầu. May là được cô em bảo lãnh sang pháp để mỗ nên mẹ mình đi đứng lại như xưa, kêu là thuốc tiên.

 

Hôm trước, có vợ chồng anh bạn học cũ thời tiểu học, ghé lại nhà tặng bánh để cúng bàn thờ ông cụ. Anh bạn thì mình ít gặp ở trung học, cô vợ là học sinh Văn Học nhưng mình không quen, có gặp một lần ở Cali trong hôm hội ngộ với cô giáo Ngô Thị Liên. Lên Đàlạt, họ tìm đến thăm bà cụ mình khiến mình rất cảm động. Họ chụp hình gửi cho mình xem. Có lẻ họ có con du học ở Gia NÃ đại nên hiểu lòng người mẹ ở xa nghìn trùng nên đã giúp mình tìm lại hình ảnh của mẹ.

 

Mình cảm ơn vợ chồng Phước Đức đã đến thăm mẹ mình. Người già ở nhà buồn, có bạn của con ghé lại, khơi lại vài kỷ niệm giúp bà cụ vui. Mẹ mình kể con gái của Cò Đào, buôn bán ngoài chợ ngày chỗ tiệm Bùi Vàng khi xưa, hay đọc mực tím sơn đen, gặp mẹ cũng kể về mình khiến mẹ mình vui.


Có mấy người tỏng xóm, đọc bài mình, cũn ghé thăm mẹ mình, để an ủi tuổi già. Người già cô đơn lắm. Nếu có ai đến thăm, hỏi chuyện là mừng, nói từ đầu đến cuối.

 

Mình chợt nhận ra: “hôm nay, tôi còn Mẹ”


Mùa Vu-lan 2020

 

Nhs