Tại sao phải mở cửa cho phụ nữ

 Có dạo mình nghe hội thoại trên đài phát thanh về đề tài: đàn ông có nên hay không mở cửa xe cho phụ nữ khiến thiên hạ gọi vào chửi bới nhau như điên.

Các người theo nữ quyền, ảnh hưởng của của chủ nghĩa mát-xít, đấu tranh giai cấp cho rằng đó là hành vi nhằm phong toả, bắt phụ nữ lệ thuộc vào đàn ông, không được bình đẳng, mất tự do, khiến phụ nữ phục tòng đàn ông trong chế độ phụ hệ, cần được diệt trừ.

 

Các người không theo chủ nghĩa nữ quyền thì cho rằng đó là sự lịch sự tối thiểu giữa đàn ông và phụ nữ sống chung trong xã hội, một lối tương tác, người làm cái này người làm cái kia như trong nền văn minh canh nông, chồng cày ruộng, lo việc đồng áng thì vợ trồng rau, nấu cơm,….mỗi người một việc.

 

Mình nhớ dạo mới sang làm việc tại New York, đi xe buýt, đang ngồi, thấy một bà mỹ độ 30 tuổi bước vào thì phản ứng tự nhiên, quen từ bên tây, âu châu, mình đứng dậy nhường chỗ cho bà ta. Bà ta không cảm ơn còn mắng mình là đồ misogyne. May lúc đó chưa có phong trào #MeToo, nếu không thì mệt. Chán Mớ Đời 

 

Chúng ta đang sống trong một văn hoá thời A-còng nhưng vẫn còn lát đát, phất phơ đâu đấy những đầu óc tiểu tư sản, địa chủ còn sót lại. Mình thì có dòng máu phản động địa chủ cường hào ác bá nên hay bị chửi khơi khơi. 

 

 á châu, trong vòng giao tiếp xã hội thì mọi tục lệ đều được dựa trên căn bản kính trên nhường dưới. Người lớn tuổi đều được xem trọng còn phụ nữ thì còn ảnh hưởng của nho giáo nên vẫn còn chưa được xem bình quyền.

 

Mình về quê, phụ nữ không được xem là quan trọng vì đã làm dâu họ nhà khác nên không dính dáng vào chuyện họ hàng của họ. Mấy ông chú họ cứ lên tiếng bác bỏ mấy mụ đàn bà. Ra đình ăn cổ thì chỉ có đàn ông đi và đem về cho con trai. Nhà nào có con gái thì chỉ có cúng làm cổ cho thiên hạ xơi còn chả có gì đem về. 

 

Dạo sang tây thì mình cũng hay tìm sách để học cách sống với tây đầm để chúng không chê mình là nhà quê (nhaque) nên nhớ mại mại sau đây vài điều:

 

1/ Đi xuống cầu thang: 

đàn ông hay ai nhỏ tuổi hơn phải đi trước phụ nữ. Lý do là nếu phụ nữ té thì mình đi trước đỡ họ được hay họ xô mình té luôn nhất là mấy bà mỹ béo như lợn. 

 

Thường xuống cầu thang thì phép tắc khi xưa là phụ nữ không nhìn xuống chân của mình mà vênh vênh cái mặt nhìn thiên hạ nên có thể dẫm lên váy đầm của mình,…

 

2/ lên cầu thang:

Đàn ông phải đi trước vì ý tưởng té xuống cầu thang khi đi lên rất hiếm, mà khi té xuống thì khó mà giữ lại. Lỡ phụ nữ bận váy ngắn, thì nhìn lên thấy hết sự việc, bất lịch sự,...

 

3/ Khi đến viếng nhà ai thì nên để ai vào trước. 

Đa số là người ta để người phụ nữ vào nhà trước. Lý do là phụ nữ luôn luôn ăn bận, chưng diện đẹp nên người ta dành quyền ưu tiên cho phụ nữ được thiên hạ trầm trồ chiêm ngưỡng trước.

 

Đàn ông chỉ đi vào trước nếu gia chủ chỉ biết họ để có thể giới thiệu người phụ nữ cho gia chủ.

 

4/ Lên xe:

Kiểu cách này ảnh hưởng từ thời thế kỷ 18 lúc đó giới giàu có quý tộc đi xe ngựa kéo. Khi xe đến thì nếu chỉ có một cửa thì người đàn ông nên vào trước, rồi ngồi xích phía bên kia, để cho phụ nữ lên sau. Lý do là phụ nữ bận áo quần cồng kềnh, xem xi-nê thấy kinh luôn. Họ lên xe đã khó khăn mà bắt họ phải xít phía bên kia để Bồ hay chồng leo lên. Lúc nào cũng để phụ nữ ngồi phía có lề đường vì họ là người xuống trước. 

 

Nên nhớ thời xưa, trước khi Napoleon lên ngôi thì ở âu châu hay Nhật Bản,…đều chạy xe, cởi ngựa bên trái. Mình có kể vụ này rồi vì rút kiếm cho dễ khi bị tấn công, tương tự các cầu thang tròn bên âu châu đều đi lên phía bên trái để đánh trả khi gia chủ bị tấn công.

 


Do đó nói ga lăng thì phải tuỳ hoàn cảnh, thời đại. Ngược lại nếu có cửa bên kia thì người đàn ông mở cửa cho phụ nữ lên xe vì thường họ đeo ví, ô, áo quần cồng kềnh, có thể đạp lên váy dài. Đóng cửa lại rồi đi vòng bên kia để lên sau. 

 

5/ vào tháng máy:

Thang máy bên Tây không như ở Hoa Kỳ, bé tí tẹo mà lại lĩnh kĩnh. Mở hai cửa ngoài trước rồi có cửa accordeon bên trong mà phụ nữ thì hay ăn bận cồng kềnh nên đàn ông phải giữ cửa cho phụ nữ ra vào tháng máy. 

 

6/ Ai vào tiệm ăn trước:

Khi xưa, đàn ông đi làm nên có lợi tức và giao thiệp bên ngoài nên họ luôn luôn đặt chỗ ngồi trong nhà hàng nên thông thường họ vào nhà hàng trước để cho tiền bao để có chỗ ngồi kín đáo hay hầu bàn hiểu Ý của khách hàng để tạo cuộc gặp gỡ đầy thú vị. Ngày nay thì nếu phụ nữ đặt bàn thì phụ nữ vào trước để cho biết tên để người ta xem đặt bàn chỗ ngồi ở đâu. Dạo mình chưa lấy vợ, thì vào nhà hàng mình đều dúi tiền bao cho bồi bàn để chúng chăm sóc đối tượng như hoàng hậu, công chúa. Sau này lấy vợ thì một đồng cũng không nhả. Chán Mớ Đời 

 

7/ các nơi công cộng:

Tại các nơi công cộng như tiệm sách, nhà ga,…thì đàn ông thường đi vào trước. Lý do là để xem tình hình ra sao trước khi để phụ nữ vào như vào một quán bar mà thấy một đám đầu trâu mặt ngựa thì rút lui ngay thay vì để mấy bà vào trước.

 

Đi xe lửa thì đàn ông nên đi trước, lên toa xe trước để tìm chỗ, xách Vali để phụ nữ thong thả lên sau. Nhớ khi xưa ở Đàlạt, đi đem xi-nê, chen lấn mua vé như điên. Mình nhớ dạo ở Luân Đôn, ra phi trường tiễn một đối tượng. Tay ôm hôn đối tượng nhưng chân mình đạp lên Vali của đối tượng, sợ tên nào chôm mất.

 


Nói gì thì nói nhưng quen sống ở âu châu nên mình vẫn tuân thủ làm theo kiểu âu châu, trọng nể phụ nữ, người già, em bé. Ra đường thì cũng mở cửa cho vợ, cho mọi người vì chả mất đồng nào, không cần phải dùng biện chứng luận để đấu tranh giai cấp, giới tính vì chả đi đến đâu. Ai cũng có lý do của họ nên tôn trọng họ thay vì đả kích đủ loại. Chán Mớ Đời 

 

Nhs