Ấp Ánh Sáng Đàlạt xưa

 Mình sinh ra và ngụ tại ấp Ánh Sáng được 6, 7 năm trước khi gia đình dọn về cư xá Công Chánh, ở đường Hai BÀ Trưng thêm 11 năm thì đi Tây đến giờ. Mình kể về cư xá Công Chánh Đàlạt ngày xưa khá nhiều. Kỷ niệm về ấp Ánh Sáng thì không có nhiều vì còn bé.

Khác với các ấp khác tại Đà Lạt như Hà Đông, Nghệ-Tỉnh, nằm ngoài trung tâm thành phố của thị xã Đàlạt, ấp Ánh Sáng được thành lập trong trung tâm thành phố, trong vùng dành cho dân địa phương (indigènes) mà mình thấy trên bản đồ phát triển thời tây.


Thật ra, khởi đầu, người Pháp dành khu vực này cho người Việt sinh sống nhưng đến năm 1932, có một trận bão lụt lớn, đã làm vỡ cái đập của hồ Lớn (Grand Lac) dành cho người Pháp, tràn qua hồ Nhỏ (Petit lac) dành cho người Việt, cuốn trôi nhà cửa ở khu vực hạ lưu của suối Cam Ly, có 15 người chết nên người Pháp phải chuyển khu vực công lên khu Hoà BÌnh ngày nay. Thoạt đầu dành cho người Pháp, có dinh toàn quyền trên đồi cao nhất Đà Lạt.

Hình này cho thấy khu người Việt sinh sống trước năm 1932. Thấy mấy thùng rác mà sách tây có nói đến ở gần chợ. Mấy khu tây đầm ở thì có xe rác đi lấy, còn khu Việt Nam thì xe bò đến kéo vào Cam Ly đổ.


Chỉ nhớ mình được bà cụ cho học trường vườn trẻ tên Ấu Việt, cạnh cầu Bá Hộ Chúc, không nhớ tên đường, hình như Đoàn Thị Điểm, con đường này khởi đầu từ đường Bà Triệu, đi đến đường Yersin. Con đường nhỏ, đối diện đường Cường Để bên kia suối Cam Ly. Mình về Đà Lạt, có đi ngang lại con đường này, để man mác nhớ đến bài viết của ông Thành Tịnh; một sớm mai ấy,…nhưng chỉ nhớ chị người làm dẫn đi ngang cầu Bá HỘ Chúc.


Từ đường Cường Để, băng qua cầu Bá Hộ Chúc, có một con đường bên tay phải đi dọc con suối chảy về Cam Ly. Đi độ 50 mét thì có trường Ấu Việt, bên tay trái, có cây trứng cá, đầy sâu rọm. Mình nhớ có học chung với anh em Tăng Trung, Tăng Hiếu, sau này khám phá ra có vài cô khác cũng học ở đó như con chú Phấn, người gửi tấm ảnh phía dưới (tiệm thuốc tây Mình Tâm, mướn bằng dược sĩ của dượng Ân, rể bà Phúng, nay ở Úc Đại Lợi), Hương ở gần tiệm kem Thuỷ Tinh,..


Mình có viết về Hoàng Yến, cho mình ăn bánh LU , bị mấy cô viết thư chửi quá cỡ. Chán Mớ Đời 

Trường Ấu Việt khi xưa, thấy ảnh nhận ra Sơn Đen thời xưa rất hãi. Đứng cạnh Lê Việt Quốc

Mình chỉ nhớ dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ và bác Cháu bán mắm, chị dâu của bà dì mình là ở ấp này. Ấp này như khu số 4, toàn là người gốc Huế. Bà dì mình, từ Huế vô Đàlạt, để chăm sóc mình khi mới sanh rồi phát hiện ra mối tình hữu nghị với người hàng xóm, em trai bác Cháu, đăng ký quản lý đời nhau rồi dọn về Sàigòn. 


Bác Cháu bán mắm ở chợ Đà Lạt, dưới lầu đồn cảnh sát chợ, nuôi cả chục người con ăn học thành tài. Mình nhớ có anh Vui, đi du học ở Nhật Bản. Bà cụ mình có dẫn mình vào nhà chào. Bà cụ mình rất thông minh, cứ giới thiệu mình cho anh Vui nên mình chợt giác ngộ, muốn đi du học ở Nhật Bản nên bò ra trường Việt Anh, học tiếng Nhật với một ông sư, du học từ Nhật Bản về. Sau này bắt đầu để ý tới gái thì bỏ học luôn.

 

Mình nghe người lớn kể ấp Ánh Sáng do ông thị trưởng Cao Minh Hiệu thành lập, lấy tên của phong trào Ánh Sáng do Nhóm Tự Lực Văn Đoàn khai phóng. Mẹ mình bị mật thám Tây bắt, dứoi thời ông này. Đa số là người làng Kế Môn và Phước Yên, Thừa Thiên ở khu này. Làng Kế Môn, nổi tiếng về nghề làm thợ bạc ở Huế, do một ông thợ bạc từ Thanh Hoá vào, truyền nghề. Ai tò mò thì đọc trên bờ-lốc của mình về làng này.

 

Lúc đầu, chỉ có mấy cái chòi, mình có thấy tấm ảnh này, để xem có lục lại được không. Sau đệ nhị thế chiến, Tây không chịu trao độc lập lại cho người Việt nên cuộc kháng chiến dành độc lập khởi đầu nên thiên hạ tản cư về Huế,…Tây thay thế Anh quốc sang Việt Nam để giải giới quân đội Nhật Bản thua trận ở miền Nam, còn lính của quân đội Tưởng Giới Thạch thì giải giới miền Bắc do ông tướng Lữ Hán cầm đầu đoàn quân mà người Việt gọi “tàu phù”. 


Họ đói quá bị phù thủng, ăn no lăn ra chết. Sau ông Hồ, đi quyên vàng để tặng ông Lữ Hán, để ông ta rút quân về tàu. Mệ ngoại có tặng một chỉ vàng, bà Nguyễn Thị Năm ở Hà Nội tặng rất nhiều, cho ông Hồ , ăn ở trong nhà như thượng khách nhưng rồi của bị bộ đội ông Hồ bắn. Thật ra, ông tướng tàu này rút quân để đánh nhau với quân của Mao Thị.


Hình dưới đây, cho thấy có 3 cái chòi để người canh tác vườn trồng rau, trước khi ấp Ánh Sáng được thành lập. Thấy đường Lê Đại Hành (hình như thời đó được gọi là Gia Long). Phía chợ Mới là chỗ người ta trồng rau. Không hiểu sao, sau này họ khoét, đào đất rất nhiều khiến thung lũng này rất thấp so với khu Hoà Bình. Có lể kỹ thuật xây cất chưa xong, họ sợ lún đất nên phải vét đất. Thật ra, chợ Mới được xây trên các pilotis, để chống lún.

 


Xem hình này cho thấy Chợ Mới Đàlạt chưa được xây cất, còn Chợ Cũ ở khu Hoà Bình đã xây xong, sau khi Chợ Gỗ bị cháy rụi. Thấy trên đồi xa xa có dinh tỉnh trưởng mà Việt Cộng muốn đập bỏ. Đặc biệt là rạp xi-nê Eden, ở đường Thành Thái, sau này Tây về nước, ông bà rạp xi-nê Ngọc Lan, tên Sum thì phải, mua lại và xây thêm khách sạn, cho thấy ông bà Ngọc Lan đã lên Đàlạt từ lâu. Mình hỏi con trai của ông bà sinh sau mình 1 năm, thì hắn chả nhớ gì cả. Hắn gửi cho mình bài viết của Sơn Đen về xi nê Đà Lạt một thời. Anh chàng thành công trên đất mỹ.


Bên tay phải, có nhà ông Quản Đạo, sau này khi xây chợ và bùng binh thì họ phá bỏ. Cây cầu và đập nước ở đây được gọi là cầu Ông Đạo, do ông Quản Đạo xây như cầu Bá Hộ Chúc xây phía bên kia ấp Ánh Sáng. Quản Đạo là chức do triều đình Nguyễn, bổ nhiệm để chăm sóc vùng đất được gọi “Hoàng Triều Cương Thổ”. Đúng hơn là quản lý người Việt. Còn hành chánh thì vẫn là do người Pháp nắm giữ quyền hành.


Mình đoán người Pháp không muốn người Việt lên đây sinh sống nên mới kêu triều đình nhà Nguyễn, đặt cho thành phố Đà Lạt là Hoàng TRiều Cương Thổ, chỉ có ai được giấy phép, kiểu hộ khẩu thời Việt Cộng, hay sổ Gia Đình của Việt Nam Cộng Hoà, mới được lên đây sinh sống. Mẹ mình, từ Huế vô Đà Lạt vào năm 1948, phải có giấy tờ, người bảo đảm mới được hộ khẩu tại Đà Lạt.

Hình này do một độc giả gửi, chú thích là hình chụp hôm thành lập ấp Ánh Sáng, người bận áo quần trắng là thị trưởng Đà Lạt, ông Cao Minh Hiệu.


Người Đà Lạt, chạy tản cư về làng thì bị Tây bố ráp nên dần dần dân Đàlạt bắt đầu hồi cư từ năm 1947, một số người mất trắng tay nhà cửa vì thiên hạ thân Tây, ở lại nên chiếm luôn nhà đất. Mình có đọc hồi ký một ông lớn tuổi, nay mới qua đời, kể nhà của bố mẹ ông, trên đường MInh Mạng, ta bị thiên hạ cắm dùi nhưng không dám đòi, sợ bị trả thù vì nghe lời Việt Minh tản cư. Chán Mớ Đời 


Cho thấy nghe lời Việt Cộng là mất gia tài từ năm 1945. Không mất thì họ cũng cướp như năm 1975. Chán Mớ Đời 


Khi người Đàlạt tản cư thì có mấy người lỳ ở lại, mua nhà của thiên hạ rẻ nên sau này giàu xụ lên khi người ta hồi cư, phải mướn nhà của họ. Sau 75, Việt Cộng tịch thâu hết, dán nhãn hiệu Tư Sản.


Mình hơi tò mò về cái còi hụ , được gắn trên tháp chuông chỗ Khu Hoà Bình. Còi được gắn bởi người Nhật hay Tây. Xem hình trước 1940, thì không thấy còi hụ. Trong chiến tranh khi quân Nhật, cướp Đông Dương, máy bay của phe đồng minh, hay bỏ bom nên người ta mới gắn để báo động. Hình như Đà Lạt không bị bỏ bom. Việt Nam Cộng Hoà dùng làm còi giới nghiêm sau Mậu Thân. Ai biết thì cho em hay. Em hay thắc mắc mấy cái vớ vẩn nên thầy cô khi xưa, hay kêu em ngu lâu đốt sớm. Hỏi chuyện ruồi bu.


Gia đình mình di tản năm 1975, khi hồi cư, bị mất hết vốn liếng, thêm ông cụ bị đi cải tạo 15 năm nên te tua, suýt bị đày đi kinh tế mới. May có người quen như dì Gái (Nụ), bà Tàu bán tương ớt ở cầu thang Chợ cho vay vốn để làm ăn lại. Đó là ân nhân của gia đình mình. Mình có gặp lại Dì Gái, nay ở trước trường Đa Nghĩa. Chú Ba, chồng dì, khi xưa lính quân cụ, đóng ngay đường Triệu Việt Vương, trước khi vào ấp Sòng Sơn, đã qua đời, mấy người em trai thì mình không biết trôi dạt về đâu, hình như tên Nghị và Ngữ. Khi xưa, hai tên này, cũng ra dọn hàng cho bà Cáp nên quen, hay đi về chung với nhau. Nghị lớn tuổi hơn mình còn Ngữ thì nhỏ hơn. Hình như hai tên này là con bà sau. Nhà ở gần nhà chú Thành, chạy xe Lam, người làng Dưỡng MOng, chạp mộ của người làng, đều ghé lại nhà Chú ăn bún bò. Mình thích nhất bún bò nấu ở đây khi đi chạp mộ trên Mả Thánh về.


Hình như trên đường Ngô Quyền, số 4, ông Phúng và người cùng  làng, có xây một nhà tổ chi đó. Mỗi năm đến khi chạp mộ thì mọi người trong làng tụ tập về đây. Không biết, ngày nay còn có giữ truyền thống này hay không.

 

Dạo ấy, người Đàlạt còn ít dân cư. Mấy người di cư vào làm ăn khá lên thì họ về làng để tìm người giúp việc vì tin tưởng hơn. Mẹ mình vào Đàlạt năm 1948, khi Đàlạt nhộn nhịp lại vì dân quê chạy vào thành phố để tránh chiến tranh. Tương tự, sau này, mẹ mình buôn bán nên cần người giữ em vì mẹ sinh năm 1, nhờ mệ ngoại ở HUế, kiếm người làng, đưa vào Đàlạt giúp việc như chị Gấm, chị Hoa, chị Tình,....


Chị Gấm sau này bị ông Tư Thân, trên Số 4. Năm Mậu Thân chạy tản cư xuống xóm mình, hủ hoá, mang bầu. Chị phải về quê để sinh nở. Chị sinh được một người con trai. Bà Tư Thân sinh toàn con gái, cô nào cô nấy to lớn cứ như người Mỹ. Bà Tư Thân, về Huế, xin người con trai, đem vào Đà Lạt nuôi. Nghe nói làm nghề thợ mộc trên Số 4. Mình về Huế, đi kiếm mấy người làm xưa như Chị Gấm, Chị Hoa, Chị Tình nhưng không ra.


Đến năm 1952, Ấp Ánh Sáng mới được thực sự mang tên. Nghe nói có 36 căn nhà (xem hình). Đặc biệt là hình này cho thấy dân ấp này ra chợ Cũ (chợ Cây) bằng con dốc lên đường Thành Thái, cạnh rạp xi-nê Ngọc Lan. Con dốc này mình đi lại rất nhiều lần, mỗi khi chú Ký, bạn của ông cụ về phép. Có màn ông cụ dẫn mình xuống nhà chú nói chuyện đánh trận Đồng Soài, Pleime,…mình dạo ấy, buồn ngủ mà người lớn nói chuyện từ thời năm Thìn sang tết Đoan Ngọ. Đi về nhà, từ Ấp Ánh Sáng về Hai BÀ Trưng, mình cứ như người Zombie.

 

Sau này, thị trưởng Trần Văn Phước, dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, cho thành lập bến xe đò Sàigòn-Đàlạt nên mới xây thêm đường ăn thông ra bến xe đò và cây xăng Caltex vào những năm đầu 60 của thế kỷ 20. Thành phố cho tiệm Chic Shanghai đất, để xây trạm xăng Caltex, ngay bến xe đò, ngoài ra tiệm này cũng trúng thầu xây rạp xi-nê Hoà BÌnh.

 


Nhìn tấm ảnh này, mình đoán là chụp từ trên chuông nhà thờ Con Gà, thấy bên trái là một khúc trường bà sơ Nazareth, đường Hùng Vương (Yersin).  Thấy 36 căn nhà đầu tiên của Ấp Ánh Sáng 


Hình này chụp cận cảnh hơn hình trên. Chúng ta thấy đường Lê Đại Hành mà thời tây gọi là Gia Long. Bên phải thấy nhà ông Quản Đạo, xây cầu và cái đập chận nước hồ Xuân Hương mà người Đàlạt gọi cầu ông Đạo. Dạo mình ở Đàlạt thì kêu cầu ông Đạo nhưng không biết ông Đạo là ai. Chưa thấy cây xăng Caltex và bến xe đò Đà Lạt, Sàigòn.

 


Tấm ảnh này chụp từ cầu Ông Đạo, chưa có bến xe đò, và cây xăng Caltex. Thấy rạp xi-nê Eden (Ngọc Lan) trên đồi, đường Thành Thái. Bên tay trái là ấp Ánh Sáng, có con dốc đi lên rạp Ngọc Lan và con đường nhỏ đi ra cầu. Con dốc này, mình đi lại hoài khi đến khu ấp Ánh Sáng, dọc theo đường Thành Thái, MInh Mạng đi về Hai BÀ Trưng. Phía sau rạp Ngọc Lan lác đác vài căn biệt thự nằm trên con đường Trương Vĩnh Ký.

 


Không ảnh này, chụp từ phía khách sạn Palace. Thấy một phần hồ Xuân Hương, cái đập và cầu ông Đạo. Bên tay trái là vườn của mấy người ở ấp Ánh Sáng. Thấy hai dãy nhà của ấp Ánh Sáng. Phía trước thì có bến xe đò và cây xăng Caltex…. Đoán là chụp độ năm 1967-1968 vì người Mỹ có tập tài liệu không ảnh về Đàlạt vào năm 1968 sau Mậu Thân. 

 


Không ảnh này chụp trên không, đoán là trên mái nhà của trường Ấu Việt, thấy 1 khúc đường Cường Để bên tay trái, đâu với đường Thành Thái. Đường Cường Để chạy đến ấp Ánh Sáng thì hết, quẹo phải là cầu BÁ Hộ Chúc, rồi con con đường nhỏ chạy vào trường Ấu Việt.


Mình thấy có tấm ảnh, đoán là đường Cầu Quẹo, có ghi chú là ông bá hộ Chúc, có tiệm nấu nước nóng cho người Đàlạt. Ông ta giàu có nên có làm cái cầu bắt ngang con suối từ cầu ông Đạo chảy về Cam-ly. Sau này, chính phủ làm cầu bằng bê tông cốt sắt nhưng vẫn gọi cầu bá hộ Chúc.

 

Tiếp nối cầu Bá Hộ CHúc là đường Bà Triệu, gặp đường Phạm Ngũ Lão, bên tay trái, chạy dọc con suối từ đập cầu Ông Đạo, đến ngã ba dốc chạy lên nhà thờ Con Gà. Theo chú Phấn, tiệm thuốc Tây Mình Tâm; ông bá hộ Chúc, giàu có ở miền NAm, lên Đà Lạt, làm nghề thầu khoán. Ông ta lãnh xây chiếc cầu từ đường Cường Để, nối với đường Bà Triệu, bắt ngang suối Cam Ly, nên người Đà Lạt gọi cầu Bá Hộ CHúc, tương tự cầu Ông Đạo. 

 

Điều lạ, lúc đầu Ấp Ánh Sáng có hai dãy nhà nhưng sau Mậu Thân, thiên hạ dọn đến ở nhiều nên cắm dùi tùm lùm, thấy có thêm dãy nhà tôn bên tay phải gần mấy cái vườn.

 


Hình này thấy tổng quan thành phố chính Đàlạt. Chụp năm 1967 Thấy tháp nhà thờ Con Gà, bên trái là trường bà sơ Nazareth, có nhà bưu điện bên phải.

 

Bây giờ về thì họ cho giải toả một phía của ấp Ánh Sáng để chuẩn bị xây một dãy phố, chung cư nhưng nghe nói là còn một phần chưa được đền bù nên chưa làm gì cả nên họ trồng hoa cho đẹp thành phố.

 

Ấp Ánh Sáng này có một người đi không quân, lái F5, bay lượn trên ấp bị nổ bung chết khiến thiên hạ đến nhà mụ Toàn để mắng vốn. Nhìn tấm không ảnh này mới hiểu được lý do mấy người bán hàng hay đi ngang cầu Ông Đạo bị sức ép nổ chết, bay xuống hồ theo hà-bá. Cmd 

 

Thấy phi trường Cam ly xa xa mà mình chưa bao giờ đến đây vì là phi trường quân sự.

 


Hình ảnh này là mình thấy trước khi đi Tây. Nhà cửa được xây dựng bú xua la mua, do dân chạy loạn vào thị xã nên cứ cắm  dùi đất rồi xây đại lên mà ở. 



Có bác nào biết đây là đâu?

Nhs