Giáo dục bóp chết sáng tạo

  

Tháng 9 là mùa tựu trường, ai nấy đều nhớ đến bài “tôi đi học,…” của ông Thanh Tịnh. Có người nói ông ta bắt chước bài tựu tường (La rentree của Anatole France) nhưng mình thích bài của Thanh Tịnh hơn. Nếu nhìn xa hơn thì giới trẻ vào học lớp mẫu giáo, có khả năng về hưu vào năm 2080. Không ai biết thế giới sẽ ra sao trong 4 năm tới vì kỹ thuật thay đổi nhanh chóng, nên vô vọng khi đoán đến năm 2080.

 

Mình có đọc một bài báo kể nhà báo hỏi ban nhạc The Beatles là giáo sư âm nhạc ở trung học có phát hiện ra tài năng của họ. Họ kêu không. Có câu chuyện, một giáo viên hỏi một học sinh tiểu học là đang vẽ gì đấy. Cô bé trả lời là đang vẽ Thượng đế. Giáo viên kêu là chưa có ai thấy mặt mũi của thượng đế. Cô học sinh kêu họ sẽ thấy trong vài phút nữa.

Thác Prenn Đà Lạt xưa

 Khi xưa, đi học mình mà trả lời kiểu này thì bị ăn tát mệt thở. Mình vẫn nhớ mấy ông thầy và cô giáo khệnh mình khi xưa vì hay hỏi nhiều câu ngu cực ngu. Có người còn bắt mình đưa tay ra để họ lấy cái thước đánh trên tay. Chán Mớ Đời 

 

Họa sĩ Pablo Picasso nói: “chúng ta sinh ra đều là nghệ sĩ cả” nhưng trường học đã dập tắt óc sáng tạo. Khi xưa, ở âu châu, các đại học là nơi con nhà giàu đến học về âm nhạc, triết học, tìm hiểu về nguồn gốc con người. Nếu thi hào Shakespeare sinh vào thời nay chắc ông ta sẽ được huấn luyện thành một kỹ sư hay y sĩ và viết kịch nghiệp dư. Cứ tưởng tượng bạn học cùng chung với tác giả của Hamlet là ai.

 

Đến khi khoa học thực nghiệm được áp dụng, tạo nên cuộc cách mạng kỹ nghệ tại âu châu. Các kỹ nghệ gia mới cần đến nhân công, chuyên gia để quản lý các nhà máy nên các trường học được thành lập hầu đào tạo nhân lực cho các nhà máy khổng lồ. Giáo trình được dựa trên các căn bản về khoa học kỹ thuật như toán vật lý học còn khoa học nhân văn ít được chú ý như mấy ngàn năm trước đây.

 

Trường học sản xuất hàng loạt, đại trà nhân công, kỹ sư với những căn bản tối thiểu không chú ý đến sự khác biệt, cách nhận thức từng người.

 

Vấn đề hôm nay là nền giáo dục được thành lập cho cuộc cách mạng kỹ nghệ đã lỗi thời, không hợp với thời thế vì khoa học tiến nhanh. Khi mình đi học thì người ta dạy không thầy đố mày làm nên, nhưng ngày nay chúng ta nhận được thông tin từ nhiều nơi, không nhất thiết từ người thầy. Tò mò vấn đề gì thì cứ “100 năm trong cỏi người ta, cái gì không biết thì tra google”.

 

Mình từng sinh sống và học tại nhiều quốc gia, Việt Nam, Pháp quốc, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh Quốc, Hoa Kỳ,… tuy nói khác tiếng nhưng hệ thống giáo dục các xứ này đều tương tự. Các môn toán lý hoá, sinh ngữ được đề cao sau đó mới đến nghệ thuật. Về nghệ thuật thì hội hoạ, âm nhạc được chú trọng hơn là kịch và múa. Không có hệ thống giáo dục nào dạy kịch múa như toán lý hoá. Khi xưa, mình chưa bao giờ được dạy ở trường nhạc, kịch, hội hoạ,… Ở Việt Nam, mình chưa bao giờ xem múa Ballet, chỉ xem được cải lương ở rạp Ngọc Hiệp.


 Người ta chỉ thấy xuất hiện hệ thống giáo dục công cộng đại trà từ thế kỷ 19 khi các nhà kỹ nghệ cần nhân viên cho công việc sản xuất của họ. Do đó chương trình chỉ huấn luyện chúng ta trở thành kỹ sư, bác sĩ hay chuyên viên kỹ thuật. Hệ thống giáo dục này dựa trên 2 căn bản:

 

Căn bản #1: chú tâm vào các môn cần cho kỹ nghệ, thầy cô định hướng học những môn toán lý hoá với cho hệ số cao. Người ta đánh giá sự thông minh của học sinh qua khả năng giải toán, giải một bài vật lý, Quang học,…  Các môn học nhân văn nghệ thuật chỉ là phụ. Họ không khuyến khích và nói chúng ta sẽ không trở thành nhạc sĩ lừng danh như thầy của ban nhạc The Beatles, chúng ta không làm ra tiền với nghệ thuật, làm nghệ thuật là đói mà quên đi Maurice Bejart, Pablo Picasso sống sung túc khi còn sống. Nghe kể nhạc sĩ Lam Phương, đã bán bản nhạc “thành phố buồn”, bỏ túi trên mấy triệu bạc mà lương ông cụ mình có 20,000 đồng/ tháng. Mình nhớ ông cụ mua bài hát này về nhà rồi cứ hát đi hát lại trong nhà khiến nay vẫn vang vãn giọng hát của ông cụ bên tai.

 

Khi xưa, đi học mình chỉ nghe thầy cô, sách báo, ca tụng, nói về Louis Pasteur, Marie Curie, Descartes,….chưa bao giờ thấy một bức hoạ của Cézanne, Picasso,..dù là trong sách báo trong khi con mình ở lớp mẫu giáo đã được học về các hoạ sĩ của thế kỷ 19, 20,… 

 

Căn bản #2 : chú trọng vào sự thông minh qua hình ảnh một kỹ sư giỏi hay bác sĩ có đầu óc tìm tòi vô hình trung loại các người có khiếu về các môn khác như âm nhạc, hội hoạ, ca kịch, văn chương,.. mình có nghe phỏng vấn một anh chàng gốc Phi-luật tân kể là mê đánh trống nên chả học hành gì cả rồi cứ thâu nhưng khúc dạo trống do anh ta sáng tác rồi bỏ lên mạng. Các nhạc sĩ thời nay, mua các điệp khúc này để bỏ vào bài hát của họ, làm giàu như điên.


Theo UNESCO thì trong 30 năm nữa thế giới sẽ có rất nhiều người tốt nghiệp đại học, thêm vào đó kỹ thuật thay đổi cách sống, cách làm việc rồi nạn nhân mãn gia tăng. Thời mình, có một cái bằng đại học là có thể kiếm cơm nhưng thế hệ tương lai có bằng đại học sẽ chả ăn nhằm gì cả vì ngày nay, họ kêu phải có ít nhất bằng thạc sĩ hay tiến sĩ mới có công ăn việc làm. Đưa đến vấn đề là bằng cấp đại học trở thành gần như vô dụng, căn bản như bằng trung học ngày nay. Do đó chúng ta cần xét lại cái nhìn về sự thông minh.

 

Người ta định nghĩa thông minh dưới 3 cái nhìn: 1 là đa dạng; chúng ta tư duy về thế giới qua các kinh nghiệm bản thân. 2 là thông minh rất sống động; chúng ta xét sự liên đới của não bộ con người, không phải chia ra nhiều ngăn. Và sáng tạo là giá trị hoá các tư duy cá biệt qua một quá trình thực hiện với các ngành liên đới với nhau từ nghệ thuật và khoa học. Não bộ được chia làm hai mà người ta gọi là Corpus Callosum. Phần này của phụ nữ dày hơn đàn ông. Có lẻ vì vậy phụ nữ rất giỏi về Multitasking, có thể làm nhiều thứ cùng một lúc; vừa nấu ăn, xem phim hàn quốc vừa nói chuyện điện thoại, vừa la chồng hay hét con,…


Có anh bạn kể cô con gái học Harvard về môn gì đó nghệ thuật gì đó, ra trường có công ty mới khởi lập mướn rồi 2 năm sau Google mướn trả 300k một năm ở tuổi 25 trong khi bạn học đi học bác sĩ thêm cả chục năm với nội trú, nợ nữa triệu.


 Định nghĩa khác về sự thông minh 3 là sự khác biệt. Điển hình: bà Gillian Lynne, một vũ sư ballet và có thực hiện các chương trình ca nhạc múa nổi tiếng khắp thế giới như “Cats, Phantom of Opera” kể về thời thơ ấu như sau. Một hôm, bà mẹ nhận được một bức thư của trường, kêu là bà Lynne này có vấn đề học hành, bà ta không thể nào chú ý nghe lời thầy cô giảng mà ngày nay người ta gọi là bị ADHD. Dạo ấy người ta chưa phát minh ra cụm từ này.

 

Bà mẹ dẫn đi một chuyên gia để khám nghiệm. Bà mẹ và chuyên gia nói chuyện đâu được 20 phút, rồi ông bác sĩ nói nhỏ với bà là cần phải nói chuyện riêng tư với bà mẹ, và dặn bà ta ngồi yên. Bà mẹ và bác sĩ bước qua phòng bên sau khi mở radio cho bà Lynne nghe rồi đóng cửa lại. 

 

Sau khi ngồi yên nghe nhạc thì sau 1 phút bà Lynne, tự nhiên đứng dậy và bắt đầu nhảy theo điệu nhạc. Bên kia văn phòng, ông bác sĩ chỉ qua cửa sổ cho bà mẹ xem và phán rằng: “ con bà không có bệnh, cô ta là một người thích múa, cho cô ta đến trường dạy múa”. 

 

May thay bà mẹ nghe lời và cho bà ta đến trường múa để học múa. Bà Lynne kể là khi đến trường múa thì bà ta gặp tất cả bạn đồng lứa đều như bà ta, thích âm nhạc và múa hát. Bà ta được tuyển chọn vào đội múa ballet hoàng gia (Royal Ballet), sau đó thành lập đoàn múa Gillian Lynne Dance Company, tạo dựng các vỡ ca nhạc múa nổi tiếng thế giới, và trở thành triệu phú thời ấy. Gặp người khác, nhất là chuyên gia tâm lý ngày nay, chắc chắn đã cho bà ta uống thuốc để ngồi yên trong lớp, không phá phách. Thế giới mất đi một nhân tài. Biết bao nhiêu nhân tài của thế giới đã bị dập tắt bởi trù dập, ngu dốt? Chán Mớ Đời 

 

Mình có gặp lại vài người bạn học cũ, trong đó có vài người được xem là học giỏi khi xưa. Mình nhớ khi xưa, trả bài là mấy tên này trả bài làu làu khiến mình bội phục vì mình học hoài không vô. Ngày nay, gặp lại thì thấy họ không có gì đặc biệt theo định nghĩa của thông minh. Khi xưa, chỉ học thuộc làu để trả bài nhưng chưa chắc đã hiểu một bài thơ, biết thẩm âm một bản nhạc hay vẽ một bức tượng….Chán Mớ Đời 


May là ngày nay người ta bắt đầu nghiên cứu về thông minh nhân tạo, người ta không cần nhiều các đầu óc tính toán của kỹ sư mà những đầu óc sáng tạo. Người ta không cần bác sĩ nhiều vì các robot có thể chẩn đoán hay mỗ bệnh nhân. Họ cần những đầu óc phong phú, sáng tạo cái mới lạ như các nhà soạn phim của hồ ly vọng. Có anh bạn kể cô con gái xin vào tường Yale như anh ta thì không được nhận, đại học Harvard lại nhận, cô ta theo học gì về mỹ thuật, bây giờ Google mướn 300k một năm sau khi ra trường 2 năm.

 

Mình may mắn học về kiến trúc nên có chút liên quan đến nghệ thuật. Tại âu châu mình hay đi với bạn bè xem Opera, nghe nhạc giao hưởng, Ballet, viếng thăm các buổi tranh hoạ,…. Nhưng từ ngày sang Cali, lâu lâu dẫn vợ con đi xem đi nghe nhạc giao hưởng, hay lên Los Angeles viếng viện bảo tàng khi xưa, nay thì chỉ loay hoay với ăn uống, nghe mấy bà rống như ca sĩ về vườn sau khi tọng bún bò, hay chả giò. Chán Mớ Đời 

 

Nguyễn Hoàng Sơn