Showing posts with label Văn nghệ. Show all posts
Showing posts with label Văn nghệ. Show all posts

Người Việt hải ngoại ngày 30/4/75


Hôm qua, có vợ chồng anh bạn ghé nhà chơi. Anh này đã sống 19 năm tại Pháp, trước khi gặp lại đôi mắt người xưa, nối chấp lại mối tình hữu nghị và di dân sang Hoa Kỳ. Ngồi nói chuyện bổng nhiên anh ta nhắc lại những ngày sau 30/4/1975 tại Paris. Người Việt ròi Việt Nam trước ngày Sàigòn đổi chủ, bổng nhiên bị hụt hẫng, với một tương lai đen tối mờ mịt, trở thành người lưu vong, một kẻ vô tổ quốc. Lý do là lưu vong đều khởi đầu bởi một bi kịch chính trị để rồi biến thành một bi kịch văn hoá nơi xứ lạ quê người


Chúng ta hay nghe kể, đọc hồi ký về người Việt tại Việt Nam sau ngày Sàigòn đầu hàng hay những người di tản buồn nhưng ít ai nhắc đến số phận những người Việt đã sinh sống tại hải ngoại trước ngày 30/04/1975. Đa số những người này là du học sinh, với những ước mơ của tuổi trẻ, học xong về quê hương xây dựng lại đất nước, để rồi bổng nhiên tan biến, mất liên lạc gia đình, trở thành người vô tổ quốc như tình trạng ông Mehran Karimi Nasseri, người gốc Ba Tư phải sống trong phi trường ở Paris từ 1988 đến 2006 mà sau này họ có làm phim về cuộc đời ông ta khi đất nước bị xâm chiếm và bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Ông ta đến phi trường CDG thì đất nước ông ta bị biến Mất như Việt Nam Cộng Hoà sau ngày 30/4/75 nên không được nhập cảnh hay đi đâu cả vì sổ thông hành không được công nhận bởi thế giới, là kẻ vô tổ quốc không ai cho nhập nước họ thậm chí rời khỏi nước pháp, nơi ông ta quá cảnh.


Nhìn lại thì quả mình có cái số đi tây năm 1974. Mình nhớ đậu tú tài xong, gửi giấy tờ sang tây để nhờ mấy người cậu bà con du học ở Pháp, làm thủ tục, nộp đơn đại học. Hai ông cậu bà con vừa gửi giấy tờ về cho mình bổ túc hồ sơ du học thì nhân viên bưu điện bên tây đình công đâu 6 tháng trời. Năm đó nhiều người muốn đi Tây kẹt vụ đình công nên không nhận được giấy tờ bổ túc hồ sơ đúng thời hạn của nha du học nên chỉ biết than trời sinh ta sao còn sinh bưu điện tây. Nếu trễ vài ngày thì xem như mộng đi tây của mình đã chấm dứt và sẽ khăn gói đi vùng kinh tế mới như bao bạn bè cùng thế hệ hay vượt biển sau này. Xem như chỉ tay mình không có ligne de mer, chỉ có ligne de l’air..

Rạp hát Mutualité ngày nay, dạo mình ở Paris thì đã cũ hơn 45 năm. Mình nhớ đi vào cửa chính thì có hai dãy hàng dài bán đồ chợ tết với mấy cô bận áo dài đến khi nhảy đầm thì họ thay váy hết. Hát hò xong thì giải lao trong khi thiên hạ dẹp ghế để nhảy đầm tới sáng. Dạo ấy thấy có một ông lớn tuổi bận áo vét, thắt nơ nhảy đầm nhuyễn lắm, chắc có bằng nhảy đầm. Ông ta nhảy đẹp với nụ cười luôn luôn trên môi.

Ngày 24/12/1974, khi bước ra khỏi toà đại sứ Pháp, tay cầm sổ thông hành Việt Nam Cộng Hoà, với chiếu khán của toà đại sứ Pháp khiến mình run trong cảm xúc khó tả. Một chân trời mới đang chào đón với giấc mơ từ bé khi vào nhà ông bà Phúng, cậu mợ của mẹ mình, xem mấy tấm ảnh của người cậu bà con đi tây trước khi mình ra đời. Tương tự khi đến nhà bác Cháu ở ấp Ánh sáng, thấy anh Phú đi du học bên Nhật Bản. 


Dạo ấy Việt Nam Cộng Hoà đã mất Phước Long, thấy các biểu ngữ toàn dân không quên Phước Long, ông cụ mình mua vé máy bay đi Tây ngay vì sợ tổng động viên, không cho xuất ngoại. Mình rời Đà Lạt về Sàigòn không kịp chào bạn bè như trốn chạy chiến tranh, tìm đến một nơi khác yên bình hơn để tạo dựng tương lai cho một kiếp người tha hương như ông cụ mình phải rời bỏ quê để vào nam sau khi bị du kích tìm cách giết ở làng vì không theo họ.


Mấy ngày sau, mình xuống phi trường Charles de Gaulle với những lo lắng, không biết tương lai sẽ đi về đâu. May có gia đình ông cậu đón tiếp lúc đầu, sau đó thì mình dọn ra một căn hộ tạm thời của bố vợ ông cậu, sắp bị đập bỏ để xây một chung cư mấy tầng.


Mình sang Pháp trễ niên khoá nên đành đợi qua hè 75 mới đi học. Trong khi chờ đợi, mình đi làm chui vì dạo ấy nước pháp bắt đầu cấm sinh viên ngoại quốc làm việc nếu không có giấy phép (permis de travail). Đi làm nhà in ở Porte de Versaille từ 8 giờ sáng, về đến nhà 12 giờ đêm, 7 ngày 1 tuần nên chả biết trời trăng, tình hình tại Việt Nam ra sao. Chỉ biết ngủ rồi dậy đi làm.

Sinh viên Việt Nam tại Paris tuần hành để tang cho Việt Nam Cộng Hoà ngày 27/4/1975. Hình như tấm ảnh này của ông Trần Đình Thục.


Một hôm, chủ kêu đi taxi giao hàng cho khách hàng gấp thì ông tài xế hỏi mình người xứ nào, mình kêu Việt Nam. Ông ta kể là sáng nay Sàigòn thất thủ, ông ta thấy một đám đông chạy vào toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà đập phá. Dạo ấy ở Paris, chỉ có một văn phòng đại diện cho Hà Nội vì Pháp chưa có thiết lập ngoại giao chính thức với Hà Nội. Hà Nội chiếm hết tài sản của người Pháp tại miền bắc, không đền bù gì cả trong khi miền nam thì khi các pháp kiều về pháp họ được bán các cơ sở nhà cửa của họ tại miền nam.  Chỉ có Việt Nam Cộng Hoà mới được pHáp công nhận, thiết lập bang giao, có toà đại sứ. Mình có đến đại sứ quán một lần để trình diện, ghi danh với toà đại sứ rồi chưa bao giờ trở lại.


Tin của ông tài xế khiến mình thất kinh, tối đó đi làm về, mua tờ Le Monde để đọc tin Việt Nam. Dân tây ăn mừng đoàn chiến xa Việt Cộng đã cán xập cổng dinh Độc Lập trong khi và nhiều công dân Việt Nam Cộng Hoà khóc một dòng sông. Vạn người vui, ngàn người sầu tại âu châu. Tối đó mình nằm khóc một mình, nghĩ về Đà Lạt, gia đình, Việt Nam. Chỉ nhớ nhận được lá thư đầu tiên và cuối cùng của gia đình, ông cụ cho biết gia đình chuẩn bị di tản về Phan Rang. Lúc đó mình không biết tương lai sẽ ra sao. Rồi nước vẫn trôi dưới cầu Mirabeau của Paris.


Nay nhìn lại mình không hiểu động lực nào đã giúp mình, giữ vững niềm tin, tốt nghiệp đại học vì có nhiều sinh viên bỏ học đi làm. Chế độ bên tây, học 2 năm đầu chỉ được ở lại một năm, nếu ở lại hai năm thì không được tiếp tục học. Lý do là tưởng công, anh học dốt thì ngưng vì tốn tiền nhân dân đóng thuế. Có nhiều người du học nhưng nghe lời dụ dỗ của Việt Cộng nên xuống đường tranh đấu, thi rớt nên tây không cho học nữa, đành đi làm vớ vẩn. Khi Sàigòn đầu hàng thì họ hy vọng sẽ được trọng dụng nhờ quá khứ chống Việt Nam Cộng Hoà, ai ngờ chả được gì. Mình biết vài người như vậy sau này, quay lại viết bài chửi Hà Nội.


Thứ nhất là mình được chính phủ pháp cấp học bổng, thứ hai là may mắn gặp được người Pháp rất tốt, giúp đỡ khác với những gì mình học ở trường kêu thực dân tàn ác. Họ luôn khuyến khích mình, giúp đỡ như cho mướn phòng ô-sin không lấy tiền. Lâu lâu kêu lại nhà ăn bữa cơm cho no vì dạo ấy mình chỉ ăn cơm đại học xá, cuối tuần thì ăn baguette với bơ như khi xưa ở Đà Lạt, mua bánh mì Vĩnh Chấn, đem về Nhà, trét bơ ăn cực đỉnh. Có anh bạn học, du học tại Ottawa, sau này có gặp lại, anh chàng chỉ nhớ đến ăn bánh mì Vĩnh Chấn trét bơ ở nhà mình. Đó là ở Đà Lạt, còn bên tây, ăn bánh mì với bơ hoài cũng oải lắm. Lâu lâu mình mua mấy lon cá mòi sumaco của maroc mà khi xưa nhà hay ăn với bánh mì, rắc chút tiêu vào.


Ăn cơm đại học xá thì toàn là coucous của người Bắc Phi nấu. Tụi tây học chung ít khi ăn lắm, chúng chê không ngon hay rủ nhau đi ăn tiệm, còn mình thì ăn trưa chưa đủ tranh thủ ăn đêm. Họ có món entree, thường là cà rốt bào, rồi món chính, mình hay xin thêm khoai tây chiên khi có, còn coucous thì ớn lắm. Hình như chỉ có tiệm cơm ở ký túc xá Cité d’universitaires là thức ăn ngon, còn các tiệm kia thì Chán Mớ Đời. Vấn đề là phải đi xa, mình ở Neuilly sủ Seine, xuống dưới đó cũng mất cả tiếng đồng hồ đi métro. Mua thêm bình sữa tươi. Lúc đầu uống sữa tươi không quen chạy đi vệ sinh ná thở nhưng vài tuần sau quen. Sau này mới hiểu là người á châu thường có vấn đề khi uống sữa bò. Lâu lâu được tây đầm mời đến nhà ăn cơm là mình ăn mệt thở. Nhớ có lần giáng sinh, một gia đình người Pháp, ông chồng từng tham chiến tại Việt Nam, mời đến nhà ăn cơm trưa để mừng chúa giáng sinh. Bà vợ thấy mình vét sạch cái đĩa, hỏi ăn nữa không, mình kêu vâng lần này mình thấy hết đói nhưng vì quen thói Việt Nam nên mình ăn hết, vét sạch như khi ở nhà, không bỏ cơm mứa, ai ngờ bà vợ tưởng mình còn đói nên bới thêm khiến mình phải quất 3 đĩa ứ nự. Sau này, quen nên mình mới giải thích. Văn hoá ăn chực của mình.


Cuối tuần thì mình đi làm bồi cho một nhà hàng nhỏ Việt Nam. Lúc đầu mình đến ăn vì tiệm này rẻ nhất quartier la tinh, do một bác người nam, khi xưa làm vú cho gia đình ông Dương Văn Minh. Mình chả hiểu lý do nào bác ấy sang Pháp. Chỉ nhớ là có người con trai, chải đầu láng cóng như công tử Bạc Liêu, đứng phục vụ. Một hôm mình đến ăn thì không thấy ông quý tử mà khách thì đông. Bác vừa nấu vừa chạy bàn. Ngồi đợi lâu quá nên mình đứng dậy, dọn bàn dùm bác thì bác kêu cuối tuần, ra phụ bác vì thằng con đi đánh bài hay nhảy đầm. Mẹ ở Việt Nam cũng khổ vì con, ở tây cũng khổ vì con.

Thế là từ đó mình làm bồi mấy năm đến khi ra trường. Được đâu 100 quan pháp mỗi tối, thêm tiền boa của khách tây nhưng quán rẻ tiền nên chỉ có sinh viên bò lại nên tiền boa cũng khiêm tốn như thực đơn của tiệm. Một hôm khách đông quá, bác kêu mình ở lại giúp vì thường 11 giờ đêm là mình về. Từ 6 giờ tối đến 11 giờ. Làm xong thì đi ra quá 12 giờ đêm nên hết métro, kêu taxi nó chặt 120 quan pháp. Nên lần sau trễ métro thì mình cuốc bộ về nhà. Từ tiệm ăn, qua cầu Saint Michel rồi dọc theo đường Rivoli, lên Champs Elysees đến Khải hoàn môn, rồi đi về Palais de la découverte ở Porte de Maillot, rồi lết đường Avenue du Rouge đến Les Sablons. Đến nhà phải leo lên 7 tầng lầu mới lên giường được. Chỉ làm thứ 6, 7 còn chủ nhật thì ông con làm việc. Cứ trong tuần ăn đại học xá đến cuối tuần thì ăn bún thịt nướng mệt thở luôn. Cứ dện 2 tô là thấy đời lên hương. Lần chót về Paris mình có ghé qua khu này nhưng đã thay đổi quá nhiều, chắc bác ấy đã qua đời.


Khi Sàigòn đổi chủ thì đa số sinh viên du học chới với vì hết được nhận tiền của gia đình. Sinh viên theo Hà Nội thì bị cúp chuyển ngân chính thức qua chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, còn chuyển ngân lậu thì mình không biết cách thức khi xưa. Chỉ biết có đọc báo Hà Nội, có mấy người miền nam kể họ làm kinh tài cho Việt Cộng, bay đi Hương Cảng, Paris để đổi tiền và chuyển ngân cho Hà Nội. Mình nghĩ họ đều bị ảnh hưởng tâm lý vì bao nhiêu mộng mơ khi ra đi tưởng như tuyệt vời, một ngày về huy hoàng, giúp cha mẹ nở mặt nở mày bổng chốc bay theo mây khói. Sau này mình mới khám phá ngày 27/4/1975, các sinh viên du học, không thân cộng đã có tổ chức một cuộc tuần hành để tang cho Việt Nam Cộng Hoà. Dạo đó mình mới qua, không quen người Việt nên không biết gì hết.


Mình nghĩ trong sự thất vọng tận đáy vực thì đêm hội chợ tết năm 1976 do tổng hội sinh viên tại Paris tổ chức tại Maison de la Mutualité, gần métro MAUBERT-Mutualite nên dân mít ở tây hay gọi MAUBERT, ở đường Saint Victor, quận 5. Khu vực này dạo ấy người Việt ở đông lắm. Có tiệm bán đồ Việt Nam gọi là Thanh Bình, mấy câu lạc bộ của người Viết Liên Hiệp, hay người Việt chống cộng. Nói chung là khu nghèo nhất dạo ấy, nay thì người Việt dọn xuống quận 13. Điểm lạ là rạp hát này do tổng thống Paul Doumer, cựu toàn quyền đông dương khánh thành năm 1931. 


Lần đầu tiên mình tham dự hội chợ tết của tổng hội sinh viên tại Paris. Đêm đó, nhìn lá cờ Việt Nam Cộng Hoà lần đầu tiên tại Paris, cả rạp đâu gần 2,000 người đồng hát quốc ca Việt Nam khiến mình rợn tóc gáy.

Các bài hát đêm ấy rất lạ tai, chưa bao giờ nghe với chương trình mang tựa đề “ta vẫn còn Sống”. Bài ca nuôi chí vững bền, đã giúp mình hết âu lo, vùng dậy tiếp tục con đường mình đã định khi đi du học. Học cho xong rồi tính sau.

Chị vẫn còn sống 
Anh vẫn còn sống 
Tôi vẫn còn sống
Mà chúng mình không lẽ lại ngồi yên
Ngàn lầm than sao không cùng lên tiếng
Vai chung vai ta nổi dậy ba miền (2)

ĐK. Còn đôi chân xin mời anh đứng dậy 
Với thân mình này chị hãy vùng lên
Lòng hăng say ngọn đuốc hồng sáng cháy
Vì quê này mà nuôi chí vững bền


nhất là bài Dựng lại một ngày với điệp khúc; những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn ngày về, như cái phao cứu vớt các linh hồn người việt vô tổ quốc, vừa mất quê hương. Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn một ngày.

chân trời trước mặt của quê hương ta sẽ nở hoa, 

sông dài đất rộng đã bao năm nối tình thiết tha, 

hãy cùng đứng dậy cùng anh em nối lại sơn hà 

ta cùng đi dựng tinh thương bao la như biển xa 

Nắng Sơn mới đã khơi ai nụ cười

Ta đi theo tiếng gọi linh thiêng mời

Ta đi xây dựng lại cho một ngày mới

Sức sống đã khơi dậy trên môi hồng

Trong tim ta mong một ngày tin hoà bình tới

Ta đem hồn dâng sông núi

Cho một ngày vinh quang tới

Cho cờ Việt Nam phất phới muôn dặm xa

Muôn lòng góp lại ôi quê ta đẹp sao tiếng ca

Cho tình yêu người chợt thiêng thang nối đời đã qua

Những bàn chân trần đã nhịp vang trên bờ đê dài 

 Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn một ngày 

Tối đó mình khóc sung sướng vì đã gặp những người Việt đồng cảnh ngộ. Đã cho mình lại một niềm tin ngày mai tươi sáng. Mình mất tin tức gia đình từ tháng 3 năm 1975 đến 2 năm sau mới có người về Đà Lạt, qua cho biết gia đình còn sống, chỉ có ông cụ là đi cải tạo 18 năm. Mất Sàigòn nhưng đi học vẫn phải nói chuyện với đám tây đầm, cố gắng giải thích cho họ về chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hoà trong khi 25% dân tây bầu cho Đảng cộng sản. Dân tây không ưa người Mỹ nên họ rất vui khi Sàigòn đầu hàng, chửi mình là tay sai cho đế quốc Mỹ còn đám Việt kiều yêu nước thì gọi mình là ngụy. Chán Mớ Đời 


Một hy vọng về Việt Nam, về gia đình trong tương lai bổng dập tắt khi các con tàu ra khơi tìm tự do trên biển Đông NAm Á khiến thế giới bàng hoàng. Những tin tức diệt chủng tại Cao Miên bởi nhóm khờ me đỏ. Sau khi xem cuốn phim Killing Fields, các khán giả tây không dám vỗ tay như thường lệ, ai nấy đều cuối mặt, không ngờ họ đã ủng hộ trước 75 những chế độ hà khắc, gian ác như vậy. Các nhà trí thức pháp khi xưa, ủng hộ Hà Nội nay quay lại chống Hà Nội như nhà văn Olivier Todd. Khi ông phạm Văn đồng qua tây xin tiền thì tuyên bố trên Paris Match có trên 2 triệu người miền nam trong các trại cải tạo.


Mình nghĩ hình ảnh của bà cụ tảo tần nuôi con đã giúp mình chịu khó học hành đến khi tốt nghiệp. Sống trong một căn phòng ô sin, mùa đông lạnh không có máy sưởi, mùa hè thì nóng chảy mỡ, dạo ấy gầy lắm. Đi làm dành dụm tiền để gửi về cho bà cụ nuôi mấy người em và cho vượt biển.


Vầng trăng chẳng chút phai mờ
Theo con đi suốt giấc mơ làm người
Mấy câu thơ "Mẹ Trùng Khơi" trên đã ấp ủ mình từ ngày xa Mẹ, rời Đà Lạt đi Tây. Mình cố gắng để một ngày gặp lại Mẹ như ông cụ mình đã gặp lại bà nội sau 40 năm.

Mùa Xuân, trước mặt mùa Xuân
Là đôi mắt Mẹ trong lần tiễn đưa

Con đi đâu con về đâu

Cuộc đời của mẹ là câu trả lời


Về Việt Nam, gặp bạn bè, ai nấy đều kêu mình sướng được đi tây trước khi Việt Cộng vô nhưng không ai hiểu rõ những gì người Việt tại hải ngoại phải chịu đựng về những mất mát tinh thần khi mất Sàigòn. Tại Việt Nam, cả nước, cả miền nam đều chung một số phận, còn ở hải ngoại thì người Việt rất cô đơn vì người ngoại quốc, bạn bè sở tại không hiểu những gì họ đang trải qua. Mất liên lạc gia đình, không tiền không bạc. Những ai đã đi làm thì không sao còn sinh viên là ngọng vì chủ nhà vẫn đòi trả tiền nhà. Mình chỉ quen hai sinh viên Việt Nam tại Paris, nhưng họ có bố mẹ di dân đến Pháp từ thời ông Diệm.


 Khi mình sang Ý Đại Lợi, có quen 4 anh sinh viên du học trước mình 2 năm thì họ rất te tua hơn sinh viên bên Pháp, ra trường trễ hơn vì phải tự túc tự cường, chính phủ Ý Đại Lợi không có chương trình giúp sinh viên quốc tế. Họ vẫn nuôi chí vững bền, học từ từ vừa học vừa đi làm để tốt nghiệp kỹ sư. Cách đây mấy năm, mình ghé thăm Milano, một anh bạn từ Torino, đáp xe lửa đến gặp mình, đi uống cà phê trong mưa để hổi tưởng lại những giây phút ngày xưa, chia nhau bát cơm, giúp đỡ nhau tiếp tục làm người dân Nam. Những đôi mắt này còn nhìn nhau còn hẹn một ngày. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







Giọng ca anh rất tồi

 “Anh Sơn! Giọng ca anh rất tồi”. Đó là lời phê bình của đồng chí gái sau khi nghe mình cố gắng đàn và hát lần đầu tiên để cưa cô nàng. Mình và cô nàng đang trong thời gian điều nghiên lý lịch trích ngang, đả thông tư tưởng, sau khi nghe lời bình phẩm cực chất, mình đành đập vỡ cây đàn, bỏ mộng làm ca sĩ nghiệp dư để có vợ.

Hôm trước, tình cờ thấy tấm ảnh ngày xưa ở Luân Đôn, đang đánh đàn, hát với một anh quen khi xưa trong một buổi văn nghệ khiến mình giật mình, không ngờ quá khứ đã có một thời văn nghệ văn gừng, đến khi lấy vợ thì cuộc đời mình, như bước sang một trang sử mới, khép lại một chặng đường 40 năm lầm than. Lại có ai kêu biết anh chàng đánh đàn chung với mình. Cho thấy cuộc đời người có nhiều chặng đường như sông có khúc người có lúc. Đang đánh đàn bổng nhiên anh bạn quay quay cái đàn, ra hiệu đàn bị đứt dây. Anh ta chơi nhạc chính còn mình thì phụ thôi, ai ngờ đàn anh ta đứt dây khiến mình phải chơi nốt cho xong. May có Phật độ hôm ấy.
Hình chụp hôm văn nghệ tại Chùa ở Luân Đôn

Mình tự học đàn trong thời gian đi làm ở Thuỵ Sĩ. Lý do đi làm xong về chả có gì làm, xứ Thuỵ Sĩ thì sau 6 giờ chiều, chả có ai ra đường, xứ buồn muôn thủa tương tự Đà Lạt ngày xưa. Cuối tuần thì dân đi xe lửa đi trượt tuyết. Người Việt tại đây cũng ít. Mấy cô gốc mít rất hiếm mà đám đực rựa đi tìm gái đông như quân tàu. Gái Việt Nam thuộc dạng hàng hiếm. Cô nào xấu đến đâu cũng được các anh chiêm ngưỡng như thiên hạ đi chợ mua rau cải hữu cơ, càng bị sâu ăn càng kêu tốt.


Dạo đó anh bạn có giới thiệu vài người Việt ở vùng này. Chỉ nhớ có 3 chị em hay nấu ăn mời cả đám đến nhà. Vừa ăn xong ba chị em tính nấu cơm chiều. Có một cô tên Tuyết thì phải, được anh bạn để ý tới nhưng rồi không biết tình yêu chưa đủ lớn hay sao, có anh chàng nào bên Mỹ bắt đem qua Mỹ khiến anh ta thất tình mấy tháng. Sau này anh ta lấy vợ ở Việt Nam nhưng nghe kể cũng sugar you You go, sugar mi mi go. Anh ta kêu con gái còn nhỏ nên vẫn phải chu cấp, nay đã nghỉ hưu. Có dịp trở lại Thuỵ Sĩ, sẽ ghé anh ta chơi.


Dạo ấy người Việt vùng Geneve và Lausanne rất thân nhau. Lễ Tết họ đều làm chung. Ở Geneve có một chị tên Hồng thì phải, hay luyện tập mấy cô, mấy nữ sinh múa đủ trò cho các hội lễ. Hãng đổi mình lên Basel rồi Zurich nên mất liên lạc từ đó. Mình có đi trại hè chung với nhóm Geneve và Lausanne trước khi dọn qua Anh quốc. Mình có quen một vài người Việt tại Basel nhưng lâu quá không liên lạc từ ngày rời xứ Thuỵ Sĩ.


Thật ra khi còn ở Đà Lạt mình có đi học đàn được 3 tiếng với ông thầy tên Hà ở đường Tăng BẠt Hổ, có 2 đồng môn là Hùng, con Hiệp Tam Kỳ, ngay góc Nguyễn Biểu và Tăng Bạt Hổ và Thanh Tịnh hàng xóm của mình. Hùng có khiếu nên sau này đánh đàn cho ty thông tin Đà Lạt, Thanh Tịnh thì học đàn Hạ Uy Di, còn mình học được 4 buổi học rồi ngưng. Nếu mình không lầm thì dì Thanh, con bà Phúng cũng học đàn hạ uy di với ông thầy này. Mình học được 3 lần thì một hôm, mình đến sớm, muốn tập đàn vì chưa có đàn để tập ở nhà. Ông ta cứ bắt mình nhịp chân 1, 2 ở nhà đồ rê mí Fa sol. Sau này mới khám phá ra đi cua gái chỉ cần học hai nốt Đô La, còn Mì gói Fa sữa thì đợi khi có con Ré trong đêm.


Vì tự động vào phòng học, ngồi cầm cái đàn của ông thầy mà chưa được phép nên bị ông ta chửi như tát nước, kêu mất dạy đủ trò rồi lắc đầu bảo; sau này trong các loại đàn, mày chỉ chơi được đàn bà. Từ đó mình bỏ mộng làm nhạc sĩ đến khi ra trường đi làm ở Thuỵ Sĩ.

Đây là con kênh ở Hy Lạp, được đào bằng tay vào cuối thế kỷ 19. Ai viếng xứ này đừng quên chạy lại đây. Chỗ gần đây mình có ăn cơm ngon nhất trong chuyến đi 1 tháng tại đây. Mướn xe rồi chạy khắp nơi

Khi mình đi chơi 4 tháng với cô bạn người Mỹ ở Anh quốc, Creta, Nam Tư, Hy LẠp, Ý Đại Lợi rồi trên đường về Paris, ghé lại Lausanne thì có anh bạn quen ở Ý Đại Lợi, du học, đang làm phụ giảng ở đại học bách khoa Lausanne, kêu có một ông thầy đang cần phụ giảng nên mình chạy vào hỏi thì được nhận. Về Paris, khăn gói lên đường sang Thuỵ Sĩ, khởi đầu cuộc đời tha phương cầu thực, bỏ ý định đi Hoa Kỳ kiếm việc với cô bạn Mỹ. Từ đó đi Ý Đại Lợi, Anh quốc, rồi Hoa Kỳ.


Anh bạn có cây đàn nên cuối tuần hay ghé nhà anh ta chơi, nấu ăn rồi hát hò. Anh ta đưa mình cuốn sách dậy Tây ban cầm của ông Phạm Duy, mình mượn nhờ cô thư ký làm photocopy đóng bìa rồi tự tập từ đó. Có hôm mình buồn đời làm thơ làm nhạc trên hồ Leman đủ trò. Sau này xem lại thì phải công nhận dỡ như nước ốc.


Sau này, qua Luân Đôn làm việc thì có tên đồng nghiệp gốc Nam Phi, chơi Tây ban cầm cổ điển rất hay nên mình kêu hắn dạy mình. Cũng Carulli đủ trò, xôm tụ lắm. Mua đàn đủ trò rồi khi sang Hoa Kỳ thì bỏ lại hết. Sau đi làm ở New York, mình mua được cái đàn ở chợ trời $30, cũng mò mò lại khi rảnh.


Tôi van em hay nghĩ kỹ đi em, yêu tôi rồi sẽ khổ cả một đời. Bởi tôi là một kẻ lang thang, không nhà, không tiền, không đem lại hạnh phúc cho em. Hãy nghĩ kỹ đi em, em yêu tôi rồi sẽ khổ thân em. etc mình hay hát bài này rất tâm đắc khi mấy cô đến nhà chơi. Sau đó, mình gọi điện thoại rủ đi chơi thì bố mẹ kêu em nó đi chơi với bạn trai rồi. Xem như bài hát đó nói lên lời tạ từ của mình. Kiểu hát nhạc của thầy cúng để đuổi tà. Tưởng để lấy le tài năng văn nghệ với mấy cô, ai ngờ mấy cô bỏ dép chạy lấy người.


Khi hát cho đồng chí gái thì cô nàng thay vì bỏ chạy mất dép, lại kêu giọng ca rất tồi, anh muốn lấy tui thì bỏ mộng nghề ca sĩ đi, nó không đem lại lợi ích gì cho tui. Tui là vượng phu ích tử nên anh nghe tui, bỏ cái nghề anh muốn theo đuổi.


Buồn đời, mình mở cassette để thâu giọng hát của mình. Lúc đó, mới giác ngộ cách mạng là lời phê phán của đồng chí gái tuy phủ phàng nhưng rất cực chất. Ai đó nói chỉ có vợ mình mới dám nói sự thật nên mình nghe lời và đăng ký quản lý đời đồng chí gái. Cứ như cái loa phóng thanh phường ở quê mình. Có lần mình về quê nội, cô em kêu ở lại một đêm. Sáng mới 4-5 giờ sáng mình nghe oang oang giọng ai nói qua loa, họ nêu tên những người làng chết tại Điện Biên Phủ. Bò ra sân thì mới hiểu là ngay cổng nhà có cái loa phường, mỗi ngày họ phát thanh từ 5 giờ sáng nên hết dám ngủ lại quê.

Thế là mình nghe lời đồng chí gái, bỏ đàn hát như lời tiên tri của ông thầy dạy đàn Đà Lạt, dân nằm vùng, sau này trong các loại đàn mình chỉ biết chơi đàn bà. Bỏ đàn hát thì buồn nên mình đi học về đầu tư tài chánh.


Vợ mình thì thích hát hò lắm, ai kêu tụ họp hát hò là đi, còn mình thì giác ngộ cách mạng sớm, không phải thiên tài về ca hát nên chỉ làm tài xế cho vợ, ăn xong ngồi ngủ, đợi vợ hát xong rồi lái xe đưa vợ về. Hôm ở New York, có anh bạn ở bên New Jersey mời đến nhà ăn cơm, có hát hò. Mình lười đi vì xa, mất 2 tiếng đi và hai tiếng về, phải lấy xe lửa đủ trò rồi Uber. Vợ mình nghe hát là đòi đi cho bằng được. Hôm kia nhận được tin nhắn anh bạn kêu là chạy xuống Virginia để họp mặt hát hò. Dân thích văn nghệ, chỗ nào họ cũng chạy đến dù được hát một bản nhạc hay 2. Dù phải lái xe từ New Jersey xuống Virginia. Chán Mớ Đời 


Lâu lâu đi họp mặt với thân hữu cũng đụng vài người hát cực tồi như mình nên chỉ biết cuối đầu, lướt mạng để bớt bị tra tấn. Đi họp mặt, sau phần ăn uống thì mỗi người ngồi, cứ cầm điện thoại tìm bài hát, đợi đến phiên mình cầm mi-cờ-rô, thấy vui. Hình ảnh trong phòng khá vui vì ai nấy chăm chú kiếm bài hát, chả giao lưu, nói chuyện với nhau gì cả. Người hát thì mặc người hát vì hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ nhất là ca sĩ karaoke. Lâu lâu có vài người hát khá nhưng mình cũng không thích nghe nhạc. Vài ông ngồi ngoài sân hút thuốc, tránh nghe vợ mình làm ca sĩ, uống rượu tới bến. 


Ở Âu châu mình nhớ bạn bè gặp nhau, độ 8 người là nhiều. Nấu ăn chung rồi ăn uống nói chuyện, khá vui còn nay thì hơi lạ. Nhớ về Đà Lạt, có chị bạn học cũ, mời đến nhà ăn cơm với mấy người bạn học cũ khác, độ 6 người nên khá vui, thân mật. Còn ra tiệm ăn thì chán như gián vì chả biết ai là ai.


Đi ăn uống hát hò ở nhà bạn thì cũng vui nhưng khi đến tiệm ăn thì chới với. Gặp ai mà lên sân khấu hát cực chất the thé như mình thì đang ăn nuốt không vào, ông chồng hay bà vợ lại chạy lên sân khấu tặng hoa hồng, rồi dang tay nối vòng tay lớn ôm hôn thắm thiết đủ trò lại khiến mình nhai hết nổi. Nói vậy chớ mình có quen một anh gốc Đà Lạt, học trên mình 1 lớp. Anh ta chỉ biết có một bài nên đi đâu cũng chỉ hát bài ruột rồi ai có yêu cầu cũng thối thát, khác với mấy ông mấy bà hát xong, lại tự động kêu theo lời yêu cầu của các anh chị tôi xin hát thêm mấy bản để tặng các anh chị. Chán Mớ Đời 


Được cái là nhờ bản nhạc này mà anh ta lấy được vợ lại. Một hôm đi ăn cưới, ngồi cũng bàn có một chị mới goá chồng, buồn đời. Anh ta lên hát bản ruột “si l’amour existe encore” khiến bà goá chồng nức nở, kêu tình yêu còn hiện hữu, xin anh hãy ôm em thật chặc. Thế là cô nàng đưa anh ta về dinh. Cuối tuần dẫn vợ đi phòng trà hay các nơi hát cho nhau nghe. Vẫn một bài ruột rồi người nhâm nhi rượu. Xong om


Hôm tước, nói chuyện, mình kêu anh ta đi thăm người bạn nối khố một thời với anh ta, cúp cua đi chơi chọc gái ở Đà Lạt. Nay anh bạn bắt đầu trả nhớ về không. Lâu lâu mình ghé thăm ôn chuyện cũ, giúp anh ta đỡ buồn vì về hưu ở xa bạn bè nên buồn. Nhưng anh ta ở dưới San Diego với vợ mới.


Khi xưa, trong giờ ra chơi, hay thấy mấy tên và ả trong lớp ngồi hát với nhau mấy bản nhạc thịnh hành dạo ấy. Lâu lâu, mình cũng bò lại gần, ngồi nghe họ hát nhưng không dám cất tiếng vì sợ chúng chửi kêu lạc giọng, lạc tông. Dạo ấy mình nghĩ chúng ganh tài mình, sợ gái mê giọng hát của mình đến khi nghe đồng chí gái phê bình, làm sáng dạ sáng lòng về giọng hát của mình thì mới bật ngửa, hoá ra giọng hát mình cực tồi như ông thầy dạy đàn 4 lần khi xưa.


Dạo ấy, trường Văn Học hay mở nhạc trước khi vào học và trong giờ ra chơi. Có năm, để chuẩn bị cho đại hội nhạc trẻ học sinh, được tổ chức tại trường Trí Đức ở cạnh nhà CHung.


Thầy Chử BÁ ANh, kêu mình làm trưởng lớp, huy động các tên và ả biết chơi nhạc và hát để tập dợt, thâu băng, mở cho học sinh nghe trong giờ ra chơi. Thành lập ban nhạc gồm có hai anh em Chử Nhị Anh và Tam Anh, đánh trống thì có Hùng COn Cua, đánh bass thì có Trần Thiện Tân, nhà ở Tùng Nghĩa. Ca sĩ thì lớp 12 B toàn là đực rựa không nên phải nhờ Vũ VĂn Tùng đi mời mấy cô đẹp đẹp của mấy lớp khác làm ca sĩ. Thường dạo ấy, mấy cô đẹp thích hát nên mời được liền.

Mình chỉ có nhiệm vụ hẹn giờ ngày đến nhà thầy Chử Bá ANh ở đường Nguyễn Du Đà Lạt, phải chở vài người không có xe xuống đó và đưa về. 


Tóm lại năm đó ban nhạc của trường Văn Học đứng gần chót khi trình diễn tại trường Trí Đức. Mình không nhớ trường nào về nhất chỉ nhớ là sân khấu được thành lập trên hành lang trên lầu 2 của trường. Trần Thiện Tân chơi guita Bass đến khi chơi thì lấy guitar của ban tổ chức, mới khám phá ra 4 dây thay vì 6 dây như đàn của anh chàng có ở nhà nên luống cuống đánh lộn xộn khiến mấy ông thần kia cũng chới với theo. 


Ca sĩ nếu mình không lầm có ít nhất là hai cô; Cái Bớt Một Thời hát bản Mamy Blue và chị Hường hát đài phát thanh Đà Lạt bài chi mà dạo ấy hay nghe đài phát thanh; tóc mai sợi ngắn sợi dài, lấy nhau chẳng Đặng thương Hoài ngàn năm. Không biết thế hệ mình có thương Hoài nghìn năm các đối tượng một thời hay không, hay 75 đến là chạy mất dép không nhận ra ai là yêu ai là thù.


Sau vụ đại hội nhạc trẻ của học sinh Đà Lạt thì mọi việc đều dẹp hết. Cả lớp mình bắt đầu chú tâm ôn bài học thì Tú tài. Sau đó thì mỗi người một ngã. Mình, Hùng Con Của, Nguyên, 3 tên trong nhóm thân nhau đi du học, còn Nguyễn Đình Tài, học Sử tại đại học Đà Lạt, Võ Hoàng Đa học đại học Đà Lạt môn MPC, Trần Thiện Tân thi rớt, về Sàigòn học tiếp để trở thành ông Tú. Dương Quang Trí rớt nên cũng không gặp lại. Mình gặp lại mọi người sau này ở Cali, Gia-nã-đại, Đà Lạt. Nguyên và Trí đã qua đời. Tân thì chưa bao giờ gặp lại từ năm 1974.

Cuộc đời văn nghệ của mình chỉ có bấy nhiêu, trong các loại đàn thì mình chỉ biết đàn bà như ông thầy Hà, nằm vùng tiên đoán. May sao đồng chí gái thẳng thắn khi tuyên bố giọng ca mình rất tồi để mình bỏ mộng làm ca sĩ nghiệp dư. Hôm kia có chị bạn học cũ khi xưa ở Đà Lạt nhắn tin, hỏi dạo này ra sao khiến mình nhớ cô này cũng là ca sĩ nghiệp dư đến nay. Đồng chí gái hay tổ chức họp mặt văn nghệ tại nhà, mời mấy người này thì họ lái xe ban đêm không được nên đành chịu.


Khi mình đi hỏi vợ thì cô ta và chồng đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho mình sau đó thì biệt tăm biệt tích đến một lần khi đi ăn đám cưới cháu của Võ hoàng Đa. Mình thấy người ta giới thiệu 1 bà ca sĩ, mình hỏi vợ bà này sao trông thấy quen quen. Mụ vợ kêu bằng anh chứ ai. Mình có đi dự lễ thượng thọ của cô nàng, được đặt tên là kỷ niệm 25 năm làm ca sĩ nghiệp dư. Chán Mớ Đời 


Cuối tuần này, đồng chí gái có tổ chức họp mặt văn nghệ với nhóm thân hữu Hội An. Lâu lâu nhóm này hay tụ họp đàn hát, có một anh từng làm chủ một vũ trường nổi tiếng nhất dạo mình mới sang Cali, có cái mixer cực đỉnh. Ai hát sao, họ chỉnh lại thấy vẫn hay. Có mấy anh đàn rất hay. Phải công nhận âm thanh hay thì nghe phê hơn. Phải chi ngày xưa, mình có cái mixer để chuyển đổi giọng ca mình thành giọng của Sĩ Phú thì chắc không ế vợ.


Nhóm thân hữu Hội An này rất đoàn kết, mỗi tuần họ hẹn nhau uống cà phê, rồi thay phiên tổ chức hát hò, khá vui. Hội An khi xưa nhỏ bé nên họ đều biết nhau từ bé như trong xóm mình nên nay gặp lại tại Cali thì họ hay gặp nhau dù phải lái xe mệt nghỉ.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn