Thiếu Tá Lê Xuân Phong, Hùm Xám Đàlạt

Tình cờ thấy cái tựa cuốn sách “Gone Native” của ông Alan G. Cornett , cựu chiến binh Hoa Kỳ, thuộc lực lượng đặc biệt mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam, tại Đàlạt nên gửi mua ở Amazon . Đọc xong mới hiểu thêm về Đàlạt thời chiến tranh nhất là đại đội trinh sát 302 có nhiệm vụ bảo vệ Đàlạt, hay vào núi Voi ở Đức Trọng để lùng Việt Cộng.

Dạo trước 75, mình hay thấy lính 302 đánh học sinh ở Đàlạt nên ra đường thấy họ thì tránh cho khoẻ. Học sinh Đàlạt, có anh hay người quen đi lính 302 thì hay dựa hơi để nhờ thanh toán dùm những chuyện lộn xộn giữa học sinh với nhau. Mình có ông cậu bà con, bán thuốc Cẩm Lệ ở chợ Đàlạt, có con đi lính 302, sau 75 bị ông dượng mình doạ nạt đủ trò.

Dạo ấy còn bé, mình không hiểu nhưng nay với tuổi đời, mới hiểu lính 302, đi vào Núi Voi đánh Việt Cộng, về lại Đàlạt thấy học sinh để tóc dài, ăn bận Hippie, kêu Make Love Not War,..thì họ tức nên chận đầu đánh. Mình có mấy tên học chung, con nhà giàu, dạo ấy hút sì-ke, tóc dài đủ trò, nhảy đầm, boum mỗi tuần, nay có gặp lại vài tên ở Hoa Kỳ. Mình thì dạo ấy, chả biết gì nhưng tóc lúc nào cũng cắt ngắn, không bao giờ để tóc dài cả cho đến ngày nay. Hôm tước gặp lại cô hàng xóm khi xưa, nhắc khi xưa mình để tóc đầu đinh.

Ông Cornett nhắc đến đại uý Lê Xuân Phong, đại đội trưởng đại đội trinh Sát 302 hình như sau khi mình đi tây thì ông ta được lên chức thiếu tá, được người Đàlạt gọi Hùm Xám thì phải. Sau tháng 4, 75, ông ta vẫn còn chiến đấu đến 6 tháng sau mới cho thuộc cấp về với gia đình còn ông trốn về Sàigòn, ra trình diện dưới cái tên khác, bị đưa đi cải tạo 10 năm, rồi vượt biển với gia đình, được tàu đức Cap Anamur , lấy tên của một tỉnh lỵ gần Anatolia, Thổ Nhỉ Kỳ, cứu vớt. Đưa đến Đức quốc, tại đây ông ta gặp lại tác giả, cũng là em cột chèo của Hùm Xám Đàlạt, đã được tác giả giúp định cư tại tiểu bang Cali, Hoa Kỳ.

Có người đọc rồi gửi cho mình tấm ảnh này.

Cap Anamur , “con Tàu Cho Việt Nam” đã cứu vớt hơn 10,000 thuyền nhân tại biển đông từ 1979 , người Pháp có con tàu “île de lumière “ cũng đã quyên góp tiền bạc để đến biển đông vớt người tỵ nạn cộng sản.

Tác giả kể thiếu tá Phong là một trong những người chỉ huy Việt Nam mà ông ta kính nể, ông này được thuộc cấp rất yêu mến. Thay vì tập luyện cho lính Việt Nam, ông lại phải học kinh nghiệm chiến đấu của lính Việt Nam Cộng Hoà. Khởi đầu tổng công kích Mậu Thân, Việt Cộng tràn ngập vào Đàlạt. Chỉ cần vài ngày đại uý Phong và binh lính của ông ta tái chiếm lại Đàlạt, Việt Cộng bị thiệt hại rất nặng mấy trăm người chết và bị thương. Từ đó, Việt Cộng không dám tấn công Đàlạt đến năm 1975 khi Đàlạt bỏ ngõ. Có ông lính mỹ từng tham chiến trong vụ Mậu Thân tại Đàlạt, có kể những ngày ấy, ông ta đóng quân ở Cam Ly. Có dịp mình hỏi ông ta thêm chi tiết.

Có nhiều người đọc bài này và cho mình tin tức của thiếu tá Phong để mình kiểm chứng vài chi tiết. Mình hỏi lại thiếu tá Phong thì ông cho biết là ông ta về Đà Lạt sau tết Mậu Thân, có tham dự trận đánh chiếm lại Giáo Hoàng Học Viện sau Mậu Thân, còn vụ Tết Mậu Thân thì không biết. Trang Phóng Viên Chiến Trường có tải cảnh quay khi đại đội 302 chiếm lại Giáo Hoàng Học Viện. Trên thực tế thì Vatican yêu cầu Việt Nam Cộng Hoà, không được tấn công vào Giáo Hoàng Học Viện, lý do là có nhiều linh mục người ngoại quốc sinh sống trong viện này. Cuối cùng thì 302 rút ra và để đường cho Việt Cộng trốn trong đêm để đổi lấy sự an toàn của các linh mục ngoại quốc.

Nay mình mới biết ai là người Mỹ đã liên lạc để kêu trực thăng yểm trợ, máy bay thả bom trên Số 4, cứu thương trong những ngày phản công, tái chiếm lại Đàlạt vào Tết Mậu Thân. Ông này tên Beckett, lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, cố vấn cho đại đội trinh sát 302. Mình nghe kể, người lớn khi xưa rất thương lính 302, họ đã bảo vệ an ninh cho Đàlạt sống êm ấm. Có lẻ Mậu Thân với cuộc tái chiếm lại thị xã Đàlạt đã để lại dấu ấn khó quên trong đầu mình từ dạo ấy đến nay.

Tác giả có kể là Đàlạt khi xưa có 9 phường nhưng chỉ có một khu phố là thuộc Việt Nam Cộng Hoà, đó là khu phố 1, khu phố Hoà Bình, Chợ Đàlạt vì như khu phố 2, nơi mình ở, gần số 4, tối Việt Cộng nằm vùng về bắn khu phố trưởng hay công chức mà sau Mậu Thân, có thời gian, tối mình phải ra phố ngủ với ông cụ cho an toàn. Điển hình ông khu phố trưởng Tăng Văn danh ở Trại Hầm hay Thái phiên bị bắn chết.

Bìa sách của ông Alan G. Cornett, cố vấn quân sự cho đại đội Trinh Sát 302 Tuyên Đức

Đặc biệt là lính 302 hay bận đồ của Việt Cộng, nhất là toán AK, đeo AK ra trận. Khi đụng trận thì kẻ thù không biết đâu mà rờ vì tiếng súng AK, không phân biệt ai là thù ai là bạn. Ông ta có kể mấy vụ đụng trận của Trinh Sát 302, do đại úy Phong chỉ huy, phục kích Việt Cộng mà mình không hiểu về quân sự nên không kể lại nhưng được tác giả xem là kế thần sầu.

Thiếu tá Phong sinh năm 1940 tại Đàlạt, dưới thời thực dân Pháp. Bố ông ta là một người chuyên săn thú rừng và hướng dẫn viên săn bắn cho các ông lớn người âu châu. Ông ta theo bố và một người Mọi, rất giỏi về săn bắn và tìm dấu vết thú rừng nên học cách đi rừng từ bé. Mình không biết có liên hệ gì với ông Lê Xuân Ái, người tập kết ra bắc. Nhà ở dốc Nhà Làng. Thiếu tá cho biết là không có thân thích với ông Lê Xuân Ái.

Bố thiếu tá Phong đồng hành với người Pháp để chống lại người Nhật. Sau 1954, cộng sản chặt đầu bố thiếu tá Phong trước mặt cả gia đình và từ đó ông đem lòng căm thù cộng sản đến giờ. Lớn lên ông ta gia nhập quân đội và theo đơn vị lực lượng đặc biệt vì có các chức năng đi rừng và được tuyển ở tỉnh Tuyên Đức nơi ông ta sinh ra và lớn lên, quen biết các ngõ ngách của núi rừng cao nguyên từ bé.


Thiếu tá Phong được Hoa Kỳ trao huy chương ngôi sao bạc Hoa Kỳ (American Silver Star) vì đã giải cứu được một cố vấn mỹ và các sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà. Ông ta dẫn toán trinh sát gồm 6 người, đột kích vào một trại đóng quân của Lực Lượng đặc Biệt tại Bến Hết, bị Việt Cộng tràn ngập để giải cứu các người này. Từ đó được thăng cấp đại uý và chỉ huy đại đội trinh sát 302. http://www.614arty.org/pages/phantom2.html#jlbenhet

Đại đội trinh sát 302, cũng được sử dụng cho chương trình Phụng Hoàng, bắt cóc hay ám sát các phần tử nằm vùng hay đi họp ở trong rừng.

Tác giả có nói đến Xóm BÀ Thái, nơi các lính 302, đến thăm sau đi đánh Việt Cộng về, dưỡng quân hay các tiệm hút thuốc phiện mà lính tráng hay vào để quên đi các người bạn đồng đội đã gục ngã, cuộc chiến. Ông ta kể về cá nhân ông ta hút sì ke, bạn của ông ta chơi bạch phiến. Lính mỹ về nước bị lột quần áo ra để khám xem có đem sì ke vào Hoa Kỳ hay không.

Nhất là phong trào phản chiến dạo ấy ở Hoa Kỳ, họ biểu tình, chửi rủa các chiến binh trở về từ Việt Nam như “Baby killer “. Có chuyện khá buồn là ông ta trẻ nên bồng bột lấy vợ, rồi trở về Việt Nam chiến đấu tiếp, ở nhà cô vợ ngủ với tên khác, lại mua bảo hiểm nhân thọ. Ông bán bảo hiểm lại vớ vẩn, đòi ông này này phải ký nên đến nhà bố mẹ hỏi. Sau này, mấy người lính Mỹ bị mất tích, gia đình họ nhất định không chịu chấp nhận bố, chồng họ đã hy sinh vì mỗi tháng lãnh lương thay vì tiền tử. Mỗi năm lên chức theo thâm niên cũng với tiền hưu.

Có nhiều lính mỹ làm giàu ở Việt Nam bằng cách bán xăng cho chủ trạm xăng Việt Nam hay đồ Px. Ông ta bị cấp trên đì, khuyên không nên gặp hay thân thiện với người Việt, trong khi ông ta đã cưới vợ người Việt nên tức quá ông ta quăn trái lựu đạn, may mà cấp trên không chết, bị ra toà án quân sự. Ông ta kể những nơi đã đóng quân như Phan Rang, Dục Mỹ, và yêu mến nhất Đàlạt. Những ngày đi trinh sát với đại đội 302, nằm quan sát, bị bộ đội tè trên người khi đứng núp tỏng bụi rậm … Mình có anh hàng xóm, đại uý Biệt Cách Nhảy Dù, Trương Việt Lâm, kể nhảy toán, nằm rừng bị bộ độ đái trên người nên phải bắn bộ đội rồi bỏ chạy, thất lạc trong rừng khiến nhà lo sợ khóc như mưa bất. Sau trốn về lại địa điểm được trực thang bốc về căn cứ.

Kể lại đây thì mất hay nhưng ông ta đưa ra những nhận xét về người Việt đối xử với người Mọi ở Đàlạt không tốt. Người Mỹ xem người Việt như công dân hạng 2 ở Việt Nam, còn người Việt lại xem người Mọi như man rợ,… có sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà bỏ túi tiền tử của một vị chỉ huy người thượng, khiến ông ta và đồng đội tức giận, tính giết nên ông này phải nhả tiền ra để ông ta đưa lại quả phụ,…

Mình biết một tên đại uý địa phương quân, đánh bài, đem gạo của lính bán cho bà cụ mình, sau này không có gạo nhưng hắn cứ nói sẽ đem gạo ra rồi lấy tiền bà cụ đi đánh bài, rồi xù luôn. Bà cụ đi thưa nhưng ông chỉ huy trưởng kêu thôi, hắn thua bài hết rồi. Chán Mớ Đời 

Nói chung có nhiều vị chỉ huy giỏi khả mến nhưng cũng có sĩ quan tham nhũng khiến có người bất mãn, theo Việt Cộng nằm vùng. Quân đội Việt Nam Cộng Hoà có một lớp sĩ quan giỏi, xuất thân từ trường Võ Bị, Thủ Đức,… tiếc thay họ chưa thay thế được cấp tướng, đa số đi lính cho Tây khi xưa.

Hình chụp tác giả và đại uý Phong, sau này là anh em cột chèo với tác giả.

Theo mình đọc thì đại đội trinh sát 302 của tỉnh Tuyên Đức là tiền thân của tiểu đoàn 204 sau này. Nghe ông Cornett kể là đại đội trinh sát 302 có đến hơn 300 lính lận, nhiều hơn số quân của một đại đội nên có lẻ vì vậy họ thành lập tiểu đoàn 204 cho gọn.

Theo tài liệu mình đọc được từ các nhân chứng thì khi người dân Đàlạt di tản thì tiểu đoàn 204, tiểu đoàn thiện chiến nhất của Đàlạt và tiểu đoàn 277, đang đánh cầm chân Việt Cộng tại Di Linh sau khi Việt Nam Cộng Hoà ra lệnh phá cầu Đại Ninh. “ Thêm một chi tiết khá quan trọng mà ít người biết đến, là khi người dân Đà Lạt đã đi quá Sông Pha vào được vùng an toàn thì Tiểu đoàn 204 trinh sát của Tiểu khu Tuyên Đức, đang còn giao tranh với Cộng quân tại Di Linh. Và Tiểu đoàn 277 của Tiểu khu Tuyên Đức đang trên đường tiến vào Di Linh. Hai Tiểu đoàn 204 và 277, với quân số chưa tới một ngàn người phải chiến đấu chống lại Trung Đoàn 812 là chủ lực quân của Khu 6 và Sư Đoàn 7 của Việt Cộng. Tôi tin rằng họ sẽ cầm chân Việt Cộng ở Di Linh ít ra cũng được vài ngày, đủ thời giờ cho dân chúng Đà Lạt di tản. Có một điều khiến tôi phải thắc mắc, nếu sĩ quan cũng như binh sĩ của hai Tiểu đoàn 204 và 277 biết được là họ đi vào mặt trận mà không có lực lượng trừ bị, không có yểm trợ của pháo binh, không quân, ngay cả việc tiếp tế đạn dược và lương thực cũng không có, liệu họ có đủ can đảm chiến đấu hay không khi biết mình là những cảm tử quân, chỉ có đi mà không có về. Cuối cùng là chuyện, nếu Cộng Sản tiêu diệt được hai tiểu đoàn thiện chiến nói trên, xe tăng của Việt Cộng cũng không làm sao vượt qua được sông Đa Nhim, vì cầu Đại Ninh đã bị giựt sập”

Nếu ai có tin về thiếu tá Phong, Hùm Xám Đàlạt thì cho mình hay. Cảm ơn trước.

Có người cho biết, 

cách đây 30 năm, thiếu tá Phong sinh sống tại San Jose. Không biết có còn sống hay không. 10 năm cải tạo thì sức khoẻ chắc cũng kém.

Anh Phong còn sống, hiện đang ỡ Tampa, Florida.


Có người gửi cho mình ảnh này từ Facebook.

Nguyễn Hoàng Sơn