Nhìn tấm ảnh khiến mình nhớ đến khi xưa, nghĩa là trước Mậu Thân, mỗi lần có lễ Phật Đản hay lễ rước Thánh Mẫu là mình bò đi xem. Sau Mậu Thân thì có lệnh giới nghiêm sau 9 giờ tối nên các sinh hoạt cộng đồng của thị xã trước đây về khuya như chợ Đêm, rước thánh Mẫu, Phật Đản, thả lồng đèn ở hồ Xuân Hương bị đình chỉ.
Có người đọc cho biết, xin bổ túc ở dây. Xin cảm ơn anh Tho Nguyên Duy
Sai rồi bạn ơi. Đây là xe hoa mừng Phật đản (khoảng 63~65) của Khuôn hội Bồ Đề (ấp Xuân An). Xin chào!
Xin đính chính thông tin của anh Sơn. Bức hình này là chụp Lễ Phật Đản (có lẽ năm 1965). Xe hoa của Khuôn hội Bồ Đề làm hình con rồng, toàn bằng lá và bẹ chuối. Năm đó tôi có tham gia làm xe hoa này. Người đứng bên trái đặt tay lên miệng con rồng là ba của tôi, là Khuôn trưởng Bồ Đề. Tôi có biết bác Tế, trước khi thành lập Tổ tiên Chính giáo thì bác cũng là hội viên thuộc khuôn hội Bồ Đề. bác là giáo viên trường Tiểu học Xuân An.
(Tổ tiên chính giáo đại đạo sinh tồn được thành lập ngà 1/1/1964. Đọc bài mình viết về đạo này)
Chú Châu tiệm giặt ủi Thanh Châu người Huế có cô con gái tên Sương học sinh Bùi thị Xuân và là đoàn sinh GDPT sinh hoạt hàng tuần trên chùa Linh Sơn. Thời ấy vui quá chừng..... Cám ơn trí nhớ của anh bạn Sơn. Tôi muốn hỏi thăm bạn Sơn về người con trai của bác Quán tên là Đoàn thất Đường, trước học cùng tôi tại trường THD, nay khồng biết Đường ở đâu và ra sao rồi? Bạn Sơn có biết tin tức gì không? Có lần về Đalat tôi có thấy Liễu, em gái Đường nhưng không có dịp để hỏi, vì chỉ nhìn thấy cô Liễu thôi.
Hình này được chụp trên đường Minh Mạng, ngay chỗ tiệm bánh Lợi Xương Viên, khi xưa mẹ mình hay mua đèn trung thu và bánh trung thu, bánh heo nướng (loại chỉ có bột, nặn thành con heo rồi nướng, quẹt chút đường, thêm chút phẩm đỏ) tại đây.
Bên cạnh là tiệm bán và sữa radio, truyền hình Công Đồng. Bố mình mua cái máy truyền hình cũ ở đây. Đối diện là tiệm giày Mỹ Hưng, mướn nhà của ông Tư, anh ruột của mệ ngoại mình. Sau này ông muốn bán cho bà cụ mình nhưng không hiểu sao, mẹ mình không mua. Hình như tiệm giày Mỹ Hưng mua thì phải. Hồi nhỏ mình hay ra đây chơi vì gia đình chú Ký, mướn ở tầng trên lầu. Gia đình Mỹ Hưng ở dưới.
Trước khi đi tây, mẹ mình đem ra tiệm này, kêu đóng cho mình một đôi giày. Sang tây mang được vài lần rồi quăn vì trông giống giày nông dân của tây. Mấy tên tây học chung cười vì kiểu giày có cục u trước mũi giày mà dạo đó giới choai choai ở Việt Nam hay mang.
Trông hình thì mình nhận ra bác Tế, người bận áo Par-dessus, quen gia đình mình, ở góc Cẩm Đô. Sau 75, khi Việt Cộng bắt ông cụ mình thì bác Tế trốn ra ngoài Nha Trang chi đó. Cuối cũng bị bắt, lên án đi tù với ông cụ mình. Bác là đạo trưởng của giáo phái Tổ Tiên Chính Giáo tại Đàlạt, có cái đình chính ở số 2 Cường Để.
Việt Cộng tịch thu, không biết có trả lại hay không vì miếng đất khá to. Mình hay lên đây chơi hoài vào các ngày lễ Thánh Mẫu, ăn thoải mái. Mình thích nhất món chè kê với bánh đa.
Mấy người kia thì mình nhận ra nhưng quên mất tên vì không thân, đi lại với bố mẹ mình. Hình này có lẻ rước Thánh Mẫu với các xe hoa. Thường thì họ mướn xe Taxi hay xe đò Minh Trung vì có bọt ba-ga trên mui để làm xe hoa, thậm chí mình thấy chú Thành chạy xe Lam ở đường Hai Bà Trưng, cạnh nhà bà Cáp, cũng dùng xe Lam để làm xe hoa, đón Thánh Mẫu từ tổ đình ở đường Cường Để về số 4, số 6, hay ấp HÀ Đông, chỗ am Mệ Cai.
Mình nghe kể hồi nhỏ, bà cụ bán vía mình tại am Mệ Cai ở ấp Thánh Mẫu vì khó nuôi nên ngày rằm bà cụ hay dẫn mình lên am Mệ Cai để cúng, thắp hương. Dạo đó nhà mình ở ấp Ánh Sáng, do vài người làng Kế Môn, Thừa Thiên di cư vào thành lập. Tuổi thơ mình cứ lãng vãng trong khuôn viên của cái am này, chơi cầu tuộc nơi mấy thang cấp đi vào, có mấy cây vối làm hàng rào.
Hồi nhỏ mình thấy người Huế uống nước lá vối, vị hơi chát chát, rẻ hơn trà Bảo Lộc. Trước khi đi tây, mình có ghé lại Am Mệ Cai để thắp hương thì thấy mấy bậc thang cấp rất nhỏ mà trong ký ức thì rất rộng lớn vì dạo ấy 5,6 tuổi. Ông Cai khi vào Đà Lạt, làm Cai lục lộ nên người ta gọi ông Cai có cái vườn trồng rau, dành một phần để người gốc Huế làm cái am để thờ Thánh Mẫu.
Mỗi năm ở Đà Lạt có lễ rước Thánh Mẫu từ Tổ đình ở đường Cường Để, góc đường Thành Thái về số 4, số 6, ấp Hà Đông. Các lễ này hình như đều do người gốc Huế, di cư vào Đà Lạt tổ chức, mọi người cầm đuốc hay lồng đèn đi theo xe hoa. Vui lắm khi có mấy ngày lễ này, tha hồ ăn bánh in, chè đậu xanh đánh với xôi đậu xanh hay chè kê với bánh tráng ở am Mệ Cai, không khí tấp nập. Hơn 50 năm rồi mình chưa được ăn lại chè kê, lần chót là ngày cuối cùng ở Đà Lạt. Hình như Mệ Cai có người con trai tên Châu, có tiệm giặt ủi ở đường Minh Mạng, ngay góc Tăng Bạt Hổ, đối diện Vọng Nguyệt Lầu, có thời làm trọng tài đá banh sau này thì ông 5 ngựa trù trì tất cả mấy trận đá ở Đà Lạt.
Bức ảnh này chụp ngay góc tiệm giặt ủi Thành Châu, ngay ngã 3 Tăng Bạt Hổ và Minh mạng, chỗ Vọng Nguyệt Lầu.
Hình ảnh khó quên ở am Mệ Cai là mấy bà lên đồng trong khi ban cổ nhạc đánh mấy bài nhạc với đàn nguyệt, phách, trống,.. . Mấy bà lên đồng, bận áo vàng, áo đỏ,.. có kim tuyến, đội khăn vành, cầm hai cái kiếm hay hai cái lục lạc, đi chân không múa bú xua la mua, lâu lâu hét thật to, lại có người bổ lăn ra sàn đất, tay chân như bị kinh phong rồi bà con xúm lại lạy chết bỏ, miệng dạ thưa cô,..., làm mình sợ, chạy ra sân chơi với mấy đứa trẻ khác, có mẹ đang lên đồng. Sân có cái trang nhỏ thờ ai đó cũng không nhớ, đối diện ngay chính điện của cái am còn bên phải thì có cái chòi đựng phân bón để làm vườn, ruồi nhặn nhất là ruồi xanh to như con ong bay loạn xạ.
Mình nhớ có mấy ông đánh đàn như dượng Vĩnh Tường, chồng dì Mến, khi xưa cũng giúp việc với mẹ mình cho gia đình ông bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân. Có lẻ vì vậy mà lớn lên mình vẫn thích nghe nhạc cổ truyền Việt Nam. Chỉ tội là phải nghe lén vì mụ vợ không cho nghe.
Mình có kể dài về vụ rước Thánh Mẫu rồi. Ai tò mò thì tìm trên bờ lốc Muctimsonden.com
Xong om
Nhs