Làn Sóng (Die Welle)

Hôm qua đồng chí gái đi shopping nên nằm nhà coi một phim Đức  "Die Welle ". Không hiểu tại sao mình lại thích nước Đức và đức ngữ, có lẻ lịch sử của họ tương tự Việt Nam? Bị chia đôi sau đệ nhị thế chiến, trong lịch sử của họ hay đánh nhau ít khi có thái bình như lịch sử Việt Nam. Chỉ khác nhau là nước họ giàu còn VN và Cuba chỉ làm lính canh gác cho thế giới ngủ như ông lãnh đạo nào tuyên bố ở Cuba. 

Dạo ở Âu Châu mình thích xem phim của các đạo diễn như Rainer Fassbinder, Wim Wenders, Hector Werzot,... Gần đây mình có coi cuốn phim Das Leben Die Anderen, kể về thời Đông Đức với mật vụ Stasi, khiến mình rùng mình khi nghe NSA nghe ngóng dân chúng bên Mỹ. Ra đường, khắp nơi ngay các ngã tư đều có camera thu hình 24/24.

Ngày nay, chúng ta thấy các chính phủ cực hữu được bầu tai Âu châu, Á Căn Đình,…như để chống trả lại các nước độc tài cộng sản trên thế giới. Mình xem cuộc phỏng vấn của ông Tân thủ tướng xứ Hoà Lan, kêu mấy người theo Hồi Giáo, cứ đi chỗ khác. Lịch sử nhân loại đang quay về ở đầu thế kỷ 20. Dân chúng trên thế giới không còn theo khái niệm dân chủ, ai mà nói khác ý của mình được duyệt vào thành phần phản động, kỳ thị chủng tộc.

Phim "Die Welle" được làm theo một trường hợp có thật trong một lớp học về môn "Lịch sử thế giới" được dạy ở lớp 10 ở trường trung học Cubberley ở Palo Alto, tiểu bang Cali. Câu chuyện khởi đầu bằng câu hỏi của một học sinh là tại sao người dân Đức ngày nay từ chối, nói không biết về những tội ác của cha ông họ khi xưa như tiêu diệt 6 triệu dân gốc Do Thái ở Âu Châu,...khiến ông thầy Ron Jones thử nghiệm một cách dạy trong một tuần để tìm ra lý do tại sao người dân Đức chối bỏ là mình không có dính dáng gì đến 6 triệu người bị diệt chủng như con đà điểu trốn trong cát.


Ông ta khởi đầu bằng kỷ luật các học sinh, bảo phải gọi ông ta trong lớp bằng "ông Jones" và khi trả lời hay đặt câu hỏi thì phải đứng lên. Ông ta thay đổi chỗ ngồi, học sinh kém ngồi cạnh học sinh giỏi để có thể giúp đỡ lẫn nhau. Ông ta bắt học sinh trong lớp học phải giúp đỡ nhau, bận đồng phục, lấy tên cho phong trào là ”làn sóng thứ 3, có cách chào riêng... 

Sau vài ngày thì học sinh rất thích, cha mẹ thấy con tiến bộ và có nhiều học sinh lớp khác đổi sang để theo lớp này nhưng dần dần người ta thấy các học sinh lên án học sinh nào không tuân theo số đông, ai không bận đồng phục là bị loại khỏi lớp hay nhóm chơi với nhau tương tự như thời Đức quốc xã mà số đông lên án, quy tội cho người Do Thái,.. ông Jones cho cả lớp coi phim về Đức quốc xã, các trại diệt chủng... Rồi giải thích cuộc thử nghiệm tuần vừa qua tương tự xã hội Đức trước đệ nhị thế chiến và cuối cùng thì ông ta tuyên bố là lớp học chấm dứt. Có học sinh muốn giữ lại những cái hay của cuộc thử nghiệm nhưng ông thầy bảo; chúng ta không thể tách rời cái xấu của chủ nghĩa Phát -Xít (fascismo.)
Sau đó ông ta bị lên án nặng nề đã cho học sinh còn vị thành niên thử nghiệm lối dạy kiểu này. Trong phim thì có một tên học sinh hơi lạc loài, theo học lớp này nên anh ta có bạn nên bớt cô đơn và đã tự tử khi lớp học được giải tán. Ông thầy giáo Ron Jones kết luận là sau đó không ai chịu nhận mình là đã có theo học lớp của ông ta một tuần về làn sóng thứ 3 nhưng vài chục năm sau tình cờ ông gặp lại một học sinh cũ, nhắc đến một tuần lễ thử nghiệm làn sóng thứ 3.

Đạo diễn Đức dùng câu chuyện thật này để lồng vào trong trường học Đức hôm nay khá phức tạp vì có đủ loại thành phần; học sinh gốc Đông Đức Cộng sản, người Thổ Nhỉ Kỳ di dân và người Tây Đức. Giới trẻ Đức mất hướng đi cho tương lai vì nạn sì ke, sinh lý,...năm ngoái gia đình mình có nhận một cô con gái Đức của người bạn sang học 6 tháng. Gia đình cô này nuôi thằng con mình trong thời gian cháu ở bên Đức. Cô ta nói rằng rất thích nước Mỹ vì vào học hay trước khi tranh tài thể thao là chào quốc kỳ, trong khi nước Đức thì không. Mình giải thích là nước Đức mới thống nhất, độc lập trên hai mươi năm nay nên khi chào quốc kỳ hay hát quốc ca thì không biết treo cờ Đông Đức hay Tây Đức? 
Tương tự như dạo mình ở Anh quốc, mỗi lần có sinh hoạt Cộng đồng người VN thì có vấn đề lá cờ và quốc ca vì giới vượt biên đi từ Hải Phòng sang Hong Kong khá đông mà họ thì chỉ biết hát tiếng Quân ca của Văn Cao hay chào cờ đỏ sao vàng còn dân đi từ miền Nam thì không chịu chào cờ đỏ nên cuối cùng đi đến thỏa hiệp là không hát quốc ca, không chào cờ. Gần đây mình thấy trên mạng bên Đức, kiều bào VN đi biểu tình chống Trường Sa thì vừa thấy có cờ ba sọc vừa thấy cờ sao.

Trong phim tài liệu nói về tập đoàn mafia đỏ do nhóm ông Putin lãnh đạo đã ám sát ông Alexander Litvichenko, một cựu nhân viên của công an Nga đã lên án nhóm KGB cũ đã giết chết dân Chechen, tạo ra cuộc nội chiến để nhóm này lên cầm quyền. Ông này tị nạn ở Anh quốc và bị đầu độc khi uống trà bỏ polonium 210 do một cựu đồng nghiệp được phái tới Anh và chết 3 tuần sau đó. Người làm phim có phỏng vấn ông André Glucksmann, một trong những trí thức hàng đầu của Pháp, bênh vực người Việt tị nạn. Ông này nói: "nếu ta lặng câm là đồng loã với tội ác".

Người Việt khi mới rời khỏi nước thì còn có nhớ chút gì về VN, những người còn ở lại nhưng dần dần những hình ảnh mà mình đã từng chứng kiến khi còn ở quê nhà đã phai mờ. Có người về VN như áo gấm về làng, hân hoan trong sự thèm thuồng của những người quen còn ở lại và tuyên bố tôi không làm chính trị. Trong tâm tư họ biết sự chọn lựa hằng ngày; ăn gà hay ăn thịt đã là một hành động chính trị. 

Như thể mấy trăm ngàn người theo đạo hồi giáo chết tại Dafur không làm những người Tây phương xúc động. Theo họ có thể những người theo đạo hồi giáo bị sát hại bởi người hồi giáo không có gì khác lạ nhưng họ sẽ phẩn nộ khi một người theo Thiên chúa giáo bị sát hại bởi các tên cuồng tín hồi giáo. Khi những người hồi giáo chống trả quân đội nga chiếm đóng Á Phú Hãn thì họ gọi là những chiến sĩ Tự Do nhưng khi đám này không muốn bị họ sai khiến như Hồng quân Liên Sô thì họ gọi là khủng bố.   
Những hình ảnh người dân vô tội Palestine bị bom đạn của Do Thái dập ngày đêm như ngày nào, chỉ có vài tiếng nói lên tiếng, xuống đường biểu tình nhưng ít được truyền thông nhắc đến. Có vài người trong các đại học lên tiếng thì bị cúp tiền bảo trợ, kêu gọi tẩy chay và từ chức. Anh kêu gọi đi nhà thờ để học hỏi tình thương của chúa, nhưng anh đồng lõa với binh lính Do Thái dập bom.

Hè năm 1982, mới ra trường nên mình đi chơi khắp nơi thì có gặp một tên người liban, hắn nói chuyện mấy tiếng đồng hồ với mình về ước mơ hoà bình,...về tổng thống mới của nước hắn Gemayel, theo Thiên chúa giáo thì mấy tháng sau ông này bị ám sát chết. Trong một đêm lính phalangist thuộc nhóm Thiên chúa giáo tràn vào hai trại tị nạn của người Palestine Sabra và Chatila, giết hại trên 3,000 người tị nạn, hảm hiếp phụ nữ rồi giết trong sự chứng kiến đồng loã của quân đội Do Thái. Đó là lần đầu tiên mình nghe đến diệt chủng sau này có Kosovo,...nên khó có thể nói câu tôi không làm chính trị vì mình biết nếu không lên tíếng, mình sẽ là đồng loã cho cái ác.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn